CHẤT THƠ TRONG KỊCH LƯU QUANG VŨ
GS.TS. Lê Thị Hoài Phương
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam
Thấm thoắt thế mà đã gần ba mươi năm kể từ ngày nhà thơ, nhà viết kịch
tài ba Lưu Quang Vũ (1948 – 1988) ra đi vào "cõi nhớ" của hàng triệu
khán giả yêu mến sân khấu. Anh ra đi, nhưng sự nghiệp của anh, những đứa
con tinh thần của anh vẫn còn đó với chúng ta. Vâng, ngần ấy năm qua đi
với biết bao bộn bề của cuộc sống, biết bao vấn đề mới lại nảy sinh
khiến văn học nghệ thuật phải quan tâm và phản ánh. Dẫu những vở kịch
của anh có được trình diễn thưa hơn âu cũng là việc thường tình và hợp
quy luật. Nhưng điều đó hoàn toàn không có nghĩa là chúng đã bị quên
lãng, chỉ có ý nghĩa nhất thời đối với cuộc sống. Đằng sau cái ý nghĩa
mang tính thời sự, nhất thời của đề tài, kịch của Lưu Quang Vũ nêu ra
những vấn đề gắn liền với những giá trị tinh thần có ý nghĩa bền lâu,
trường tồn như độ trường tồn của nhân loại, đó là những vấn đề về đạo
lý, về phép ứng xử giữa con người với con người, là những trăn trở về
hạnh phúc, về lòng tốt, về lẽ sống và cái chết ở đời. Bởi thế, những tác
phẩm của anh mãi mãi còn lại với chúng ta, và nhiều vấn đề mà tác giả
đưa ra sẽ còn mãi là điều để ta suy ngẫm và chiêm nghiệm.
Trước khi trở thành nhà viết kịch nổi tiếng Lưu Quang Vũ đã được nhiều
người mến mộ như một nhà thơ, nhà văn. Đến khi bước hẳn sang lĩnh vực
sân khấu, sáng tác kịch bản, thì anh đã dành toàn bộ tâm hồn thơ, tài
năng thơ của mình cho kịch, gửi gắm nó vào những lớp, những cảnh, và
nhiều hơn cả là ở những hình tượng nhân vật kịch.
Đọc kịch hay xem kịch Lưu Quang Vũ đâu đâu ta cũng cảm nhận được chất
thơ, khi man mác nhè nhẹ, lúc ý nhị duyên dáng, lúc hiển hiện tươi tắn.
Vâng, đó là cảm nhận. Nhưng để nắm bắt được, chỉ ra được đến tận ngọn
nguồn của chất thơ ấy thật không đơn giản. Có lẽ vì bản thân khái niệm
chất thơ đã khó xác định thành văn. Nhà triết học và mỹ học Đức
Schellingđã viết: "Chất thơ, trong mối tương quan với nghệ thuật, là đặc
tính của hiện thực, chứ không phải là kết quả của hoạt động của người
nghệ sỹ" (1). Như vậy, theo Schelling, chất thơ là phẩm chất của hiện
thực mà người nghệ sỹ nhận biết được và đem giới thiệu với khán, độc giả
của mình. Chất thơ yêu cầu ở người nghệ sỹ sự nhạy cảm đặc biệt đối với
cuộc sống hiện thực. Thường thì chất thơ không biểu hiện rõ rệt, cũng
không phải đập ngay vào mắt của chúng ta để ai cũng nhìn thấy được. Thêm
nữa, chất thơ không phải là cái gì đó được cố tình nhấn mạnh, mà nó xuất
hiện dường như là biểu hiện bất ngờ của cuộc sống. Vai trò của người
nghệ sỹ là khám phá ra được chất thơ ấy. Nhưng, cũng là người sáng tạo,
nhưng không phải ở tác giả nào ta cũng tìm thấy chất thơ trong các tác
phẩm của họ, nó có thể có ít ở người này và nhiều ở người kia, nó có thể
đạt đến độ cao, đậm đặc ở tác phẩm này và chỉ thoang thoảng ở tác phẩm
nọ. Điều đó khẳng định rằng, để phát hiện được chất thơ của cuộc sống,
biến nó thành chất thơ của tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi người nghệ sỹ
cần đặc biệt nhạy cảm trước mọi vấn đề của cuộc sống xã hội, phải có
khiếu thẩm mỹ tinh tế, tóm lại, cũng cần có một tâm hồn rất thơ. Hai yếu
tố là chất thơ của hiện thực kết hợp với tâm hồn thơ của tác giả sẽ đem
lại cho tác phẩm nhựa sống tươi nguyên, thổi vào đó hồn thơ sinh động.
Những tác phẩm kịch của Lưu Quang Vũ chính là sự kết hợp chặt chẽ, là
điểm hội tụ của hai yếu tố cơ bản ấy.
Một tâm hồn thơ, một trái tim mẫn cảm
Thành công của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ được giải thích trước hết ở
cái mẫn cảm nghệ thuật của người nghệ sỹ. Hiện thực cuộc sống vô cùng
bao la, phong phú, nó thử thách tài năng của người sáng tạo. Là người
mẫn cảm, tinh nhạy thì sẽ phát hiện được cái mới, cái độc đáo của cuộc
sống. Lưu Quang Vũ là một người như thế. Điều may mắn cho anh là cuộc
sống xã hội - chính trị Việt Nam những năm 80 của thế kỷ XX có đầy biến
động, tiềm ẩn bên trong nó nhiều yếu tố mới mẻ đang lên. Hiện thực đầy
tính kịch, tính xung đột giữa cái cũ lạc hậu, trì trệ với cái tiến bộ
đòi hỏi phải đổi mới, là miếng đất màu mỡ cho anh những chất liệu tươi
nguyên. Ngòi bút Lưu Quang Vũ đã xông vào hầu hết các ngõ ngách của cuộc
sống, cũng như ngõ ngách tâm hồn của con người Việt Nam
đương thời. Anh không hạn chế mình vào loại đề tài nhất định
nào, bởi đâu đâu anh cũng phát hiện ra vấn đề thiết yếu để phản ánh, để
bàn luận. Có người đã tổng kết vui là kịch của Lưu Quang Vũ "đụng chạm"
đến mười tám ngành nghề khác nhau.
Những vở kịch của Lưu Quang Vũ được đông đảo mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi
đón nhận vì kịch của anh đề cập đến những vấn đề rất đời thường, rất gần
gũi. Người xem nhiều khi thấy thấp thoáng đâu đó trong những nhân vật
kịch là hình bóng của mình, của những người thân hay bạn bè. Mà tác giả
lại nói rất đúng, rất trúng những suy nghĩ, những tâm tư tình cảm của
họ. Nét mới trong kịch và cũng là đóng góp của Lưu Quang Vũ là ở chỗ anh
không chỉ xem xét các vấn đề xã hội như các vấn đề của cuộc đấu tranh vì
cuộc sống mới, mà còn như các vấn đề về sự thử thách mang tính chất đạo
lý, về những cảm xúc tâm lý bên trong của các nhân vật. Thử điểm lại một
loạt vở đề tài hoàn toàn hiện đại như: “Tôi và chúng ta”, “Nếu anh không
đốt lửa”, “Nguồn sáng trong đời”, “Người tốt nhà số 5”, “Cô gái đội mũ
nồi xám”, “Bệnh sĩ”, v.v... ta thấy tác giả đề cập đến những vấn đề
chính trị - xã hội hết sức nóng bỏng, mới mẻ; nhưng liền với chúng là
những vấn đề cơ bản, có tính chất vĩnh cửu, liên quan đến hành vi đạo
đức của con người, bàn về hạnh phúc, và thể hiện những cung bậc tâm lý
con người. Ngay cả ở những vở xây dựng từ chất liệu dân gian, dã sử,
bằng bút pháp không phải là tả thực như ở các vở hiện đại, mà sử dụng
các yếu tố viễn tưởng, tưởng tượng phóng khoáng hay tượng trưng, biểu
tượng như các vở: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Ông vua hóa hổ”, “Hoa
cúc xanh trên đầm lầy”... thì cái đích cuối cùng là chuyển tải những vấn
đề mang ý nghĩa rất hiện đại, về cái thiện và cái ác, về lẽ sống và cái
chết, về tình yêu và nghĩa vụ, v.v...
Một tấm lòng nhân ái với nhân vật, với cuộc đời
Đã có rất nhiều người xem nhận rõ chất thơ trong những lời kịch của Lưu
Quang Vũ. Các nhân vật của anh nói - đối thoại và độc thoại bằng thứ
ngôn ngữ súc tích, đa nghĩa, nhiều hình ảnh và lấp lánh như lời
thơ. Đó
là những biểu hiện rất rõ về sự phong phú của chất thơ trong kịch Lưu
Quang Vũ. Nhưng cái chúng tôi muốn tìm rộng lớn hơn, bao quát hơn, là
ngọn nguồn mà từ đó chất thơ ấy chảy ra, lan toả ra. Và nếu có thể khái
quát thì, theo chúng tôi, chất thơ của những tác phẩm kịch Lưu Quang Vũ
bắt nguồn từ cách nhìn tươi mới, cách phát hiện mới của tác giả đối với
hiện thực. Điều đó lý giải tại sao những đề tài trong kịch Lưu Quang Vũ
gắn liền với cuộc sống đời thường nhưng dưới ngọn bút của anh những điều
có vẻ bình thường nhất, đời thường nhất cũng trở nên rất thơ, chứa đầy
chất thơ.
Để hình thành nên nội dung tác phẩm nghệ thuật cần có hai yếu tố cơ bản:
sự nhận thức nghệ thuật và sự đánh giá nghệ thuật dưới góc độ thế giới
quan của tác giả. Đóng góp mới mẻ thứ hai của Lưu Quang Vũ, theo chúng
tôi, chính là nguồn cảm hứng chủ đạo tạo nên chất thơ trong các tác phẩm
của anh, là cách nhìn nhận và đánh giá rất mới của tác giả đối với các
vấn đề của hiện thực. Cơ sở của sự đánh giá trong một tác phẩm nghệ
thuật thường là nằm ở và thông qua nhân vật chính diện (nhân vật lý
tưởng). Chất thơ trong kịch Lưu Quang Vũ thể hiện rất rõ trong những
nhân vật của anh. Thời gian trôi đi, rồi người xem có thể quên đi những
sự việc cụ thể, những chi tiết, tình tiết trong các vở kịch của Lưu
Quang Vũ mà họ đã hằng rất yêu thích, nhưng chắc chắn rằng anh đã để lại
nhiều hình tượng nhân vật không thể quên. Đó là cô Trâm khát khao đi tìm
hạnh phúc trong vở “Cô gái đội mũ nồi xám”, là kỹ sư Hoàng Việt trong vở
“Tôi và chúng ta”, là giám đốc Định trong vở “Nếu anh không đốt lửa” -
họ là những con người tiêu biểu cho cái mới đang phôi thai, đang nảy mầm
trong cuộc sống. Đó còn là Hiệp trong vở “Người tốt nhà số 5”, là kỹ sư
xây dựng Toàn và những người khác trong vở “Nguồn sáng trong đời”, là
ông Trương Ba trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, v.v... Những vở
kịch của Lưu Quang Vũ thấm đẫm chất nhân ái của nhân vật đối với cuộc
đời. Đó chính là xuất phát từ chất nhân ái của tác giả đối với các nhân
vật của mình, những người mà đối với anh chỉ có tốt và chưa đủ tốt,
không đơn giản hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu...
Lưu Quang Vũ không những viết về các nhân vật chính rất hay, mà cả các
nhân vật phụ cũng được anh miêu tả rất tươi tắn, hấp dẫn, đáng yêu. Ví
dụ như ông Quých trong vở “Tôi và chúng ta”, ông Nhài Quạt và anh Lác
trong vở “Nguồn sáng trong đời”, anh câu cá trộm và anh bán thuốc đánh
răng giả trong vở “Cô gái đội mũ nồi xám”, anh chơi xổ số trong vở “Hoa
cúc xanh trên đầm lầy”, v.v... Viết về các nhân vật chính diện, về những
con người tốt rất đáng yêu đã đành, nhưng cả khi viết về những người
chưa tốt Lưu Quang Vũ cũng không thể "ác" được đối với nhân vật. Anh
không có ý trách móc những người sống ở ngôi nhà số 5 (vở “Người tốt nhà
số 5”) khi họ đuổi Hiệp đi, thậm chí họ thật đáng thương, đáng được
thông cảm, khi Hiệp đã bỏ đi rồi họ mới cảm thấy thiếu anh ta, thiếu cái
tốt của anh ta. Trong lời thú nhận của họ: "Chúng ta không đủ tốt để
sống với anh ta, và anh ấy không đủ xấu để ở lại với chúng ta" chứa đựng
nỗi khát vọng hướng thiện, khiến ta vừa buồn, vừa vui cho các nhân vật
kịch. Chất thơ ở đây như mạch ngầm chảy dưới bề mặt diễn biến của sự
việc.
Những nhân vật kịch của Lưu Quang Vũ là loại nhân vật phức tạp, họ không
hẳn tốt, không hẳn xấu trăm phần trăm. Họ sinh ra, tồn tại và hoạt động
đúng như những điều kiện lịch sử - xã hội sản sinh và quy định. Đây cũng
là một nét đặc trưng mới của văn học nghệ thuật hiện thực nói chung ở
thời đại hôm nay.
Ở
Lưu Quang Vũ hầu hết các nhân vật là hướng thiện, là khao khát cái tốt.
Ngay cả cô vợ anh hàng thịt (trong vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”) sau
khi đã gặp ông Trương Ba rồi (trong cái xác của anh chồng vừa mới chết),
tức là đã gặp cái tốt rồi thì không chấp nhận cái xấu nữa, không muốn
quay lại với cái xấu nữa.
Mỗi vở kịch của Lưu Quang Vũ là một phát hiện vấn đề mới, hoặc cách nhìn
mới về vấn đề nêu ra trong đó. Ở vở “Cô gái đội mũ nồi xám” anh bàn về
hạnh phúc, về con đường đi tìm hạnh phúc, về ước mơ cao xa của con người
và hiện thực để thực hiện ước mơ ấy; hiện thực không phải bao giờ cũng
suôn sẻ như ý muốn, nhưng cái chính là phải biết dám nghĩ, dám làm những
điều người khác không dám làm. ở vở “Tôi và chúng ta”, hay vở “Nếu anh
không đốt lửa” anh đã dám nói những điều mà nhiều người lúc đó không dám
nói vì chúng đụng chạm đến cả một cơ chế khi bàn về vấn đề tương quan
giữa quyền lợi và nghĩa vụ của con người, vạch rõ cái nguy hiểm của chế
độ bao cấp, nhất là bao cấp về trí tuệ, vì nó là lực cản của sự phát
triển kinh tế, xã hội.
Nhà triết học Đức Kant khi bàn về đạo đức có viết: "Một hành vi đạo đức
là hành vi mà trong phạm vi của nó con người là mục đích, chứ không phải
là phương tiện" (2). Luận điểm tiến bộ nổi tiếng này của Kant rất gần
gũi với Lưu Quang Vũ khi trong các tác phẩm của mình anh cũng thể hiện
rõ quan niệm: con người cần phải trả lại cho mình cái ý nghĩa là mục
đích xã hội, chứ không phải là phương tiện sản xuất; điều này chỉ thực
hiện được khi con người là khối thống nhất thực sự giữa mục đích mang
tính người chân chính và hành vi đạo đức. Tác giả cho thấy rằng đây là
nhiệm vụ trung tâm, là cái đích cần phải đi tới của thế giới mới; nhưng
anh cũng chỉ ra trong những tác phẩm kịch của mình rằng con đường thực
hiện là hết sức khó khăn. Mâu thuẫn giữa một bên là những khát vọng,
những ước mơ mang tính lý tưởng, với một bên là hiện thực chông gai để
thực hiện lý tưởng đã tạo nên những hình tượng nhân vật sinh động, đẹp
đẽ. Chính lúc đó chất thơ toả sáng.
Trong một tác phẩm văn học nghệ thuật chất thơ liên quan chặt chẽ với
khái niệm về vai trò đặc biệt của khởi nguyên tinh thần. Tinh thần - đó
là một phẩm chất, một đặc tính định hướng của sức sáng tạo nghệ thuật, ở
đó những ranh giới giữa cái có thể và cái không thể bị xoá nhòa. Vì vậy,
chất thơ, về nhiều phương diện, được hình thành từ trí tưởng tượng phóng
khoáng, bay bổng (fantaisie), nhiều khi là sản phẩm trực tiếp từ sự
tưởng tượng bay bổng, phóng khoáng ấy. Bởi vì trong sự sáng tạo của
tưởng tượng bay bổng thì cái không thể cũng biến thành cái có thể, nói
cách khác, không có gì là không thể. Sự tưởng tượng bay bổng, phóng
khoáng (fantaisie) đã vượt qua cái giới hạn lý tính của không gian và
thời gian, nhường chỗ cho sự mặc sức sáng tạo của không gian, thời gian
mang cảm tính. (Chính vì thế mà sân khấu chỉ cần mấy chục thước vuông có
thể miêu tả cả một trận đánh lớn, có thể miêu tả những khoảng cách hàng
nghìn dặm, hay độ dài thời gian hàng thế kỷ...) Tóm lại, fantaisie có
thể biến những điều nằm trong tiềm thức thành những cái hiện hữu. Cái
bay bổng của sự tưởng tượng phóng khoáng đã sản sinh ra chất thơ của
hình tượng nghệ thuật. ở nhiều vở của Lưu Quang Vũ, đặc biệt là những vở
xây dựng từ chất liệu dân gian, nơi vận dụng đến cao độ sự tưởng tượng
như các vở “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”,
“Người trong cõi nhớ”, “Ông vua hóa hổ”... chất thơ đã đạt đến mức độ
cao và đậm đặc, đã làm nên giá trị đặc biệt hấp dẫn của những vở này.
Còn ở nhiều vở khác chất thơ lại được biểu hiện như mạch ý ngầm chảy bên
trong tác phẩm, khiến ta nhiều khi phải dừng lại để suy ngẫm mới cảm
nhận hết được. Ví dụ như ở vở “Người tốt nhà số 5”, hình như chất thơ
chứa trong mình nó mối quan hệ nhân - quả. Nhân vật Hiệp rất tốt, tốt
đến nỗi lòng tốt của anh ta trở thành điều không thể chịu nổi đối với
những người cùng sống, đồng thời sự biến mất của anh ta biến thành nỗi
trống trải, thiếu hụt đối với họ. ở đây chất thơ dường như có thể thay
thế những phẩm chất rất cần thiết đối với con người trong cuộc sống, nó
là thước đo của tính tích cực này hay sự hoàn thiện kia, là những điều
rất cần thiết, nhưng đồng thời là không hiện hữu hay khó thực hiện. Vì
thế, chất thơ ở đây là con đường hướng tới lý tưởng mà con người mong
muốn đi tới, nhưng dường như không bao giờ vượt qua. Có lẽ vì thế mà
chất thơ luôn luôn là mục đích của một tác phẩm nghệ thuật chân chính.
Chất thơ của một bút
pháp hiện đại
Điểm mới nữa trong đóng góp cho sân khấu Việt Nam của Lưu Quang Vũ là
thi pháp sáng tác của anh, mà ở đó thể hiện rất rõ chất thơ của một bút
pháp hiện đại. Lưu Quang Vũ là người sáng tác từ nửa sau thế kỷ
XX.
Anh lại là một tác giả của Việt Nam, nơi mà phương pháp sáng tác Hiện
thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác chủ đạo của người nghệ sỹ.
Chủ nghĩa Hiện thực ở thế kỷ XX không chỉ đưa ra nguyên tắc miêu tả hiện
thực là sự tái tạo chính xác hiện thực; Chủ nghĩa Hiện thực thế kỷ XX có
mối quan hệ tự do hơn, phóng khoáng hơn đối với thế giới so với Chủ
nghĩa Hiện thực ở thế kỷ XIX.
Ở nhiều phương diện, khuynh hướng sáng tác của Lưu
Quang Vũ phù hợp với những khuynh hướng chung của nghệ thuật sân khấu
hiện đại. Anh đã hoà nhập vào dòng chảy độc đáo của Chủ nghĩa Hiện thực
thế kỷ XX, mà khuynh hướng chung của dòng chảy ấy là sự kết hợp giữa một
bên là thứ nghệ thuật rất thanh cao, tinh tế với một bên là thứ ngôn ngữ
biểu hiện dân gian rất giản dị, thậm chí là nguyên sơ. Thi pháp của Lưu
Quang Vũ chính là sự kết hợp phóng khoáng giữa chất truyền thống Việt
Nam với chất hiện đại, giữa chất dân gian Việt Nam với những tìm tòi mới
mẻ của nghệ thuật sân khấu thế giới. Cấu trúc kịch của Lưu Quang Vũ là
cấu trúc của sân khấu tự sự với lối kể chuyện mạch lạc, có đầu có đuôi;
không gian và thời gian sân khấu cũng hết sức tự do, phóng khoáng. Về
thể loại, anh không phân biệt rạch ròi và câu nệ thể bi kịch hay hài
kịch.
Ở vở nào ta cũng thấy những pha, những cảnh hay các
nhân vật có tính hài hước - thứ hài hước dí dỏm, thông minh rất ý nhị,
đầy cái duyên dân gian Việt Nam. Điều này biểu hiện tập trung, như chúng
tôi đã nói ở trên, đặc biệt ở ngôn ngữ nhân vật.
Kịch của Lưu Quang Vũ không phải là loại kịch luận đề. Mặc dù ý đồ của
tác giả và ý nghĩa giáo dục của tác phẩm là rất rõ, nhưng tất cả những
vấn đề tác giả nêu ra đã được trình bày, nói đúng hơn là dường như chúng
tự xảy ra, một cách tự nhiên như chúng phải xảy ra, và tự bản thân các
sự kiện, các diễn biến nói lên điều mà tác giả muốn gửi gắm. Chính vì
vậy, kịch của Lưu Quang Vũ không những đọc hay, mà càng đưa lên sàn dàn
dựng càng hay, càng thể hiện rõ tính gợi mở cho đạo diễn và diễn viên
sáng tạo. Theo chúng tôi, một trong những nguyên nhân làm nên thành
công ấy chính là ở thế mạnh của chất thơ tiềm ẩn trong mỗi vở kịch của
anh.
Nhà văn Nga nổi tiếng Nabokov có định nghĩa thế này về chất thơ: "Chất
thơ - đó là điều không thuận lý được biểu hiện bằng những lời thuận lý"
(3). Kịch của Lưu Quang Vũ đã nói bằng thứ ngôn ngữ sân khấu rất tự
nhiên, phóng khoáng, rất hợp tình, hợp lý nên đã dễ dàng đi vào lòng
người, thuyết phục được trí tuệ , bởi tác giả đã nói được những điều vốn
là suy nghĩ, là trăn trở, là ước nguyện của rất nhiều người. Và tôi gọi
đấy là chất thơ trong kịch Lưu Quang Vũ.
Dẫu trong nhiều năm qua sân khấu chúng ta có nhiều vở mới,
nhiều sự kiện mới, nhưng mỗi khi nhắc tới Lưu Quang Vũ và xem kịch Lưu
Quang Vũ thì cả những người trong giới sân khấu lẫn khán giả vẫn không
khỏi bâng khuâng, háo hức, và chờ mong những giây phút được khóc, được
cười với những nhân vật trong các vở kịch của Lưu Quang Vũ như “Lời thề
thứ 9”, “Tin ở hoa hồng”, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, v.v... Hôm nay,
khi đất nước Việt Nam đang hội nhập với thế giới bước vào thời đại của
cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, được xem vở “Hoa cúc xanh trên đầm lầy”
do Nhà hát Tuổi trẻ trình diễn mà Lưu Quang Vũ sáng tác cách đây hơn 30
năm, càng thêm thán phục tài năng Lưu Quang Vũ, một kịch tác giả Việt
Nam đã có những dự cảm và trí tưởng tượng đi trước thời đại...
Những giá trị nhân văn sâu sắc và giá trị nghệ thuật đẹp đẽ mà Lưu Quang
Vũ đã cống hiến cho sân khấu đã làm nên sức sống bền lâu của kịch Lưu
Quang Vũ và chúng sẽ còn mãi với thời gian./.
Chú thích:
1. Schelling, Friedrich Wilhelm Joseph. Triết học nghệ thuật. Moscow,
1966. (Bản tiếng Nga)
2. Kant I. Phê bình trí tuệ thực hành. St. Petersburg, 1995. (Bản tiếng
Nga)
3. Nabokov. Tiểu thuyết. Truyện ngắn. Tiểu luận. St. Petersburg, 1993.
(Bản tiếng Nga)
|