Bánh Mì Rao
Lê Văn Nghĩa
Những ngày xã hội giãn cách để chống lại Covid 19, con đường trước mặt
nhà tôi im ắng một cách vắng ngắt. Nhà tôi ở gần một trường học trong
một khu phố. Hàng ngày lúc còn nằm trên giường, tôi bị đánh thức từ
những tiếng xe chạy thưa thớt và rồi là một tiếng rao chát chúa, từ cái
loa phóng thanh điện. Tôi ghét
tiếng rao nầy nhất. Một tiếng rao của một nữ nhân miền ngoài nào đó
không âm điệu, như xuyên vào lỗ tai người nghe. “Bánh mì đặc ruột, bánh
mì nóng đây”. Vẫn cứ một
giọng như thế. Cứ khỏang nửa tiếng là lại có tiếng rao “Bánh mì đặc
ruột, bánh mì nóng đây…”
Trong suốt 19 ngày hôm nay, nhất là ngày đầu. Buổi sáng, bỗng dưng tôi
thức dậy sớm, không gian như rơi vào cõi thinh không. Không nghe một
tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào. Chẳng nghe những
tiếng xe bán thức ăn cho học sinh lách ca, lách cách tiếng bánh xe đẩy
trên đường. Đường hẻm khu phố tôi, vốn đã quen với tiếng động ầm ĩ hàng
ngày (không muốn quen cũng không được) bây giờ như đang nằm ngủ. Tất cả
đều ngủ. Im. Không một tiếng ngáy. Chưa bao giờ âm thanh lại đi vắng một
cách lạnh lùng như thế. Có thể nói là tôi dễ chịu không? Chưa hẳn.
Nhưng lúc đó, tôi nghe như cả khu xóm bừng tỉnh, như cuộc sống đã trở
lại khi từ xe nghe tiếng rao từ
chiếc loa điện “Bánh mì nóng đây, bánh mì đặc ruột đây…”. Vẫn cái giọng
đó, vẫn tiếng rao qua loa điện đó nhưng sao lại ấm áp, dễ chịu kỳ cục.
Không hiểu được. Tôi
mở cửa, kêu “bánh mì”. Từ xa, chiếc xe điện chạy lại. Tôi chưng hửng.
Trên chiếc xe đạp điện, phía sau là một cần xé to là một nam thanh niên
che kín mặt chứ không phải là phụ nữ như tôi nghĩ. Sau khi mua hai ổ
bánh mì, tôi hỏi chuyện cậu bán bánh thì mới biết là khi lãnh bán bánh
mì cho lò nầy thì được cấp không một cái loa điện để rao cho thiên hạ bể
lỗ tai chơi. Tất nhiên chiếc xe điện thì phải mua rồi. Bây
giờ, tôi mới vở lẽ, đây là
một chiêu trò câu khách của một lò bánh mì điện, nhờ chiếc loa và xe đạp
điện của người “phân phối” mà bánh mì đi khắp thành phố như “Keo dính
chuột, keo dính chuột của sở…” mà ta thường nghe chói chang vào giờ con
chuột đi trốn. Các lò bánh mì bây giờ, khác các lò bánh mì ngày trước
chỉ biết truyền miệng , nhờ sản phẩm ngon và đăng quảng cáo tưng bừng
trên các báo, đại loại như “Vĩnh
Thái tiệm bánh mì 271 Paul Blanchy Tân Định. Bổn hiệu vừa mở ra một tiệm
nhánh tại Phú Nhuận, số 139 Paul Blanchy Prolongée. Chúng tôi dùng toàn
là bột mì tốt mà làm bánh mì thì tự nhiên bánh phải ngon, để lâu không
cứng và cũng chẳng chua. Bánh mì mới ra lò có hàng ngày, sớm mai từ 5
giờ đến 9 giờ, chiều lúc 2 giờ.”(Báo Sài Thành xuân 1932). Nhờ
quảng cáo mà có người còn nhớ đến tiệm bánh mì Miche
vào năm xa lắc, xa lơ …1877.
Thời ấy đạo quân viễn chinh Pháp mới có mặt ở Sài Gòn nên bánh mì đi
theo để đáp ứng nhu cầu bao tử, như trong thơ của cụ Đồ Chiểu-người kiên
quyết không ăn bánh mì, bơ của bọn cướp nước “Sống
làm chi theo quân tà
đạo, quăng vùa hương, xô bàn độc, thấy lại thêm buồn.
Sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ”(Văn
Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc 1861). Miche không phải là tên ông chủ
mà là tên con đường Miche (nay là đường Phùng Khắc Khoan) mà ngôi nhà số
6 tọa lạc. Miche là một lò
bánh mì sản xuất quy mô và kỹ thuật cao thời kỳ đó chuyên cung cấp cho
bệnh viện Grall (nay là nhi đồng 2), cho các tiệm cơm tây và cho các
người mua nhỏ lẻ nữa. Tất
nhiên, bắc kỳ cũng có bánh mì, nhưng gọi đúng xuất xứ là bánh tây-bánh
của thằng tây. Bánh mì thoạt đầu chỉ sản xuất cho lính tây ăn nhưng rồi
từ từ nó trở nên phổ biến trong dân chúng. Từ tay người thợ Pháp, người
thợ bánh Việt Nam đã học hỏi chế biến tiến nhanh, tiến mạnh thành loại
bánh mì mà cậu“bánh mì đặc ruột” đang bán cho tôi đây. Người thợ vùng
nào chế biến thành loại bánh mì của vùng đó. Thí dụ bánh mì Hà Nội sẽ
khác bánh mì Sài Gòn, bánh mì Đà Nẳng. Cái nầy cũng do sự truyền
nghề từ xưa chứ chẳng có gì lớn lao. Dù khác nhau cỡ nào, nhưng bánh mì
ngày càng phổ biến trong thực đơn của người giàu cho tới người nghèo.
Đơn giản vì bánh mì vừa là món vô cùng rẻ tiền mà lại vô cùng dễ ăn.
Có tiền, ta ăn bánh mì pa ta gan ngỗng trét dầy, kẹp chả lụa,
thịt ba rọi bó xắt mỏng, xíu mại, cá. Khi nghèo chỉ cần bánh mì bì, mỡ
hành với nước mắm chua ngọt , bánh mì thịt bò nướng ngũ vị hương với
nước tương đen…Nhưng khi ăn bánh mì dạng nầy không thể không có “phụ
tùng” là dưa leo, hành, ngò
(rau mùi) và nhất là đồ chua làm bằng cà rốt và củ cải trắng. Thiếu đồ
chua coi như thiếu mất một vị ngon làm đậm đà hương vị của ổ bánh
mì.Thậm chí có khi tôi còn mua bánh mì không kẹp với đồ chua chan nước
tương-dù không phải là thiếu tiền để ăn một ổ bánh mì hoành tráng. Theo
tôi, chính những “phụ tùng” nầy làm nên hương vị bánh mì Sài Gòn. Lee’s
Sanwich ở Los (Mỹ), tiệm bánh mì tàu ở quận 13, đối diện siêu thị Tang
Frere (Paris), những tiệm bánh mì ở khu footcray (Sydney) …đều không thể
thiếu đồ chua trong ổ bánh mì. Người mua xác định những tiệm nầy bán
bánh mì có hương vị Sài Gòn. Ngoài ra bánh mì còn có thể dùng để …nhúng
vào nước lèo (nước dùng) hủ tíu, nước phở, nước bánh canh…hoặc chấm với
nước cà phê sữa, cà phê đen mà ngon lành là chấm với sữa đặc có đường,
khi đời héo thì còn chai nước tương cũng dễ đẩy bánh mì vào miệng.
Bánh mì có thể kẹp với chuối già. Cùng đời lắm thì ăn bánh mì
không mới ra lò cũng ngon.
Nhưng bây giờ, trong mùa cách ly vì thằng Convid-19, bánh mì lại làm ấm
không gian đang lạnh, đặc lại không gian đang loãng nhờ tiếng rao của
chiếc loa điện. Cậu bán bánh mì cho tôi biết mùa nầy cậu bán được lắm vì
người ta ngại đi ra đường ăn quán nên mua bánh mì về chiên hột gà, ăn
với đồ nguội, ăn với sữa hộp cho tiện…Vùa ấm lòng, vùa no bụng thôi cũng
tốt. Tiếng rao bánh mì là tiếng rao còn sót lại để kết nối, để xác định
cuộc sống, sự hiện diện của con người vẫn còn đó trong thành phố hiện
đại nhưng đầy im ắng vào những buổi sáng rực rỡ như trong mùa Covid. |