MẤY LỜI THƯA LẠI CÙNG GS NGUYỄN HUỆ CHI

Kiều Mai Sơn

1/ Mới đây, trong bài "Vài lời đáp lại ông Boristo Nguyen" đăng trên trang viet-studies, để trả lời bài viết "Thơ văn Lý - Trần – Nghĩ về “tư cách trí thức” (1) của GS. Nguyễn Huệ Chi" trên tuần báo Văn nghệ TP Hồ Chí Minh số 502, tác giả Boristo Nguyen; (http://tuanbaovannghetphcm.vn/tho-van-ly-tran-nghi-ve-tu-c…/) thì GS Nguyễn Huệ Chi có hạ bút rằng:

"Chẳng hạn ngay mở đầu ông [Boristo Nguyen - KMS] đã trình ra mấy lời tôi “tự khoe khoang” làm độc giả mất cảm tình, mà mấy lời đó chỉ là phản ứng tức thời của tôi viết trên Facebook của ông Sơn Kiều Mai nhằm chống lại dụng tâm của ông Sơn Kiều Mai mượn miệng ông Nguyễn Văn Hoàn (không biết thật hay giả) nói những lời mạt sát tôi về tư cách nhà nghiên cứu".

Tôi thấy cần phải có mấy lời thưa lại cùng GS Nguyễn Huệ Chi trước những dòng trên để bạn đọc được tỏ tường và GS Nguyễn Huệ Chi rộng lòng soi xét xem đây là chuyện thật hay giả.

Tôi công bố đầy đủ hơn, rộng rãi hơn cuộc trò chuyện với PGS Nguyễn Văn Hoàn xung quanh con người GS Nguyễn Huệ Chi. Tôi được nghe sao thì chép lại vậy chứ không có thêm mắm, thêm muối gì. Đây là một phần trong cuộc trò chuyện tôi ghi trong Nhật ký ngày 20/4/2014.

Tôi cũng xin nói rõ là Nhật ký ngày 20/4/2014 được tôi gỡ lại từ file ghi âm vì thế độ chính xác đến từng câu.

 

2/ Trước hết xin phác nhanh đôi dòng về tiểu sử PGS Nguyễn Văn Hoàn để bạn đọc được biết.

PGS Nguyễn Văn Hoàn nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn học (1980 – 1988), là thủ trưởng của GS Nguyễn Huệ Chi.

PGS Nguyễn Văn Hoàn sinh ngày 26/6/1931 tại xã Bắc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông qua đời ngày 17/6/2015 tại Hà Nội sau chuyến công tác từ Bắc Kinh về nước, hưởng thọ 85 tuổi.

Nguyễn Văn Hoàn tốt nghiệp Trường Dự bị Đại học Liên khu IV rồi Trường Sư phạm Cao cấp (1952 – 1953). Từ năm 1954 đến năm 1959, ông tham gia giảng dạy Văn học tại trường cấp 3 Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên), Trường Sư phạm Trung cấp Trung ương, Trường ĐHSP Hà Nội (1959 – 1962). Từ năm 1962, 1ông về công tác tại Viện Văn học, làm việc tại Phòng Văn học Việt Nam cổ cận đại (1962-1980), Phó Viện trưởng (1980-1988); Nghiên cứu viên cao cấp từ 1993 và nghỉ hưu năm 1999.

PGS Nguyễn Văn Hoàn là con rể GS Đặng Thai Mai (1902 – 1984), người bạn đời của ông là GS Đặng Thanh Lê (1932 – 2016), chuyên gia về Lịch sử Văn học trung đại và Truyện Kiều, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học Trường ĐHSP Hà Nội.

Tôi tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường ĐHSP Hà Nội, được tiếp xúc, làm việc với GS Đặng Thanh Lê và PGS Nguyễn Văn Hoàn từ năm 2006 nên tôi vẫn xưng gọi ông bà là thầy cô.

Năm 2014, tôi có đề nghị với PGS Nguyễn Văn Hoàn cho phép tôi ghi chuyện (tôi không dùng từ phỏng vấn) ĐỜI & NGHỀ của thầy. Thầy đồng ý, song hẹn tôi để đến hết năm 2015, khi ấy hoàn thành tổ chức kỷ niệm 250 năm sinh Nguyễn Du - mà thầy là Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam đang phải làm nhiều việc. Tiếc rằng ngày 17/6/2015 thầy ra đi đột ngột. Hai thầy trò chưa thực sự bắt đầu công việc.

Tuy nhiên, trước năm 2014 và xen giữa các tháng đến tháng 6 năm 2015, thi thoảng có việc tôi cần hỏi thầy, hoặc thầy cần tư liệu, thì tôi có vài lần được thầy cho gọi đến nhà. Thời gian này, thầy Hoàn và cô Lê đã cao tuổi, nhà không có người giúp việc, nhưng vẫn có những cán bộ trẻ trong trường ĐHSP Hà Nội tới giúp những việc chuyên môn. Người tôi hay gặp là Đặng Thế Anh khi đó là giáo viên của Trung tâm Việt Nam học. Ảnh kèm bài này do bạn Đặng Thế Anh chụp giúp tôi.

Dưới đây, tôi công bố toàn bộ phần trò chuyện của PGS Nguyễn Văn Hoàn về GS Nguyễn Huệ Chi ngày 20/4/2014 tại nhà riêng.

3/ Nhật ký - 10h, ngày 20/4/2014: PGS Nguyễn Văn Hoàn
Thầy cô mới đi Úc về.

PGS Nguyễn Văn Hoàn: Tôi có nhờ Nguyễn Bá Cường [hiện nay là Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm – KMS] tìm giúp cho cuốn “Kim Vân Kiều truyện” do cụ Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh dịch, do Nguyễn Đăng Na hiệu đính [Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, 2008 – KMS]. Tôi có nghe nói ông Nguyễn Đình Chú phản ứng là cho rằng Na không hiểu Hán cổ bằng ông bố vợ mình. Tôi có 1 bản gốc in ro-ne-o, sau tôi có cho Nguyễn Hữu Sơn [hiện nay là Phó Viện trưởng – KMS] ở Viện Văn học cho Nhà xuất bản Hải Phòng in.

KMS: Em có thắc mắc, trong bản in lần đầu năm 1959, đề: Nguyễn Khắc Hanh – Nguyễn Đức Vân dịch, sau này bản in 1962 cũng ghi như vậy. Chỉ đến bản in ở Hải Phòng năm 1994 của Nguyễn Hữu Sơn mới thấy đề Nguyễn Đức Vân và Nguyễn Khắc Hanh dịch. Từ đó bản in Nhà xuất bản ĐHSP cũng vẫn đề như bản in 1994.

PGS Nguyễn Văn Hoàn: Có lẽ bản gốc của Viện Văn học đúng hơn. Bởi vì thế này, hồi trước mà dịch thơ chữ Hán Nguyễn Du là cụ Hanh dịch. Ví dụ như tập “Thơ chữ Hán Nguyễn Du” đầu tiên mỏng mỏng in mà có cụ Bùi Kỷ, Phan Võ tham gia. Các cụ Bùi Kỷ, Phan Võ là Phó bảng nên đề tên to hơn, kỳ thực là cụ Hanh làm. Các cụ ngày xưa họ không giành nhau, họ nhường nhau là khác. Có lẽ cụ Hanh dịch nhiều hơn cụ Nguyễn Đức Vân. Sau này thì cụ Nguyễn Đức Vân lại tẩn mẩn làm nhiều thứ khác. Ví dụ sau này cuốn “Tài liệu thư mục về các tác phẩm Văn học Việt Nam” [xem ảnh đính kèm – KMS] là cụ Vân làm mà ở Viện Văn học có in được đâu.

Còn bộ “Thơ văn Lý Trần” thì nhiều người làm. Sau này ông Huệ Chi có hơi lạm dụng công của mình ở trong đó. Ví dụ như những bài nghiên cứu đầu thì những ý chính và chỉ đạo là Huệ Chi chịu khó nghe và ghi chép của cụ Đặng Thai Mai với cụ Vân rồi viết thành bài. Rồi việc dịch thì chính tay tôi đưa cho nhóm Huệ Chi mà làm chưa xong thì trong đó nhiều cụ làm lắm. Sau khi Huệ Chi trình bản thảo lên để đưa in thì những bản gốc cậu hủy đi. Cái này tôi không nắm vững cụ Vân dịch bao nhiêu bài, cụ Đào Phương Bình dịch bao nhiêu bài nhưng công dịch phải nói đến 2 người, nếu hai người đó không dịch thì cũng tổ chức đưa những cụ khác dịch. Trong “Thơ văn Lý Trần” quyển 1, 2 quyển sau này Trần Nghĩa làm nhiều. Còn quyển đầu cụ Vân, cụ Bình làm nhiều. Sau dần dần biến thành cuốn của Huệ Chi. Thành ra Việt kiều bên Pháp cứ coi trọng Huệ Chi, coi như là nhà Hán học... Chuyện đấy cũng khó làm chi li mà cũng chả cần làm chi li. Sau đó ông Chú có cãi cọ và viết thành bài trên mạng.

Tính Huệ Chi thì tôi không muốn đôi co. Tính về tuổi ông ấy ít tuổi hơn tôi. Về Viện Văn học ông ấy cũng về sau tôi. Rồi còn làm tổ viên của tôi. Sau này ông làm ra lắm chuyện thì kệ ông ấy. Ví dụ, ông ấy có viết bài về Trần Thanh Mại, tôi có viết bài trên Tạp chí Văn học ấy, trong đó ông Huệ Chi trình bày ông Trần Thanh Mại như người tri kỷ, chí cốt với ông ấy và ông ấy cũng giúp đỡ ông Trần Thanh Mại. Tôi biết một cách khách quan, Trần Thanh Mại ở Viện Văn học viết chữ Hán nhờ vào Kiều Thu Hoạch. Khi đó Kiều Thu Hoạch đã giỏi chữ Hán rồi, Huệ Chi còn chưa biết chữ Hán. Cho nên ông Mại cũng chưa coi Huệ Chi là cái gì. Khi đó ông Trần Thanh Mại là tổ trưởng, tôi là tổ phó. Khi đó là tổ Cổ – Cận. Ban đầu là tổ Cổ – Cận – Dân do ông Vũ Ngọc Phan làm tổ trưởng. Sau mới cắt Dân gian ra đứng riêng.

Cũng không vạch đời tư ông Huệ Chi nhưng cậu quay quắt, láu cá. Ví dụ có 1 bài cậu trả lời trên báo, cậu nói 1 cách tự hào là cả gia đình cậu không ai vào Đảng cả, không ai đảng viên cả và lấy điều không đảng viên là cái vinh quang trong thế giới tự do. Chính cậu đó muốn vào Đảng lắm. Cậu làm đơn xin vào Đảng. Ở Viện, Huệ Chi công tác lâu năm, nó có tha thiết vào Đảng thì cũng chấp nhận, tổ Đảng đồng ý. Hai người giới thiệu là bà Băng Thanh [tức PGS.TS Trần Thị Băng Thanh – KMS] và tôi. Băng Thanh là người giới thiệu thứ hai, còn tôi làm việc với Huệ Chi lâu thì tôi là người giới thiệu thứ nhất. Ra chi bộ nó bác thẳng thừng: Tư cách như thế này chưa được. Hai người giới thiệu bọn tôi phải đề nghị xin rút lui lần sau để bồi dưỡng thêm. Và lần sau không bao giờ xảy ra nữa.

Còn như ông bố của Huệ Chi là người trung thực thôi. Nhưng nói ông ấy không thèm vào Đảng là không đúng. Ông [tức GS Nguyễn Đổng Chi (1915 – 1984) – KMS] cũng xin vào Đảng nhưng người ta không kết nạp dù người ta vẫn trọng thị ông là một trí thức làm việc nghiêm túc. Huệ Chi nó cứ quay quắt trong thời tiết chính trị hiện nay.

**

*

Còn những nội dung khác thầy Hoàn chia sẻ và nhận xét về Phạm Quỳnh - Nam Phong tạp chí, về Luận văn Nhã Thuyên, về bài viết Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ... song không nằm trong phạm vi trao đổi của bài viết này./.

 

 

Kiều Mai Sơn (Hà Nội)

 

Ghi chú: Tôi gửi kèm theo tài liệu

Chứng từ PGS Nguyễn Văn Hoàn trả tiền dịch các tài liệu Hán Nôm của Viện Văn học cho các cụ Lê Thước, Nguyễn Đức Vân, Phạm Phú Tiết, Cao Xuân Huy, Cung Khắc Hoan… trong đó có “Thơ văn Lý – Trần” (năm 1967 – 1968) mà hiện tôi đang lưu giữ.

Tài liệu “Thư mục chữ Hán Việt Nam” của cụ Nguyễn Đức Vân (1900 – 1974).

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 30-6-18