Món quà tết ở Sông Vệ
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Quy luật của ký ức cho thấy người tuổi càng cao thì càng mau
quên những chuyện gần mà lại nhớ lâu về quá khứ xa xăm. Chẳng hạn, khi
quay về tuổi học sinh, trí nhớ ta dễ gợi lại kỷ niệm thời tiểu học hơn
là trung học, có lẽ vì những ảnh tượng thiếu thời đã khắc sâu vào ký ức
và được “gia cố” kỹ hơn. Cho nên, mặc dù hình ảnh các thầy cô giáo dạy
ta thuở cấp 3 hay đại học tưởng như gần gũi hơn, ta lại không hoài nhớ
và hình dung sống động bằng các thầy cô giáo thời tiểu học. Cũng có thể
còn một lý do khác: từ cấp 2 trở lên, các thầy cô dạy ta từng môn riêng
biệt, thời gian gần gũi trong lớp không nhiều; còn các thầy cô ở tiểu
học thì dạy suốt một năm trường nên thường xuyên dõi theo, nhắc nhở và
khích lệ ta.
Cuối năm, ngồi xếp lại những tập ảnh cũ, chợt tìm thấy tấm ảnh
chụp ngôi trường tiểu học, bao kỷ niệm ùa về trong tôi, làm thức dậy
hình ảnh những thầy giáo mà tôi không bao giờ quên: các thầy Phạm Văn
Ngữ, Nguyễn Đồng, Võ Hữu Phụ và thầy hiệu trưởng Lê Đức Trâm. Khác với
bây giờ, thời tôi đi học giáo viên nam nhiều hơn nữ, cả 5 năm tiểu học
lớp tôi chỉ được học với một nữ giáo viên duy nhất là cô Minh Nguyệt dạy
năm đầu cấp, hồi đó gọi là lớp Năm chứ không phải lớp Một như sau này.
Đó là một ngôi trường có vị trí rất đẹp, nhìn ra hướng Đông,
phía trước là quốc lộ 1 qua khoảng cách của một lối vào in bóng hàng
dừa, tránh được tiếng ồn của xe cộ. Trường cách thị trấn Đồng Cát chỉ
hơn một cây số, tên là Trường tiểu học Đức Vinh, ngày nay đổi thành
Trường tiểu học thị trấn Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi). Khi lên Trung học đệ
nhất cấp (tức Trung học cơ sở), tôi đã lưu lại tên trường đó với hình
ảnh hư cấu về một cô giáo dành tình thương yêu cho học trò trong truyện
ngắn đầu tay đăng trên bán nguyệt san Tuổi Hoa năm 1970.
Lên lớp Tư (tức lớp Hai ngày nay), chúng tôi được học với một
thầy giáo đẹp trai, lịch lãm, dáng người thanh mảnh, khuôn mặt có nét
Tây phương. Năm trước học với cô Minh Nguyệt hiền dịu, nên buổi đầu tiên
học với thầy, cả lớp hơi lo lắng. May mắn cho chúng tôi, thầy cũng hiền
không kém, luôn nở nụ cười, cả năm không hề rầy la học trò. Nếu có dịp
đọc những dòng này, chắc nhiều bạn lớp tôi đến nay cũng không thể quên
thầy, còn vì một lý do nữa: thầy có cái tên rất độc đáo.
Nhà thầy ở thị trấn Sông Vệ, bên bờ bắc của con sông cùng tên
làm ranh giới giữa hai quận Mộ Đức và Tư Nghĩa. Hồi đó, nửa đầu những
năm 1960, chiến tranh chưa lan rộng và khốc liệt, đoạn đường hơn 10 cây
số từ nhà thầy đến trường tôi còn bình yên, chứ không như sau này luôn
xảy ra những trận đánh làm nhiều người dân thường chết và bị thương. Mỗi
sáng thầy đi xe máy đến trường, buổi chiều lại về nhà.
Thị trấn Sông Vệ có nhiều cửa hàng, là nơi trung chuyển hàng
hóa về các địa phương phía Nam của tỉnh, sức kinh doanh chỉ sau thị xã
Quảng Ngãi. Mẹ tôi có quầy hàng tạp hóa bán lẻ ở chợ Đồng Cát, thường ra
Sông Vệ mua hàng giá sĩ về bán lại. Từ nhỏ tôi đã không thích cảnh buôn
bán tấp nập ở phố chợ nên chỉ vài lần theo mẹ đi mua hàng ở thị xã Quảng
Ngãi, nơi có ông cảnh binh đứng chỉ đường ở trạm gác ngã tư.
Khoảng nửa tháng trước Tết, chiều chủ nhật, mẹ tôi ra Sông Vệ
vừa để mua hàng về bán lại, vừa để sắm sửa cho gia đình. Mẹ dẫn tôi theo
để mua cho tôi bộ quần áo mới cho vừa ý, vì bộ đồ năm ngoái mua về bị
tôi chê không mặc, mẹ đã tặng lại một đứa cháu. Tôi theo mẹ đi con đường
từ phía bắc cầu sông Vệ dẫn xuống phía đông, hai bên là những cửa hàng
đông đúc hơn ngày thường, nhộn nhịp người mua kẻ bán.
Giữa lúc mẹ con tôi đang chú ý tìm cửa hàng bán quần áo trẻ em,
thì tôi chợt thấy trên dãy phố bên trái có tấm bảng hiệu ghi: Hiệu sách
Lương Bá Bả. Tôi giật mình, cầm tay mẹ nói: “Má, tên hiệu sách kia giống
y tên thầy con”. Mẹ tôi cũng ngạc nhiên. Đang lúc mẹ con tôi lúng túng
chưa biết làm gì, thì chính thầy tôi từ phía nhà sau bước ra nói gì đó
với cô bán hàng và nhìn thấy chúng tôi. Tôi nói với mẹ: “Đúng là nhà
thầy con rồi”. Mẹ tôi nhắc: “Chào thầy đi con”. Thầy nhận ra tôi, cười
hiền: “Phương đó hả”. Thầy kéo chiếc ghế đẩu mời mẹ tôi ngồi và hỏi
chuyện gia đình tôi. Tôi vừa lắng nghe câu chuyện của hai người, xem
thầy tôi có chê tôi chuyện học hành không, vừa thèm thuồng nhìn lên
những kệ sách xếp đầy sách giáo khoa và các cuốn truyện.
Ngại ngồi
lâu làm phiền thầy và không kịp mua hàng, mẹ tôi đứng lên chào thầy.
Thầy nhìn tôi, bảo: “Em chờ thầy một chút”. Rồi thầy đến kệ sách lấy
xuống một cuốn truyện và một cuốn sổ tay bìa xanh, bỏ vào bao ni-lông
trao cho tôi. Thầy nói: “Thầy tặng em cuốn sổ này để em viết những gì
cần ghi nhớ, còn đây là cuốn truyện
Dế mèn phiêu lưu ký[i]
của Tô Hoài, hay lắm, em đọc sẽ thích”. Tôi lí nhí cảm ơn thầy. Thầy còn
nói thêm: “Cửa hàng chỉ còn hai tập truyện này, em đọc xong, cho bạn
mượn đọc để cùng biết. À, mà tuần tới lớp mình liên hoan tất niên, thầy
sẽ nói mỗi bạn đem đến lớp một món quà rồi trao đổi với nhau bằng cách
bốc thăm để bạn nào cũng có quà tết. Em đọc xong cuốn truyện thì đem tới
lớp góp vào làm quà nhé”. Tôi cầm gói quà của thầy, cúi đầu tỏ ý vâng
lời, lòng dâng lên một nỗi vui khó tả.
Về nhà, mấy ngày sau đó tôi bị du vào thế giới của Dế Mèn. Tôi
đi theo con đường phiêu lưu với những trắc trở của chú, tưởng tượng bao
nhiêu điều thú vị mà nhà văn đã gợi ra trong trí óc non nớt của tôi. Tôi
chẳng hiểu gì về “thế giới đại đồng” không có bất công, áp bức mà Dế Mèn
hô hào mọi người cùng nhau xây dựng. Tôi chỉ mơ, lớn lên mình sẽ đi khắp
năm châu bốn biển như Dế Mèn, mình sẽ thấy nhiều cảnh đẹp và có nhiều
bạn mới.
Đến ngày lớp tổ chức liên hoan tất niên, nhớ lời thầy dặn, tôi
mua một tờ giấy hoa để gói cuốn truyện đem đến góp làm quà cho lớp.
Nhưng khi cầm Dế Mèn lên, tôi thấy tiếc quá. Tôi còn muốn đọc lại cuốn
truyện, nếu cho đi, đứa bạn may mắn sẽ nhận cuốn sách, biết bao giờ tôi
mới tìm lại được. Lớp trưởng sẽ đánh số và làm phiếu bốc thăm, làm sao
tôi bốc trúng số ghi món quà của mình. Mà nếu tôi không làm theo lời
thầy dặn thì tôi sẽ thay bằng món quà nào khác để thầy không biết? Bỗng
trong đầu tôi nảy ra một cách: thay vì gói Dế Mèn, tôi gói cuốn sổ tay
thầy cho, cũng cùng khổ cuốn sách, để làm món quà.
Hôm liên hoan, tôi đến lớp, nộp gói quà cho lớp trưởng, rồi
ngoan ngoãn ngồi vào chỗ của mình. Sau phần phát biểu của thầy, lớp
trưởng đứng lên chúc tết thầy và vị khách đặc biệt là cô Minh Nguyệt.
Rồi cả lớp cùng hát bài Con đường vui của Lê Vy và Phạm Duy mà cô
Nguyệt đã tập cho lớp từ năm trước:
Đoàn người tưng bừng về trong sương gió
Hồn như đám mây trắng lững lờ
Giang hồ không bờ không bến
Đẹp như kiếp Bô-ê-miên.[ii]
Ánh dương lên
Một đoàn thanh niên
Giục nhau đi từ khi nắng sớm
Lúc gió chiều về trong tiếng tiêu
Bóng ai còn in trên đường dài.
Đoàn người đi vượt rừng qua núi
Bước chân vui qua miền xa xôi
Kìa là đoàn người Việt Nam gieo thắm tươi.
Ôi, học trò mới vào tiểu học mà hát bài này có sớm quá không?
Riêng tôi thì thích bài hát này từ nhỏ đến giờ, mãi nhớ ơn cô Minh
Nguyệt đã dạy bài hát đó. Nó còn hợp tâm trạng tôi trong buổi liên hoan
khi tâm trí tôi cứ quyến luyến hình ảnh chuyến viễn du của Dế Mèn.
Đến phần bốc thăm nhận quà, tôi hồi hộp vừa dõi xem đứa bạn nào
nhận được quà của tôi, vừa để ý ánh mắt của thầy. Thằng bạn tôi nhận quà
là mở ra ngay, nó sáng mắt lên khi cầm cuốn sổ tay đẹp, giơ cao khoe các
bạn. Tôi hoảng hồn, sợ thầy tôi nhìn thấy sẽ la rầy khi phát hiện tôi
làm trái ý thầy. Tôi chỉ lo xa, chứ lúc đó thầy tôi mải nói chuyện với
cô Minh Nguyệt, đâu thèm để ý chuyện vặt vãnh. Tôi thở phào nhẹ nhõm khi
buổi liên hoan kết thúc, chúng tôi chào thầy cô về nghỉ Tết hai tuần lễ.
Tuổi nhỏ mau quên, chuyện gì rồi cũng qua. Nhưng câu chuyện
không nghe lời thầy mà giữ riêng Dế Mèn đọc một mình làm tôi áy náy đến
cuối năm học đó. Sang học kỳ hai (hồi đó gọi là đệ nhị lục cá nguyệt),
thầy vẫn dạy học vui vẻ bình thường, không nhắc gì đến các món quà trong
buổi liên hoan. Như người có lỗi, giờ ra chơi, tôi luôn tránh đi gần
thầy khi thầy đứng ngoài hành lang hút thuốc hay nói chuyện với các đồng
nghiệp. Tôi ngại lỡ như thầy hỏi: Bạn em có thích truyện Dế Mèn không,
tôi biết trả lời làm sao.
May mắn cho tôi, năm lên lớp Ba, tôi có cơ hội sửa lỗi của
mình. Thầy Nguyễn Đồng kêu gọi học sinh góp mỗi người một cuốn sách để
làm tủ sách nhỏ cho cả lớp cùng chuyền tay nhau đọc. Mùa hè qua tôi có
đủ thì giờ đọc đi đọc lại câu chuyện hấp dẫn tuổi thơ Việt Nam mọi thời.
Bây giờ tôi chia tay với cuốn truyện cũng được rồi. Từ món quả thầy tôi
tặng vào một buổi chiều gần Tết, cuốn sách đó đã đưa Dế Mèn làm bạn với
nhiều bạn trong lớp tôi.
Nhiều năm sau và mãi đến gần đây, mỗi lần về quê, đi ngang qua
thị trấn Sông Vệ, tôi đều dừng lại ăn mì Quảng ở một tiệm ăn nổi tiếng
từ thời chiến tranh, hoài nhớ những kỷ niệm êm đềm thời thơ ấu. Con
đường có hiệu sách của Thầy Lương Bá Bả giờ nối giữa hai trục đường có
hai cây cầu Sông Vệ cũ và mới. Vậy mà không hiểu sao tôi chưa lần nào
dám đi trở lại con đường ấy. Có phải từ trong tiềm thức, tôi muốn lưu
lại mãi mãi hình ảnh thầy tôi tưởng như còn ở đó trao cho tôi món quà
tết năm
nào.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG Tác giả gởi cho
viet-studies ngày 21-1-23
[i]Lúc
đầu Tô Hoài viết truyện ngắn
Con Dế Mèn, NXB Tân
Dân in trong ấn phẩm
Truyền Bá (tuần báo của tuổi trẻ ra ngày thứ năm) số 3 (ngày
10/10/1941). Sau đó, tác giả viết truyện dài
Dế Mèn phiêu lưu ký,
in trong ấn phẩm Truyền
Bá số 16 (ngày 22/01/1942) và số 17 (ngày 29/01/1942). Đến
năm 1955, tác giả bổ sung, sửa chữa và kết hợp hai văn bản này
dưới tên Dế Mèn phiêu lưu
ký, do NXB Thanh Niên, Hà Nội, ấn hành. Ở miền Nam bản
Dế Mèn phiêu lưu ký
in năm 1942 vẫn lưu hành đến đầu những năm 1960 và sau đó được
NXB Hoa Tiên tái bản cùng với các tác phẩm
Quê người và
Chuột thành phố của
Tô Hoài. Đài Phát thanh Sài Gòn đã phát sóng nhiều kỳ chương
trình đọc truyện Dế Mèn
phiêu lưu ký.
[ii]Bohémien:
từ trong tiếng Pháp dùng để chỉ người thuộc bộ lạc du cư, sống
lang thang, phiêu lãng, nay đây mai đó, vốn có nguồn gốc từ xứ
Bohême, nay thuộc Cộng hòa Séc. |