Khúc tưởng niệm Ngô Kha
Huỳnh Như Phương
Ngày 27 tháng Chạp năm Nhâm Tý, chỉ ba
ngày sau khi Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình
ở Việt Nam được ký kết (27-01-1973), nhà thơ Ngô Kha – người nghệ sĩ
luôn ước mơ và kêu gọi hòa bình, bị hai viên chức chính quyền Việt Nam
Cộng hòa đến bắt tại nhà, giải đi ra cánh đồng An Cựu (Huế) và biệt tích
từ đó đến nay.
Cuốn sách
Ngô Kha – hành trình thơ, hành
trình dấn thân và ngôi nhà vĩnh cửu (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2013),
khổ 16x24, dày 468 trang, có thể xem là công trình giá trị nhất viết
về con người và tác phẩm Ngô Kha (1935-1973), nhà thơ độc đáo có số phận
bi tráng ở miền Nam thời chiến tranh. Cuốn sách tập hợp khá đầy đủ những
bài viết của những người cùng thời gần gũi và hiểu rõ hoàn cảnh cũng như
sự chọn lựa của Ngô Kha: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Đinh Cường, Lê Khắc Cầm,
Nguyễn Đắc Xuân, Bửu Ý, Chu Sơn, Thái Ngọc San, Tiêu Dao Bảo Cự, Ngô
Minh, Hoàng Hà, Lê Văn Thuyên, Nguyễn Duy Hiền, Võ Quê, Tần Hoài Dạ Vũ,
Trần Đình Sơn Cước, Trần Kiêm Đoàn, Lê Văn Ngăn, Nguyễn Phú Yên, Lê
Nhược Thủy, Nguyễn Xuân Hoa, Nguyễn Công Thắng, Nguyễn Thanh Văn, Lê Văn
Lân… Những người chủ biên cuốn sách, hai nhà giáo - nhà nghiên cứu văn
học Bửu Nam và Phạm Thị Anh Nga, đã làm việc cẩn trọng để có một công
trình phong phú về nội dung và trang nhã về hình thức, xứng đáng với
đóng góp của Ngô Kha cho cuộc đời và cho nghệ thuật.
Cuốn sách này kế thừa các tập
Thơ Ngô Kha (Hội Văn học Nghệ
thuật Thừa Thiên – Huế, 1991) và
Ngô Kha – ngụ ngôn của một thế hệ (NXB Thuận Hóa, 2005), đồng thời
bổ sung nhiều tài liệu, hình ảnh quý hiếm. Các soạn giả đã chụp lại
nguyên vẹn 54 trang “Hồ sơ Ngô Kha” đăng trên tạp chí
Đứng Dậy số 65-66, in ronéo,
phát hành bí mật tháng 12-1974 nhằm bày tỏ tình liên đới với nhà thơ đã
bị chính quyền bắt giam và mất tích gần hai năm trước đó. Đây là số báo
công bố “Thư đòi con” của bà Cao Thị Uẩn, mẹ của nhà thơ; Tuyên cáo của
các giáo sư, văn nghệ sĩ Huế về việc bắt giữ Ngô Kha; đặc biệt là “Lá
thư gửi cho người đang ở trong tù hay đã bị thủ tiêu” của Trịnh Công
Sơn. Những hồi ức quý giá về Ngô Kha của đồng nghiệp, bạn hữu, học trò
đã khắc họa chân dung tinh thần của nhà thơ như một ngôn sứ của tình yêu
hiến dâng cho đất mẹ và nghệ thuật.
Về sáng tác của Ngô Kha, có lẽ vẫn còn
một số bản thảo bị thất lạc, nhưng từ trước đến nay, đây là lần tập hợp
đầy đủ nhất, bao gồm các tập thơ
Hoa cô độc, Ngụ ngôn của
người đãng trí, Trường ca Hòa
bình và những bài thơ rời. Ngô Kha, cũng như những người trẻ làm thơ
phản kháng ở miền Nam, đã gánh trên vai một sứ mạng quá hiểm nguy trong
một tình thế cực đoan của lịch sử, khi thơ ca không chỉ dẫn đến hành
động mà chính là hành động.
Trong dòng thơ phản kháng ở miền Nam,
theo chúng tôi, Ngô Kha là tác giả mà tác phẩm mang đậm hơi thở hiện đại
hơn cả. Tác phẩm Ngô Kha lâu nay được phân tích nhiều từ góc độ văn học
dấn thân, giờ được đi sâu khám phá cảm hứng siêu thực, tinh thần hiện
sinh và cả ảnh hưởng phân tâm học, cho thấy đây là một tài năng đa dạng
của thơ ca hiện đại. Trong một thời gian ngắn ngủi chỉ hơn mười năm, nhà
thơ vắn số này đã làm một cuộc hành trình nghệ thuật đi qua miền địa
ngục của thế giới siêu thực, đi qua tâm thức hoài nghi và cô độc, đến
với cánh đồng hy vọng mà thi sĩ là người gieo hạt cho tương lai.
Với hai tập
Hoa cô độc và
Ngụ ngôn của người đãng trí,
Ngô Kha được xem như một nhà thơ siêu thực độc đáo của miền Nam. Trong
thơ Ngô Kha xuất hiện hình ảnh cái chết, sa mạc, khoảng vô hình, ác
mộng, hư vô, tạo nên một bức tranh ảo tượng về con người và cảnh vật.
Với tập Hoa cô độc, như một
hô ứng với Tôi không còn cô độc
của Thanh Tâm Tuyền, Ngô Kha xây dựng một thế giới nghệ thuật huyền bí,
lẫn lộn giữa thực và mộng:
em tương lai mồ rêu cỏ mọc
côn trùng rên tiếng nhạc ca than
thành trì đây giấc mộng hoang tàn
trăng lý tưởng muôn ngàn hoa dại.
(Ưu tư)
Ngụ ngôn của người
đãng trí
là một bài thơ dài, nhân vật trữ tình là một người đãng trí, không có
khả năng phân biệt thực - hư, quá khứ - hiện tại - tương lai, nói với
mọi người bằng tiếng nói của ngụ ngôn, đầy những ẩn dụ:
khúc hát ngu ngơ của bông lau
tháng giêng giã từ thuốc đắng đi tìm cỏ may
tôi không thấy nàng mặc áo chim
chỉ có người hư vô và mặt trời
tôi đếm dấu chân nai trên bản chúc thư tình yêu
có những con đường mang tên em chưa ra đời
những con đường mọc đầy cây ma túy…
Ở một đoạn thơ khác, Ngô Kha khiến ta liên
tưởng đến cách thể hiện ngôn từ như được viết trong cơn mê, trong lúc
“lên đồng”, một thứ ngôn từ của tự do, tinh khiết và loại trừ lý tính:
tôi hay nói chuyện về những dòng chữ ngụ ngôn
những dòng chữ chảy từng hàng não sống
trên chiếc máy in hùng hồn của thác nước
những dòng chữ khai sinh
vào ngày trẻ con hát đồng dao
trang sách mở ra đầy hoa…
Trong bài viết “Vũ trụ thơ Ngô Kha”,
Bửu Nam thật công tâm khi phân chia hai giai đoạn sáng tác của Ngô Kha,
đồng thời nhận xét về ưu điểm và hạn chế của mỗi giai đoạn. Theo nhà
nghiên cứu, giai đoạn thứ nhất bắt đầu với tập thơ
Hoa cô độc
(1961) và kết thúc với trường ca
Ngụ ngôn của người
đãng trí
(1968) là những tác phẩm thể hiện sâu đậm cảm hứng và thi pháp siêu
thực, có nhiều cách tân về mặt hình thức. Còn giai đoạn thứ hai bắt đầu
với Trường ca
Hòa bình
(1969) và kết thúc với bài thơ
Mai có hòa bình
(1973) là những tác phẩm thể hiện ý thức nhập cuộc với thời thế, ngôn
ngữ hướng đến đại chúng.
Bửu Nam đánh giá khách quan: “Phần thơ
thứ hai này đa phần là kiểu thơ xuất phát từ hoàn cảnh (poésie de
circonstance), kiểu thơ thể hiện tư tưởng dấn thân xã hội. thơ đấu tranh
chống lại những thực tại phi nhân, phi dân chủ, thơ cổ vũ cho lý tưởng
nhân bản và yêu nước trong nhãn quan của một trí thức khuynh tả. Do đó,
khi hoàn cảnh và thời cuộc qua đi, thì những câu thơ nào, bài thơ nào ít
có giá trị nghệ thuật, chưa hòa quyện được ý tưởng và cảm xúc một cách
nhuần nhị, nặng tính cách tuyên ngôn, quảng trường, hùng biện, khoa
trương, khẩu hiệu nhất thời, thì khó tồn tại lâu dài.” (Ngô
Kha…,
sđd, tr. 35). Đồng thời, Bửu Nam cũng lý giải rất thuyết phục những ảnh
hưởng dẫn đến sự chuyển tiếp và giao thoa của hai giai đoạn này. Ông ghi
nhận một số bài thơ ở giai đoạn thứ hai kết hợp được “chất cảm xúc của
chủ thể trữ tình hài hòa với chất tư tưởng, lại tương tác hữu cơ với các
biến cố thời cuộc, còn ngôn ngữ thơ ca được nhà thơ sử dụng thì điêu
luyện, bóng bẩy và gợi cảm” (Ngô
Kha…,
sđd, tr. 35). Theo dẫn chứng của Bửu Nam, đó những bài
Mùa đông chiến tranh
ở Huế
(1970), Cho
những người nằm xuống
(1972) và Mai
có hòa bình
(1973).
Kinh nghiệm cảm thụ nghệ thuật có tính
riêng tư và đôi khi “bảo thủ” một cách kỳ lạ. Những bài thơ của Ngô Kha
mà tôi được đọc đầu tiên là thuộc giai đoạn thứ hai. Hồi đó, năm 1970, ở
vài hiệu sách của thị xã Quảng Ngãi có bán các tạp chí từ Sài Gòn đưa
về, nhờ đó tôi tiếp xúc với thơ Ngô Kha đăng trên
Đất Nước,
Trình Bầy
và Đối Diện.
Mãi sau 1980 tôi mới biết đến mảng thơ siêu thực của ông, vốn chỉ phổ
biến hạn chế ở Huế lúc tôi còn nhỏ. Tôi khâm phục tài nghệ của Ngô Kha
trong Hoa cô
độc
và Ngụ ngôn
của người đãng trí.
Tôi khâm phục dũng khí của ông trong
Trường ca Hòa bình,
Bài ca tự
quyết.
Nhưng tôi lại yêu thích những bài thơ mà ngôn ngữ thật tinh tế, không
dàn trải, hòa kết hiện thực với siêu thực, “dấn thân” với “viễn mơ”,
triết lý với trữ tình, nhịp điệu với ý tưởng. Một cách chủ quan, theo
thiển ý của tôi, ba bài thơ hay nhất của Ngô Kha là
Hành trình
(Đất Nước
số 17, tháng 01-1970),
Mặc khải
(Đất Nước
số 18, tháng 2&3-1970) và
Mùa xuân ánh lửa mặt
trời
(Trình Bầy
số 1, 01-8-1970). Riêng bài
Mặc khải
thì không thấy in lại, thậm chí không được nhắc đến tên, trong cả ba
cuốn sách về Ngô Kha xuất bản sau 1990.
Thời đi học, tôi đã chép trong tập vở
những đoạn thơ mà tôi thích, nay xin ghi lại. Dưới đây là một đoạn trong
bài
Hành trình
mà tôi nghĩ là bài thơ đặc sắc và vĩnh cửu nhất của Ngô Kha, với hình
tượng chắt lọc và ngôn ngữ nhuần nhị:
xe lăn đi
trên đường bay của gió
hành trình qua năm cửa giác quan
rời cao nguyên
xe vượt suối đau thương
từ tối tăm
về kinh thành hy vọng
xe đi từ trái tim buổi sáng
để tìm em trong lũng đá mù
xe đi từ mùa xuân
khi núi hãy còn xanh
qua mùa đông
khi trăng vùi đất ẩm.
Mặc khải
là một bài thơ dài (175 câu), với những câu mở đầu:
bi
kịch nào đã bắc chiếc cầu
trong màn lưới đêm ta vẫn nhìn thấy
em là vóc dáng của bờ biển Thái Bình
với những hạt trân châu thật mỏng manh
như nước mắt
ta đã lẳng lặng đi và về rất nhiều đêm
ngự trị trên chiếc ngai bỏ trống
mang xác bướm nằm chết tình cờ buổi đầu
hôm
từng giờ ta nhặt mảnh hồn rơi trên các
thực trạng
em là hiện thân của huyền diệu đam mê
khi bóng chim hiện về trong khói lửa
mùa xuân
lòng ta
dù không phải là một cánh buồm
đêm đêm vẫn giong
thuyền ngư phủ.
Như sự sắp đặt của số phận, Ngô Kha là
người viết bản requiem cho
chính mình (“Tôi sẽ chết như mùa đông trút lá cây hờn tủi/ con ngựa ô
già ngã gục/ trên chiếc thảm nhung của loài ốc sên”,
Ngụ ngôn của người đãng trí),
cũng là người “tấu khúc hoà bình” dâng cho đất nước:
bằng trái tim nôn nao hay
bằng ước vọng
người đã ra đồng gieo những hạt bông
ta trông thấy đất đai hiền thục
sông núi trữ tình
người ốm đau cũng lên đường
cùng ngô khoai ngỏ ý
khi cánh quạt mở tung mùa nắng
người lính canh về trong lớp áo nông
phu
khi tình yêu thổi bùng lên cơn gió
giữa mùa xuân ngọn đuốc mặt trời.
(Mùa
xuân ánh lửa mặt trời)
Trường ca Hòa bình hơn
ngàn câu thơ, dài hơn Ngụ ngôn
của người đãng trí, câu này gọi câu kia, dồn dập lời hiệu triệu của
một ngôn sứ đầy cao vọng và ảo vọng, bỗng có những câu thơ lắng đọng như
những giọt mưa đọng vào lá sen:
trên bực cửa thanh bình về buổi sớm
khi trẻ thơ tìm chữ mẹ đánh vần
trên bàn tay em ẩn hiện gân xanh
đang thấp thoáng một dòng sông sưởi
nắng.
[…]
khi đau thương chỉ còn là mặt trái
của giấc mơ trỗi dậy ở trong hồn
như thoáng hiện những bàn tay bão tố
đang cùng nhau góp nhặt ánh triều lên.
Đọc thơ Ngô Kha, ta thấy giọng thơ hào
sảng hòa quyện với giọng thơ trầm mặc; lúc như lời cầu kinh âm thầm
trong đêm vắng, lúc như tiếng kèn đồng gào thét giữa phố phường; lúc như
bếp than hồng hừng hực ém dưới tàn tro, lúc như một trái tim bừng cháy
cho ánh sáng lan tỏa trên những ngọn gió thổi về vĩnh cửu.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
|