Cao Bá Quát Khóc Con[1]

 

Hữu Bình

 

1.   Dẫn Nhập

Đối với giới văn học, sinh viên, học sinh miền Nam trước 1975 (trong đó có người viết), Cao Bá Quát có thể xem là một người bị hiểu lầm nhiều nhất trong số các nhà thơ lớn của Việt Nam trong thời kỳ cận đại (từ cuối thế kỷ 18 đến nay).  Sự ngộ nhận này có hai nguyên nhân chính.  Thứ nhất, các nghiên cứu trong miền Nam trước 1975 về Cao Bá Quát, tuy không ít, chưa đủ rộng và sâu vì thiếu thốn tài liệu về văn thơ của Ông (xem Đinh Thị Thái Hà (2003: trang 7 và 8)).[2]  Về phương diện tiểu sử, hầu hết các nghiên cứu này dựa vào Cao Bá Quát Danh Nhân Truyện Ký của Trúc Khê Ngô Văn Triện (1940), một tác phẩm có xu hướng dùng giai thoại dân gian dựng nên tiểu sử, lấy đó làm cơ sở đánh giá, nhận định con người Cao Bá Quát.  Thứ hai, Cao Bá Quát sáng tác rất nhiều và đại đa số là thơ chữ Hán (xem Nguyễn Ngọc Quận (2005)) nhưng chỉ một số rất nhỏ các bài thơ của Ông được trích giảng trong chương trình Việt Văn năm đệ nhị ban sinh ngữ và cổ ngữ trong miền Nam (Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San (1965, trang 42-60)).[3] Các bài này hầu hết là các bài hát nói và một bài phú bằng chữ Nôm, chỉ có một bài thơ cổ phong chữ Hán Đạo đường ngã phu (Dọc đường gặp người đói).

Ngày nay, muốn tìm hiểu về Cao Bá Quát đúng đắn hơn, chúng ta phải dựa vào toàn bộ tác phẩm, nhất là các bài thơ chữ Hán của Ông, và phải đặc biệt lưu ý đến không gian, thời gian cũng như hoàn cảnh sáng tác.  Việc này hiện nay tương đối dễ dàng hơn vì (i) hai bộ sách tập hợp toàn bộ tác phẩm của Cao Bá Quát, chữ Nôm và chữ Hán kèm với các bài thơ dịch, đã ra đời (Trung Tâm Quốc Học (2009); Mai Quốc Liên (2012)), và (ii) có nhiều bài viết/luận văn phân tích thơ văn, cuộc đời và nhân sinh quan của Cao Bá Quát trên trang mạng (ví dụ như Nguyễn Ngọc Quận (2005; 2011; 2015)).  Nhân dịp kỷ niệm lần 212 năm sinh của thi hào Cao Bá Quát, người viết xin giới thiệu bài thơ Mộng vong nữ (Mơ thấy con gái đã mất)[4] để góp phần làm sáng tỏ hơn về con người, đời sống và tư duy của Cao Chu Thần tiên sinh.

 

Bài Mộng vong nữ được chọn vì hai lý do chính.  Thứ nhất, đây không phải là một bài thơ quen thuộc với đa số người đọc.  Thật ra, đối với giới văn học, sinh viên, học sinh miền Nam, bài thơ này là một bài rất xa lạ.   Thứ hai, khác với nhiều nhà thơ trước, sau hay cùng thời, Cao Bá Quát là một nhà thơ với ‘cái tôi’[5] trữ tình.  Cái tình trong thơ văn của Ông thật lai láng, bao gồm từ tình yêu quê hương đất nước hay tình cảm đối với gia đình, bạn bè, làng xóm cho đến tình cảm riêng tư hay tình thương các người nghèo khổ bất hạnh.  Đọc Mộng vong nữ, hình ảnh một kẻ sĩ chí khí, tự cao, ngang tàng trong các giai thoại hoàn toàn biến mất, mà chỉ còn lại tiếng kêu than thống thiết của người cha thương con.  Đây đúng là một góc cạnh ‘mềm’, rất cần tìm hiểu thêm về Cao Bá Quát.

 

Bố cục các phần còn lại của bài viết ngắn này như sau.  Phần 2 tìm hiểu xuất xứ của bài thơ Mộng vong nữ.  Phần 3 giới thiệu và dịch nghĩa bản phiên âm chữ Việt của bài thơ, cũng như thảo luận các chủ đề lớn trong bài.  Phần 4 phân tích từng câu sâu hơn.  Phần 5 kết luận.  Phần phụ lục trích đăng nguyên bản chữ Hán và năm bài thơ dịch.

 

2.   Xuất xứ

Bài thơ Mộng vong nữ là bài xa lạ cho giới văn học miền Nam trước 1975 nói riêng và người đọc nói chung.  Lý do chính bài thơ này không nằm trong các tập thơ chữ Hán của Cao Bá Quát như Cao Bá Quát Thi Tập, Cao Chu Thần Thi Tập, Cúc Đường Thi Loại, Mẫn Hiên Thi Văn Tập, vv.  (xem Nguyễn Ngọc Quận (2011)).  Như vậy, Mộng Vong Nữ chắc là một trong các bài chép từ những sách “do các vị túc nho còn giữ được cho mượn” (Vũ Khiêu và các đồng nghiệp (1984: trang 49)).  Nội dung bài thơ rất phù hợp với các hiểu biết rất ít ỏi về cuộc đời Cao Bá Quát, cho nên không có lý do gì để nghi ngờ đây không phải là tác phẩm của Ông.

 

Hoàn cảnh sáng tác của bài thơ Mộng vong nữ rất rõ ràng: tác giả làm ra khi đi làm việc xa và sau khi con gái mới bị mất.  Tuy nhiên, đứa con gái mất khi mấy tuổi và vì lý do gì thì không hoàn toàn chắc chắn.  Các nhà nghiên cứu thường giả thử là con gái của Ông qua đời lý do bệnh tật khi chưa đến tuổi trưởng thành.  Hai điều này có thể tin được vì chính Cao Bá Quát mất khi còn tương đối trẻ (47 tuổi) và gia đình Ông luôn sống trong cảnh đói nghèo.  Nhưng việc này xẩy ra trong giai đoạn nào của cuộc đời Ông thì không chắc chắn, lý do chính vì các tài liệu về tiểu sử của Ông đã bị tiêu hủy hầu hết.

Nhìn chung, thơ chữ Hán của Cao Bá Quát có thể xếp loại theo thời gian như sau:

·        làm trong hay trước khi đi thi hội;

·        làm trong lúc bị giam cầm vì án sửa bài thi;

·        làm trong lúc đi dương trình hiệu lực;[6]

·        làm sau khi được tha tội và bổ vào Viện Hàm Lâm; và

·        làm không rõ lúc nào.

Ví dụ như bài Thập ngũ dạ đại phong (Ngày rằm gió to) trong đó Ông nhắc đến cửa Thuận An và kết luận “Yếu đả hồng di cự hạm hồi” (Đánh đuổi tàu chiến người da trắng chạy về nước).  Điều này cho thấy Ông đã sáng tác Thập ngũ dạ đại phong tại Huế, sau khi xuất ngoại đi Nam Dương và Tân Gia Ba.

 Nếu chỉ căn cứ vào nội dung, bài thơ Mộng vong nữ thuộc loại không rõ làm ra vào thời gian nào.  Tuy nhiên, một số các nhà nghiên cứu lý luận có lẽ Cao Bá Quát làm bài này vào những năm cuối đời.  Có tác giả, ví dụ như Lại Quảng Nam (2018), cho rằng Cao Bá Quát có thể sáng tác Mộng vong nữ khi đang làm Giáo thụ Quốc Oai (1850) hay trước khi khởi binh chống lại triều đình Tự Đức (1854).  Tuy nhiên các tác giả này không nêu được chứng cớ cụ thể gì để ủng hộ thuyết này.

Nhà Huế học Nguyễn Đắc Xuân (2004) lại đề xuất Cao Bá Quát viết bài Mộng vong nữ khi làm việc cho Viện Hàn Lâm tại Huế (1847-50), tức là trước khi được bổ làm Giáo thụ Quốc Oai.  Trong một bài tham luận tại hội thảo về Cao Bá Quát, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân viết như sau:

Chuyện kể rằng: Sau khi nghe tin Cao Bá Quát về Kinh phục chức (1847), có người đã đem cho ông xem những bài thơ xướng hoạ trong Thi xã, ông xem qua rồi vừa lắc đầu vừa bịt mũi ngâm hai câu:

  Ngán cho cái mũi vô duyên
Câu thơ Thi xã, con thuyền Nghệ An.  

….  Riêng chỉ có hai anh em ông Miên Thẩm và Miên Trinh là những người có độ lượng và biết trọng nhân tài, trước đây họ đã nghe tài thơ của Cao Bá Quát và cũng đã biết rất rõ cái tính ngông của Cao Chu Thần nên vẫn thấy bình thường.  ...  Từ đó hai ông Miên Thẩm và Miên Trinh lui tới thăm viếng đàm đạo chuyện thơ văn với Cao Bá Quát thường xuyên.  Chia xẻ bớt một phần khó khăn về đời sống của nhà thơ “tài tử đa cùng,” hai ông thường giúp đỡ bạc tiền, nhiều khi còn tặng cho Cao những hàng tơ lụa quí mà nhà vua đã ban tặng cho hai ông.  Đang trong thời gian giao thiệp vui vẻ thì một người con Cao Bá Quát bị bệnh và qua đời ở Hà Nội. Ông thương con đau buồn vô cùng, nhưng ông cố giấu nỗi lòng mình.  Không ngờ Tùng Thiện công biết đem đến tặng ông mấy thứ phẩm vật cần thiết kèm theo một bài thơ.  ….

Chi tiết đứa con bị mất phù hợp với bài thơ Mộng vong nữ.  Tuy nhiên, tác giả Nguyễn Đắc Xuân không cho biết nguồn của thông tin này, thành ra có lẽ đây chỉ là chuyện truyền miệng.  Hơn nữa, những chi tiết còn lại trong trích dẫn nói trên không phù hợp với những thông tin khác về tình bạn giữa Tùng Thiện Vương và Cao Bá Quát.  Ví dụ như bài Tặng Cao Bá Quát của Tùng Thiện Vương (xem Lương An (1994)) có phần kết như sau:

Giao tình vi nhĩ ân Nam cố (Vì tình bạn với Ông nhìn về phía Nam lo lắng)
Nhật nhật kim kê vọng xá tần (Ngày ngày bao lần trông được ân xá)

Hai câu trên rõ ràng nói đến chuyến đi dương trình hiệu lực năm 1844 của Cao Bá Quát, và chứng tỏ rằng Tùng Thiện Vương và Cao Bá Quát đã thân nhau khá lâu trước khi Cao Bá Quát trở lại kinh đô Huế năm 1847.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận (2005: 20), Cao Bá Quát liên tiếp mất hai người con trước khi Ông vào Huế nhậm chức năm 1841.[7]  Không rõ người con gái trong Mộng vong Nữ có là một trong số hai người ấy không?  Nếu người con gái là một trong hai đứa con mất sớm thì Cao Bá Quát sáng tác Mộng Vong Nữ vào khoảng năm 1841, khi mới vào Huế làm quan lần đầu.

Nói tóm lại, hiện nay chưa đủ bằng cớ khẳng định Cao Bá Quát sáng tác Mộng vong nữ vào thời kỳ nào, tuy rằng có lẽ Ông đã làm bài thơ này khi nhậm chức tại Huế lần thứ nhất (năm 1841) hay lần thứ hai (khoảng từ 1847 đến 1850).

 

3.   Các chủ đề chính trong Mộng vong nữ

Mộng vong nữ là bài thơ Đường luật chữ Hán, thể loại tám câu năm chữ (xem nguyên bản chữ Hán và bốn bài thơ dịch trong phần Phụ lục).  Bản phiên âm và dịch nghĩa bài thơ như sau.

Mộng vong nữ (Mơ thấy Con gái Đã mất)

 

Thân viễn ngô đương bệnh (Xa cha mẹ/người thân mình đang ốm)

Tư nhi mỗi tiết ai (Mỗi lần nhớ con nén đau thương xuống)

Hốt nhiên trung dạ mộng (Bỗng nhiên trong giấc mơ giữa đêm)

Sậu kiến lệ như thôi (Nhác thấy (con) nước mắt thôi thúc chẩy)

Y phục hàn nhưng phá (Áo quần vẫn rách không đủ ấm)

Dung nhan thảm bất khai (Sắc mặt buồn không tươi nở/không tan)

Thái diêm bần vị khuyết (Dưa muối (nhà tuy) nghèo không thiếu)

Tân khổ nhữ quy lai ((Dù) đắng cay mày/con hãy quay về)

Nhìn chung, ngược với các bài thơ chữ Hán khác của Ông, Cao Bá Quát không sử dụng điển tích hay ý tưởng mới lạ trong bài thơ này, tuy rằng cách dùng chữ vẫn biểu lộ thi tài của tác giả.  Bài thơ rất xúc tích!  Chỉ trong vỏn vẹn 43 chữ Hán (kể cả tiêu đề bài thơ) tác giả đã tiết lộ khá nhiều về cá nhân và gia đình mình.  Thứ nhất, mộng mị là một đề tài lớn trong thơ văn Cao Bá Quát.  Thứ hai, tác giả là người không được khỏe mạnh, bị đau ốm thường xuyên.  Thứ ba, nhà thơ gia cảnh bần hàn, đời sống vật chất khó khăn.  Các điểm này sẽ được lần lượt khai triển dưới đây.

Thứ nhất, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận (2015), Cao Bá Quát đã dùng từ ‘mộng’ 129 lần trong các bài thơ chữ Hán của mình.  Mộng mang nhiều hình thái khác nhau trong thi văn của Ông:

·        có khi trừu tượng như mộng phù vân của Phật giáo;[8]

·        có khi mộng là lý tưởng, ước vọng;[9]

·        có khi mộng là chút mơ màng, lãng mạn;[10]

·        có khi mộng là kinh nghiệm thực tế;[11]

·        nhưng đa số mộng là giấc ngủ mơ.

Cũng theo nhà nghiên cứu Nguyễn Ngọc Quận (2015), Cao Bá Quát có 43 bài nói về giấc mơ của mình.  Đề tài của các giấc chiêm bao này cũng khá là đa dạng:

·        có khi là khát vọng công danh;[12]

·        có khi là chuyện huyễn hoặc;[13]

·        có khi là dư âm kỳ diệu của thơ ca.[14]

Tuy nhiên, chủ đề chính trong những bài thơ liên quan đến giấc mơ của Cao Bá Quát là những “cảnh vật, con người gắn bó thân thiết trong cuộc sống đời thường, cá nhân của ông” (Nguyễn Ngọc Quận (2015)). Cao Bá Quát chiêm bao về quê nhà hay mơ thấy bạn bè.  Mộng vong nữ là một sáng tác thuộc loại này.

Thứ hai, Cao Bá Quát là người có thể trạng yếu đuối, đau ốm khá thường xuyên.  Điều này đã được Ông đề cập nhiều lần trong thi văn của mình.  Trong chuyến xuất dương đi Nam Dương và Tân Gia Ba, Ông làm bài thơ bẩy câu tám chữ nhan đề Thuyền hồi quá Bắc Dữ, dư bão bệnh sổ nhật hĩ, … (Thuyền về qua đảo Bc Dữ, ta bệnh đã mấy ngày rồi, …).  Trong bài Đáp Trần Ngộ Hiên (Trả lời Trần Ngộ Hiên), Ông tiết lộ thêm: Đa bệnh cánh trì khu (Nhiều bệnh chạy ngược xuôi).  Trong bài Độc dạ (Đêm ngồi một mình) Ông than thở: “Càn khôn lão bệnh phu” (Giữa trời đất, thân già bệnh hoạn).  Có khi bệnh tật lại chính là nhan đề cho bài thơ, ví dụ như bài Bệnh trung (Xuân lai tâm lực lưỡng kham tăng) (Đang lúc bệnh (Sang xuân dến nay, cả tâm lẫn sức đều đáng ghét cả hai)) hay bài Dữ gia nhân tác biệt thị dạ dư bệnh chuyển phát (Từ biệt người nhà, ngay đêm ấy lại phát bệnh).  Theo học giả Thái Trọng Lai (2014), lý do chính Cao Bá Quát hay đau ốm là vì Ông bị bệnh tiểu đường.  Lý do phụ là Ông sống xa nhà, ít người chăm sóc, lại ăn uống kham khổ, thiếu kỷ luật (ví dụ như uống rượu nhiều).

Thứ ba, Cao Bá Quát đã sinh hoạt trong điều kiện kinh tế thiếu thốn.  Ông sinh ra trong một gia đình thanh bạch, đời sống vật chất khó khăn, con đường thi cử trắc trở.  Đến năm 33 tuổi Ông mới ra làm quan, mà làm chức thấp, lại đi làm xa, bị bệnh kinh niên, nhiều chi phí, cho nên lương bổng chắc chỉ vừa đủ sống.  Rất may, những người bạn tốt như Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương thỉnh thoảng có trợ cấp cho Ông.  Theo tìm hiểu của học giả Thái Trọng Lai (2014), vì hoàn cảnh tài chính eo hẹp, v Cao Bá Quát buộc lòng dắt con gái nhỏ (đây có thể là người con gái sau này bị bệnh mà mất) theo mình lang thang kiếm sống ở các chợ quê, mưu sinh bằng nghề bói Dịch.  Ông đã mang cái nghèo của mình vào bài phú tiếng Nôm nổi tiếng Tài tử đa cùng (Người tài tử lắm khốn cùng).  Hãy nghe Cao Bá Quát mô tả sự khổ sở của đói ăn như sau: Mộ lai khuyết úng tôn, Khô trường tẩu vạn nhĩ” (Chiều nay không có cơm, Ruột quặn cồn cào như vạn kiến bò), trích trong bài Mộ phạn bất cấp hý bút ký sự  (Bữa chiều không cơm, viết đùa ghi việc).    

 

4.   Phân tích

 

Thân viễn ngô đương bệnh
            Tư nhi mỗi
tiết ai

 

Thân viễn nghĩa đen là xa cha mẹ, nghĩa chung là xa người thân, xa nhà hay xa quê hương xứ sở.  Như vậy, tác giả làm ra bài thơ này khi đang nhậm chức ở xa, rất có thể là Huế.  Trong hoàn cảnh này, dịch ‘thân viễn’ thành ‘xa nhà’ là chuẩn xác hơn hết.  Không biết tác giả lâm bệnh vì thể trạng yếu kém (như đã bàn trong Phần 3) hay vì tinh thần xuống dốc khi nghe tin buồn con gái vừa qua đời?  Nhưng dù sao đi nữa, bị bệnh lúc xa nhà, không ai chăm sóc, thật đáng thương.  Chữ ‘mỗi’ trong câu hai nghĩa là thường, mỗi lần, còn chữ ‘tiết’ nghĩa là kiềm chế, nén lại.  Tuy thương nhớ con gái mới mất, tác giả biết sức và hoàn cảnh của mình, cố gắng nén nỗi đau thương lại mỗi khi nghĩ đến con, để bệnh tình đừng trở lên nặng hơn.  Dùng chữ ‘mỗi’ ở câu hai, tác giả cho chúng ta thấy Ông đã nhớ con nhiều lần trước giấc mơ, và mỗi lần nhớ con là mỗi lần cố nén đau thương.

 

Hốt nhiên trung dạ mộng
             Sậu kiến lệ như thôi

Tác giả ban ngày thì cố gắng nén đau thương mỗi lúc nhớ con, nửa đêm bỗng nhiên nằm mộng thấy con về.  Mơ thấy con gái là điều dễ hiểu vì tác giả đi làm việc xa nhà, không thấy mặt con lúc con mất, lúc nào cũng ước được nhìn thấy con một lần cho hả dạ.  Dùng ngôn ngữ của tâm lý học, cái chết của người con đã trở thành ám ảnh cho tác giả.  Nỗi đau buồn bị kiềm chế như một uẩn ức, trong giấc mơ vô thức liền được giải tỏa.  Trong thế giới vô thức, tác giả không thể nào kềm chế cảm xúc của mình, chỉ vừa nhác thấy (‘sậu kiến’) dáng con, nước mắt như bị thôi thúc chẩy ràn rụa không ngừng (‘lệ như thôi’).

Y phục hàn nhưng phá
           Dung nhan thảm
bất khai

Giấc mơ của tác giả không nhòe nhạt mà rất cụ thể: Ông nhìn thấy nét mặt không vui và quần áo sờn rách của người con gái mới mất.  Những hình ảnh đó cứa rách trái tim của tác giả.  Nhưng tại sao quần áo của đứa con lại không đủ ấm (‘hàn’), vẫn (‘nhưng’) cũ rách (‘phá’)?  Theo phong tục Việt Nam người chết thường được chôn với những bộ quần áo mới và đẹp nhất.  Nếu tác giả không có mặt trong tang lễ, Ông không thấy con gái trong bộ táng phục.  Trong ký ức, tác giả chỉ quen nhìn thấy con gái của mình với bộ quần áo cũ rách phong phanh mặc không đủ ấm hàng ngày.  Nếu tác giả có mặt trong tang lễ, Ông đã thấy con gái trong bộ táng phục lành lặn.  Nhưng trong giấc mơ vô thức, Ông chỉ thấy con gái trong bộ quần áo rách rưới hàng ngày.  Trong cả hai trường hợp, hình ảnh on gái với quần áo cũ rách có lẽ đã bám chặt vào tâm thức/tiềm thức của tác giả như là một mặc cảm (cha không chu cấp đầy đủ cho con cái), và do đó hiển hiện ngay lên trong giấc chiêm bao.

Tương tự cho câu sau, trẻ em bình thường vui tươi hồn nhiên, nhưng nghèo túng và bệnh tật đã làm nét mặt con gái tác giả buồn bã không tươi nở.  Một nghĩa khác của ‘bất khai’ là ‘không tiêu tan’.  Theo cách giải thích này, sự buồn khổ của con gái tác giả là liên tục từ trước đến nay, không hề tan biến, ngay khi đã vào âm thế.  Lối thông hiểu này rất phù hợp với của câu năm của bài thơ.

Hai câu rất quan trọng này tiết lộ đầy đủ về đời sống vật chất cơ hàn của người con gái, và từ đó chúng ta có thể suy ra cuộc sống khó khăn của tác giả và gia đình nói chung. 

 

Thái diêm bần vị khuyết
            Tân khổ nhữ quy lai

Hai câu cuối đánh tan tất cả nghi ngờ của người đọc, nếu có, về gia cảnh của tác giả.  Không phải chỉ thiếu mặc, mà tác giả và gia đình còn thiếu ăn.  Gia cảnh của tác giả nghèo đến độ trong nhà chỉ có ít nhiều (‘vị khuyết’ nghĩa đen là không thiếu) dưa muối (‘thái diêm’).  Bài thơ kết thúc bằng tiếng van xin thảng thốt của người cha, cầu mong con gái trở lại sum họp gia đình.  ‘Tân khổ’ nghĩa đen là đắng cay, ‘nhữ’ là mày, đại danh từ cho ngôi thứ hai, chỉ người bề dưới, hay là tiếng âu yếm gọi con.  Tuy nhiên, ngay cả trong lời cầu xin đó, tác giả vẫn tỏ ra sự bất lực của mình, không thể hứa hẹn với con gái một đời sống kinh tế ấm no sung túc hơn!  Thật là một nỗi đau đứt ruột cho bất kỳ người cha nào, nhất là một người tự biết khả năng thiên phú của mình!

Bài thơ đến đây là chấm dứt.  Sau lời van cầu đau đớn, vô vọng đó, rất có thể Cao Bá Quát đã giật mình bừng tỉnh giấc?  Lúc này chắc Ông không còn khả năng kiềm chế nỗi nhớ thương người con gái mới qua đời nữa.  Niềm đau cứ tiếp tục dồn dập đến khôn nguôi. 

Đọc xong bài thơ, dù muốn dù không, chúng ta cũng không tránh khỏi liên tưởng đến đời sống kinh tế của dân Việt vào thời đó.  Bài thơ đã gián tiếp vẽ ra một bức bức tranh xã hội khá bi đát.  Tuy làm chức nhỏ nhưng dẫu sao Cao Bá Quát vẫn là một ông quan.  Nếu quan còn sống vất vưởng không lo nổi cho gia đình như thế thì đại đa số người dân sống như thế nào?  

 

5.   Kết luận

Bài thơ Mộng vong nữ, làm ra sau khi con gái mất, có lẽ vào cuối đời Cao Bá Quát, tiêu biểu cho dòng thơ trữ tình giàu tinh thần nhân văn của nhà thơ.  Các thi sĩ, thời trước cũng như thời sau, thường làm thơ khóc cha, khóc mẹ hay khóc vợ, khóc chồng, hoặc giả là khóc bạn, rất ít ai làm thơ khóc con như Cao Bá Quát.  Trong thi văn truyền khẩu, người ta cũng thường nhắc đến tình mẹ con, lòng mẹ, chứ không nhiều khi nói đến tình cha con, lòng cha.  Trong khía cạnh này, bài thơ Mộng vong nữ có chỗ đứng rất đặc biệt, nếu không nói là độc đáo, trong văn học Việt Nam.

Cao Bá Quát đã từng quan niệm: “Bàn về thơ, tuy có phải trọng về quy cách, nhưng làm thơ thì phải gốc ở tính tình” (Tựa Thương Công Sơn Thi Tập;  xem Nguyễn Thị Tính (2015)).  Quan niệm sâu sắc đó được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong bài thơ ngắn Mộng vong nữ.  Ngược với nhiều sáng tác chữ Hán khác của Ông, Cao Bá Quát không sử dụng điển tích hay mỹ từ pháp trong bài này, tuy rằng lối dùng chữ vẫn biểu lộ văn tài của mình.  Giá trị cốt lõi của Mộng vong nữ là tinh thần nhân văn của bài thơ.  Chỉ trong vòng một số chữ rất ít, Cao Bá Quát đã rất thành công trong việc diễn tả một cách đơn giản mà sâu sắc tình cha con, một trong những dòng tình cảm quan trọng nhất của con người ở mọi nơi và mọi thời. 

Nói tóm lại, Mộng Vong Nữ có thể xem là tiếng kêu thương thống thiết của người cha bất lực trước sự ra đi vĩnh viễn của con gái, một tiếng than làm chấn động đến trái tim của các bậc cha mẹ cõi thế gian.  Đọc bài này, chúng ta thấy tinh cảm sâu kín của Cao Bá Quát với gia đình, niềm riêng thương xót của một người cha, khác hẳn với hình ảnh của một người kiêu căng, ngạo mạn đầy rẫy trong các giai thoại dân gian.  Bốn câu chót cho thấy tác giả có hàm ý tự trách mình, không đủ khả năng chăm sóc đời sống vật chất của con.  Một hàm ý khác của Mộng vong nữ là chúng ta nên tránh vội vàng kết luận hay tổng quát hóa về con người, tư tưởng, hành vi và nhân cách của Cao Bá Quát ngay sau khi đọc xong một số nhỏ các bài thơ của Ông hay là mới nghe qua một vài giai thoại dân gian về Ông.

 

Sydney, Tháng 2 Năm 2020

Tài liệu tham khảo

 

Đàm Xuân Thiều và Trần Trọng San (1965), Việt-Văn Độc-Bản Lớp Đệ Nhị, Bộ Văn Hóa Giáo Dục xuất bản lần thứ 4, Sài Gòn.

Đinh Thị Thái Hà (2003), ‘Cao Bá Quát - Lương tâm và khí phách qua thơ chữ Hán’, Luận ván Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn, Đại Học Sư Phạm T/P Hồ Chí Minh,

Lại Quảng Nam (2018), ‘Mộng vong nữ Cao Bà Quát’, truy cập 9/2/2020 <http://chimviet.free.fr/vanhoc/laiquangnam/lqnt056.htm>

Lương An (tuyển chọn và giới thiệu) (1994), Thơ Miên Thẩm Tùng Thiện Vương, Nhà Xuất Bản Thuận Hoá, Huế.

Mai Quốc Liên (2012), Cao Bá Quát Toàn Tập – Tập 2, Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội.

Trúc Khê Ngô Văn Triện (1940), Cao Bá Quát Danh Nhân Truyện Ký, Tân Dân, Hà Nội.

Nguyễn Đắc Xuân (2004), ‘Cao Bá Quát thời ở Kinh đô Phú Xuân’, Cao Bá Quát Tham Luận Hội Thảo, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học và Nhà Xuất bản Văn học, Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Quận (2005), ‘Sáng tác của Cao Bá Quát trong tiến trình văn học dân tộc’, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia T/P Hồ Chí Minh.

Nguyễn Ngọc Quận (2011), Vấn đề văn bản tác phẩm Cao Bá Quát, Khoa Văn Học, Đại Học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn, Đại Học Quốc Gia T/P Hồ Chí Minh, truy cập 16/2/2020, http://www.khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/home/index.php?option=com_content&view=article&id=1759:vn-vn-bn-tac-phm-cao-ba-quat-&catid=65:han-nom&Itemid=153

Nguyễn Ngọc Quận (2015), ‘Mộng mị và ảo giác trong thơ chữ Hán Cao Bá Quát’, Tạp Chí Đại Học Sài Gòn, Bình Luận Văn Học, truy cập 21/3/2018, http://khoavanhoc-ngonngu.edu.vn/nghien-cuu/v%C4%83n-h%E1%BB%8Dc-‘vi%E’1%BB%87t-nam/6550-m%E1%BB%99ng-m%E1%BB%8B-v%C3%A0-%E1%BA%A3o-gi%C3%A1c-trong-th%C6%A1-ch%E1%BB%AF-h%C3%A1n-cao-b%C3%A1-qu%C3%A1t.html

Nguyến Thị Tính (2015), ‘Bàn thêm về quan niệm thơ ca của Cao Bá Quát’, truy cập 18/2/2020, https://123doc.net/document/3040961-ban-them-ve-quan-niem-tho-ca-cua-cao-ba-quat.htm

Thái Trọng Lai (2014), ‘Gian nan việc dịch thơ Cao Bá Quát’, truy cập 13/3/2018, http://havuvhp.blogspot.com.au/2015/01/gian-nan-viec-dich-tho-cao-ba-quat-thai.html

Trần Nam Bình (2018), ‘Cao Bá Quát: Nhà thơ tiên tri thời cuộc’, truy cập 1/6/2019, https://nghiencuulichsu.com/2018/08/24/cao-ba-quat-nha-tho-tien-tri-thoi-cuoc/

Trần Nho Thìn (1993), ‘Sáng tác thơ ca thời cổ và sự thể hiện cái tôi tác giả’, Tạp chí Văn học, 6: 33-36.

Trung Tâm Quốc Học (2009), Cao Bá Quát Toàn Tập – Tập 1, Nhà Xuất bản Văn Học, Hà Nội.

Vũ Khiêu, Nguyễn Văn Tú, Nguyễn Trác, Hoàng Hữu Yên và Hoàng Tạo (1984), Thơ văn Cao Bá Quát, in lần thứ ba có bổ sung, sửa chữa, NXB Văn Học, Hà Nội.

 

 

 

Phụ lục

 

Nguyên tác chữ Hán

 

親遠 當病 
 
忽然  


慘不

歸來!

 

Nguồn: Vũ Khiêu và nhiều đồng nghiệp (1984), Bài số 122.

 

Vì chữ Hán rất xúc tích so với chữ Việt và thường có nhiều nghĩa, dịch thơ chữ Hán ra chữ quốc ngữ là chuyện rất khó, nếu muốn giữ đúng và lột tả hoàn toàn ý của tác giả.  Điều này càng khó hơn nếu người dịch vẫn giữ dạng tám câu năm chữ.  Tuy có khá nhiều bản dịch hiện nay, người viết xin chỉ chọn năm bài thơ dịch, ba bài theo thể tám câu năm chữ và hai bài dùng thể sáu tám.  Bản dịch của Nguyễn Văn Bách là bản dịch chính thức (in vào sách) và được nhiều người biết nhất,

 


Mộng thấy con gái đã mất, Bản dịch của NĐC (1/2010)

Đang bệnh lại xa nhà
Nhớ con thường nén dạ
Giữa đêm chợt mộng lạ
Thấy con lệ chan hoà
Áo quần sao tơi tả
Mặt ảm đạm xót xa
Dưa muối nghèo không thiếu
Con ơi! hãy về nhà!

 

Nguồn: https://vandan.vn/bai-viet/m%E1%BB%99ng-vong-n%E1%BB%AF.154/, truy cập 1/6/2019.

 

 

Mơ về người con gái đã mất, Bản dịch Nguyễn Vũ Dũng (12/2/2020)

Xa nhà mình đang bịnh
Nén buồn khi nhớ con
Giữa đêm ngủ chợt mơ
Vừa thấy liền tuôn lệ
Áo lạnh mặc vẫn rách
Mặt đau buồn khôn nguôi
Rau muối nghèo chưa thiếu
Đắng cay mày ngay về

Nguồn: Điện thư từ người dịch ngày 12/2/2020.

 

 

Mơ thấy con gái đã mất, Bản dịch Hữu Bình (27/2/2020)

 

Đang ốm lúc xa nhà

Khi nhớ con nén dạ

Nửa dêm bỗng nằm mơ

Nhác thấy lệ chan hòa

Áo quần vẫn rách lạnh

Nét mặt buồn chưa tan

Dưa muối nghèo đâu thiếu

Đói no con về nhà!

 

 

Chiêm bao thấy con gái đã mất, Bản dịch Nguyễn Văn Bách

 

Nhà xa bệnh lại dày vò,

Nhớ con hằng nén xót chua nghẹn ngào.

Đêm qua bỗng thấy chiêm bao,

Gặp con giọt lệ tuôn dào như mưa.

Áo đơn lạnh lẽo xác xơ,

Ủ ê nét mặt bơ phờ hình dung!

Tuy nghèo dưa muối đủ dùng,

Đắng cay con hãy về cùng với cha!

 

Nguồn: Vũ Khiêu và nhiều đồng nghiệp (1984), Bài số 122.

 

 

Nằm mơ thấy con gái đã mất, Bản dịch Hữu Bình (2/2020)

 

Xa nhà mình lại bệnh rồi

Nhớ con cố nén bồi hồi xót đau

Nửa đêm, chợt giấc chiêm bao

Thấy con nước mắt tuôn trào chứa chan

Vẫn quần áo rách cơ hàn

Dáng hình tiều tụy, dung nhan âu sầu

Nhà nghèo dưa muối thiếu đâu?

Đói no con hãy trở đầu về thôi!



[1] Người viết xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Vũ Dũng, chị Nguyễn Thị Bich Liên, bạn Cao Kim Nguyên và bạn Đinh Anh Tài đã nhuận sắc bài viết này, giúp bài viết trở nên mạch lạc và bài thơ dịch hoàn chỉnh hơn, 

[2] Theo tác giả Đinh Thị Thái Hà, (2003: trang 7 và 8), việc nghiên cứu và giới thiệu về Cao Bá Quát rất phát triển tại miền Nam so với miền Bắc trong giai đoạn 1954-75. 

[3] Cao Bá Quát không nằm trong danh sách các nhà thơ được trích giảng trong chương trình Việt Văn năm đệ nhị ban toán và khoa học thực nghiệm.

[4] Bài thơ Mộng vong nữ này đã được mang vào giáo trình bậc trung học Việt Nam (xem phần đọc thêm Sách Giáo Khoa Văn học 11 giai đoạn 1990-2006) nhưng đã bị lược bỏ trong Sách Giáo Khoa Ngữ văn 11 từ 2007.

[5] Cái tôi là hình tượng tác giả trong tác phẩm, là sự diễn tả, giãi bày thế giới tư tưởng, tình cảm riêng tư thầm kín của tác giả. Nhìn từ góc độ phản ánh luận thì cái tôi lại là đối tượng phản ánh của bản thân nhà thơ, là kết quả của sự tự ý thức, tự đánh giá, tự miêu tả của nhà thơ.” (Trần Nho Thìn, 1993).

[6] Xem Trần Nam Bình (2018), “Cao Bá Quát: Nhà thơ tiên tri thời cuộc”, truy cập 1/6/2019 tại <https://nghiencuulichsu.com/2018/08/24/cao-ba-quat-nha-tho-tien-tri-thoi-cuoc/>

[7] Suy ra từ câu dẫn của bài thơ Tạc ức: “Dư lâm hành nhật, thất nội liên táng nhị tử; Đáo bộ vị kỷ, hựu thất nhất bộc” (“Ngày ta gần đi, trong nhà mất liền hai đứa con; Đến Bộ chưa bao lâu, lại mất một người giúp việc”).

[8] Ví dụ như “Mộng đáo chư thiên tối thượng đầu” (“[Có phải] mơ đến các cõi trời là trên hết cả chăng” trong Du Nam Tào sơn tự lâu thượng ký vọng đề bích trình Thúc Minh, kỳ nhị (Chơi chùa núi Nam Tào, trên lầu trông xa đề vách trình ông Thúc Minh, bài 2)) hay là giấc mộng Nam Kha hư ảo như “Thí vấn cổ thần đàm mộng sự, Bách niên lai vãng kỷ hoàng lương” (“Thử hỏi thần xưa nói chuyện mộng, Trăm năm qua lại, kể đã mấy giấc hoàng lương rồi” trong bài Tống Thổ Khối Nguyễn Kinh Lịch Bắc hồi (Tiễn Ông Nguyễn Kinh Lịch người Thổ Khối về bắc)).

[9] Ví dụ như “Tiền đồ lịch lịch câu nhàn mộng” (“Con đường phía trước rõ là giấc mộng viễn vông” trong Hoạ Thúc Minh lưu biệt Doãn Trai chi tác kiêm thứ kỳ vận (Họa vần bài thơ của Thúc Minh tiễn biệt Doãn Trai)),

[10] Ví dụ như “Khởi lai đắc đắc hương sinh mộng” (“Đứng dậy ngửi được mùi thơm sinh mơ mộng” trong Thử khốn hí ngoạ hà diệp đồng Phan Sinh, kỳ nhất (Nắng nóng đùa, nằm trên lá sen cùng Phan Sinh, bài 1))

[11] Ví dụ như cảnh suýt chết trong lũ lụt hãi hùng của tác giả với hai người bạn: Tàn mộng do kinh cửu dạ phong” (“Ác mộng đã tàn mà vẫn còn hãi vì chín đêm gió lộng” trong Đồng Lê Ứng Khanh dạ ẩm (Tối cùng uống rượu với Lê Ứng Khanh))

[12] Ví dụ như “Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng” (“Mây khói kinh thành, ban trưa thường nằm mộng” trong bài Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Tấn, tẩu bút lưu biệt thân thức (Bị đầy đi nước ngoài, qua biển Đà Nẵng, viết vội cho người thân))

[13] Ví dụ như Lý Bạch: Tạc dạ mộng hồn phi quá lĩnh, Ách quân trực hạ nguyệt giang cao” (“Đêm qua hồn chiêm bao bay qua đỉnh núi, Đường hẹp ông rơi thẳng xuống mé sông trăng” trong bài Ký Thượng Mão Nguyễn tứ tú tài Dưỡng Chính),

[14] Ví dụ nhưTạc dạ ngâm thi thanh đáo hiểu, Mộng trung thượng giác dư thanh nhiễu, Khởi lai nhất bán hoặc xuân tâm, Phi nhập khinh yên uất mộng liễu“ (“Hôm qua ngâm thơ cho đến sáng, Trong mộng còn biết dư âm quanh quẩn bên mình, Tỉnh dậy ít nhiều còn ngờ vực lòng xuân, Cơ sự ấy hoà vào khói mây, niềm u uất trong mộng được xua tan” trong bài Tân xuân thí bút, kỳ nhị (Đầu xuân xuống bút, bài 2).

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 4-3-2020