Xuống dòng
Truyện ngắn
Hồ Anh Thái
Qua điện thoại, cô bạn nói sẽ gửi cho ông cuốn
sách cô mới dịch. Sách hay lắm. Văn lạ lắm. Cả cuốn sách hơn ba trăm
trang không một lần xuống dòng. Em gửi ngay đây, để anh đọc cho nóng
hổi, đang có mấy chú xe ôm loanh quanh trước nhà, em gửi ngay đây. Ừ thì
gửi ngay, ông sẽ nhận ngay và đọc ngay, đáp lại cái nhiệt tình của người
bạn đồng nghiệp trẻ. Bốn mươi thì không gọi là trẻ nữa, nói trẻ là trẻ
với ông mà thôi. Suốt ngày loay hoay việc này việc nọ, mãi đến chiều tối
ông mới nhớ cô ấy đã nói là em gửi sách ngay. Sách đâu nhỉ. Đâu có thấy
xe ôm nào mang đến. Ông không biết truyền hình và đài vừa mới đưa tin
phố ấy phố nọ vừa bị phong tỏa vì có bệnh nhân vi rút
Wuhan
làm lây lan cộng đồng. Mà dù có nghe tin ấy thì ông cũng không sao liên
hệ được giữa việc phong tỏa một đường phố với việc không thấy sách được
gửi đến. Đọc đến đây, độc giả hẳn đã đoán ra rằng đường phố của cô gửi
sách đã bị phong tỏa và cô không sao gửi được sách đi như đã hứa. Nhưng
không phải. Cô đã ra trước cửa đã gửi quyển sách đi rồi. Lảng vảng trước
cửa nhà có mấy chú xe ôm, rất tiện, cô đưa cho một chú cái phong bì có
ghi địa chỉ, chuyển giúp chị quyển sách này cho bác này, địa chỉ này,
tiền công đây, chị gửi em luôn. Chú xe ôm nhận sách mang đi. Nhưng than
ôi, chú đi là đi luôn, sách không hề đến tay người nhận. Mãi chiều tối
người nhận a lô cho người gửi rằng tôi không nhận được, người gửi bảo em
đã gửi đi từ sáng rồi, mà khổ chưa em lại không quen chú xe ôm ấy, em ra
thấy mặt mũi nó hiền lành thật thà thì gửi luôn, cứ nghĩ là gửi quyển
sách chứ to tát gì đâu. Ừ, to tát gì đâu. Thà rằng nó ôm luôn đi thùng
sữa tươi hay cái máy giặt thì còn có lý. Thời buổi này ai lấy sách làm
gì, mà giả sử có lấy sách đi nữa vẫn không phải là tội, ăn cắp sách
không phải là ăn cắp. Định nghĩa ấy đã được toàn xã hội công nhận, chỉ
trừ giới trí thức. Coi như đã mất quyển sách rồi. Ăn cắp sách không phải
là ăn cắp, nhưng mất sách thì đúng là mất. Hai người trao qua đổi lại
như vậy mà không biết rằng cuốn sách của họ lúc ấy đã phiêu lưu vào đến
tận khu cách ly. Cách ly dịch vi rút viêm phổi đang làm cả hành tinh
hoảng loạn sững sờ tê tái. Chuyện phải kể tuần tự thế này: chú xe ôm
nhận cái phong bì đựng sách phi đi luôn. Quãng đường bảy cây số không
phải giờ cao điểm, chắc chỉ ba mươi phút là nhiều. Tuyến đường dẫn qua
một cái hồ nước đang bị cư dân lấn đất lấp dần. May vẫn còn một mẩu
gương con con soi bóng trời mây. Đúng đến đấy thì chú bị bắt sống. Tóm
gọn. Chộp như chộp một con cá nước ngập mò lên chơi mặt đường nhựa. Hai
đầu phố người ta vừa kéo hàng rào sắt ra chặn lại. Dân chúng bên trong
chính thức bị cách ly, nội bất xuất ngoại bất nhập. Trong cấm ra ngoài
cấm vào. Bắt luôn cả đám khách vãng lai có mặt trong phố ấy đúng vào
thời điểm ấy. Oan uổng, cái phố bên hồ thơ mộng, bé tí con con thì vẫn
thơ mộng, vì thơ mộng mà có rất nhiều quán cà phê, đám ngồi đồng ở quán
cà phê quán ăn bị bắt hết. Đám này không phải là dân trong phố, không có
nhà tại chỗ để cấm túc cách ly tại gia. Đám này bị tống hết lên xe đặc
dụng, chở tuốt lên khu cách ly năm chục cây số cách xa thành phố. Lên
đến khu cách ly, chú xe ôm được phân vào một căn phòng ở tầng ba. Khu ký
túc xá của một trường cao đẳng, sinh viên về nghỉ tết gặp đúng vụ dịch
bèn nghỉ dài. Mỗi phòng có bốn cái giường, mỗi giường hai tầng. Nằm tầng
trên nói chuyện với tầng dưới bảo đảm khoảng cách hai mét, quãng đường
ấy bảo đảm cho vi rút bay mỏi cánh, chưa kịp đến nơi đã bị cuốn đi, tan
theo chiều gió. Ấy là phân tích một cách khoa học, chứ người cách ly
phải đeo khẩu trang suốt ngày, hạt bụi nước aerosol nào cũng chết dí ở
mặt trong khẩu trang, có mà bay. Chú xe ôm vừa vào có bạn kết ngay. Một
anh khoảng ngoài ba mươi tự giới thiệu vừa từ bên nước Anh chạy dịch về.
Ở sân bay anh đã được kiểm dịch, mất một ngày vật vờ ở sân bay, bảo đảm
không dương tính, đã được tha về nhà. Nhưng mà chạy trời không khỏi
nắng. Sáng nay anh mò ra quán cà phê bên cái hồ con con thơ mộng, cà phê
chưa kịp nhỏ giọt hết phin thì bị lực lượng chức năng ập vào lùa hết lên
xe. Oan ức chưa. Ai bảo mò đúng vào cái phố bị cách ly ấy. Nghe đâu phố
ấy có một lão vừa đi công tác nước ngoài về lăn quay ra ho khan, xét
nghiệm thì dương tính. Trước đó lão còn nhậu nhiếc gôn ghiếc họp hội
đồng hội điếc vung tàn tán khắp nơi nhưng cố giấu, nó mới lây lan ra cả
cộng đồng khu phố. Bây giờ thì anh tay không vào đây, đến cái khăn mặt
bàn chải đánh răng cũng chẳng kịp mang theo. Không sao, anh tạm trú Anh
quốc bảo, ở bên Luân Đôn xứ sở sương mù, tớ đã thực hành lối sống tối
giản của người Nhật. Căn phòng trọ mười lăm mét vuông không bàn ghế
giường tủ, chỉ có một cái đệm trải xuống sàn nhà, vài thứ thiết yếu để
tự nấu ăn, thế là sống nhẹ nhõm thảnh thơi. Vào đây hai tuần, đồ dùng cá
nhân được phát, ngày ba bữa ăn dâng tận mồm, kiểm tra sức khỏe tận
phòng, mong chờ gì hơn. Rồi anh bạn Luân Đôn hất hàm, cậu cũng đi tay
không à. Vâng, xe máy hành nghề của em đã bị tịch thu, bị gửi vào quán
cà phê bên đường, họ đưa cho cái vé gửi xe, khi nào về thì lấy. Cậu hành
nghề gì mà xe máy. Em là xe ôm kiêm síp hàng. Ái chà, chuyển hàng thì cứ
gọi là chuyển hàng, lại còn chêm tiếng Anh vào, tưởng thế là oai phong
lẫm liệt. Anh Luân Đôn được dịp tuôn ra một tràng. Cộng đồng người Việt
ở nước ngoài rất kỵ cái kiểu nói một câu lại đệm một câu. Không phải đệm
câu nói tục mà là câu tiếng Anh tiếng Pháp. Cộng đồng Tây Âu nghiêm khắc
hơn cộng đồng Đông Âu. Người ta tốn tiền thuê thầy dạy tiếng Việt cho
thế hệ thứ hai thứ ba trở đi không phải để cho cái đám ấy tha hồ nói
đệm. Cấm. Cấm tiệt. Vả vào mồm. Cái pờ róp bờ lầm này là tui hổng có sua
bạn phải bót lên oép một cái tút mà hỏi cộng đồng nét ti zân. Đấy. Có mà
tát cho gẫy răng. Lạ một nỗi, người Việt
ngoài xa thì khắt khe thế, con cái đứa nào định lấy Tây lấy Mỹ là
ngửa mặt kêu trời vì sợ cộng đồng mình bị pha tạp mất bản sắc, lạ nỗi
nữa, người Việt trong nước thì thoải con gà mái, xin lỗi chỗ này tớ
không được trong sáng tiếng Việt lắm, nói một câu là đệm một câu. Chuyển
hàng nói cho oai là síp hàng, người chuyển hàng thì uốn éo thành síp pờ,
truyện rất ngắn thì nói cho sang thành truyện ngắn mini. Nhân nói chữ
mini, anh Luân Đôn bảo anh từng kinh hoàng với chữ truyện ngắn mini phát
minh của một nhà văn nào đó, anh truy từ nguyên thì dân Sài Gòn trước
năm bảy lăm gọi cái váy ngắn là váy mini, cho nên sau này nghe cụm từ
truyện ngắn mini cứ hình dung ra cái váy. Từ bên Luân Đôn, anh từng lên
mục người đọc làm báo bình phẩm rằng cái kiểu truyện váy mini ấy, cái
kiểu truyện rất ngắn ấy nó khô xác như đề cương, nó chưa phải là truyện,
nó già ngụ ngôn non truyện ngắn. Bình phẩm ngôn ngữ chưa xong thì thấy
cả phòng đổ xô ra chen chúc bên cửa sổ. Chen chúc tức là vi phạm quy
định cách nhau hai mét dù ở trong phòng. Từ những phòng bên cạnh cũng
nghe tiếng reo hò của mọi người đang dồn hết ra cửa sổ. Mười tầng gác
của khu ký túc xá cũng xôn xao ồn ào tiếng người bên cửa sổ. Người ở các
phòng phía sau đổ dồn sang phòng mặt tiền nhìn xuống cổng ký túc xá. Ở
dưới ấy người nhà đã kéo đến bu đầy quanh cổng sắt hàng rào sắt nhìn
vào. Đi tiếp tế. Cho vợ cho chồng cho con cho cháu cho bạn cho bè. Con
ơi con ơi mẹ đây, cá thu mẹ kho hơi mặn đề phòng không có tủ lạnh. Cháu
ơi cháu ơi ông đây, ông gửi chai vốt ka để cháu rửa tay, bảo đảm hơn rửa
bằng cồn cháu nhé. Cháu ơi, thịt trâu gác bếp bà để trong ngăn đá, hoa
quả tươi trong ngăn mát, nhớ ăn cho đủ vitamin tăng sức đề kháng, đừng
quên đấy. Thôi thì nhắn gọi loạn cả lên. Gọi ra giữa trời và gọi vào
điện thoại. Chẳng ai nhìn thấy ai chẳng ai nghe thấy ai. Khốn khổ những
chiến sĩ tình nguyện như đàn kiến tha mồi. Bê lên khuân lên cõng lên vác
lên ròng rọc kéo lên. Gửi cả tủ lạnh như cho tù biệt giam cấm cố, hai
tuần mà làm như phát vãng chung thân, không nhịn nổi một bữa. Anh Luân
Đôn bật cười, y như đám đi trẩy hội chùa Hương, đi có một ngày mà mang
cả gà rán vịt quay, không mang thì đến sân chùa Thiên Trù mua hẳn thịt
chó thịt dê nhờn môi nhờn mép ngay trên sân chùa. Tâm linh được một ngày
thanh sạch nhưng dạ dày vẫn cứ phải tráng mỡ sát sinh, không thể nhịn
được dù một ngày. Đám đi đưa cơm tù cuối ngày cũng giải tán. Các phòng
cách ly giờ ăm ắp đồ tiếp tế. Trong phòng có một anh trông như cò bệnh
viện nhận được một hộp xốp cỡ ba chục cân. Ba nải chuối. Năm khay mít
bóc sẵn. Năm khay hồng xiêm đã gọt. Một cân anh đào chia làm hai hộp. Ba
cân cam. Đấy là hoa quả. Thực phẩm thì một cân chân giò hun khói đã thái
lát, một cân xúc xích, một cân giò lụa, một cân giò tai, ba chục nem
chua, hai chục gói mì tôm. Đặc biệt, giữa đống đồ còn giấu được hai chai
uýt xờ ki, giấu giỏi, không bị tịch thu như cái ông công khai gửi vốt ka
cho cháu đích tôn rửa tay. Trông như cò bệnh viện lại hóa ra là anh gia
đình có điều kiện, phồn vinh nhất hội. Anh chia cho mỗi người vài chiếc
nem chua bằng ngón tay. Còn lại anh bày lên mặt bàn,
cái bàn duy nhất trong phòng. Bày đúng kiểu tủ hàng trong cửa
hiệu tiện ích. Anh bấm điện thoại tanh tách một lúc, quảng cáo bán hàng
trực tuyến, chỉ sau nửa giờ đã có người đặt hàng. Tầng số lẻ nhiều người
đặt mua ngay, tầng một, ba, năm, bảy, chín. Mãi sau mới thấy lác đác
tầng số chẵn, tầng hai, bốn, mười. Tầng sáu tầng tám chắc đang ngủ yên.
Anh cò quay ra bảo chú xe ôm, cậu là síp pờ đúng không, thế thì bây giờ
có việc cho cậu đây, hai lạng chân giò hun khói kèm chai rượu cho phòng
năm linh sáu, nải chuối cho ba mười hai, khay mít cho chín linh bốn. Vân
vân. Thế là người vận chuyển vào đến đây vẫn làm người vận chuyển. Con
sãi ở chùa lại quét lá đa. Chú xe ôm đeo khẩu trang đi ngay. Hành lang
vắng tanh, bác sĩ và điều dưỡng viên không phải giờ đi kiểm tra, các
chiến sĩ tình nguyện thì sau khi làm cửu vạn đến kiệt quệ giờ đang nằm
giang tay duỗi chân trong bóng cây dưới kia. Các cầu thang và các hành
lang bỏ ngỏ cho chú xe ôm đi đưa hàng. Công xá đàng hoàng. Vào khu cách
ly rồi mà vẫn có thu nhập. Ha ha he he hô hô hi hi. Nhưng cười chẳng
được bao lâu. Có phải cái kim đâu mà giấu được trong bọc. Điều dưỡng
viên và chiến sĩ tình nguyện ập vào bắt quả tang cửa hàng tiện ích. Vi
phạm quy định an toàn y tế, phòng nọ chuyển đồ sang phòng kia cũng là
một khả năng lan truyền vi rút, nếu có. Nếu chưa có thì cũng là nguy cơ.
Tóm gọn. Tịch thu. Sạch sành sanh. Anh cò bệnh viện được một ngày lên
làm ông chủ rồi lại trở về làm anh cò bệnh viện. Chú xe ôm được một ngày
trở lại hành nghề rồi lại thất nghiệp. Ngồi bó gối bên cửa sổ nhìn xuống
cổng ký túc xá. Anh Luân Đôn hỏi chú có cái gì trong phong bì to kia. A,
đấy là cái phong bì sách người ta gửi, em chưa kịp chuyển. Anh Luân Đôn
sáng mắt lên, sách à, sách thì cho xem tí. Hai người đấu tranh một lúc
rồi quyết định mở cái phong bì, may trong ấy không có thư từ cá nhân
kiểu thư tình hoặc bàn chuyện mánh mung bí mật. Một quyển tiểu thuyết.
Anh Luân Đôn đọc ngay. Còn mười một ngày cách ly nữa, may có quyển sách,
anh bảo thế. Anh đọc, cứ chốc chốc lại bật cười khúc khích rồi cười hì
hì rồi cười khanh khách rồi cười ha hả. Từ đầu đến cuối, hơn ba trăm
trang sách, là một cái tiệc sinh nhật kéo dài năm tiếng từ bảy giờ tối
cho đến mười hai giờ đêm. Nhân vật chính ngồi yên trong góc tay cầm cốc
cô nhắc mà quan sát toàn bộ đám chủ lẫn khách lướt qua trước mắt mình.
Bà chủ nhà hôm nay sinh nhật lần thứ năm mươi sáu kỷ niệm luôn một năm
về hưu giã từ sân khấu và giới sâu bít biểu diễn. Thuở còn là diễn viên,
lại là lúc có một tí hồng nhan, bà chỉ là diễn viên hạng ba hạng tư, vở
diễn nào của đoàn cũng tham gia nhưng chỉ là vai chạy cờ, chạy đánh vèo
một cái ra báo cho nhân vật chính là đến giờ cô thay áo đến giờ cô ăn
cơm đến giờ cô phải lên đường đi gặp hoàng tử. Bù lại không có vai trên
sân khấu thì cô đóng một vai nặng cân ngoài đời: cô đi buôn bất động
sản. Mấy chục năm có dấn có vốn, giờ về hưu cô dốc vốn liếng ra thành
lập đoàn kịch của riêng mình, như ngày xưa thì gọi là gánh hát. Ngày xưa
không được giao vai thì bây giờ bà có tiền, bà thuê đạo diễn dựng kịch,
bà tự phân vai cho mình. Toàn vai chính. Tiểu thư, công chúa, nữ hoàng,
nữ điệp viên, nữ anh hùng, nữ doanh nhân thời đại mới. Nhân vật không
phù hợp với bà về hình thức về tính cách về tuổi tác, mặc kệ. Bà ảo
tưởng rằng một nghệ sĩ tài năng như mình có thể vượt lên mọi hạn chế của
tuổi tác và thời đại. Người đàn ông đang cầm ly cô nhắc ngồi một góc
phòng chính là người ngày trước đã phê bình những vai phụ của bà là vô
duyên và thừa thãi trong những vở kịch vốn đã cấu trúc lỏng lẻo. Ấy vậy
mà chẳng hiểu sao sáng hôm nay vừa mới nghe bà ta gọi điện thoại mời đến
dự sinh nhật ông lại nhận lời ngay. Hình như là mềm lòng. Hình như là
bao dung. Hình như là tò mò. Giờ thì ông ngồi đấy với ly cô nhắc, quan
sát đám nghệ sĩ trí thức doanh nhân diễu qua trước mắt như đám hình nhân
chạy vòng quanh trong đèn kéo quân. Sau nửa đêm, ông loạng choạng đi ra
cửa, bắt tay chào bà diễn viên chủ đoàn kịch tư nhân hẹn sớm gặp lại,
rồi khi đã đi khuất ra khỏi cửa thì ông tự nguyền rủa mình đã nhận lời
đến dự. Chuyện đến đấy là hết. Anh Luân Đôn lật qua lật lại cả quyển
sách mà kêu lên rằng hơn ba trăm trang sách không một lần xuống dòng,
không có phân đoạn. Cứ thế dòng ý nghĩ kéo người đọc đi, như bị nhảy
xuống một dòng nước xiết rồi bị cuốn đi, không sao dừng lại được. Bị
cuốn đi như vậy, dễ hiểu là bị bao trùm bởi một cảm giác mù mịt hỗn độn
tối tăm, không kịp nhìn thấy gì giữa dòng nước xiết, không kịp thấy hết
nhớ hết những gì trôi qua. Chỉ còn lại ấn tượng: hỗn độn, mù mờ, chán
chường, khinh ghét, ghê tởm. Anh Luân Đôn giải thích đấy là kiểu tạo
phong cách của tác giả, không phải ông nhà văn không biết chấm xuống
dòng, chẳng phải ông có vấn đề với sự trong sáng của ngôn ngữ. Về mặt kỹ
thuật thì có thể ông sẽ bị gay go với đám kỹ thuật viên của những trang
báo mạng. Họ có xu hướng chặt khúc các bài viết ra thành nhiều phân
đoạn, tác giả không xuống dòng thì họ bắt phải xuống dòng. Hình hài đoạn
văn đang nguyên vẹn thì họ chém ngang lưng. Quyển sách này rơi vào tay
họ thì bị chết chém hàng nghìn lần chứ không ít. Nói thế, anh Luân Đôn
bảo chú xe ôm đọc ngay cuốn sách. Và anh ra bài tập cho chú. Chú phải
tìm ra những chỗ cần phải ngắt mạch, phải chấm xuống dòng. Tìm cho ra và
ngắt cho đúng. Chú xe ôm hăm hở đọc và làm bài tập ngay. Chú lấy bút
vạch vào những chỗ cần phải chấm xuống dòng. Mỗi chỗ như thế, chú đánh
một cái dấu mở móc như thế này: [ cứ liên tục những cái dấu móc như thế:
[ [ [. Sau mỗi dấu móc như thế tức là tác giả cần phải bắt đầu một dòng
mới. Rốt cuộc cuốn sách hơn ba trăm trang đã được chú thêm vào hai nghìn
một trăm năm mươi tư cái móc. 2154. Tổng bốn chữ số là 2+1+5+4=12. Tổng
hai chữ số 12 là 1+2=3. Mười hai và ba, những con số bình thường, hình
như không có âm dương ngũ hành gì trong ấy. Chỉ là một tá và một phần tư
của một tá. Đánh đề chắc cũng chẳng gặt hái gì nhiều. Anh Luân Đôn và
chú xe ôm đang vật vã với cuốn sách để giúp nó xuống dòng thì một anh
bạn khác chen vào. Anh ta luận về cái sự xuống dòng. Cảm giác đang từ
trên cao mà hạ cánh xuống nó lâng lâng còn hơn bay bổng trên trời. Anh
ta có đủ tư cách để nói vậy. Ngày cách ly thứ hai, khi bảy người đã yên
vị trong phòng thì anh ta được bổ sung vào chiếc giường thứ tám. Anh
không bị bắt từ dưới thành phố mang lên mà tự anh nhảy dù xuống. Đúng
nghĩa nhảy dù. Đang trận dịch mà anh vẫn lên đây chơi dù lượn. Anh đã
bay qua quần thể làng văn hóa dân tộc, bay trên cả đám tổ hợp nhà sàn
nhà ngói nhà tranh, bay qua sân gôn và hồ nước. Bay đến thế thì anh bị
cuốn theo chiều gió, hạ cánh ngay xuống giữa sân khu cách ly. Thôi rồi.
Trời hại tôi. Anh bị tóm sống tống ngay vào trại cách ly. Đời phải có
lúc lên voi xuống chó. Phải có lúc lên trời và có lúc xuống đất. Lên
lâng lâng bay bổng. Xuống nhẹ nhõm trút bỏ. Xuống hoàn tất viên mãn. Cái
ông nhà văn của các cậu chắc không biết cách xuống cho nên rất nhiều ấm
ách uẩn ức tích tụ. Chú xe ôm nhớ lời anh dù lượn. Sau mười bốn ngày ra
trại việc đầu tiên về đến thành phố là chú mang quyển sách đến giao cho
người nhận. Phiền một nỗi quyển sách đã bị vạch vào đấy 2154 cái móc.
Chú quyết định giữ quyển sách đầy những móc ấy lại cho mình. Có khi con
cái chú sau này nhìn vào đấy không phải được nhắc nhở về cách viết văn
xuống dòng cho đúng mà sẽ nhớ lại mười bốn ngày cách ly của cha. Kỷ niệm
vui. Chú mua một quyển sách mới để đền cho người nhận, nhưng quyển sách
mới không có chữ ký của cô dịch sách gửi tặng ông bạn già. Cả ông và cô
đều tưởng đã mất cuốn sách rồi. Mất tích hẳn hai tuần rồi. Chú xe ôm đưa
cả hai quyển sách ra, trình bày lý do, và nói tùy người nhận chọn quyển
nào cũng được. Tất nhiên ông già nhận quyển có chữ ký của cô dịch sách.
Ông bảo người cao tuổi như ông không còn trường sức để chạy ma ra tông
từ đầu đến cuối quyển sách mà không một lần được nghỉ, may có chú xe ôm
đã giúp đánh dấu những chỗ xuống dòng. Mỗi lần xuống dòng là một lần
nghỉ. Một trạm nghỉ. Hai bác cháu trao sách và nhận sách giữa lúc dịch
vi rút vẫn chưa tàn. Nói chuyện với nhau cả hai vẫn phải đeo khẩu trang.
Nhưng rồi chú xe ôm xin bác tháo khẩu trang ra. Cái cô gửi sách tặng bác
có gương mặt của một trí thức ở Tây về. Cháu hình dung người gửi như thế
thì người nhận cũng mang gương mặt như thế. Cháu muốn xem phán đoán của
cháu có đúng hay không. Người nhận bật cười gỡ khẩu trang ra. Chú xe ôm
cũng gỡ khẩu trang ra. Nhìn rõ mặt nhau. Khi trận dịch tạm lắng, các
hoạt động trở lại tương đối bình thường, một hôm ông thấy mặt chú xe ôm
trên tivi. Bản tin giới thiệu về một câu lạc bộ dù lượn. Chú xe ôm lên
hình khi chú được anh bạn dù lượn cho bay thử một chuyến. Chú bay trên
hồ nước rồi hạ cánh chạy mấy bước trên đồi cỏ. Chú. Chính là chú. Giờ
thì chú đã thực sự biết cảm giác tự mình hạ độ cao và xuống dòng nó như
thế nào.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 4-11-21
|