Rối loạn chính tả - dở nọ dở kia Văn chương hay số học? Quyển sách nọ, ở bìa sau, chữ Hội Nhà văn
Việt Nam (tên tổ chức đưa ra mấy lời nhận định) không nên cho vào ngoặc
đơn. Cũng thế, ở bìa lót cũng không nên cho vào móc đơn dòng chữ Dành
cho lứa tuổi 10+. Nhìn chung, ở bìa sách và ở bìa lót, người ta
không dùng nhiều loại dấu, trong đó có dấu ngoặc đơn ngoặc kép, cũng như
đi cùng với tên tác phẩm tác giả không đặt các dấu chấm dấu phẩy – làm
như vậy thường bị coi là “quê”. Từng có lúc ở trên bìa một cuốn sách,
bên dưới tên tác phẩm, người ta để chữ tiểu thuyết trong ngoặc
đơn, rất vụng và thiếu tự nhiên. Khi xử lý một cái bìa sách, họa sĩ sẽ có cách
trình bày của họ. Cuốn sách có nhiều hơn một tác giả thì để thay cho
việc đặt dấu phẩy ở giữa tên các tác giả, họa sĩ có thể ngắt xuống dòng
hoặc thay đổi phông chữ, in thẳng, in nghiêng... Cũng ở quyển sách nêu ở đầu bài còn có một chi
tiết: bên dưới ảnh chân dung nhà văn có dòng chữ số
(01.3.1920-01.3.2020) như thể tác giả thọ 100 tuổi, bởi vì vị trí ấy là
năm sinh và năm mất. Muốn nhấn mạnh vào dịp kỷ niệm thì trên đầu sách
chỉ cần ghi thêm một dòng: Kỷ niệm 100 năm sinh nhà văn, chứ không ghi
hai con số với cái gạch ngang ở giữa như vậy. Con số 01 ở trên cũng gây dị ứng, bởi vì đây là
sách văn chương, không phải công văn hành chính hoặc chứng từ của kế
toán. Trong các văn bản hành chính kế toán, người ta phải thêm số 0 như
thế để đề phòng nhầm lẫn (ví dụ nhỡ có người điền thêm con số nào đó
trước số 1). Nhưng cách đánh số như thế hoàn toàn không thích hợp ở
những văn bản văn chương. Ta nhìn vào những ví dụ dưới đây mà xem, một
cuốn sách văn chương đã bị số học hóa, cứ như văn bản kế toán:
- Họ tán tụng nhau là “ca sĩ số 01”, là “cây đàn số 01”.
- Phiên tòa đã diễn ra 03 ngày.
- Chúng tôi phải lội 09 con suối mới tới nhà tù.
- Đó là thời điểm “04 bên” chuẩn bị ký kết Hiệp định Paris. Nhân nói chuyện số học, thời còn làm việc ở nước
ngoài, có lần nhân viên kế toán đưa cho tôi ký một văn bản quyết toán để
gửi về trong nước. Văn bản đầy những chữ số được viết theo kiểu chính tả
tiếng Anh. Ví dụ, con số một triệu là thế này: 1,000,000. Tôi nói với
anh kế toán rằng con số ấy theo chính tả tiếng Việt thì chỉ là 1 đơn vị
mà thôi. Nếu là một triệu thì chính tả tiếng Việt phải là 1.000.000. Tôi
mà ký vào văn bản này gửi về thì sẽ có người bảo tôi cần phải học lại số
học. Nhưng cũng phải hiểu cho nhân viên kế toán. Cả
một hệ thống tài chính kế toán bây giờ đã theo chính tả kiểu tiếng Anh
như thế. Văn bản ngân hàng cũng thế. Tự những ngành như vậy đã quyết
định thay đổi chính tả tiếng Việt. Để ý thêm thì thấy cách viết chữ số
như thế này có lúc đã lan sang báo chí và văn chương.
Tương tự, ví dụ để đánh dấu ba luận điểm,
chính tả tiếng Việt là: 1. 2. 3. (hoặc 1- 2- 3- …) nhưng bây giờ có khi
văn bản hành chính cũng như sách báo lại viết theo chính tả tiếng Anh:
(1) (2) (3). Con số để trong ngoặc đơn như vậy, chính tả tiếng Việt phải
hiểu là đánh dấu những chú thích. Vẫn là chuyện số học, mấy con số trong câu “phiên
tòa kéo dài 3 ngày” và “lội 9 con suối”, ngày trước mà học trò viết con
số trong câu văn như vậy, dễ bị thầy giáo hoặc phụ huynh đòi đánh cho
gẫy tay. Lẫn lộn và tùy tiện Tiếp tục về các dấu ngoặc. Chính tả tiếng Việt
hiện vẫn lộn xộn với cái dấu ngoặc kép. Khi kết thúc một câu trích dẫn
trong ngoặc kép, đúng chính tả tiếng Việt thì phải đóng ngoặc kép lại
mới chấm hết câu. Ví dụ: “Này này chị bảo cho mà biết / Chốn ấy hang hùm
chớ mó tay”. Nhưng bây giờ sách báo rất nhiều vị đã tự động viết theo
chính tả tiếng Anh. Họ chấm hết câu rồi mới đóng lại cái ngoặc kép. Chưa hết, tôi từng viết trong cuốn Lang thang
trong chữ về việc các vị làm báo biết tiếng Anh đã đổ ập vào tiếng
Việt một dòng chính tả tiếng Anh. Chẳng hạn, quy ước của chính tả tiếng
Việt là chỉ viết hoa danh từ riêng, nhưng họ lại du nhập từ tiếng Anh
cách viết hoa cả những ngày trong tuần, những tháng trong năm. Thậm chí
viết hoa cả những danh từ chung như giám đốc, hiệu trưởng, tổng thư ký,
bộ trưởng… “Tổng thống Obama” chẳng hạn – Obama là danh từ riêng, chắc
chắn phải viết hoa, nhưng lý gì mà danh từ chung “tổng thống” cũng viết
hoa, tổng thống thì có cả trăm ông trên thế giới này? Ta đang dùng chính
tả tiếng Việt chứ có phải chính tả Anh - Mỹ đâu. Còn nhiều bất cập ngay trong chính tả “thuần
Việt”. Như việc nhà trường đã tạo ra mấy thế hệ thầy giáo và học sinh
tùy tiện đổi tuốt y dài thành i ngắn. Tùy tiện, vì cái thứ chính tả ti
hí bí rì này chỉ tồn tại trong hệ thống giáo dục mà thôi (nói vậy, vẫn
biết nó đang dần lan tràn sang các lĩnh vực khác). Mới đây lại lưu truyền một văn bản quy định bổ
sung và sửa đổi chính tả tiếng Việt. Nhìn vào thì thấy có những thay đổi
chưa hợp lý. Chẳng hạn, quy định viết hoa sau dấu chấm phẩy (;) để khác
với trước đây là viết chữ thường. Hoặc chữ “văn hóa” vốn là dấu sắc đặt
trên chữ o, còn khi thêm một phụ âm sau chữ “hóa” thì dấu sắc mới đặt
trên chữ a (như trong chữ “hoán vị”). Nhưng quy định mới thì đặt dấu sắc
lên trên chữ a: “văn hoá”. Có lẽ sự thay đổi này là để chiều theo cách
cài đặt phông tiếng Việt trong phần lớn máy tính. Còn thực ra cho đến
nay, viết “văn hoá” bị coi là sai chính tả. Thay đổi cũng được, nhưng phải có một cơ quan
chịu trách nhiệm đứng ra quy định cho thống nhất, đừng để loạn chính tả
như hiện nay. Chính tả tiếng Việt giờ đây nói chung đang dở nọ dở kia.
Hồ Anh Thái
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 14-11-20 |