Đừng “đứng đầu” kiểu như vậy

Hồ Anh Thái


Chẳng biết từ bao giờ, người Việt có tục ép rượu. Nói cho đúng, mời rượu thì có, chứ ép rượu chỉ mới nảy ra mấy chục năm nay, nhất là từ khi chuyển sang kinh tế thị trường. Cánh viên chức ngại nhất là đi công tác về các tỉnh, thôi thì bị ép cho uống đến gục, đến say mềm. Càng miền núi hải đảo, càng vùng sâu vùng xa, càng bị ép uống. Có lần người viết bài này bị một trận ép rượu, giám đốc sở một tỉnh miền núi được mệnh danh là hổ dữ trên bàn rượu, cô chủ trương ép cho mình đổ hẳn hoi. Cái lý cô đưa ra: Anh không uống thì chúng tôi không vui.
Lý hay nhỉ. Thầm nghĩ, nhưng tôi uống đến lăn đùng ra thì tôi không vui.

Uống: chủ nhà vui, nhưng khách không vui.

Thế thì hóa ra chủ nhà chỉ vui trên nỗi buồn của khách, mục đích của chủ là được thấy khách không vui?

Cả một bữa nhậu, người ta chỉ mong đánh gục cho được toàn bộ đám khách. Nếu không ai là khách thì bao giờ cũng có xu hướng cả đám đông ngầm ý chọn cho được một kẻ phải hy sinh rồi tập trung đánh gục. Đấy là thành công, đấy là niềm vui của họ.

Hóa ra niềm vui cũng đơn giản, cũng dễ dãi. Ở nơi công nghệ giải trí chưa đủ hấp dẫn được người ta.

Nhưng niềm vui bao giờ cũng phải từ hai phía, không phải chỉ là vui riêng một bên. Có rượu ngon bia ngon, sao không mời khách lựa chọn. Tập quán văn minh, trong quán có mấy loại rượu, mấy loại bia, nên mời để khách chọn loại nào khách thích. Nếu ở nhà riêng, cũng thế, mấy loại rượu bia, mấy loại nước ngọt, nên có một câu mời, khách được quyền lựa chọn.

Mời, để tỏ lòng hào phóng, hiếu khách.

Chọn, để đáp lại thịnh tình, để thấy mình được lựa chọn, được tôn trọng.

Mời, để chứng tỏ người chủ đang thực hiện dân chủ, tôn trọng quyền của khách, một kiểu tôn trọng nhân quyền.

Chọn, khách thấy mình được sống theo sở thích, được thực thi nhân quyền.

Nhiều người thích uống, nhưng chỉ uống khi không bị ép, không bị khích bác, tuy vậy khi bị ép thì bỗng nhiên mất cảm hứng, không thích nữa. Có người chỉ chọn nước ngọt, thì cũng nên tôn trọng sở thích ấy, việc gì đến niềm vui cũng phải là “đồng phục”, chung nhau một kiểu.

Việc ép nhau uống rượu đến nôn ra mật xanh mật vàng, suy cho cùng là một kiểu phạm vào nhân quyền. Nói thế lại bảo nâng cao quan điểm, nhưng thực tế là đa số người bị ép uống đều khiếp vía đến nhiều ngày sau, nhiều tháng sau nghĩ đến đi công tác tỉnh xa phải uống rượu vẫn còn ngại.

Người viết này không phản đối rượu bia. Mỗi ngày một ly rượu vang, khoa học thậm chí còn cho là tốt cho sức khỏe. Rượu bia vừa đủ độ, không ai ép ai, thì mang đến niềm vui, giải tỏa đôi ba nỗi niềm, gây ra đôi ba cảm hứng.

Nhưng ở ta thì biết thế nào là đủ độ. Ngồi vào bàn rượu rồi thì một hai ba… zôôô, rồi tất cả đều đi đến quá độ.

Uống, nhưng mức độ vô biên, đấy mới chỉ là người đưa rượu vào miệng.

Uống, nhưng cho nhau tùy chọn, biết đủ là đủ, đấy là cái uống của người biết thưởng thức. Và biết thưởng thức còn là người có ý thức về thời gian uống: phải là sau giờ làm việc buổi chiều, khi không còn phải làm việc, không còn phải lái xe, nhiều thứ đã hoàn tất, đã gác lại. Quá độ đến mức gây tai nạn, gây án, hoặc gây xô xát trong gia đình, xung đột với láng giềng. Không đến mức ấy thì cũng hại chính mình, đầu óc lơ mơ, trạng thái bơ phờ, thân thể lờ đờ, chắc chắn ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng công việc – năng suất lao động của người Việt thì đứng hàng kỷ lục thấp nhất thế giới.

Đôi khi nghĩ, chắc phải như người Pháp, người Đức, người Séc, đứng đầu thế giới về thương hiệu bia rượu, nhưng họ không đứng đầu trong số nước tiêu thụ.

Đôi khi nghĩ, chắc phải như người Nhật, làm ra cái karaoke nhưng không đứng đầu thế giới về tần suất hát karaoke.

Chắc phải như người Tàu, hàng đầu sản xuất xe máy rẻ, nhưng chẳng dại mà đứng đầu về dùng xe máy vô hạn độ, đã có những nước khác dùng hộ.

Ta thì đang làm ngược: không hẳn đã đứng đầu về sản xuất rượu bia, rượu bia ấy cũng không xuất khẩu đi đâu, mà có ngay một thị trường rộng lớn tại chỗ là 77% đàn ông Việt Nam. Cũng là kỷ lục thế giới, nhưng là kiểu đứng đầu như vậy.

Đôi khi cứ phải nghĩ đến người Nhật, làm việc năng suất hàng đầu thế giới, nhưng hưởng thụ thì không theo kịp năng suất.

Như thế không hẳn đã ổn, chất lượng sống là ở chỗ cân đối, hài hòa. Nhưng hưởng thụ theo kiểu xài rượu bia của người Việt càng không ổn, cũng cần phải dung hòa, theo Trung Đạo (Middle Way). Trong vấn đề bia rượu, kêu gọi, khuyến nghị, tuyên truyền… trên thực tế chỉ có tác dụng rất khiêm tốn. Có khi tham gia mang băng cờ khẩu hiệu loa đài đi kêu gọi xong, lúc về lại kéo nhau vào quán làm chầu bia. Cần một chiến lược quốc gia, cần biện pháp độc đoán cứng rắn. Mấy nước Đông Á và Nam Á khi hóa rồng đều trải qua những cơn đau lột xác mang tính độc đoán và áp lực.

Hồ Anh Thái