Thơ Vũ Trọng Quang giữa hôm qua và hôm sau

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

 

13 năm trước, tập thơ thể hiện con đường nghệ thuật của Vũ Trọng Quang ra đời, mang tên Hôm qua, hôm nay và hôm sau (NXB Đà Nẵng - Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, 2006). Họa sĩ Lê Ký Thương làm một mẫu bìa độc đáo với những mũi tên dẫn từ hôm qua sang hôm nay, và từ hôm nay mũi tên gắn liền với đồng hồ cát dẫn đến hôm sau giấu ở bìa cuối, như ý nói để đến được hôm sau (hay là đến được tương lai của thơ?) cần phải có thời gian chờ đợi.

Có vẻ như Vũ Trọng Quang thích hình ảnh mũi tên nói lên tính chất kế tục và tuyến tính của thời gian. Năm ngoái, với tư cách đồng tác giả tập kháT/ kháC (NXB Hội Nhà Văn, 2018) cùng những nhà thơ cách tân, ông lại gợi ý họa sĩ vẽ bìa ghép tên 18 tác giả thành hình ảnh hai mũi tên phóng về phía trước, phía của ngày mai.

Nhịp thơ cổ điển và hiện đại thường như khiêu vũ, mang tính cấu trúc của diễn ngôn, với những chỗ quay về được lặp lại. Nhịp thơ hậu hiện đại giao thoa với văn xuôi, một diễn ngôn trôi chảy, gần với ngôn ngữ thường ngày. Nhưng dù là giễu nhại, cắt dán, “đạo tr (ch) ích” - chữ của Vũ Trọng Quang - hay chơi trò tân hình thức, thơ hôm nay/ hôm sau vẫn cần nhịp điệu và cũng không dễ dứt áo với hôm qua.

Vũ Trọng Quang là người hào hứng với cách tân và ít luyến tiếc truyền thống. Đôi khi ông còn tỏ ra dị ứng với những hoài niệm mượt mà dễ ru ngủ người đọc. Nhưng người ta đâu dễ xóa bỏ nơi khởi nguồn của mình: 

tôi bắt đầu tôi dưới chân cầu

thở mùi tanh của cá

tắm dòng sông nước đen

từ tiếng rao bán báo tôi lớn lên

từ tiếng gõ vào thùng đánh giầy tôi lớn lên…

 

Trong bố cục tập thơ nói trên, trước khi vượt “hôm qua” để đến “hôm nay”, Vũ Trọng Quang còn dành một phần trân trọng cho “hôm kia”. Hôm kia là “song thân”, là “ngôi nhà” là “người cũ”, là “hoa sen cạn”. Hôm kia mà “như mới đây”, là chỗ “bước về”, là nơi “trở lại”. Nhưng hôm kia cũng không chịu nói bằng ngôn ngữ cổ điển hay lãng mạn, mà bằng ngôn ngữ siêu thực:

 

         Mẹ ngồi đan thời gian bằng chiếc áo sông dài núi cao

         biển vô tận

         hết thảy con đường tóc đen

         mũi kim lần theo mệnh số.

 

         Hoang mang lời mách bảo

         giằng xé va chạm lý trí không nguôi

         tôi đi tìm vô ảnh từ tiếng kêu chim cú mèo

         nửa thế kỷ dòng sông chậm nguồn ra đại dương

         lịch sử sóng vỗ triền miên bão dữ

         người lính ấy trúng đạn lâu rồi

         linh hồn cầm tay không cầm súng bay về đâu đôi cánh.

 

         Đi dọc chiều dài mũi kim tháng năm

         trang bị mãnh liệt lòng thành khẩn

         chiếc la bàn hướng bắc trái tim

         tôi nguyện cho tôi thêm mặt trời

         con rắn mối có trí thông minh dẫn lối

         mùi hương từ hoa dại không hương

         con chắp tay bên Người

         bên kia linh thiêng xin cho con mở mắt.

 

Thơ Vũ Trọng Quang là thơ khó hiểu, thơ để cho người đọc giải đoán. Những chọn lựa ngẫu nhiên tưởng như phi lý. Những hình ảnh không phô bày lô-gích của sự kết hợp. “Con đường tóc đen” là con đường nào? Tại sao “đi tìm vô ảnh từ tiếng chim cú mèo”? Thế nào là “trang bị mãnh liệt lòng thành khẩn”? Thơ vốn là ngôn từ bị biến dạng, thậm chí “quái đản” (Phan Ngọc). Nó bắt người đọc động não và mở ra thế giới mới của sự liên tưởng. Nó không thích hợp với sự “tự động hóa tri giác” mà làm cho quá trình nhận thức sự vật trở nên khó khăn và kéo dài. Bài thơ nói trên sẽ dễ cảm thụ hơn khi người đọc biết nó hình thành từ một chuyến đi tìm mộ cha theo chân nhà ngoại cảm.

 

Vậy đó, nói về hôm kia/ hôm qua nhưng Vũ Trọng Quang ít dùng ngôn ngữ của kỷ niệm. Thảng hoặc, ông “khuyến mãi” cho tâm trí tiếp nhận vất vả của người đọc những câu lục bát gợi nhớ đến một thời thơ cũ dịu dàng:

   

               Tiếng xưa khẽ chớp mắt người

            tiếng chuông vang gọi tiếng cười vang xanh

               tiếng chim ríu rít vây quanh

            tiếng lòng thủa ấy lặng thinh bây giờ.

 

               bao la từ chỗ ngơ ngơ

            giảng đường bụi mới góc chờ đã qua

               mù sương một Tuyết ngày xa

            mắt nhung nhòa kính vẫn là mắt Nhung.

 

Nhưng nhìn chung, với Vũ Trọng Quang, “dịu dàng quá, dịu dàng không chịu nổi” là một ấn tượng tiêu cực. Ông khẽ cài đặt vào giữa những câu thơ dịu dàng những từ ngữ có thể phá vỡ sự dịu dàng đó. Ông sẵn sàng xé rách sự dịu dàng của thơ như “tự hủy” khuôn mặt của chính mình.

 

Hẳn nhiên “tự hủy” chỉ là một cách nói. Nói chia tay, dù là chia tay với cái tôi hôm qua, vẫn dễ chấp nhận hơn - một cuộc chia tay hạnh phúc:

           Tôi vẫy tay chào chia tay tôi hôm qua
          
trở lại làm gì con đường mòn xưa cũ
          
hối tiếc làm gì lời nhàm chán con ngựa chân mỏi
          
nhiều bàn tay trăm tuổi kéo từ phía sau lưng
          
không chùn bước tới. 

           Tôi chào mừng tôi hôm nay

           cắt băng khánh thành con đường thênh thang mới

           ngôn ngữ quay trong không gian nhiều chiều…

 

Dẫu vậy nhà thơ vẫn mong giữ lại trên đại lộ tân thời hôm nay hai hàng cây bóng mát hôm qua, giữ lại nụ hôn ngày thường. Thành ra, phải chăng là quá rạch ròi khi Vũ Trọng Quang phân định Hôm kia - Hôm qua - Hôm nay - Hôm sau trong những câu thơ văn xuôi khi viết lời kết cho tập thơ 13 năm trước (Xem Hôm qua, hôm nay và hôm sau, tr. 146).

Ranh giới thời gian đó dường như bị xóa mờ khi thơ can dự và đồng cảm với số phận Malala “viên đạn bay vào đầu không ở lại/ quay ngược vào cực đoan hung hãn/ … một ngày của Malala/ mọi ngày của Malala/ hôm qua hôm nay và hôm sau của Malala”; cũng như khi thơ can dự và đồng cảm với số phận một dân tộc: 

            Thế kỷ tiếp nối thế kỷ

            Tàn bạo khốc liệt tàn bạo

            Hủy diệt hủy diệt hủy diệt

            Tây Tạng Tây Tạng Tây Tạng.

 

Bốn câu thơ chỉ có sáu từ gói trọn lịch sử một dân tộc quyết lòng đi tới tương lai bằng sức mạnh của quá khứ, bằng lòng từ tâm và sự phản kháng bất bạo động: 

            Thế lực thế kỷ bao trùm bao vây truyền thống

            Oằn minh chân đất ngẩng đầu đi tới

            Tiếng nói lưu vong sắt lạnh sinh tồn

            Tây Tạng Tây Tạng Tây Tạng.

 

Trước sau Vũ Trọng Quang luôn nhất quán trong quan niệm về sự sáng tạo. Ông khao khát cái khác, cái lạ, cái mới: Trong bài Hớt tóc, ông dùng điệp ngữ: Mỗi lần hớt tóc là mỗi lần tôi thay người khác/ … người lạ/ … người mới. Như đọc một bài thơ khác/ … một bài thơ lạ… Sáng tạo là dựng xây không hình mẫu cấu trúc, dù là cấu trúc được xếp hạng:

 

          Vô vàn bước đi không vạch hết con đường

          phía trước sương mù trắng xóa hiện thực

          sỏi đá nhận lỗi về mình

          trên gồ ghề biến đôi chân chai sạn.

 

          Dự định phải vượt vị trí thời gian

          khởi từ chồi non khởi từ tro than

          ánh sáng truyền ba động mãi không nơi trú ngụ

          lẽ nào đền đài cổ kính truyền cấu trúc trước giờ động thổ.

 

Sáng tạo cũng là một con đường bất tận; người làm thơ là người đi đường không mỏi. Đặt cột mốc ở vị trí thời gian nào, có vượt qua được không, vượt qua rồi lại hiện thêm dốc cao hay thác sâu. Không biết. Chỉ biết thơ như chim trời, như mũi tên, yếu tính của nó là bay, bay hoài không chỉ định: 

                 Sớm mai lên đỉnh đồi

                 dốc cao chờ tuổi trẻ

                 buổi chiều xuống chân đồi

                 thác rơi nhanh thế kỷ.

 

                 Đầu năm chào cuối năm

                 đông tàn xuyên đông mới

                 chim trời xuyên không gian

                 bay hoài bay không mỏi

                 mũi tên xuyên thời gian

                 bay hoài bay không tới.

 

Vũ Trọng Quang có hai bài thơ về Bản thảo, tưởng như mâu thuẫn nhưng thật ra là biện chứng.

Bản thảo hôm qua: 

mặt đối mặt buồn vui trong nhật ký

đôi ta mãi mãi bản thảo của nhau.

 

Bản thảo hôm nay:

             chào bản văn khẳng khiu già nua cố định

            tôi là bản thảo của chính tôi.

 

Cũng như ranh giới giữa hôm kia - hôm qua - hôm nay và hôm sau, ranh giới giữa tôi và không tôi, giữa bản văn bên trong và bản văn bên ngoài… có khi phân định, có khi mờ nhòe, có khi tan biến. Thơ mãi mãi là sự ngập ngừng, lưỡng lự khi phải chọn một thời gian, một từ ngữ, một ảnh tượng, một tâm thế.

Cùng thế hệ với Vũ Trọng Quang, tôi cũng bị thơ ông du mình “đi thẳng tới Hôm nay” và “ngồi xuống Hôm sau”. Nhưng là người đọc không bền chí, khi thấy mình không kham nổi một chuyến đi cách tân, tôi vẫn hay quay tới quay lui, hay ngoái nhìn lại Hôm qua và Hôm kia. Lúc đó thơ Vũ Trọng Quang sẽ rộng lượng chỉ cho tôi một lối về ở con đường mòn tưởng đã mất dấu.

 

HUỲNH NHƯ PHƯƠNG

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-11-19