Nguyên Minh - một văn nhân lạc thời
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Tôi gặp nhà văn
Nguyên Minh lần đầu tiên cách đây cũng đã 12 năm. Lần đó, sau nhiều năm
ẩn cư ở Kontum, nhà văn Trần Duy Phiên quyết định “xuống núi”, về sống ở
Sài Gòn. Ông mời một số văn hữu đến nhà người bạn thân của ông là nhà
văn Sâm Thương ở Hòa Hưng gặp gỡ, uống rượu và ra mắt tập truyện ngắn
Ngõ đạo miền hoang dã.
Khi mọi người vừa ngồi vào bàn thì
ngoài cổng xuất hiện một vị khách có dáng người nhỏ nhắn, linh hoạt, với
đôi mắt có phần ngơ ngác trước cuộc đời. Trần Duy Phiên giới thiệu: “Đây
là anh Nguyên Minh”. Tôi đứng dậy chào, buột miệng: “Nguyên Minh của Ý
Thức, của Đám tang đa đa”. Vậy là sau gần 40 năm đọc văn, hôm ấy
tôi mới diện kiến được người.
Khoảng đầu những năm
1970, ở thị xã Quảng Ngãi nhỏ bé và trầm lặng của tôi, thật lạ là trong
thời chiến mà mấy hiệu sách ở tỉnh vẫn nhận về bán không chỉ những tác
phẩm văn học nổi tiếng mà cả những tạp chí văn nghệ in tận Sài Gòn. Tuổi
học trò của tôi bước đầu tiếp xúc với đời sống văn chương khi mua được ở
đó những tờ tạp chí Văn, Đối Diện, Trình Bầy, Ý
Thức, Văn Mới…
Trên nguyệt san Văn Mới số ra mắt (khổ báo giống Bách Khoa,
Trình Bầy), với những tác phẩm của Sâm Thương, Thế Vũ, Tiêu Dao,
Nguyễn Mộng Giác, Quán Như, Nguyễn Trọng Văn…, ban chủ biên viết lời mở
đầu “Con đường chúng tôi đi”: “Chúng ta không thể và không có quyền ru
ngủ chính chúng ta, cũng như không thể và không có quyền ru ngủ ai khác
thêm nữa. Cuộc đời chung quanh, trước mặt, sau lưng chúng ta đó, cuộc
sống mầu nhiệm quý báu nơi chúng ta đó, hãy đón nhận nó, hãy sống nó,
hãy lặn hụp trong nó, hãy hòa tan với nó như muối trong nước. Hãy rung
động thực sự với nó, vì nó. Với tất cả khiêm nhường và vô vụ lợi. Hãy
thôi đi, hãy ngừng lại những kinh nghiệm vay mượn, tưởng tượng, giả tạo
và hời hợt để đi tìm những kinh nghiệm đích thực, sống động và sâu sắc.
Cái rung động mà chúng ta muốn người khác cảm thấy, chúng ta phải cảm
thấy nó trước trong chúng ta. Làm sao chúng ta có thể lôi cuốn được
nhịp đập con tim người khác
trong khi cái nhịp đập con tim chúng ta chỉ là cái nhịp đập rời rạc, vay
mượn của những người bệnh hoạn, thiếu máu, bất lực!”. (“Con đường chúng
tôi đi”, Văn Mới số 1, ngày
15-10-1971, tr. 8).
Một năm trước đó Ý Thức số 1 (khổ báo 14 x 20 giống Văn,
Đối Diện; về sau chuyển thành khổ 19 x 19) do Nguyên Minh làm
tổng thư ký, in ngay trên trang bìa một tuyên ngôn rất can trường: “Phải
dành cho văn học nghệ thuật một chỗ đứng, một vị trí vượt lên trên những
tranh chấp chính trị giai đoạn. Chỗ đứng ở ngay trong tập thể quần
chúng, hòa mình với tình tự chung để vận động trở thành sức mạnh văn hóa
nuôi dưỡng truyền thống Việt Nam trước đe dọa từ mọi phía” (Ý Thức
số 1, ngày 01-10-1970).
Trên tờ báo này, tôi bắt đầu làm quen với sáng
tác của Trần Hoài Thư, Ngụy Ngữ, Lữ Kiều, Lữ Quỳnh, Đỗ Nghê, Lê Ký
Thương… Chính các nhà văn đàn anh đó đã gieo vào tuổi 15 của tôi những ý
niệm về bi kịch chiến tranh, nhập cuộc, phản kháng, tả khuynh, hữu
khuynh… mà sau này tôi mới ngày càng hiểu rõ những hàm nghĩa sâu xa và
những hệ lụy phức tạp của nó.
Đọc Nguyên Minh thời gian đó, tôi nhớ
hai tác phẩm có đề tài trái ngược nhau: truyện ngắn Côi cút tuổi già
và truyện vừa Đám tang đa đa. Thiên truyện thứ nhất của một cây
bút chưa tới 30 tuổi mà cảm khái về số phận người già cô quạnh trong
chiến tranh, sau này được chọn in trong tuyển tập Văn Miền Nam Thời
Chiến (tập hai, 2009). Thiên truyện thứ hai lại dành để tái hiện
hình ảnh những nhân vật thiếu nhi hồn nhiên ở một miền quê. Về sau tôi
có góp ý với Nguyên Minh, không chỉ nên tập hợp in lại phần truyện ngắn
mà nên tái bản cả Đám tang đa đa vì văn học cho thiếu nhi hiện
nay rất cần những tác phẩm trong sáng và giàu tình nhân ái như vậy.
Tôi trở thành cộng tác viên của Nguyên
Minh từ khi ông đứng ra chủ trương tập san Quán Văn năm 2011. Hôm
ra mắt Quán Văn số 1, đề ngày 01-10-2011, ở Café Bros, một buổi
họp mặt rất đông vui, tôi hỏi ông có ẩn ý gì khi ghi ngoài bìa số 001
(giống như điệp viên 007!). Ông trả lời hóm hỉnh: Mình ghi vậy là ngầm
hứa rằng Quán Văn sẽ sống đến 3 con số, nghĩa là ít nhất phải ra
đến số 100, chứ không vắn số như Ý Thức. Tôi bật cười, chúc ông
toại nguyện với dự định của mình.
Quán Văn
quả là một tờ báo đặc biệt. Nếu Ý Thức trước đây là một bán
nguyệt san văn học nghệ thuật được cấp giấy phép chính thức của Bộ Thông
tin Việt Nam Cộng hòa, thì Quán Văn là một ấn phẩm do nhà xuất
bản cấp phép, gần như là một tuyển tập sáng tác - tư liệu - nghiên cứu
văn học định kỳ. Chín năm qua Quán Văn đã trải qua ba nhà xuất
bản, ở nhà xuất bản gần nhất lại trải qua ba chi nhánh quản lý khác
nhau.
Bước vào lĩnh vực báo chí, có thể nói
Nguyên Minh là một văn nhân lạc thời, không phải hiểu theo nghĩa “không
gặp thời”, mà theo nghĩa “làm khác thời”, “không theo thời”. Thời làm
Ý Thức, Nguyên Minh tuổi 30 lao vào nghề báo, làm đầu tàu tập hợp
bạn bè cùng chí hướng, sau một thời gian in báo ronéo, chuyển sang in
typo rồi offset trang nhã mà nội dung thì nóng hổi không khí chiến tranh
của đất nước và khát vọng hòa bình, hòa giải, hòa hợp dân tộc. Giữa
những khó khăn về chính trị, tài chính vây bủa mà phát hành được 24 kỳ,
tirage mỗi kỳ 5.000 bản, quả là một sự mạo hiểm. Cùng lúc đó, Nguyên
Minh còn chủ trương Cơ sở xuất bản Ý Thức, in sách của một số nhà văn
trẻ.
Đến thời làm Quán Văn, Nguyên Minh đã qua ngưỡng 70, bạn bè ngày
cũ ly tán, chỉ có thể đóng góp một phần bài vở; lớp cộng tác viên mới
phải gây dựng từ đầu, lại đương đầu với những khó khăn mới của hoàn
cảnh: quy chế quản lý, kỹ thuật ấn loát và nhất là thị trường văn học
khó tính, khó lường. Vậy mà đến nay, trong vòng chín năm, Quán Văn
đã duy trì và tồn tại đến 75 số thì quả là một kỳ tích. Từ 1975, trước
và sau Quán Văn, nói riêng ở TP Hồ Chí Minh, những tuyển tập văn
chương dạng này thường số kỳ xuất bản không đếm được quá số ngón của hai
bàn tay.
Trong thị trường báo chí hiện nay,
Quán Văn là một hiện tượng đặc biệt còn vì đây là tờ báo mà những
người viết tự nguyện góp bài như góp món ăn của mình cho bữa tiệc tinh
thần chung để cùng thưởng thức mà không đòi hỏi nhuận bút. Vậy mà chủ
biên Nguyên Minh xây dựng được mạng lưới cộng tác viên ở nhiều miền đất
nước, cả ở hải ngoại. Nếu làm một danh mục các tác giả, ta sẽ thấy những
tên tuổi ở miền Tây và miền Đông Nam bộ, ở TP Hồ Chí Minh, ở miền Trung
và Tây nguyên, ở Hà Nội và miền Bắc. Nhờ vậy mà Quán Văn ra được
các số báo đặc biệt về những cây bút gắn bó với hình ảnh sông Hương,
sông Mường Mán, sông Dinh, sông Côn, sông Hàn, sông Ba, sông Cái, sông
Trà, sông Thạch Hãn, kênh Nhiêu Lộc, sông nước miền Tây… Nếu có điều gì
cần góp ý, thì đó là Quán Văn nên tăng thêm chất trẻ để thu hút
được các thế hệ độc giả hậu bối.
Từ bài viết “Truyện ngắn Chinh Ba:
những dụ ngôn đa nghĩa” trên số 1, tính đến nay tôi đã được đăng trên
Quán Văn 30 bài, bao gồm tản văn và tiểu luận phê bình. So với những
cộng tác viên tích cực mà số báo nào cũng xuất hiện, 30 bài không phải
là nhiều. Nhưng trong những người viết từ số đầu, có lẽ tôi cũng thuộc
loại cộng tác viên bền bỉ. Chỉ tiếc là do điều kiện công việc và sức
khỏe, tôi không thể tham gia những cuộc du khảo và giao lưu ở khắp mọi
miền như những cây bút thân tín của Quán Văn, để có những kỷ niệm
sâu đậm mà kể lại nhân dịp mừng nhà văn Nguyên Minh tròn 80 tuổi.
Sợi dây kết nối tôi với Quán Văn chỉ là những trang viết. Và
sâu xa hơn, sợi dây kết nối đó gắn bó được là nhờ
thông qua hình ảnh riêng của Nguyên Minh, bên cạnh những văn hữu cùng
thế hệ với ông thời Ý Thức, những người đã góp phần nuôi nấng
giấc mơ hòa bình và hòa hợp dân tộc trong lòng tôi từ những ngày trẻ
tuổi.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
(Trích từ sách Nguyên Minh – tác
giả và tác phẩm, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, tháng 9-2020.)
Tác
giả gởi cho viet-studies ngày 21-9-20
|