Màu tím hoa sim
– vài ý về văn bản
Huỳnh Như Phương
Việc bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan được Công ty Vitek VTB
mua bản quyền với giá 100 triệu đồng là một sự kiện nổi bật trong đời
sống văn nghệ năm 2004. Có thể xem đây là bài thơ có số phận đặc biệt
vào bậc nhất trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Từ chỗ bị phê phán, lãng
quên, giờ nó được phục hồi, tôn vinh và trở lại với đời sống văn học
bằng cửa chính. Bài thơ nay có “chủ” mới và đang được xác định lại văn
bản chính xác của nó. Tuy nhiên, văn bản này cũng đã trải qua nhiều lần
sửa đổi, thêm bớt của tác giả, lại được bồi đắp, điều chỉnh bởi các thế
hệ bạn đọc từng được/ bị bài thơ hớp hồn; nhất là khi sự cảm thụ của
nhiều người trong số họ nằm trong tầm chi phối của ca từ đã được cải
biên qua các ca khúc phổ thơ của Phạm Duy, Dzũng Chinh, Anh Bằng...
Như nhiều hiện tượng văn học độc đáo khác, bài thơ Màu tím hoa sim
cũng được cất riêng trong kỷ niệm và bộ nhớ của từng người yêu thơ.
Và cái “tác phẩm” nằm trong bộ nhớ đó đôi khi có một độ chênh nhất định
với văn bản do chính tay nhà thơ viết ra. Đó là điều kỳ lạ của sự tiếp
nhận văn học, và dù có thể trái ý nhà thơ, nó vẫn đem lại hạnh phúc và
niềm tự hào về đứa con tinh thần đang được nuôi dưỡng trong tâm thức của
bạn đọc.
Là người yêu và thuộc Màu tím hoa sim từ hồi còn nhỏ, tôi cũng có
cách cảm nhận của mình về bài thơ. Nhân dịp bài thơ được phổ biến với
văn bản mới, tôi muốn nêu một vài suy nghĩ của mình, mong rằng sẽ không
làm phật lòng tác giả và không dám – cũng như không có quyền – thay đổi
gì văn bản đã ổn định của bài thơ.
Khổ thơ đầu tiên lưu trong trí nhớ tôi là:
Nàng có ba người anh đi bộ đội
những đứa em nàng
có em chưa biết nói
khi tóc nàng đang xanh.
Tôi nghĩ những đứa em nàng thì cụ thể, gần gũi và thân mật hơn
những em nàng. Tóc xanh xanh thì miêu tả trạng thái, còn tóc
đang xanh thì vừa miêu tả trạng thái, vừa miêu tả diễn biến của
trạng thái. Vả chăng đang tương ứng với chưa ở câu trên và
cụm từ tóc nàng xanh xanh để dành đến khổ thứ năm sẽ xuất hiện.
Câu cuối cùng của khổ thứ năm tôi vẫn thích đọc thật chậm rãi:
không-được-trông-thấy-nhau-một-lần. Nếu đọc không được trông nhau
một lần e câu thơ hơi bị hụt hẫng.
Khổ thơ tiếp theo, với tôi, là khổ thơ hay nhất trong toàn bài, tôi
thuộc như sau:
Một chiều rừng mưa
ba người anh từ chiến trường Đông Bắc
được tin em gái mất
trước tin em lấy chồng
gió sớm thu về rờn rợn nước sông
đứa em nhỏ lớn lên
ngỡ ngàng trông ảnh chị
khi gió sớm thu về
cỏ vàng chân mộ chí.
Có bản ghi ba người anh trên chiến trường…, từ trên nghe
hợp lô-gích hơn, nhưng lại không hay về âm điệu và cũng không nói lên sự
xa xôi, cách trở, dẫn đến tình cảnh oái oăm được tin em gái mất trước
tin em lấy chồng. Cũng vì coi trọng âm điệu mà tôi thích trông
ảnh chị hơn là nhìn ảnh chị. Xin nói thêm là câu cuối khổ này
còn có bản in là cỏ vàng quanh mộ chí.
Chỗ khó nghĩ nhất hiện nay trong văn bản bài thơ là đoạn thơ mới được
phổ biến sau này, không rõ cụ thể từ khi nào, có lẽ là từ sau Đổi mới.
Theo thiển ý, đoạn thơ này bộc lộ rõ hơn tình cảm tác giả và cũng hòa
nhập vào cấu trúc chung của toàn bài, nhưng lại làm loãng đi chất tự sự
và làm giảm độ nén của bài thơ. Một trong những cái hay làm nên chất thơ
của bài này là tác giả khai thác tính chất lặp lại ở một hình dáng ngữ
pháp hay ngữ âm, lặp lại nhưng mà cải biến và vận động, chứ không giữ
nguyên vẹn, để thay đổi “khẩu vị” của người đọc. Nhưng nếu đẩy đến triệt
để qua những định ngữ và điệp ngữ bộc lộ cảm xúc như da diết, tím
tình trang lệ rớm, tím tình ơi lệ ứa, tôi ví vọng về đâu, tôi với vọng
về đâu… thì bài thơ sẽ “phô” quá và tạo nên một giọng điệu thê thiết
có thể vượt quá ngưỡng tiếp nhận của bạn đọc. Đặc biệt ở đây có hai câu
thơ, thiển nghĩ, hơi lộ ý và cũng chưa được tinh tế lắm: Có ai ví như
từ chiều ca dao nào xưa xa và Ai hát vô tình hay ác ý với nhau.
Nhưng phải nói là thú vị khi qua đoạn thơ mới này, ta phát hiện mấy câu
thơ hay (từ Ráng vàng ma… đến chiều hoang màu tím) làm ám
ảnh cái không khí chiến tranh chỉ thoáng hiện ở những khổ thơ đầu. Thành
ra, nếu được phép chọn lựa, thì tôi sẽ chỉ chọn mấy câu này để “hòa
mạng” vào chung bài thơ và tạo thành khổ thơ cuối như sau:
Chiều hành quân
qua những đồi hoa sim
những đồi hoa sim
những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
màu tím hoa sim
tím chiều hoang biền biệt
ráng vàng ma
và sừng rúc điệu quân hành
vang vọng chập chờn
theo bóng những binh đoàn
biền biệt hành binh vào thăm thẳm chiều hoang màu tím
nhìn áo rách vai
tôi hát trong màu hoa
“Áo anh sứt chỉ đường tà
vợ anh mất sớm, mẹ già chưa khâu…”.
Nghĩa là tôi vẫn muốn kết thúc bằng hai câu ca dao quen thuộc đã được
tác giả đổi khác hai từ. Và bài thơ đọng lại với tiếng hát côi cút của
người lính lẩn khuất trong hàng quân giữa chiều hoang thăm thẳm.
Nhưng đó là cảm nhận chủ quan của một người đọc bị ràng buộc bởi kỷ niệm
và tâm tình riêng, cả bởi thiên kiến thẩm mỹ nữa. Từ góc độ của người
sáng tạo, chắc chắn nhà thơ có lý khi cung cấp cho các phương tiện
truyền thông đại chúng văn bản như hiện nay. Vì vậy, xin nhà thơ Hữu
Loan và Công ty Vitek VTB lượng thứ cho điều mạo muội của tôi, một người
đọc quá sức yêu mến bài thơ này.
Tháng 12 năm 2004. |