Tự truyện Osho
Điểm sách:
Tự truyện Osho, Đỗ
Tư Nghĩa dịch, Khai Tâm và NXB Hội Nhà Văn 2020.
Người ta có thể đã đọc nhiều sách của Osho, nhưng ít biết về cuộc đời
ông. Cuốn sách này hé lộ phần nào tiểu sử của Osho, nhưng phần tiểu sử
vẫn chỉ thoáng qua, dành nhiều chỗ hơn cho luận lý. Ấn tượng hơn cả là
bảy năm đầu đời ông được nuôi dưỡng ở nhà ông bà ngoại với lối giáo dục
tự nhiên không cần uốn nắn, thậm chí không cho đến trường. Ngay từ bé đã
bộc lộ thiên tài về lý luận, hùng biện và những phẩm chất của bậc thầy
dẫn dắt chúng sinh.
Sách còn có phần biên niên về cuộc đời Osho, những thăng trầm khi ông tổ
chức công xã ở Mỹ, và ngay cả ở Ấn Độ, những hành trình không được chào
đón qua nhiều nước. Nhưng rốt cuộc luận lý của ông đã có sức lan tỏa
mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Nếu đã cầm lên một cuốn sách của Osho, người ta bị lôi cuốn và buộc phải
đọc từng dòng cho hết cả cuốn sách. Dù nên đọc toàn bộ một cách cẩn
thận, cũng xin trích một vài đoạn làm ví dụ:
Osho còn nhỏ, ông ngoại mất: “Khi tôi cảm thấy rằng ông không còn thở
nữa, tôi nói với bà tôi: “Con xin lỗi Nani, nhưng hình như ông không còn
thở nữa”.
Bà nói, “Cái đó hoàn toàn tốt thôi. Con không cần phải lo lắng. Ông đã
sống đủ, không cần phải hỏi xin thêm”. Bà cũng bảo tôi, “Hãy ghi nhớ,
bởi vì có những khoảnh khắc không được phép quên: đừng bao giờ hỏi xin
thêm. Những gì đang có đó, cũng đủ lắm rồi” (trang 65).
Cũng còn bé, Osho được một linh mục hỏi “Con có muốn trở nên giống như
Jesus Christ không?” Cậu bé trả lời: “Tôi không có mong ước bị đóng
đinh. Và một người bị đóng đinh, hẳn có một cái gì đó không ổn với ông
ta. Nếu không thế thì ai quan tâm đến việc đóng đinh ai? Nếu toàn đất
nước ông ta, nhân dân ông ta quyết định đóng đinh ông ta thì điều đó có
nghĩa là, trong người đàn ông này phải có một cái gì đó không ổn. Ông có
thể là một người dễ mến, có thể là người tốt, nhưng hẳn có một cái gì đó
đã dẫn ông đến việc bị đóng đinh. Có lẽ ông có một bản năng tự vẫn.
Những người có bản năng tự vẫn thường không đủ can đảm để tự vẫn: nhưng
họ có thể xoay xở để người khác mưu sát họ. Và rồi ta sẽ không bao giờ
phát hiện ra rằng họ có một bản năng tự vẫn, rằng họ xúi giục ta giết
họ, để cho trách nhiệm đổ xuống ta” (trang 86).
“Một vị thầy là một người được kính trọng một cách tự nhiên, cho nên một
vị thầy không thể đòi hỏi sự kính trọng. Nếu người thầy đòi hỏi sự kính
trọng, thì ông ta chỉ đơn giản chứng tỏ rằng ông ta không phải là một vị
thầy. Ông ta đã chọn sai nghề, nó không phải thiên chức của ông. Định
nghĩa của một ông thầy chính là: một người được kính trọng một cách tự
nhiên.
… Nghề giáo là một nghệ thuật. Không phải ai cũng có thể là một người
thầy, nhưng người ta cần đến hàng triệu “người thầy” bởi vì cần phải
giáo dục phổ thông.
Trong quá khứ có rất ít “người thầy”. Người ta thường đi hàng nghìn dặm
để tìm một người thầy, để được ở bên cạnh ông ta. Có sự kính trọng rất
lớn, nhưng sự kính trọng tùy thuộc vào phẩm chất của vị thầy. Môn đệ hay
học trò không bị bắt buộc phải kính trọng thầy. Sự kính trọng khởi lên
một cách hồn nhiên” (trang 177).
“Mọi người không thể là thiên tài – đó là những phẩm chất được ban cho
từ lúc chào đời. Nhưng mọi người có thể chứng ngộ - đó là điều duy nhất
mà chủ nghĩa cộng sản có lý. Và thật khá kỳ lạ, đó là cái duy nhất mà
chủ nghĩa cộng sản phủ nhận” (trang 211).
“Không nên hạ thấp sex từ lĩnh vực của tình yêu sang lĩnh vực của luật
pháp. Cái khoảnh khắc mà bạn “phải yêu” một người đàn bà bởi vì cô ta là
vợ của bạn – chứ không phải là bởi vì bạn đơn giản yêu cô ta – thì nó là
mại dâm, mại dâm được hợp pháp hóa. Tôi vẫn mãi chống lại mại dâm, bất
luận nó được hợp pháp hóa hay phi pháp. Tôi tin tưởng vào tình yêu. Nếu
hai người yêu nhau, thì họ có thể sống cùng nhau một khi họ còn yêu
nhau. Cái khoảnh khắc mà tình yêu biến đi rồi thì họ nên chia tay một
cách lịch sự” (trang 226).
“Tôi không phải là một “Phật tử”. Và Phật Gautama cũng không có ý định
tạo ra những Phật tử, hoặc tạo ra một tôn giáo có tổ chức, định chế.
Thậm chí, hai mươi lăm thế kỷ trước, Ngài chưa bao giờ tạo ra một tôn
giáo có tổ chức. Trong khoảnh khắc chân lý được tổ chức, nó trở thành
một sự dối trá. Một tôn giáo có tổ chức không là gì khác hơn một thứ
chính trị được che giấu, một sự bóc lột tàn tệ bởi giới tăng lữ. Họ có
thể là những shankara (giáo sĩ, đạo Hindu), imam (giáo
trưởng, đạo Hồi), rabbi (giáo sĩ, đạo Do Thái), hay giáo hoàng,
chẳng có sự khác biệt nào” (trang 443).
Làm di chúc trước khi ra đi, Osho nói: “Bạn không thể tránh một truyền
thống, nó nằm ngoài sự kiểm soát. Một khi bạn qua đời, bạn không thể
ngăn cản những gì mà hậu thế sẽ làm. Thay vì để nó rơi vào tay kẻ ngu
dốt, tốt hơn bạn nên đưa ra đường lối đúng” (trang 448).
Chỉ một người giàu hoặc vật chất hoặc trí tuệ mới có thể đến với tôn
giáo (trang 251).
Các tôn giáo phương Tây như Thiên Chúa giáo hoặc các tôn giáo phi Ấn Độ
đều nghèo nàn vì không phát triển kỹ thuật thiền định, trong khi các tôn
giáo phương Đông như Phật giáo, Jain, Hindu, Zen sinh ra trong sự giàu
có (trang 347).
Phật nói có một thực tại đích thực: một khi ta biết đến thực tại đích
thực thì “cái mệnh danh là thực tại” này trở thành huyễn cảnh, trở thành
phi thực (trang 135). |