Kiềm chế… thơ trong mùa chống dịch

 

Hồ Anh Thái

 

Thời chống dịch, ngồi yên trong nhà là có ý thức trách nhiệm với cộng đồng. Ngồi nhà làm việc nhà. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. Tuổi to làm việc to. Làm cả việc nhỏ lẫn việc to, xong, có khi lại có thời gian rỗi rãi để làm thơ.

Thế là dịch mang đến thơ. Ít ra thơ không hay thì nó cũng làm vui cho mình và cho bạn bè người thân. Thơ ấy cứ giữ yên trong sổ tay, thỉnh thoảng mở ra ngấm ngầm đọc lại, tấm tắc thấy thơ mình cũng có vần có vè, không vần vè thì ít ra cũng là cảm xúc của mình. Niềm vui tự mang đến cho mình cũng là một thứ thuốc giải cảm những khi trái gió giở trời.

Ngặt một nỗi facebook và các phương tiện kết nối khác chẳng phải chỉ là sổ tay cá nhân. Nó còn là cái phòng khách mở toang cửa, bạn bè người thân tới lui, thậm chí người không quen qua đường cũng có thể ghé vào đọc tờ báo tường dán trong phòng khách nhà ta. Đọc luôn cả những bài vần vè.

Không phải là thơ. Đấy chỉ là những bài văn vần, một thứ văn ghép vần, ép vần, làm sao cho nó nhịp nhàng du dương để người không thạo văn chương khen xuôi tai là được. Thế là cái facebook nó không chỉ là ghi chép của riêng ta, mà còn là nơi phơi bày ruột gan ra giữa thiên hạ, nói vô phép, không phải là thứ ruột gan lúc nào cũng nên phơi bày, không phải với mọi đối tượng. Khoe con khoe cháu, khoe vợ khoe chồng, khoe đi công tác đi du lịch, khoe mới tụ tập bạn bè bia rượu, ấm ức vì bị trù úm, chậm đề bạt, chậm lên lương, mua nhầm phải đồ nhái… Nói không quá lời, đến mức đã có người phải bảo muốn ghét ai chỉ việc đọc phây của người ấy. Xin mở ngoặc đơn: ta đang nói mặt trái của một công cụ thông tin, còn cái hay của nó thì ai cũng rõ rồi: hay trong tiếp thị, kinh doanh, hay trong thông tin văn hóa xã hội, hay trong kết nối quan hệ, đem lại niềm vui cho nhau, và muôn vàn cái hay khôn xiết kể.

Trở lại chuyện thơ. Rỗi rãi thì làm thơ, được bạn bè người thân khen thì tưởng thơ mình có tầm cỡ, bèn mở cửa cho người ngoài đường cùng nghe. Lại được khen, chẳng biết thật hay giễu, thế là gửi thơ lên các cấp có thẩm quyền, được giấy khen thì có động lực cả trăm nghìn người nhào vào làm cùng một loại thơ. Trăm người như một làm thơ thể hiện ý thức công dân. Hãy tự hào về giống nòi dân tộc quê hương, hãy chống dịch kiên cường và có trách nhiệm, hãy yêu thương thầy thuốc và chiến sĩ, thậm chí hãy bỏ tù người khai báo y tế không trung thực và phạt nặng hàng trăm triệu cho chúng cháu nhờ…

Quan điểm thì quá đúng đắn, xin giơ cả hai tay ủng hộ. Nhưng nhiệt tình công dân cũng phải được chắt lọc thế nào, chứ như thế chưa phải là thơ, xin nhắc lại, mới chỉ là kiểu văn vần, cố tình ghép vần, cố tình ép vần, ép uổng một cách rất thiếu tự nhiên (ví dụ: câu trên kết là “corana chạy cho xa” thì câu dưới phải là “thế giới ta bà” cho có vẻ triết học, câu trên “khẩu trang dầy” thì câu dưới “chẳng sợ lây” cho nó bình dân…) Mà người làm văn vần cũng đừng ảo tưởng. Nơi ta đang sống đây là xứ sở thơ ca. Thơ phú là thú vui của toàn dân, rất đại trà phổ biến. Từ chị bán hàng rong cho đến ông giám đốc đều biết ghép vần, gì chứ câu sáu câu tám thì đơn giản, bảy chữ tám câu hoặc văn xuôi xuống hàng, càng đơn giản. Tác giả này từng viết: một người làm quan cả họ được nhờ, một người làm thơ cả họ bơ phờ. Nói vui thôi, không có ý gì.

Còn đây là nói thật: thời tôi làm quản lý một hội nhà văn, được các tác giả mang đến tặng mỗi tháng trung bình hơn ba chục tập thơ, mỗi năm khoảng 400 tập. Thế còn là ít. Chưa tính thơ gửi qua thư điện tử và bản thảo thơ gửi qua bưu điện. Cảm kích. Nhưng mà cũng chạnh nghĩ, biết đâu chẳng có người bảo: việc của ông là ngồi đấy mà đọc thơ của tôi, không thì ông còn biết làm gì khác.

Thật là oan ức. Phải cả thế kỷ mới có một cái tầm cỡ đại dịch pandemic từ  Vũ Hán chuyển sang, mới khiến được người dân ngồi nhà mà có thời gian nghiền ngẫm thơ. Bình thường thì đầu tắt mặt tối, đâu phải chỉ có ngồi mà đọc văn vần. Hóa ra thơ phú đôi khi sinh sôi từ sự hiểu nhầm rằng người khác đang… rỗi việc.

Đây cũng là nói thật: những người đứng đầu các cơ quan truyền thông, hễ nhận được một cái đơn xin việc thì liếc ngay vào mục năng lực sở trường, nếu thấy ghi: đã xuất bản nhiều tập thơ, thì lắc đầu: biết viết báo thì tôi nhận, chứ biết làm thơ thì chưa nói lên điều gì.

Lỗi này có rất nhiều phần là ở thơ và người làm thơ. Lâu nay báo chí và công chúng đã góp ý với rất nhiều thiện chí, thậm chí châm biếm cũng là thiện chí.

Vậy nhân mùa cả nhân loại đồng lòng chống dịch, văn vần thì chẳng ai chống nhưng cũng nhân chiến dịch này nên biết kiềm chế ngọn bút và cái bàn phím. Xin cứ vần vè, nhưng chỉ là sổ tay cá nhân, rất cá nhân thôi. Ngay cả một số người mang danh hội viên thơ thì dịp này cũng “lộ sáng”, hóa ra khi được phơi ra thì thơ của các vị cũng chỉ là dạng văn vần nọ.

Cái kiểu thơ chống dịch và thơ gửi lên các cấp bày tỏ ý thức công dân kia thực ra chẳng khác gì kiểu thơ của các câu lạc bộ hưu trí. Nhưng các cụ từng trải, các cụ biết chỉ nên ngâm nga bình tán với nhau trong câu lạc bộ làm vui cho mình, có in thì cũng chỉ là in và phổ biến nội bộ. Lạ một nỗi là trong mùa dịch này, phần lớn kiểu thơ ấy lại là của người chưa già, lạ nữa phần nhiều là giáo viên.

Julius Fučík viết: hỡi nhân loại, hãy cảnh giác.

Xin thêm: hỡi… ai đó, hãy kiềm chế.

 

 Tác giả gửi cho viet-studies 1-4-20