1. Nghề làm báo gắn với tin tức. Người
làm báo chỉ cần đưa tin thôi, đưa tin một cách chính xác, khách quan,
như vậy đã là bày tỏ thái độ.
Về đại thể, người làm báo là người yêu
tin tức. Nhưng mặt khác, người làm báo cũng hơn ai hết, phải biết… ghét
tin tức.
Chắc chắn là phải có những loại tin mà
người làm báo chân chính phải ghét, phải phớt lờ nó, mặc kệ nó.
Xin bắt đầu từ một vài ký ức của lịch
sử.
Thời Ấn Độ đấu tranh chống thực dân Anh,
lãnh tụ Mahatma Gandhi từng chủ trương những hình thức đấu tranh bất bạo
động. Hàng nghìn người Ấn Độ đang biểu tình thì một tiểu đoàn kỵ binh
của Anh hung hãn lao tới, tưởng như vó ngựa có thể giẫm bẹp người biểu
tình trong chớp mắt. Phút hiểm nghèo, Mahatma Gandhi dẫn đầu đoàn biểu
tình đã ra hiệu lệnh cho mọi người nằm xuống. Lũ ngựa chỉ quen với việc
xông tới tả xung hữu đột giữa một đám người tan tác hỗn loạn. Lũ ngựa
chưa hề quen đối đầu với hàng nghìn người nằm la liệt trên mặt đất.
Chúng không dám xông tới và giày xéo lên những thân người đang sống. Đấy
là cuộc kháng cự thụ động và bất bạo động của Gandhi. Không vũ khí trong
tay mà đẩy lùi bạo lực.
Một phong trào đấu tranh khác: Gandhi
chủ trương tẩy chay hàng hóa của Anh. Toàn bộ vải vóc hàng tiêu dùng của
Anh bị chất thành đống và đốt sạch. Hàng núi hàng hóa như thế bị đốt
trên khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Đồng thời, Gandhi ngồi xuống quay xa kéo
sợi để nhẫn nại cổ vũ khôi phục ngành dệt truyền thống, đang bị công
nghiệp dệt của Anh lấn át và tiêu diệt.
Những chủ trương này của Thánh Gandhi
nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của người dân Ấn Độ và cuộc đấu tranh
bất bạo động đã thành công.
Trong cuộc đấu tranh chống thực dân
Pháp, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam cũng từng thức tỉnh người dân, kêu
gọi dân chúng tẩy chay phong trào vui vẻ trẻ trung do thực dân Pháp bày
ra, hòng cám dỗ thanh niên xứ thuộc địa, đánh lạc hướng họ khỏi cảnh ngộ
bị nước ngoài cai trị.
Tẩy chay, như ta thấy, là một hình thức
đấu tranh, một sự phản kháng. Trong giáo dục gia đình, một đứa trẻ hư
chẳng hạn, có khi không cần nổi giận mắng nhiếc nhiều lời. Có khi chỉ là
một hình phạt bắt úp mặt vào tường mười lăm phút để suy nghĩ về hành
động của mình. Có khi chỉ là thái độ im lặng của phụ huynh, không thèm
nói, chán chả muốn nói. Âu - Mỹ gọi đó là silent treatment, tỏ thái độ
bằng cách im lặng. Sự im lặng đã bao hàm trong nó toàn bộ sự bất bình,
phẫn nộ, thậm chí là khinh ghét.
2. Sự khinh ghét. Đấy là muốn nói đến
thái độ cần thiết của báo chí trước một loại tin tức.
Quan chức nọ, khi đương chức thì tha hóa
tham tàn, giờ đã hạ cánh nhưng nếu còn lương tâm thì chắc chắn tâm trạng
phải như đang ngồi trên đống lửa. Án hình nếu chưa buộc tội được thì dăm
ba chục năm sau lịch sử vẫn ghi nhận một ca tham tàn bậc nhất. Một ca
như thế, dân chúng căm hờn, nếu chưa xử lý được thì cũng tạm thời để
mặc, không thèm nói, không thèm nhắc, sống mà cũng như không.
Ấy vậy, thực sự ngạc nhiên khi có những
trang báo vẫn chộp giật được tin tức từ đó rồi hân hoan đưa lên, đắc
thắng theo kiểu ta có được tin hiếm, tin không ai có. Mà hiếm hoi gì
đâu, cựu quan chức tham tàn kia xuất hiện trong một đám cưới nghệ sĩ nào
đó, chỉ vậy thôi. Công chúng thấy thế chỉ muốn nhắc nhở: hãy phớt lờ hắn
đi, hãy khinh hắn “mười lăm phút”, và hơn cả mười lăm phút.
Bản báo nọ có thể chống đỡ rằng tôi làm
báo, cứ tin tức là tôi đưa, đưa tin một cách khách quan, quyền bình luận
là ở người đọc. Dù nói thế nào thì đấy cũng chỉ là ngụy biện. Báo chí
đưa tin khách quan, nhưng rất nhiều khi cũng cần tỏ thái độ. Dù thiếu
tin đói tin đến mức nào, thì có những loại tin vẫn thuộc loại bị khinh
thường, không thèm nhắc.
Cũng vậy, hãy bỏ vào cái rọ “khinh mười
lăm phút” những nghệ sĩ tài ít tật nhiều, tác phẩm mới ở mức vỡ lòng
nhưng đã tiến thân bằng tai tiếng bằng scandal. Vẫn còn đấy những nghệ
sĩ hồn nhiên như cô tiên, hành vi và phát ngôn bừa bãi, coi thường công
chúng… Không thiếu những trường hợp chủ ý tạo scandal, cố tình gây ra sự
kiện để lôi kéo sự chú ý của báo chí. Không chỉ là nghệ sĩ, có cả những
người có danh mượn báo chí làm diễn đàn để phô bày sự hợm hĩnh chảnh
chọe của mình. Mục đích của họ là được công chúng chú ý, báo chí đưa tin
thế là rơi vào bẫy của họ. Tất thảy những người này, đúng ra chỉ đáng
nhận được sự im lặng khinh thường của công luận.
Tất nhiên có nhiều loại lỗi lầm có thể
được dung thứ, bỏ qua, để ngỏ cho khả năng sửa chữa, tùy theo mức độ lầm
lỗi. Nhưng tội lỗi tham tàn phản nước hại dân thì không thể tha thứ.
Chưa tấn công tiêu diệt được nó hoàn toàn thì chí ít tỏ thái độ cũng là
sự khinh thường, không thèm nhắc.
Báo chí sắc sảo và chân chính thì luôn
phân biệt được mức độ khác nhau đó, và có những trường hợp luôn luôn
đáng bị silent treatment, mà không đáng được công luận nhắc đến một
dòng.
3. Bởi vì
đang nói đến những cuộc đấu tranh, đấu tranh chống tham nhũng và đấu
tranh chống thói hư tật xấu, cho nên tẩy chay là một vũ khí cần thiết
trong rất nhiều loại vũ khí. Đừng có nhầm tẩy chay với kích động sự thù
ghét – thù ghét cái xấu không bao giờ là đủ – mà phần nhiều báo chí hiện
nay yêu ghét đều nhợt nhạt, ghét không quyết liệt thì yêu cũng chẳng hết
mình. Có yêu thương ai thì cũng nhàn nhạt hời hợt mà thôi. Người Việt từ
xa xưa đã bảo “ghét như đào đất đổ đi”, ghét nó, đến mức cái chỗ nó vừa
đứng đấy, khi nó đi rồi phải lấy cuốc lấy thuổng đào chỗ đất ấy mà đổ
đi, bõ ghét.
Nhưng cái tinh thần yêu ghét quyết liệt
rạch ròi ấy dường như đã mai một. Thì đấy chỉ nhìn là đã rõ, vẫn còn
tình trạng báo chí với những cái tin xu bợ những ông “cựu” ông “nguyên”,
xu bợ đám người có danh tha hóa.
Tác giả gửi cho viet-sttudies ngày 26-3-20 |