Nhẹ dạ với văn chương
Hồ Anh Thái
Lời khen, lẩn trốn, và sự nhẹ dạ
Trong bài trả lời phỏng vấn, một nhà văn nữ kể, một người bạn nước ngoài
hỏi cô có làm thơ không, cô bảo tôi chỉ viết văn xuôi. Người bạn bảo:
Rồi một ngày nào đó cô sẽ làm thơ.
Vậy là về nhà loay hoay thế nào, nghĩ rằng người bạn kia nói đúng, cô
bèn viết luôn một tập thơ.
Rồi cô thấy có một số người viết văn bằng tiếng Anh. Thế là cô cũng viết
bằng tiếng Anh, vì nghĩ rằng viết tiếng Anh sẽ có nhiều người đọc.
Nhiều nhà văn Việt Nam cũng liều lĩnh đúng như cô đấy. Coi làm thơ viết
văn (và cả viết bằng ngoại ngữ) giống như luộc trứng.
Người theo thuyết tinh hoa bảo: Chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ, vì
người ta viết văn không phải viết bằng chữ mà viết bằng văn hóa của dân
tộc mình.
Một thiếu niên thời kháng chiến: “Đùng đùng đùng, đoàng đoàng đoàng, anh
vẫn đi”.
Tú Xương bảo: “Văn chương nào phải là đơn thuốc”.
Chuyện vừa nói ở trên, có phần đùa nhưng nhiều phần là thật.
Nhân vật thiếu nhi trong câu hát trên được đặt trong một hoàn cảnh khác
hẳn, để nói một điều khác hẳn. Nhưng nếu trích một câu như thế thôi,
tách hẳn ra khỏi văn cảnh của nó, thì đùng đùng đùng mà vẫn vẫn đi thì
chắc anh là người… khiếm thính.
Đang nói chuyện thật như đùa, xin kể tiếp một chuyện khác. Một bạn phóng
viên, thường xuyên cộng tác với tờ báo nọ bằng cách đi làm phỏng vấn,
viết tin, viết phóng sự. Việc cộng tác cứ đều đều cho đến một lần mang
bài ghi chép đến tòa soạn thì chị biên tập viên, cũng là một nhà văn,
bảo: Số báo này đang thiếu truyện ngắn, cậu viết nhanh đi một cái, đưa
chị in luôn. Anh bạn kể lại, rồi lắc đầu cười: Chị ấy nghĩ viết truyện
cứ như đan len.
Nói thì lại bảo là đùa. Bảo người ta viết ngay một truyện ngắn, mà lại
bảo một phóng viên chưa sáng tác bao giờ.
Tất nhiên là vẫn có người nhờ một giây phút đột ngột thình lình như thế
mà dấn thân vào một con đường mới. Nhưng nhìn chung thì đúng là coi mọi
việc cứ như… đan len.
Khi biên tập văn cho bạn bè, thảng hoặc tôi gặp những ca rất lạ. Có
những nhà thơ khi viết văn xuôi thì câu bất thành cú, câu cụt câu què,
chữ nghĩa thừa mứa rườm rà luộm thuộm. Biên tập cho nhà thơ này thì phải
sửa rất nhiều (nhà văn xuôi mà tôi kể ở đầu bài cũng vậy. Rất lạ là
nhiều người viết văn nhưng không biết dùng ngôn ngữ và không hiểu nghĩa
gốc của từ). Nhà thơ này viết văn xuôi chưa ra câu, nhưng thơ thì có
những bài xuất thần. Rồi cũng tự ngẫm mà hiểu ra: thơ giúp vị ấy trốn
được vốn kiến thức mỏng manh về ngôn ngữ và tư duy lộn xộn. Nói cách
khác, văn xuôi của vị lủng củng nên vị ấy đã trốn vào thơ. Và trốn thành
công. Những câu thơ có thể lan man đứt gãy, câu chữ có thể đảo trật tự
thông thường, sai lạc cả ngữ pháp, để diễn tả những tình cảm bất chợt,
ngẫu hứng, không thông thường. Thơ ấy mà có cảm xúc chân thành thì có
thể gọi là hay. Nhưng người làm thơ ấy khi viết văn xuôi thì bao nhiêu
sai sót vụng về chữ nghĩa bị phơi lộ ra hết. Không trốn được.
Nói như vậy, ta vẫn biết rất nhiều nhà thơ không chỉ giàu cảm xúc mà còn
là người giỏi sử dụng ngôn ngữ.
Trong hội họa cũng có trường hợp tương tự. Một họa sĩ hình họa kém, vẽ
cơ bản còn chưa được, vẽ người không ra người, thú không ra thú. Họa sĩ
ấy có lúc đã trốn vào trừu tượng. Nói cách khác, tranh trừu tượng có khi
là chỗ trốn của những họa sĩ chưa đỗ đạt về hình họa. Những mảng màu bê
bết chồng lấn chắp vá và những đường nét nguệch ngoạc rối tinh đã che đỡ
cho họa sĩ. Vụng chèo khéo chống. Vụng vẽ khéo trừu tượng. Mồm miệng đỡ
chân tay - trừu tượng đỡ
chân tay. Nói như vậy không có nghĩa là vơ đũa cả nắm với những họa sĩ
trừu tượng có tài đích thực và không hề lẩn trốn bất cứ ai.
Trở lại chuyện văn thơ. Như ta đã thấy, đôi khi những nhà văn xuôi kém
cỏi đã trốn vào thơ và trốn thành công. Nhà văn có thể hân hoan mà rằng
viết văn mãi chẳng được chú ý, giờ mới thử sức sang thơ thì được được
khen. Ở giữa cánh văn nghệ sĩ, nơi người ta không tiếc lời khen đầu
lưỡi, thì cũng nên cảnh giác với mọi lời khen. Giống như anh bạn nước
ngoài kia nói một câu mà nhà văn tưởng là lời khen hoặc động viên: Rồi
một ngày nào đó cô sẽ làm thơ. Người ta hàm ý những điều bao la xa rộng,
nhưng người nghe lại hiểu theo cách thiển cận và thực dụng.
Còn nếu hiểu đấy như một lời khích lệ hoặc lời khen, thì lời khen cũng
dăm bảy đường. Nếu bạn thỉnh thoảng vẫn đi công tác nước ngoài, bạn chắc
có lần được chủ nhà mời những món ăn bản địa. Sữa ngựa Mông Cổ ngai
ngái, gia vị Ấn Độ nồng nặc, gia vị châu Phi hăng hắc, món Bắc Âu nhạt
nhẽo… Ăn xong, dù đã nuốt không trôi, nếu được hỏi cảm tưởng, chắc bạn
sẽ phải khen và cảm ơn. Cũng như người Âu - Mỹ khen nem khen bún Việt
Nam thôi. Đừng vội nghe mấy lời xuýt xoa khen ngợi ấy mà tin rằng họ
thích thực sự và họ có thể ăn mãi. Người Việt ra nước ngoài một tuần ăn
pho mát bơ sữa thì đã cuống lên nhớ cơm Việt. Người Âu - Mỹ cũng vội
vàng nhớ về món ăn của họ như thế. Nói gọn, đừng đánh mất lý trí trước
những lời khen ngợi động viên của người ngoại quốc. Và của người nước
ta.
Đừng coi viết văn như luộc trứng như đan len. Đan len cho giỏi cũng có
cái khó của nó, nhưng không biết đan len thì có thể học. Tuy nhiên có
những việc không thể học mà thành. Cũng thế, ngoại ngữ có thể học. Nhưng
không dễ dùng ngoại ngữ để viết văn. Rất không dễ. Đôi ba trường hợp
viết bằng ngoại ngữ thành công trên thế giới không có nghĩa là có thể áp
dụng đại trà cho mọi trường hợp có ngoại ngữ. Ở đây cũng phải mở ngoặc,
ngay cả khi bạn có thể dùng ngoại ngữ để viết báo thì không phải vì thế
mà có thể viết văn bằng ngoại ngữ. Viết văn, người ta không chỉ viết
bằng chữ, mà viết bằng hồn cốt dân tộc mình.
Viết văn bằng ngôn ngữ thứ hai
Người viết văn giỏi ngoại ngữ đôi khi được hỏi rằng họ có viết văn bằng
ngoại ngữ hay không?
Thường có ít nhất hai câu trả lời. Phần nhiều trả lời là không. Một ít
người đáp rằng có.
1. Người ta chỉ có thể viết văn bằng tiếng mẹ đẻ. Đấy là câu trả lời của
những người khẳng định rằng họ không viết văn bằng ngoại ngữ. Văn chương
vốn nối liền với dân tộc bằng một cuống rốn. Sinh ra ở ngôn ngữ nào thì
chỉ có thể viết văn bằng ngôn ngữ ấy. Toàn bộ lịch sử, địa lý, chủng
tộc… đã hợp sức để mượn tay nhà văn mà viết ra. Thần bí hóa thì bảo là
thần thánh trên trời mượn tay nhà văn mà viết ra. Người ta không viết ra
chữ, mà viết ra hồn cốt tâm linh văn hóa của dân tộc mình. Tuyệt đối hóa
thì coi tiếng mẹ đẻ là công cụ duy nhất của nhà văn. Đã là ngôn ngữ thứ
hai thì dù có giỏi giang đến thế nào, dù có học và thực hành đến hết
đời, cũng không bao giờ sử dụng được như ngôn ngữ thứ nhất.
Tôi biết một số bạn giỏi ngoại ngữ từng có lúc viết truyện ngắn và làm
thơ bằng tiếng Anh. Cảm tưởng thực sự là đang đọc những bài tập làm văn
học trò. Một thứ tiếng Anh khô khan, cứng nhắc, thiếu hình ảnh, thiếu âm
thanh, thiếu sắc độ mờ ảo. Một thứ nỗ lực của học trò theo những khuôn
mẫu trong nhà trường. Văn ấy thiếu sự bay bổng tung tẩy của ngôn ngữ
thuần thục thiện nghệ, văn ấy không hề đem lại khoái cảm ngôn ngữ cho
người đọc. Trái lại, nó gây mệt mỏi và gây thương hại. Có cái gì đó
giống như nghe ca sĩ Bắc hát giọng Nam và ca sĩ Nam hát giọng Bắc. Lại
cũng có phần như nghe ca sĩ hát giọng giả, một cái giọng nữ cao soprano
lại cố làm thành giọng trầm alto cho thời thượng. Mấy bạn viết văn tiếng
Anh ấy về sau cũng tự biết. Bằng cớ là văn của họ không có người đọc và
họ đã bỏ viết bằng tiếng Anh.
2. Số nhà văn giỏi ngoại ngữ nhưng không thể viết văn bằng ngoại ngữ
chiếm đến 90%, tôi cho là thế. Nhưng trong 10% viết bằng ngoại ngữ thì
thành công không nhỏ.
Milan Kundera từ năm 1975 sang định cư ở Pháp, đã thôi viết bằng tiếng
Czech mẹ đẻ mà chuyển sang viết tiếng Pháp. Thành tựu tác phẩm tiếng
Czech của ông đã đủ gây được sự chú ý đặc biệt trên thế giới. Nhưng
những tác phẩm quan trọng ở giai đoạn sau của ông đều bằng tiếng Pháp.
Dù vẫn có người cho rằng việc viết tiếng Pháp đã kìm giữ tài năng của
Kundera ở mức độ nhất định, thì vẫn phải thấy rằng những tiểu thuyết,
đặc biệt là những tập tiểu luận bằng tiếng Pháp của ông, vẫn là hiện
tượng được giới văn chương chờ đón.
Cao Hành Kiện sang Pháp muộn hơn, đến năm 1998 mới được cấp quyền công
dân Pháp, và cũng chuyển từ tiếng Trung sang viết bằng tiếng Pháp. Tiếng
Pháp của ông nghe đâu để viết kịch là chính, và kịch là mảng quan trọng
của nhà văn này. Kundera chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết tiểu luận, Cao
Hành Kiện chủ yếu dùng tiếng Pháp để viết kịch. Liệu có phải khi dùng
đến ngôn ngữ thứ hai, không phải là tiếng mẹ đẻ, hai ông lớn văn chương
dường như cũng hơi né tránh tiểu thuyết và truyện ngắn, những thứ chủ
yếu phải “viết bằng tâm hồn”?
Nhiều
nhà văn người Trung Quốc sang Pháp sang Mỹ đã thành công khi chuyển sang
viết bằng ngôn ngữ thứ hai. Sơn Táp (Thiếu nữ đánh cờ vây, Đàn cổ cầm
khỏa thân) và Đới Tư Kiệt (Balzac và cô bé thợ may Trung Hoa)
đều viết bằng tiếng Pháp. Cáp Kim viết bằng tiếng Anh và tiểu thuyết
Đợi chờ gây xôn xao văn đàn nước Mỹ. Trường hợp Cáp Kim thật đặc
biệt, sau khi đi làm nghĩa vụ quân sự ở Trung Quốc, ông mới học tiếng
Anh rồi sau đó di cư sang Mỹ. Người ta chỉ có thể thuần thục ngôn ngữ
thứ hai đến mức dùng nó viết văn nếu như học thứ tiếng ấy trước mười
tuổi. Điều này dường như không đúng với những trường hợp vừa kể, lại
càng không đúng với Cáp Kim, người học tiếng Anh khi đã nhiều tuổi, lại
sau khi đã mòn mỏi ở quân ngũ. Tuổi ấy dùng ngoại ngữ để giao tiếp xã
hội đã khó, viết văn là chuyện càng khó mơ.
Cánh nhà văn gốc Trung Quốc viết bằng ngoại ngữ có sức hấp dẫn riêng mà
nhà văn bản địa Âu - Mỹ không có: đấy là cái hồn Tàu trong xác Tây. Họ
cũng có cái hấp dẫn riêng mà nhà văn Trung Quốc ở trong nước khó có: đấy
là phương pháp tiểu thuyết hiện đại theo kiểu phương Tây. Cùng một nội
dung ấy, nhà văn ở Trung Hoa lục địa có thể viết một nghìn trang thì nhà
văn gốc Hoa chỉ viết vài ba trăm trang. Lối văn của tiểu thuyết chương
hồi dông dài miêu tả phong vũ giang san bị loại bỏ. Dùng ngoại ngữ để
viết, nhà văn không thể miêu tả tỉ mỉ mây bay gió cuốn, không miêu tả
chi li trạng thái tâm lý, mà tâm lý được diễn tả qua hành vi qua biến
cố. Tất cả đã được nén lại. Kiệm lời. Cái nén và cái kiệm tạo ra nét độc
đáo cho tác phẩm của họ.
Nhưng để chứng minh cho việc có thể dùng ngôn ngữ thứ hai mà viết văn
thành công, bằng chứng hùng hồn hơn cả phải là dòng văn học viết tiếng
Anh ở tiểu lục địa Ấn Độ. Salman Rushdie có một sự nghiệp tiểu thuyết đồ
sộ, đặc biệt là Những đứa con của nửa đêm. Arundhati Roy với
Ông trùm chuyện vặt (bản tiếng Việt là Chúa trời của những điều
vụn vặt). Kiran Desai với Di sản của mất mát. R. K. Narayan
với The Financial Expert, The Guide. Amitav Gosh với The
Shadow Lines, River of Smoke. Vikram Seth với A Suitable Boy.
Jhumpa Lahiri với Người dịch bệnh… Như đã kể trong một bài viết
khác, những tác phẩm mới của họ được người đọc Âu - Mỹ đón chờ, có người
trở thành ứng cử viên nhiều năm của giải Nobel văn học, nhiều người đoạt
giải thưởng lớn như Booker của khối những nước nói tiếng Anh, như giải
sách quốc gia Mỹ, giải Pulitzer… Người ta thú vị với dòng văn chương gốc
Ấn khi được thưởng thức một thứ tiếng Anh rất mới mẻ, đầy sinh sắc và
độc đáo. Các nhà văn gốc Ấn đã làm mới cho tiếng Anh, nhuận sắc cho nó,
vào lúc nhiều nhà ngôn ngữ Anh - Mỹ cho rằng tiếng Anh đã trở nên xơ
cứng và suy giảm khả năng biểu cảm.
Sử dụng ngôn ngữ là một thứ tài năng. Vậy nói cho đến tận cùng: không
dùng được ngôn ngữ thứ hai để viết văn thì nguyên nhân lớn nhất là chưa
đủ tài để làm chủ ngôn ngữ ấy. Các nhà văn giỏi ngoại ngữ nhiều người
thực sự có tài văn chương, nhưng cái tài ngoại ngữ của họ thì chưa đủ độ
để viết văn.
Còn có những người khác nữa, viết văn bằng ngoại ngữ, câu cú sạch sẽ rồi
mà tác phẩm không hay vì vẫn còn thiếu một tâm hồn đích thực bên trong
câu chữ.
Nhà văn trước hết hẵng viết bằng tiếng mẹ đẻ, đó là đóng góp lớn nhất và
phù hợp nhất của anh ta. Nhà văn trước hết thuộc về dân tộc mình, đi đến
tận cùng dân tộc, anh ta sẽ ra được với thế giới.
Có người bảo: đất nước nào có nhà văn ấy. Hàm ý nhà văn chỉ được thấu
hiểu hơn cả, được chia sẻ hơn cả, được ưa thích hơn cả ở trên chính đất
nước mình. Người hiểu anh ta nhất là dân tộc mình. Hầu như thế.
Tác
giả gửi cho viet-studies ngày 1-12-20
|