Chuyện biên tập:

Vùng trắng đối diện bản thảo

 

 Hồ Anh Thái

 

 

Vùng trắng ngôn ngữ

Tôi có lần làm việc với một biên tập viên qua thư điện tử, đoán là trẻ vì những cái lỗi ngôn ngữ của cô quả là chỉ có ở người “trẻ” trong nghề biên tập. Bản thảo là tuyển tập của một nhà văn đàn anh quá cố, tôi tự đứng ra làm, coi như cái nghĩa đối với người bạn vong niên.

Trong bản thảo, biên tập viên đánh dấu màu vàng vào hơn một trăm chữ mà cô cho là đã bị đánh máy sai.

Nhìn những chữ cô coi là sai, cô đã định sửa, phải nói là tôi hoảng sợ. Cô mà sửa hết hơn một trăm “lỗi” ấy thì cô đã giết nhà văn quá cố một lần nữa. Những chữ cô coi là sai ấy thể hiện cô thiếu kiến thức về ngôn ngữ, thiếu trải nghiệm đời sống, thiếu cả linh cảm cần có của một biên tập viên.

Trong những câu dưới đây, những chữ mà cô coi là viết sai được in nghiêng, còn những chữ trong dấu móc [ ] là tôi giải nghĩa cho cô về chữ ấy:

1. Những lỗi do thiếu trải nghiệm xã hội và thiếu kiến thức ngành nghề:

- Anh đi giày vải [loại giày làm bằng vải, khác với giày da].

- Gặp một ông đi câu cắm [loại cần câu không cầm tay, mà cắm vào bờ nước rồi có thể bỏ đi, lâu sau quay lại].

2. Lỗi do không hiểu lời ăn tiếng nói trong đời sống:

- Nhưng cô vẫn đi cun cút [tức là cắm cúi đi].

- Chúng ta không được phép lờ đờ [nghĩa là chậm chạp, uể oải].

3. Lỗi do không hiểu cách diễn đạt.

- Giám đốc đi họp trên Thành [nghĩa là họp cấp thành phố].

- Đất nhà ta thế là phát [ngôn ngữ phong thủy: đất làm ăn phát đạt].

- Lời nói của ông ấy rất là nặng đô [có sức nặng, Việt hóa từ chữ dose].

 4. Không hiểu ngôn ngữ của một thời:

- Cảnh phim ấy phải quay hai đúp [mỗi lần quay phim được tính là một đúp, âm tiếng Pháp của từ double - gấp đôi].

- Chắc ông đạo diễn này về hưu đi đánh pắc [tiếng lóng, nghĩa là đi đánh thuê, xuất phát từ họ của tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee, người cung cấp lính đánh thuê cho Mỹ trong chiến tranh Việt Nam].

- Anh ta biết là mình đã bị cháy vở [tiếng lóng: bài vở đã học thuộc lòng nhưng không có tác dụng].

Chỉ đọc mấy ví dụ trên, chắc nhiều người biết rằng cô này có thể làm bất cứ nghề nào, chỉ trừ nghề biên tập sách. Không hiểu từ ngữ và không hiểu đời sống đã đành, khi chỉnh lại những chữ nêu ở trên, thậm chí có những chỗ cô còn quên xóa cả lời giải thích của tôi trong móc đơn, nếu không được kiểm tra lần cuối thì cứ thế mà in ra.

Cũng có chỗ tôi giải thích, cô muốn giữ lại, đề nghị biến nó thành chú thích cuối trang sách. Thôi thì nhân nhượng, để cho cô chú thích vài chữ. Nhưng chẳng nhẽ đọc vài câu văn lại phải nhìn xuống chú thích, hỏng cả mạch văn của người ta. Tiện thì nói, có những biên tập viên, câu thơ của người ta đang trôi chảy, đánh ngay một cái chú thích ở giữa câu, bắt người đọc phải nhìn xuống chú thích cuối bài, đấy là một cách cắt ngang mạch thơ. Hoặc một đoạn văn trong bài, biên tập viên cắt ra để làm box nhấn mạnh, đấy cũng là một cách làm gián đoạn mạch tư duy, thậm chí làm đứt đoạn cao trào của đoạn văn. Đúng ra, họ có thể cắt ra vài câu làm khung cho nổi bật, nhưng vẫn phải giữ nguyên câu ấy trong mạch văn chung.

Trong hàng nghìn biên tập viên đang hành nghề ở các nhà xuất bản và các công ty truyền thông hiện nay, những người như cô biên tập này chiếm một tỷ lệ đáng kể. Đến mức có thể coi rằng đã xuất hiện một thế hệ không còn khả năng xử lý từ ngữ của một thời chưa xa. Đã xuất hiện một vùng trắng ngôn ngữ và vùng trắng kiến thức, lấy mốc từ thời điểm hiện tại ngược trở về quá khứ. Họ không còn biết bên cạnh giày da guốc gỗ còn có giày vải, không hiểu đánh pắc xuống xề là gì, không hiểu đi câu cá lại có cả hình thức câu cắm, không hiểu cả lời ăn tiếng nói thông thường như lờ đờ, cun cút… Lỗi ấy còn do trải nghiệm. Mặt khác, dám chắc có rất nhiều người trẻ không làm nghề biên tập nhưng rất thành thạo với những thứ ngôn ngữ trên. Họ mới chính là biên tập viên trong đời sống, dù công việc của họ không liên quan đến sách báo.

Nhân nhắc đến một vài tiếng lóng đã trở thành ngôn ngữ khá thông dụng, ở một khía cạnh nào đó, lạm dụng tiếng lóng cũng có phần làm đoản mệnh tác phẩm. Vũ Trọng Phụng sử dụng nhiều ngôn ngữ thời ông sống, sử dụng nhiều tiếng lóng là thứ chỉ tồn tại trong vòng vài ba chục năm. Sau vài thế hệ, người ta có thể không hiểu thứ tiếng ấy nữa vì họ đã có tiếng lóng mới. Đọc lại tác phẩm mấy chục năm trước, vấp phải những ngôn từ thời cuộc kiểu ấy, nhiều khi bật cười vì ngôn ngữ tác phẩm có phần hơi ngố, hơi quê kệch. Nam Cao tỉnh táo và nhìn xa trông rộng, ông hầu như loại bỏ ngôn ngữ thời cuộc cho nên ngôn ngữ của ông như của người hôm nay viết ra, luôn mới mẻ.

 

Không hiểu hàm ý của ký hiệu

Một biên tập viên, được tiếng là biên tập viên cứng cựa hiện nay, cứ đòi tác giả nọ phải viết hoa một số chỗ theo quy định chính tả chung.

Biên tập viên có lý, bạn ấy đang làm công việc của người cầm quyền chính tả. Nhưng biên tập viên cùng lúc phải làm một công việc nặng nề hơn: đấy là đang đối diện thứ ngôn từ mang tính nghệ thuật. Nhà văn Áo Alfriede Jelinek trong cả quyển tiểu thuyết không viết hoa một chữ nào, kể cả tên nhân vật. Bà làm thế như một kiểu phản kháng cái lối viết hoa toàn bộ danh từ của tiếng Đức. Còn nếu ai nghĩ viết hoa danh từ riêng là cách để tỏ ý tôn trọng thì có thể coi là bà Jelinek khinh thường tất thảy nhân vật của mình, nói nôm na là không coi chúng là cái gì đáng phải viết hoa.

Nếu không tỉnh táo, nhà biên tập có thể coi bà Jelinek không biết viết và toan sửa giúp bà bằng cách viết hoa tên các nhân vật.

Chưa hết, một nhà văn Áo khác, ông Thomas Bernhard, trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết của mình không một lần xuống dòng. Nhà biên tập có ngồi tỉ mẩn tính từng phân đoạn hợp lý để cắt xuống dòng giúp ông ấy hay không? Người biên tập sành sỏi, sau đó là nhà phê bình sành sỏi, không vội phê phán là ông ấy không biết viết. Họ có nhiệm vụ phải ngẫm nghĩ cho ra tại sao Bernhard lại không chịu xuống dòng như vậy.

Chính tả tiếng Việt những năm 1960-1980 có thừa kế và phát triển, cho nên đã tương đối ổn định. Người ta quy định phân biệt rõ ràng chữ i ngắn và y dài, mà không đổi hết thành i ngắn như nhà trường hiện nay. Người ta cũng quy định chỉ có vài danh từ chung viết hoa, chẳng hạn có hàng triệu người bác trên đời, nhưng chữ Bác viết hoa chỉ để tôn kính một con người thôi. Nhưng những người làm báo biết ngoại ngữ đã đổ ập vào tiếng Việt một dòng thác chữ viết hoa: bộ trưởng, giám đốc, tổng thư ký… Họ bê nguyên chính tả Âu Mỹ viết hoa cả những ngày trong tuần và những tháng trong năm mà tiếng Việt vốn không viết hoa: thứ hai, thứ ba, thứ tư, tháng năm, tháng sáu, tháng bảy… Bản quy định mới đây về chính tả đã chấp nhận kiểu viết hoa ngày tháng theo chính tả Tây, nhưng lại có những chỗ làm ngược Tây, chẳng hạn sau dấu hai chấm và chấm phẩy (: ;) chính tả mới lại quy định viết hoa. Hoặc người theo chính tả lâu nay thì đóng ngoặc kép mới chấm (”.), còn người theo chính tả tiếng Anh thì chấm rồi mới đóng ngoặc kép (.”) Thành ra chính tả tiếng Việt bây giờ là một thứ dở ta dở Tây. Nó thể hiện việc người biên soạn quy định có tư duy thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán.

Giả sử ta đã có một bộ quy tắc chính tả không gây tranh cãi, thì biên tập viên cũng phải biết xử lý những tình huống nhà văn vượt qua quy tắc chính tả, vượt qua ngữ pháp. Học trò và báo chí cần phải tuân theo quy định chính tả chung, nhưng những người sáng tạo ngôn ngữ văn chương lại cần có sự bất tuân. Đấy là trách nhiệm sáng tạo của họ trong nền văn chương và trách nhiệm đối với công chúng.

Người sáng tạo văn chương còn bất tuân bằng cách đặt lại vị trí những dấu chấm dấu phẩy và các ký hiệu chính tả. Những cái dấu không còn ở đúng vị trí của nó mà đã được xê dịch vào những chỗ bất ngờ nhất, tạo nên tầng nghĩa mới và cảm xúc mới.

Vì vậy biên tập viên phải cẩn thận với những cái dấu. Như việc biên tập viên đặt thêm dấu phẩy dưới đây, tưởng như đặt đúng chỗ nhưng lại ngắt mạch và làm sai lạc ý:

“Sửa lỗi đánh máy, lỗi chính tả không chỉ làm sạch mà còn làm đẹp bản thảo”.

Câu này bị ngắt mạch theo dấu phẩy như sau:

Sửa lỗi đánh máy,

lỗi chính tả không chỉ làm sạch mà còn làm đẹp bản thảo.

(Sự ngừng ngắn ở dấu phẩy đã tạo nghĩa đối nghịch: lỗi chính tả không chỉ làm sạch mà còn làm đẹp bản thảo).

Còn ở đây, biên tập viên đặt thêm dấu gạch nối và làm hỏng câu văn: “Mẹ quen trông trời - đất trông mây”. Dấu gạch nối thêm vào khiến mạch văn bị ngắt thế này:

Mẹ quen trông trời -

đất trông mây.

(Mặt đất trông mây chứ không phải mẹ).

Mạch văn của câu này cần một sự trôi thẳng băng, không có một cái dấu nào đặt giữa trời đất mưa gió.

Còn nhiều cái dấu khác nữa, chẳng hạn chấm than, chấm hỏi… Có nhà văn đã chủ ý lược bỏ hết. Ông quan niệm những cái dấu ấy giống như trang sức rườm rà, mà ông lại muốn tạo dựng một văn phong giản dị, như một vẻ đẹp nam tính thì không đeo dây chuyền, không nhẫn, không hoa tai, không vòng đeo tay. Biên tập viên có nhiệm vụ phải đọc ra hàm ý văn chương ấy trong cách dùng ký hiệu của nhà văn.

  

Bất lực trước cái hài

Hài hước tưởng như đầy ắp trong đời sống và trong văn chương dân gian, nhưng hóa ra cung vẫn chưa đủ cầu. Vậy, biên tập viên thiếu tính hài hước cũng là tình trạng thông thường. Nhưng thiếu tính hài hước cũng cản trở họ tiếp cận tác phẩm.

Lần ấy biên tập viên gặp một câu trong bản thảo: “Ông văn viết kịch bản, ông đạo diễn làm phim. Sau buổi công chiếu, ông văn và ông đạo đứng trấn ở cửa ra vào để đòi bạn bè có những lời khen tặng”. Biên tập viên lập tức đòi sửa chữ “ông văn và ông đạo” thành ông nhà văn và ông đạo diễn, như vậy mới đúng.

Ở một câu khác: “Những nhà nghiên cứu này suốt đời phấn đấu mà không thành được một gia”. Biên tập viên lại cho rằng tác giả viết thiếu. “Một gia” phải được sửa thành một chuyên gia.

Cũng vậy, biên tập viên đề nghị tác giả sửa những cụm từ “ghê tởm lợm”, “rung động đậy” thành những từ chuẩn xác: ghê tởm, rung động. Tất nhiên tác giả đã từ chối vì những chữ ấy cần thiết trong văn cảnh giễu cợt. Tác giả cũng kể cho biên tập nghe về lai lịch chữ “kinh khủng khiếp”, vốn lần đầu tiên xuất hiện ở vai kịch một cô gái lắm điều trong vở kịch Nila – cô bé đánh trống. Nghệ sĩ Kim Thư của đoàn Kịch nói Trung ương đã diễn vai ấy suốt những năm 1960-1980 và lần nào cũng khiến khán giả cười bò vì không ai nói năng kiểu ấy bao giờ, ghép hai chữ kinh khủng và khủng khiếp. Nhưng giai thoại này có phần hậu: chữ “kinh khủng khiếp” đã ra khỏi văn cảnh hài hước, và giờ đây nhiều người viết tưởng nó là một cụm từ chuẩn, thậm chí họ đặt nó vào những văn cảnh không giễu cợt một tí nào.

Ông văn - ông đạo - một gia.

Ghê tởm lợm - rung động đậy.

Đòi sửa những chữ ấy, biên tập viên chứng tỏ mình thiếu một cảm nhận hài hước – sense of humour.

Thiếu thì phải học. Công việc của họ là phải tiếp kiến người nghiêm túc lẫn người khôi hài. Không học thì họ sẽ cười cợt với người nghiêm túc và lạnh nhạt với người hài hước. Các chính trị gia Âu Mỹ còn phải thuê chuyên gia đến dạy cho mình cách khôi hài. Làm chính trị mà không biết đùa thì khi sa chân lỡ bước rất khó thoát hiểm. Làm nghệ thuật mà không biết đùa thì nghệ thuật ấy mới chỉ là một thứ phiến diện hoặc khô khan cứng nhắc, thiếu khả năng tung tẩy và lật trái vấn đề.

 

Hoang mang trước từ ngoại lai

Trong khi đứng canh cửa, mải mê nghiêm khắc với những gì mình chưa hiểu hoặc chưa cảm nhận được, người biên tập lại rất thường xuyên để lọt lưới những phần tử sai phạm. Trước hết, có thể thấy rõ ở báo hình và báo tiếng. Một khi lên ngôi nhờ cái sự ngại đọc của công chúng, các thứ báo này đã tạo ra một thứ ngôn ngữ chất đầy khẩu ngữ. Họ phải đệm khẩu ngữ, vì công cụ truyền đạt của họ là hình ảnh và tiếng nói, coi như phải tiếp xúc mặt đối mặt với đối tượng. Thứ ngôn ngữ nói ấy mưa dầm thấm lâu, đã tràn sang, ảnh hưởng đến ngôn ngữ viết, đến báo in. Một hệ quả tất nhiên là trên sách báo bây giờ, ngôn ngữ nói đã trở nên thời thượng. Thậm chí người viết cũng khó nhận ra rằng mình đang viết bằng một thứ ngôn ngữ nói. Sử dụng ngôn ngữ nói đúng liều lượng thì sinh động, nhưng ta đang nói đến sự lạm dụng cách nói không chuẩn mực.

Ví dụ thì có vô vàn. Trong quyển Lang thang trong chữ, tôi mới tạm đưa ví dụ hơn trăm trường hợp sử dụng ngôn ngữ chưa chuẩn. Nhân ở đây đem ra bàn lại vấn đề với biên tập viên, xin nhắc lại vài ví dụ điển hình.

Những người dẫn chương trình rất quen dùng cụm từ kiểu này: hồi tưởng lại, phục hồi lại, tái hiện lại, tái bản lại… tất cả đều thừa chữ “lại”. Rất sính dùng từ Hán Việt, nhưng lại hiểu từ một cách lơ mơ, nếu chỉ dùng từ “phục hồi” thì chưa cảm thấy yên tâm, họ phải kèm theo chữ “lại” như một kiểu che đỡ, cho phát âm đỡ trống vắng. Cũng chính người làm báo hình và báo tiếng đã “có công” lan truyền những cụm từ sai lệch, giờ đây đã trở nên phổ biến:

“Đồng hành cùng”: chữ “đồng hành” tự nó đã đủ nghĩa là “đi cùng”, cớ gì phải đệm chữ “cùng” cho thừa. Xin cảm ơn bạn đã đồng hành cùng chúng tôi. Cứ phải thêm chữ “cùng” cho đỡ trơ. Bởi vì người ta đã dùng sai vai trò của từ đồng hành. Chữ đồng hành chỉ nên dùng làm tính từ, như “bạn đồng hành, người đồng hành”, không phải bị dùng làm động từ như lâu nay (chính xác ra, nó là một động-tính từ, thậm chí là danh-tính từ). Đơn giản hơn cả, cứ Việt hóa nó thành “đi cùng”, khi ấy có thể dùng nó là động từ “đi” kèm giới từ “cùng”.

“Cặp đôi”: từ này đã bị một đài truyền hình biến thành ngôn ngữ phổ cập, rồi lan sang sách báo khắp nơi. “Cặp đôi hoàn hảo”, mỗi lần nghe thấy đọc thấy là một lần nhức nhối. Cặp là hai, đôi cũng là hai. Một cặp trai gái, một đôi bạn – thế đã đủ là hai. Nói “cặp đôi” có thể hiểu là bốn. Và nếu nói “một đôi”, “một cặp” nghe chưa thích, vẫn muốn có hai âm tiết cho đỡ trơ, thì có thể dùng “bộ đôi”.

Một điều nữa cũng khiến các biên tập viên bối rối. Đấy là khi họ đứng trước những từ đã được Việt hóa hoặc từ nước ngoài nguyên thể đệm vào văn Việt. Thiếu quy định chung, các tòa báo tòa đài tùy sức ra luật riêng. Đọc sách của những tác giả thích khoe ngoại ngữ, cứ vừa đọc vừa bật cười. Quyển sách mấy trăm trang, đếm ra được gần trăm tiếng Tây hoặc gốc Tây phiên âm, thậm chí khoe tiếng Tây mà còn viết sai chính tả.

Rõ ràng nhiều từ đã được Việt hóa từ lâu, đã trở thành tiếng Việt, không chịu dùng, cứ từ gốc ngoại mà khoe. Tắc xi, cà phê chẳng hạn, đã Việt hóa và không cần gạch nối, vậy mà cứ chèn vào văn là taxi, café. Việt Nam có nghìn năm chống phong kiến phương Bắc, một trăm năm chống thực dân Pháp, hai mươi mốt năm chống Mỹ can thiệp, ngôn ngữ tất nhiên chịu nhiều ảnh hưởng. Không lạ khi ngôn từ nước ngoài xâm nhập liền gây ra nạn loạn phát âm. Từ Pháp phiên âm kiểu Anh, từ Anh phiên âm kiểu Pháp là chuyện dễ thấy. Giữa thời Pháp, một thiểu số biết tiếng Anh đã không phiên âm từ madame (quý bà) theo âm Pháp mà lại phiên theo âm Anh: međầm (madam). Thế là họ gọi những cô lấy Tây là me Tây, những cô gái Pháp là cô đầm.

Ngân hàng bank, thời Pháp phiên là nhà băng, giờ đây nếu phiên theo tiếng Anh lơ lớ là bang hoặc beng, nhưng cứ theo nhau đọc là banh.

Còn nữa, từ fax cũng không chịu phiên theo kiểu Anh là phacx hoặc phecx, tức là phải có âm gió ở cuối, mà lại phiên kiểu Pháp (bồi) là phắc, thành một âm nói tục trong tiếng Anh.

Tôi thấy nhiều biên tập viên đã tỏ ra bất lực trước những trang tiểu thuyết Việt Nam chất đầy những chỗ khoe tiếng Tây. Khoe cũng sai:

Resort: khu nghỉ dưỡng, phiên tiếng Anh là rizốt, bị phổ biến thành rì zoọc/ rì soọc.

Sémi classic: một bản nhạc chơi theo kiểu “bán cổ điển” chẳng hạn, bị phiên thành sơmi classic. Nếu đọc là sơ mi, tiếng Pháp phải viết là chemise, tức là cái áo sơ mi.

Type: Một nhà văn viết: “Cô thuộc tuýp người hiện đại”. Hiểu ý nhà văn, muốn dùng phiên âm chữ type, tức là kiểu, loại. Nhưng chữ type đã được Việt hóa theo âm Pháp là típ – típ người. Còn nếu phiên là tuýp lại là một từ khác hẳn: tube (cái ống, hình trụ, đèn ống, đèn tuýp, quần ống tuýp).

 Vest: chữ này đang được dùng lan tràn trên sách báo tiếng Việt, thậm chí có nhà xuất bản còn đưa vào quy định chính tả của mình. Áo vest, bộ vest. Cần gì phải phô ngoại ngữ như thế, trong khi bộ com lê đã được Việt hóa thành bộ vét, từ chữ veston tiếng Pháp (vét tông). Mà sự phô trương này cũng sai đi hẳn một dặm. Chữ vest ấy trong tiếng Anh chỉ có nghĩa là áo may ô, áo phao cứu sinh, áo chống đạn…

 

Biên tập – cái biết của một nghề

Biên tập cũng là nghề làm dâu trăm họ, một cô dâu luôn cần có sự tỉnh táo để phân biệt đối tượng. Có những đối tượng, biên tập cho họ tức là dạy cho họ viết. Có những đối tượng, biên tập cho họ tức là học hỏi được từ họ. Nếu thiếu kiến thức về đời sống, về ngôn ngữ, về tính hài, biên tập viên có thể làm ngược hai vai trò trên: vác sách học theo người kém cỏi nhưng lại toan dạy dỗ người thầy.

Chữ edit trong tiếng Anh, dịch ra là “biên tập” cũng chưa thoát hết ý nghĩa. Biên tập viên nhà xuất bản Âu Mỹ phải hiểu là người làm tất cả những việc của người biên soạn, sửa câu chữ, viết tổng luận về cuốn sách, tương tự vai trò chủ biên của một cuốn sách. Thậm chí biên tập viên hiểu bếp núc nhà văn đến mức có khả năng góp ý chia tác phẩm làm nhiều phần hoặc nhập nhiều phần làm một, hoặc theo logic của tác phẩm biên tập viên đòi hỏi nhà văn viết thêm một phần nữa, hoặc cắt một đoạn giữ lại có thể dùng để viết một cuốn sách khác.

Còn chữ “biên tập” thường ghi cuối sách của ta là để chỉ một kiểu biên tập kỹ thuật, chỉ đơn thuần sửa lỗi chính tả lỗi đánh máy, sửa những trang bị nhảy chữ hoặc các bát chữ xiên lệch, cắt những câu nhạy cảm về chính trị xã hội… đại loại là làm “làm sạch” về kỹ thuật. Đấy mới chỉ là khâu đơn giản của một biên tập viên. Số đông biên tập viên hiện nay không chuyên sâu cũng chẳng có kiến thức rộng. Rất nhiều người vào nghề như thể tiện thì làm, và nếu không thuận lợi thì có thể nhảy việc.

Người ta hay nói nghề văn nghề báo có một nghịch lý: người học báo thì viết báo không hay, người viết báo hay lại không học báo. Qua những ví dụ trên, cũng có thể nói như thế về nghề biên tập. Bởi vì, trong thực tế, ta vẫn thường gặp những người không xuất thân từ báo chí văn chương nhưng lại sành sỏi về ngôn ngữ và đầy trải nghiệm đời sống. Những người này mới là biên tập viên thực sự.

 

Tạp chí Văn nghệ quân đội, 22-2-2022

 

 

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 13-3-22