Chất thành đống mà đốt

  

Hồ Anh Thái

 

 

Những năm đầu thế kỷ XX, thời kỳ Ấn Độ đấu tranh giành độc lập, có lần Mahatma Gandhi kêu gọi tẩy chay hàng dệt của thực dân Anh. Ông khích lệ người Ấn bỏ vải vóc của Anh, quay về sử dụng hàng dệt của Ấn Độ. Động viên ngành dệt trong nước. Bản thân ông cũng thực hiện bằng việc ngồi xuống bên một cái xa kéo sợi mà bền bỉ quay sợi bằng tay. Thế là trên khắp tiểu lục địa rộng lớn xuất hiện những hình ảnh phổ biến. Hình ảnh bậc thánh nhân Gandhi ngồi quay xa kéo sợi. Hình ảnh dân chúng khắp nơi nô nức dệt vải, phát triển ngành dệt thủ công. Hình ảnh ấn tượng không kém là những đống quần áo vải vóc do thực dân Anh mang đến chất cao như núi và bị hỏa thiêu. Lửa cháy rừng rực trên khắp đất nước.

Nhắc chuyện người mà ngẫm đến ta. Bây giờ nếu có một chiến dịch phát động tẩy chay hàng hóa của bên ngoài, chắc khó được dân chúng hưởng ứng. Rất khó. Ngay cả đó là hàng hóa từ một nơi đang gây hấn và đang xâm phạm chủ quyền của đất nước của dân tộc. Rất khó. Ngay cả khi có những cá nhân và tập thể đã lên mạng, kêu gọi và kích, mỗi món hàng mua thêm là thêm một viên đạn bắn vào dân ta. Vô cùng khó.

Vì sao vậy? Dân ta không yêu nước hay sao? Dân ta ngoảnh mặt làm ngơ trước sự xúc phạm dân tộc hay sao? Hay là dân ta hám lợi đến mức thà chịu xúc phạm chứ không để sứt mẻ lợi lộc?

Cái lý người ta đưa ra ở đây là gì?

Thứ nhất, việc làm ăn đang đà phát đạt, không thể dừng lại được. Hàng hóa đang ùn ùn đổ vào, qua đường chính ngạch và cả tiểu ngạch, luồn rừng lội suối mà đổ vào. Kim ngạch làm ăn lớn, lợi nhuận lớn.

Thứ hai, cần phải có một tư duy thực tế: đình đốn công việc làm ăn, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế, làm cho bao nhiêu người thất nghiệp, từ người bán hàng rong, từ sạp hàng bán buôn bán lẻ, cho đến những tiệm đồ đắt tiền, hàng hiệu. Nên chăng, ta cứ tiếp tục làm ăn với đối tượng, làm giàu từ đó, dùng tiền ấy làm vũ khí để đương đầu với chúng?

 Lý bao giờ nghe cũng có lý. Dù là lý sự. Dù là ný nuận. Dù là những cái lý sự cùn, chứ không hề sắc sảo.

Những cái lý này, ta nghe ra trong ấy một thực tế: quan hệ làm ăn với đối tượng đã quá sâu. Lợi nhuận từ thương mại ấy đã lớn đến mức không dại gì mà từ bỏ. Đến mức không một biện pháp cứng rắn nào có thể khiến cho nó dừng lại được. Máu tham đã bén hơi đồng.

Nghe ra trong ấy một thực tế nữa: từ phía người tiêu dùng. Đã hình thành một thói quen tiêu xài đồ nhập. Đã quen dùng. Hàng vừa bình dân vừa rẻ, thậm chí rẻ hơn hàng sản xuất trong nước, tội gì không sử dụng. Đã hình thành một sự phụ thuộc vào thứ hàng hóa thường dùng kia. Dính chặt vào rồi, đố mà bỏ được. Xài đã quen dùng đã quen, nay thiếu thì không chịu được, nay bỏ thì lấy gì thay thế? Ở một số nước Âu - Mỹ, từ nhiều năm trước, lẻ tẻ có một vài phong trào tẩy chay hàng tiêu dùng của Trung Quốc. Người ta tính ra trung bình hàng hóa của ông bạn này chiếm trên dưới 80%. Sáng ra mở mắt theo tiếng đồng hồ báo thức Tàu, vào phòng tắm dùng bàn chải Tàu, dao cạo râu Tàu, khăn mặt Tàu. Ăn sáng bằng thức ăn nhanh và rau quả nhập từ Tàu, đi đến công sở trên xe buýt Tàu hoặc tàu điện ngầm của Tàu… đêm xuống nằm trên giường đệm của Tàu, đọc sách thì cái máy đọc sách điện tử lắp ráp ở Tàu, sách in có khi đưa in ở Tàu vận chuyển về vẫn rẻ hơn in trong nước, tắt cái ngọn đèn đầu giường đọc sách để đi ngủ, cũng của Tàu.

Vì thế mấy cái hội kỳ thị chủ trương tẩy chay kia, chỉ bấm bụng cắn răng tìm đồ thay thế được khoảng một năm, sau đấy thế nào cũng va phải một mặt hàng nào đó của Tàu. Công cuộc tẩy chay thế là không hoàn chỉnh. Thế giới này hóa ra đã phụ thuộc vào anh bạn từ lúc nào chẳng rõ. Vì sao? Vì tham. Tham rẻ. Lại lười biếng, không chịu tự tay làm. Tham lợi nhuận, tự làm thì chi phí cao hơn, chi bằng không cần làm, chỉ bỏ tiền ra mua đồ gia công về, vừa rẻ vừa sẵn. Tham thì chết. Lười thì chết. Cả cái thế giới này. Kết luận hóa ra không có gì mới mẻ.

Cái lý sự để tránh hưởng ứng một cuộc tẩy chay hàng hóa từ bên ngoài chỉ chứng tỏ người Việt đã trở nên quá thực dụng. Không còn hiểu được sức mạnh tinh thần nữa. Không còn tin vào ý nghĩa mang tính biểu tượng tinh thần của một hành động. Người tẩy chay lập luận: mỗi món hàng mua vào là thêm một viên đạn bắn vào dân mình. Người phản bác thì lý sự: ông không mua hàng của nó, nó chỉ mất vài viên đạn. Nhưng ông mua hàng của nó, bằng cách ấy phát triển thương mại, ông sẽ có thêm vài nghìn viên đạn. Nghe thì có lý. Nhưng là lý tài. Cái lý của tiền tài. Cái lý ấy đè nghiến lên tư duy mang tính tinh thần và tâm linh. Cái lý ấy không mở mắt được cho người ta thấy giá trị của những vũ khí chính trị và ngoại giao, giá trị của phối hợp giữa đấu tranh vũ trang và những đòn đánh mang tính kinh tế, giữa các hình thức đấu tranh với việc đấu tranh mang ý nghĩa tinh thần. Cũng chính là Mahatma Gandhi đã chủ trương đấu tranh phi bạo lực (non-violence), đấu tranh dưới hình thức kháng cự thụ động (passive resistance) và góp phần đưa đến thành công cho phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ. Theo cách tư duy thiên lợi, thì hóa ra những hình thức đấu tranh tinh thần như vậy là vô nghĩa. Một sự tẩy chay hàng hóa bên ngoài hóa ra là lẩm cẩm.

Vẫn cứ hình dung: người ta có thể đã làm được cái việc thu gom hàng hóa, chọn được địa điểm để đổ chỗ hàng ấy xuống, chuẩn bị đốt. Nhưng lúc ấy sẽ diễn ra cảnh từng xảy ra ở ngoại thành Hà Nội: số gà bị bệnh vừa được đổ xuống hố chuẩn bị lấp đất thì dân làng kéo ra cướp. Mỗi người vài ba con, dăm ba con, hân hoan phơi phới. Không nghĩ đến tai họa dịch bệnh có thể lan rộng. Chỉ biết cướp được mấy con gà còn sống là gặp may. Dân làng ấy không hề thiếu đói. Cướp gà như là một thắng lợi, một cuộc đua tranh giành phần thắng, so với hàng xóm không cướp được, hoặc cướp được ít hơn.

Một cuộc tẩy chay hàng hóa cũng có thể là kịch bản có cái kết tương tự. 

Trong lịch sử đấu tranh của dân tộc, không thiếu những cuộc đấu tranh chính trị, những cuộc tẩy chay để chứng tỏ tinh thần yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, tinh thần phản kháng trước cường quyền trước ngoại xâm, tinh thần tự lực cánh sinh… Nhưng một đời sống chìm sâu vào tiêu thụ, một tinh thần tự lực cánh sinh đã bị xói mòn, một tinh thần thực dụng lan tràn và bao trùm… tất cả đã hợp lực khiến cho cuộc phản kháng theo kiểu tẩy chay khó mà thực hiện được.

Chỉ còn mong một ngày sẽ được nhìn thấy thói hám lợi, thói thực dụng cũng được vun thành đống, chất ngất như núi và được hỏa thiêu, lửa và khói bốc cao lên tận trời.

Vẫn biết đó chỉ là mong.


Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-7-20