Thăm thi sĩ Quách Tấn (Nha Trang, 1970)

Đỗ Nghê

Tôi đến thăm Quách Tấn nhân dịp ghé Nha Trang. Buổi sáng trời mưa nho nhỏ. Con đường đến nhà ông loang lổ những vũng nước đọng. Nhà ông ở một góc chợ. Cái tên đường nghe cũng đã huyên náo rồi: Đường Bến Chợ! Người thi sĩ của mùa cổ điển, của đọng bóng chiều đó, đã sống bằng một cách nào trong bao nhiêu năm để vẫn giữ được một tâm hồn “nhàn” của cổ nhân? chắc là một thứ “nguyệt lai môn hạ”? Ông đón tôi với nụ cười trên môi. Cái gọng kính trễ xuống sống mũi, đôi mắt sâu sâu như cũng mỉm cười sau hai lưỡng quyền cao, nhưng chưa cao bằng cái trán rộng và càng rộng nhờ cái đầu sói, tóc điểm sương.

– Chút nữa tôi quên ông, nếu không nhờ cái kính cận thị của ông. Tính tôi hay quên một cách lạ lùng, khiến nhiều người cho là tôi kiêu ngạo.

Tôi tò mò:

– Bác quên như thế nào mà gọi là lạ lùng?

– Tôi quên mặt người, mặt chữ, danh từ riêng, còn ý nghĩa câu văn và nhất là thơ thì tôi lại nhớ dai lắm. tôi viết “Xứ Trầm Hương” hoàn toàn nhờ ký ức. Chuyện càng xưa tôi càng nhớ kỹ.

Tôi tò mò một cách “nghề nghiệp”:

– Xin bác cho biết rõ hơn.

– Trước tôi từng dạy chữ Hớn, thế mà mới đây có một lần viết chữ Quách – trong chữ Quách Tấn – mà tôi viết cũng sai. Dịch thơ Hớn của Nguyễn Du và Thái Thuận, tôi phải nhờ người đọc giúp. Họ chỉ đọc lên cho tôi nghe cái âm của chữ, không cần biết nghĩa cũng được. Nói cách khác là họ giúp tôi nhận mặt chữ. Còn tiếng Việt và tiếng Pháp thì tôi bị trật chánh tả luôn, mặc dù nhiều lúc tôi tự đặt ra những mẹo riêng để nhớ, chẳng hạn chữ “chuột” phải tận cùng bằng chữ “t” vì con chuột có đuôi…

Tôi thoáng nghĩ đến một thứ bệnh, vẫn được xếp vào loại bệnh tâm trí ở những người mất tri giác chữ viết nhưng vẫn hiểu nghĩa nếu có người đọc cho họ nghe âm của chữ đó. Tôi hỏi kỹ hơn:

– Tình trạng này bác mới bị đây hay đã lâu?

– Đã lâu. Rồi ông giải thích nguyên nhân của “bệnh” luôn để đánh tan sự nghi ngờ “méo mó” của tôi: Chắc vì hồi nhỏ tôi cố học lấy cái “nội dung” mà bỏ qua cái “hình thức”, tôi muốn noi theo cái học của Khổng Minh hơn là Phụng Sồ, nên bây giờ đã thành tập quán xấu. Đọc xong một cuốn sách nào là tôi quên nhân vật, quên cốt truyện, chỉ nhớ những ý hay. Khi viết xong phần nào là tôi quên mất không kể lại được. Tôi cũng thường viết lầm tên bè bạn dù tôi nhớ đúng tên họ.

Một đứa bé chừng ba bốn tuổi chạy ra đến ôm chân “ông nội”. Quách Tấn nói với tôi:

– Con thằng Giao đó.

– Bác có tất cả mấy cháu rồi?

– Hai mươi đứa, cả nội lẫn ngoại.

Vậy mà trông “ông nội” vẫn trẻ. Ông mặc bộ bà ba lụa trắng, cũ kỹ ; mang đôi guốc xuồng ba màu, quai đen. Dáng người vừa phải, giọng nói thanh thanh, có vẻ vội vàng một chút, nhưng không kém thân mật. Trong câu chuyện ông thường tự hào “tôi hơn Vũ Hoàng Chương 8 tuổi đó!”.

– Bác ít khi bị đau ốm?

– Lúc này đỡ nhiều. Năm ngoái tôi đau một trận dây dưa mãi, phải mổ đến 6 lần!

– Bác đau gì mà mổ nhiều vậy?

– Trĩ. Trĩ mạch lươn. Tôi mổ ở Qui-nhơn.

– Nay bác đã khỏi hẳn chưa?

– Thỉnh thoảng bị lại, nhất là lúc bị bón.

Tôi nói một chút về cách chữa bón, rồi hỏi thêm:

– Bác thường đi bộ chứ?

– Tôi đi mỗi ngày 1, 2 giờ là thường. Đi khỏe lắm, không biết mệt. Thực ra thì cũng vì tôi không biết đi xe đạp.

– Bác ngủ có dễ không?

– Không, nhiều đêm tôi thức rất khuya để nói chuyện với khách, hoặc làm việc. Lúc mệt chỉ cần chợp mắt một chút. Nhưng sáng thì tôi ngủ trưa lắm, đến 9, 10 giờ mới dậy.

– Thường bác có dùng thuốc men gì không?

– Tôi uống sâm Cao-ly, thỉnh thoảng chích Syncortyl thấy khỏe lắm. Có bác sĩ quen, cho tôi ít thuốc loại kích thích tố…

– Testostérone?

Thi sĩ cười cười, rồi hỏi tôi về loại thuốc H3 mà một người bạn vừa biếu một chai. Tôi nói sơ lược những điều tôi biết về loại thuốc này rồi hỏi thêm, bắt chước lối hỏi của các nhà chuyên phỏng vấn “nghệ sĩ”:

– Bác có ghiền một thứ gì không?

– Không. Tôi không ghiền gì cả. Không rượu, không thuốc, không bài bạc. Tôi cũng không chơi đờn, không đánh cờ, không đá gà… Ngày trước, ông Tú, cha của Nguyễn Tuân, ở sau nhà tôi, có mời tôi làm thử một điếu thuốc phiện, nhưng tôi vì gớm cái ống điếu mà không chịu thử. À, tôi thường đi xinê, nhiều người cho là tôi ghiền xinê. Mỗi tuần đi 5 lần.

– Bác thích loại phim gì? Tài tử nào?

– Phim gì cũng được. Rạp nào cũng được. Xem thì thích lúc đó. Xong quên ngay. Quên cốt truyện, quên tài tử, nhân vật. Tuy nhiên phim kiếm hiệp tôi vẫn ưa hơn.

– Vậy chắc bác có đọc Kim Dung?

– Phục Kim Dung vô cùng! Kim Dung là một nhà thơ lớn. Kiếm pháp cũng như thi pháp. Vô chiêu kiếm của Kim Dung thực giống với vô ngôn thi.

– Có khi nào bác đạt đến vô ngôn thi?

– Chưa được, khó lắm. Một tiếng tằng hắng, một tiếng than đã là một bài thơ tuyệt tác rồi. Năm ngoái, khi cây mận gần trăm tuổi ở trước cửa nhà tôi đây còn sống có lần tôi thấy một giọt sương lóng lánh rơi từ một lá mận xuống gốc. Đột nhiên, tôi thấy lạnh buốt sống lưng, như giọt sương đó đã rơi từ giữa trán tôi xuống và chảy dọc theo người. Tôi cảm thấy cả thân thể vibrer và khoan khoái lạ lùng. Đến bây giờ, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn còn thấy cảm giác đó. Vậy mà tôi vẫn không sao diễn đạt được trong một bài thơ.

– Như vậy, một bài thơ của bác thường bắt nguồn từ một hứng cảm thiên nhiên?

– Không. Thế hệ tôi làm thơ không phân biệt thiên nhiên với tâm tình. Làm thơ là để giải thoát tâm tư, ký thác tâm sự. Làm thơ cho mình chứ không phải cho người.

– Một bài thơ của bác chắc phải được thôi xao kỹ lắm?

– Nhiều bài tôi ấp ủ hằng chục năm. Bài “Đêm khuya nghe quạ kêu” 12 năm, bài “Ấp ủ” 15 năm. Trong một bài mà có một chữ không đạt là tôi bỏ. Tản-Đà có lần định sửa một chữ trong một bài thơ của tôi mà không tìm ra chữ nào ổn, trong ba năm, đành thôi.

– Thưa bác, trong hồi ký bác đang viết, bác có giảng thơ mình không?

– Không. Tôi thấy không nên giảng thơ. Tản-Đà đã giảng thơ ông. Nếu để tôi giảng thơ Tản-Đà có lẽ thú hơn. Bởi vì thơ không những chỉ có vị-nội-vị mà còn có vị-ngoại-vị nữa. Và đọc tức là sáng tạo. Lire c’est créer.

– Hiện nay ngoài hồi ký “Bóng ngày qua” bác còn viết gì thêm?

– Tôi dịch thơ chữ Hớn của Nguyễn Du và Thái Thuận, thi sĩ đời Lê Thánh Tôn.

Ông mang khoe với tôi tập bản thảo thơ dịch rất công phu, gồm phần chữ Hán, phần dịch nghĩa, phần chú giải và phần dịch thơ. Ông nói:

– Có ai ngờ là Nguyễn Du đã từng sống lữ thực hằng chục năm? Có ai ngờ con Nguyễn Du đói, Nguyễn Du đau trong nhiều năm mà không có thuốc men? Ngay cả vấn đề Nguyễn Du có phải là trung thần của nhà Lê không cũng cần phải đặt lại. Những điều này trong các tập thơ chữ Hớn của ông có nói rõ. Về Nguyễn Trãi và Thái Thuận cũng có lắm điều lý thú bất ngờ. Tôi đang tìm nhà xuất bản cho in những cuốn này.

Tôi góp ý:

– Những tài liệu hữu ích cho văn hóa thế này có lẽ bác nên để Trung-tâm Học-liệu bộ Quốc-gia Giáo-dục xuất bản để dễ phổ biến trong giới sinh viên học sinh vì Bộ in sách bán giá rẻ.

 Quách Tấn hơi sẵng giọng:

– Trước cũng có người bạn thương tôi, đề nghị với một nhân vật cao cấp ở bộ Giáo-dục cho xuất bản những tài liệu này. Họ nhắn bảo tôi đánh máy làm 4 bản, kèm theo đơn xin…

– Bác có thực hiện không?

– Đời nào!

Đã hỏi lung tung như thế, tôi thấy chẳng có lý do gì chẳng hỏi lang bang thêm tí nữa, và cũng để thay đổi không khí:

– Thưa bác, vấn đề tính dục, bác đã thấy có dấu hiệu gì của sự “già nua”?

Quách Tấn cười dễ dãi:

– Chưa. Vẫn tự nhiên. Tuy nhiên từ trước tới giờ tôi vẫn thích những sự ôm ấp, nhưng caresses hơn. Tôi thích thưởng thức cái volupté của người đàn bà hơn là của mình. Trước kia tôi có nhiều nhơn tình. Tôi cám ơn họ lắm vì nhờ họ tôi có nguồn cảm hứng luôn. Tôi quan niệm “làm thơ cũng như chơi gái”. Làm thơ không phải chỉ thuần có khoái cảm ở tâm hồn, nhiều lúc thấy vibrer cả cơ thể. Làm xong một bài thơ, cơ thể cũng rã rời, mệt mỏi. Có những bài thơ làm bằng nước mắt. Ngược lại, chơi gái cũng phải là một hành động thơ, chứ không phải chỉ là sự giải quyết sinh lý. Có lần tôi về Sài-gòn, bạn bè đưa đến một cô thực đẹp, nhưng sao tự nhiên tôi cảm thấy không hứng thú gì hết. Ce n’est qu’un morceau de chair!

Thấy đã qua trưa, tôi đứng dậy cáo từ. Người thi sĩ của “mùa cổ điển”, của “đọng bóng chiều”, của “bóng ngày qua” đó tiễn tôi ra cửa cũng với nụ cười trẻ trung trên mắt. Chưa có dấu hiệu già nua trong dáng dấp, cử chỉ, lời nói của ông. Tuy nhiên, những việc làm của ông như viết hồi ký, dịch thơ cổ, viết các loại địa phương chí, đã thoáng chút gì không phải của hiện tại.

ĐỖ NGHÊ

(Nha-trang 6-70)

 

ĐỖ Hồng Ngọc gởi cho viet-studies ngày 24-12-21