Việt Nam Thời Báo
Cú ngã sấp mặt của ngành giáo dục
Dân Oan (VNTB)
Tôi nhớ ngày xưa, thuở mình còn con nít, cùng đám bạn rất vui khi được…
nghỉ học. Vì được chơi đùa thỏa thích mà!
Nhưng chơi lâu quá trong kỳ nghỉ hè thì cũng chán ngán, nhớ lớp nhớ
trường, nhớ thầy cô, nhớ bạn bè… Nên lại mong được đi học lại. Chờ đợi,
đếm từng ngày được trở lại trường trong trạng thái nôn nao, ghi nhớ như
in ngày khai giảng là ngày nào để không thể quên được. Hôm trước ngày
khai giảng được người lớn chuẩn bị tươm tất hết, quần áo sạch sẽ, có mới
thì càng vui, giày dép láng cóng, cặp táp đầy đủ tập vở, sách viết… mặc
dù chưa phải học ngay, người lớn chuẩn bị cho nhưng mình cũng chộn rộn
theo. Và háo hức lắm lắm khi sáng đi khai giảng, tung tăng chân sáo tới
trường trong niềm vui khó tả. Lớn lên một chút, không nhảy chân sáo nữa
nhưng tâm trạng không khác là mấy!
Sự háo hức ở ngày khai giảng là nguồn cảm hứng cho việc học hành, nó kéo
dài rất lâu và đọng lại thành kỷ niệm khó phai.
Ngày nay thì đã khác. Không còn thấy sự háo hức này nữa. Lý do ở sự
“sáng tạo” kỳ cục của ngành giáo dục. Đi học cả tuần lễ, hai tuần lễ rồi
mới khai giảng. Chẳng khác nào triệt tiêu sự háo hức. Hơn nữa, lại có sự
kỳ quái, chỉ một số được chọn để đến ngày lễ khai giảng, một số thì
không, bị viện đủ nguyên nhân bắt phải ở nhà. Rõ ràng là có một sự bình
đẳng chỉ với một số học sinh, sự bình đẳng chung bây giờ phải để trong
ngoặc kép(!)
Và thêm nữa, trước năm học mới cả tháng trời, có khi còn hơn, nhiều phụ
huynh lo lắng, mệt mỏi bởi việc chạy vạy trường lớp cho con em mình, có
khi phải chung chi rất nhiều tiền của. Học sinh thì chẳng được nghỉ
trọn, phải học thêm để không bị tụt hậu, đi sau khi nhập học…
Rồi những sự vụ kỳ cục, kỳ quái của ngành giáo dục được “sáng tạo”, hay
sự cố xảy ra triền miên. Gây chán ngán kinh khủng phần lớn cho mọi người
trong xã hội.
Cuối năm, việc gian lận thi cử xảy ra hàng loạt ở các tỉnh Tây Bắc, có
người bị truy tố, sự vụ chưa lắng xuống, vẫn còn sờ sờ trước mắt thì,
chưa tới ngày khai giảng, chuẩn bị bắt đầu năm học mới lại liên tiếp xảy
ra những sự vụ khác. Nhiều sự vụ còn gây xáo trộn, chia rẽ, người khen
kẻ chê trong dân chúng.
Vụ Trường Trung học Thực hành Sư phạm, trực thuộc Đại học Cần Thơ, tổ
chức trò chơi kích dục cho học sinh, ông mang một cái danh rất kêu là
giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Minh, chức tước cũng không nhỏ, Phó Khoa Sư
phạm, kiêm Hiệu trrưởng trường này lại lấp liếm, chạy tội, chối bỏ trách
nhiệm. Ông ta cho rằng trường không tự ý nghĩ ra, mà copy trò chơi từ
Nhật Bản, và thực hiện theo sự cho phép: “Trò chơi này xuất phát từ Nhật
và được Trung Ương Đoàn Thanh niên cho phép như một trò chơi lớn, trò
chơi này không phản cảm như nhiều người nghĩ."
Bên cạnh đó, ông Hiệu trưởng còn thể hiện ra sự ngu dốt. Cứ cái gì của
nước ngoài thực hành là mình thực hành theo? Không cần biết có phù hợp
hay không, bất chấp hay sao? Mỗi cái trò chơi còn không sáng tạo được,
phải sao chép thì sáng tạo được điều gì nữa?
Ông ta còn là một “con ếch ngồi đáy giếng”, chẳng hiểu biết thực hư. Các
chương trình kích dục trong các trò chơi của Nhật nhằm kích thích sự ham
muốn tình dục, gia tăng sự sinh sản trong khi xã hội Nhật hiện tại rất
nhiều người ngại lập gia đình và sinh đẻ. Nhưng tất cả đều được kiểm
soát chặt chẽ, cho phép thực hành đúng nơi dúng chỗ, đúng lứa tuổi…
Ông Nguyễn Anh Tuấn - Bí thư thường trực Ban chấp hành Trung ương Đoàn
thì bác bỏ sự cho phép. Các ông cứ đỗ lỗi cho nhau, trong khi hàng loạt
trò chơi gây phản cảm, băng hoại đạo đức được áp dụng tràn lan trong các
cuộc hội hè của đoàn viên thanh niên.
Mang danh kêu như vậy mà như thế, không tránh khỏi sự nghi ngờ về băng
cấp, trong xã hội hiện tại lại có quá nhiều vụ mua bán bằng cấp. Ông
Tiên sĩ Trần Quang Nam, Hiệu trưởng Trường Đại học Huflit cũng gây sự
hoài nghi trong những ngày vừa qua.
Hiện tại các nước tân tiến, người ta nghiên cứu để đưa phi thuyền lên
sao hỏa, thì ở nước ta còn tranh cãi về việc… đánh vần. Cội nguồn của
chữ Quốc ngữ đã bắt đầu hình thành từ đầu thế kỷ 17.
Gây sự tranh cãi, chia rẽ là bộ sách giáo khoa “Công nghệ giáo dục” của
nhóm GSTS Hồ Ngọc Đại. Chương trình được khởi xướng từ những năm 1980,
có bị phản đối, có được ủng hộ, bị tạm dừng vì nhiều lý do, rồi trở
thành “thực nghiệm" không chính thống, sau hơn 30 năm lặng lẽ thì bây
giờ… gây bất ngờ.
Tưởng, cũng nên nêu rõ, ông Hồ Ngọc Đại là con rễ của ông cố Tổng bí thư
Lê Duẫn. Chính ông Hồ Ngọc Đại khi còn sống cũng từng hé lộ, gần như ông
khuếch trương “Công nghệ giáo dục” bằng các mối quan hệ với các quan
chức của Bộ Giáo dục, trong đó có ông cựu Bộ Trưởng Phạm Vũ Luận.
Những người lên án “Công nghệ giáo dục” mạnh mẽ nhất, cho rằng chẳng qua
đây là “Công nghệ” để làm giàu từ việc bán sách giáo khoa. Một “con gà
đẻ trứng vàng”.
Và đây cũng chính là sự vụ gây lùm xùm nữa. “Con gà đẻ trứng vàng” nằm ở
Nhà xuất bản Giáo dục. Đầu năm học lại hiếm sách giáo khoa, Nhà xuất bản
Giáo dục lại bù lu bù loa cho rằng, “Con gà đẻ ra lỗ lã”. Một nghịch lý
ai ai cũng thấy rõ, hài hước không thể tả nổi. Trên mạng xã hội, những ngày đầu năm học mới này
lan truyền tràn ngập hình ảnh một cô giáo (thầy giáo?) đi xe gắn máy bị
té ngã trên con đừng đất đá lồi lõm, lầy lụa, được gọi là đi dạy ở “vùng
sâu vùng xa”.
Dĩ nhiên, đã có rất nhiều bình luận về sự khó
khăn của thầy cô đi dạy những nơi này. Cũng như bình phẩm về sự thờ ơ,
vô cảm, không chăm lo, ngó ngàng gì tới sự khó khăn như thế của các lãnh
đạo Bộ Giáo dục. Riêng với tôi, tôi rất thông cảm cho hoàn cảnh
đáng buồn. Nhưng xin lỗi tôi phải coi đây là một cú ngã của ngành Giáo
dục. Một cú ngã nói theo ngôn ngữ bây giờ là “ngã sấp mặt”. Ngã không tự
gượng dậy được. Nếu được trợ giúp để đứng dậy thì cũng bị què quặc đau
đớn, khó có lành lạnh để đi tiếp tục bước đi bình thường. Một cú ngã đầu năm dự báo tình hình sẽ tiếp diễn
như cũ, không có gì sáng sủa tiếp theo, nếu không bi quan hơn rằng tình
hình ngày một bị lún sâu vào vũng lầy. Âu cũng do một nền giáo dục bị lệ thuộc hoàn toàn
vào thể chế chính trị. Một thể chế không có dân chủ. Một thể chế độc tài
gây nên nhiều hệ lụy |