FB Trần Anh Khôi
Chữ Việt giữa cơn bão truyền thông
Tôi không phải chuyên gia nên không viết… nghiêm túc được, hy vọng
các bạn tìm được đôi chút thông tin giữa những bông đùa. Cảnh báo: 18+.
Chữ Việt không hoàn hảo
Trước hết cần phân biệt: tiếng Việt và chữ Việt. Tiếng Việt là tiếng nói
của dân ta (người Kinh) từ ngàn xưa. Tôi đoán chắc phải trước giai đoạn
1000 năm Bắc thuộc, vì nếu không có tiếng nói riêng mà bị đô hộ lâu như
thế có lẽ đã không còn nước Việt. Chữ Việt là các ký tự dùng để ghi lại
tiếng Việt trên sách vở. Hồi xưa ông bà mình chưa có chữ viết riêng nên
toàn là nói, hát và… chửi không thôi. Hồi đó tỏ tình không viết thư hay
nhắn tin mà chỉ ném đá qua lại. Đến khoảng thế kỷ 10 (wiki nói vậy, tôi
tạm tin) ném đá mãi chắc mỏi tay nên ta mượn chữ Hán để chế ra chữ Nôm
(với nhiều kiểu khác nhau). Mà chữ Nôm là kiểu chữ tượng hình, nói chung
là khó đọc, khó học. Không tin cứ thử nha.
Rồi đến thế kỷ 17, mấy ông truyền giáo phương Tây, chắc cũng vất vả với
chữ Nôm, bèn lấy ký tự latin (tức là a, b,c..) để ghi lại tiếng Việt cho
tiện lợi công việc, mà sau này ta gọi là chữ Quốc ngữ. Ông Alexandre de
Rhodes là người có công khá lớn, chứ không phải là cha đẻ duy nhất của
chữ Quốc ngữ. Tức là có nhiều anh Bồ Đào Nha đã liên quan đến xứ mình từ
xưa chứ không riêng gì CR7. Chữ Quốc ngữ từ đó đến nay, cũng như tình
cảm các cặp vợ chồng, có nhiều thay đổi nhưng vẫn luôn thiếu sót. Hồi sơ
khai chưa có mấy chữ như TR, V mà lại có mấy từ nhìn tếu tếu như Blai,
Bloy.. Chỉ mới cách đây vài chục năm, chúng ta còn thấy cụ Hồ Chí Minh
viết “kách mệnh”, “zai cấp”, “fê bình” nhìn cứ như ngôn ngữ teen trên
mạng hiện nay. Và có thể chữ Việt sẽ còn thay đổi nữa trong tương lai,
đó là chuyện bình thường. (Riêng về sự phát triển của Tiếng Việt tôi sẽ
viết bài khác, tựa là “Nỗi oan của cây gậy tự sướng” – xin phép quảng
cáo.)
Bước vào thời đại máy tính và hội nhập toàn cầu, chữ viết hiện nay cũng
có vài vấn đề. Ví dụ thời gian mới có máy tính, dùng Excel sắp xếp thứ
tự ABC thì chữ Đ nó bay tuốt ra cuối luôn, sau cả XYZ. Và nếu chỉ dùng
bảng chữ cái “thuần Việt” (như hiện nay), tức là không có chữ J, W, Z
thì sẽ những ca khó xử. Ví dụ “tôi ghét nhạc jazz” mà ghi thành “tôi
ghét nhạc gia” thì có nguy cơ mất vợ, hay tên phòng WC mà ghi VC chúng
nó tưởng phòng Vợ Chồng thì nguy hiểm... Bên cạnh đó, có những điểm “kỳ
kỳ” mà chúng ta dùng quá quen đâm ra không để ý, ví dụ chữ viết là Â đọc
là Ớ, khi đánh vần là â-tờ-ất nhưng nếu nhắm mắt đừng nhìn chữ dám đọc
lộn ớ-tờ-ớt lắm.
Nhưng mà, chữ Việt cũng như tiếng Việt và các ngôn ngữ khác, không phải
lúc nào mọi thứ cũng đều có quy tắc. Cũng như người tình, nếu mọi thứ
đều hợp lý quá thì… không ai dám cưới.
Về đề xuất của TS Bùi Hiền
Xin nói ngay, đề xuất của TS Hiền có hay có dở, mà dở nhiều hơn hay. Hầu
hết các ý kiến phản đối trên mạng thì có vẻ như ít ai đọc hết đề xuất
đó. Cái dở lớn nhất cũng chính là mục tiêu của đề xuất: đó là cố gắng
đưa chữ Việt vào “quy tắc”. Ngôn ngữ nào cũng có ngoại lệ, học tiếng Anh
không phải là học quy tắc của tiếng Anh mà là học cách người ta dùng
tiếng Anh. Phải chi ông Bùi Hiền sinh ra thời… ông Alexandre de Rhodes
thì hay quá, không chừng bây giờ chúng ta đang tôn vinh ông ấy như ông
tổ chữ Việt.
Nghiên cứu của TS Hiền đưa ra được các điểm bất cập trong chữ Việt. Một
vài đề xuất hay, ví dụ thêm F, J, W, Z vào bảng chữ cái. Cái hay này có
lẽ nhiều người đã đề nghị từ lâu. Mà nói cho cùng, người Việt nào bây
giờ cũng biết hết mấy chữ này, cho nên đưa vào để chính thức hóa thôi
giống như làm đám cưới thôi, chứ chúng sinh con đẻ cái từ đời nào. Ví dụ
khác, TS Hiền muốn đổi GI hoặc D thành Z, thật ra chữ Việt cũ đã dùng
(zai cấp hoặc Ziên Hồng), cũng không có vấn đề gì lớn về mặt lý thuyết,
nhưng khó về thực tiễn vì dân mình dùng đã quen rồi. Nhưng đề xuất gom
chung D, GI thành Z thì không được, vì lâu nay GI và D được dùng rất
khác nhau. Một cái dở về mặt kỹ xảo, thay vì lấy ví dụ là Záo Zụk – một
chữ hơi… thiêng liêng, nếu ông ấy dùng chữ Zâm Zục coi bộ nhiều người
khoái hơn.
Tức là xét về mặt học thuật, dở nhiều hơn hay. Nhưng xét về tính khả
thi, tức thực tiễn, thì dở quá xá luôn, nếu không nói là quá ngây thơ.
Sự cải tiến ngôn ngữ chỉ khả thi khi nó thêm mà không phải thay đổi
nhiều. Ví dụ bây giờ Nhà nước cho fép dùng chữ F song song với chữ PH
thì cũng không có trở ngại gì, ngoại trừ hao tốn công sức một số thánh
chửi. Nếu đổi theo TS Hiền thì hơn 100 năm văn bản, sách vở và nhất là…
bia mộ sẽ thành quái dị, muốn đọc phải có “chuyên gia chữ Việt cũ”.
Tuy nhiên, một nền học thuật lành mạnh là nơi người ta có thể tự do
nghiên cứu và trình bày đề xuất. Mọi người có thể khen chê, nhận xét,
nhưng công kích cá nhân, thóa mạ hay chửi rủa thì tự mình kéo mình và cả
người xung quanh xuống thêm vài nấc trong cái thang leo đến sự văn minh.
Một kẻ bình thường như tôi còn thấy rõ cái dở của đề xuất ấy, cho nên
chắc chắn Bộ Giáo Dục không bao giờ áp dụng cả. Thật lạ khi có người
dùng việc này để buông lời bi quan rằng tương lai giáo dục sẽ đi về đâu,
giống như tình huống bạn nghe bà chủ quán phở đầu hẻm đề xuất nên nấu
phở bằng mì ống và bạn da diết lo âu chả biết nền ẩm thực nước nhà sẽ đi
về đâu. Mở ngoặc quảng cáo luôn, tôi sẽ viết về sự thất vọng tràn trề
(của tôi) về giáo dục hiện nay trong một bài khác, lần này chúng ta “bám
đề” chữ Việt nhé, đóng ngoặc.
Về chuyện đánh vần và học chữ của CNGD
Thành thật mà nói tôi vô cùng ngạc nhiên khi việc này lại thành “bão dư
luận”, bởi vì nó chỉ là chuyện nhỏ xíu, nhỏ xíu so với những thứ đáng
bức xúc về giáo dục. Đánh vần chỉ học vài tháng, sau khi biết đọc rồi
thì cả đời chỉ lại đánh vần khi… có con. So sánh vui, việc này giống như
học cách bú bình, biết uống bằng ly hay ống hút (nên hạn chế ống hút
nhựa nha mọi người, hại môi trường lắm) thì ai cần bú cái bình nữa (cái
khác không thuộc phạm vi bài này). Bú kiểu nào rồi cũng biết uống nước,
thậm chí có người không bú bình về sau vẫn uống được như thường.
Nếu anh chị em nào biết cách đánh vần hồi nửa đầu thế kỷ trước, sẽ thấy
nó cũng không thuận miệng lắm, mà vẫn chả sao, không ai vì chuyện đó mà
mù chữ. Chữ “huyền” chẳng hạn, hình như đọc là
hát-u-hu-y-huy-ên-huyên-huyền-huyền, đại loại vậy. Giả sử lẳng lặng đem
cách này vào dạy không chừng còn tạo ra nhiều câu lạc bộ thánh chửi hơn
nữa.
Vài chục năm nay trẻ con được học cách đánh vần mới,
u-y-ê-nờ-uyên-hờ-uyên-huyên-huyền-huyền. Coi bộ trơn tru hơn, dễ đọc
hơn, dù vẫn còn vài chỗ kỳ kỳ, kiểu như “quốc” hay “quất” đánh vần khác
hẳn mà xong đọc cũng giông giống nhau thôi. Ngôn ngữ mà, nó là thế, phải
có chỗ bất quy tắc để bọn nước ngoài học chứ dễ quá nó không coi trọng
mình.
Tức là, có nhiều cách dạy đánh vần, để sau vài tháng đến đích là biết
đọc truyện, đọc báo. TS Hồ Ngọc Đại đề xuất cách khác, đã thuyết phục
được Bộ Giáo Dục, đã áp dụng vài nơi. Kết quả theo nghe ngóng là cũng…
đến đích, tức không em nào không biết đọc vì phương pháp đó. Áp dụng
cách nào hình như do từng tỉnh thành quyết định. Và phương pháp này phù
hợp với các vùng phía Bắc hơn (chẳng hạn miền Nam chữ “cuốc” với “quốc”
khác nhau rõ hơn là miền Bắc). Hay nhất là Bộ Giáo Dục có khảo sát và có
số liệu hẳn hòi về kết quả áp dụng, để các địa phương chọn lựa. Tôi
không muốn phân tích sâu vì như đã nói, chuyện này… bé xíu xìu xiu, sau
lớp một biết đọc Bu Bu là ổn. Cá nhân tôi đang áp dụng phương pháp… khác
nữa, chỉ dạy ghép vần chứ không đánh vần, chỗ này là hờ, chỗ này là
uyên, hờ-uyên-huyên, thêm dầu huyền là huyền. May mà tôi không đề xuất
đại trà nên không tăng được tí nào lượng “antifan”.
Còn việc học chữ bằng mấy cái hình vuông, tam giác,.. thì đơn giản chỉ
là một bước trong phương pháp đó. Chúng ta không biết gì về quá trình
đó, chỉ chăm chăm nhìn một trang rồi la hoảng lên thì đúng là… đáng
hoảng thật. Kiểu như cho con đi học làm bánh, hôm nay cô giáo dạy nhồi
bột xong về nhà mình bảo con làm bánh đi, cháu nó không làm được thế là
mình quay clip chửi thề, đổ bột, và hông chừng còn muốn chém cô giáo.
Rồi các trang vì sự nghiệp câu like bèn đăng lên ầm ầm, người vô tư cứ
“share” lại ào ào. Người hấp tấp thì than trời chửi đất, kẻ lý trí thì
chê người hồ đồ. Tới đây thì chúng ta đã tự biến thành dẫn chứng hùng
hồn và mạnh mẽ cho thất bại của nền giáo dục và sản phẩm của nó. Lý ra,
chỉ cần chậm lại một chút, mình đã có thể ăn bánh của con làm.
Một vài chuyện lạc đề mà có chút liên quan
1. Chương trình CNGD: Tôi chưa có đủ bộ sách này nên chưa nêu ý kiến
được, nhưng xem những trích đoạn trên mạng thì thấy có dùng kiểu phát âm
miền Bắc. Có lẽ nó phù hợp với các tỉnh miền núi phía Bắc hơn là toàn
quốc. Từ thực nghiệm đến đại trà, nên có bước tổng kết rõ ràng bằng số
liệu, bằng chứng. Riêng việc có lợi ích nhóm hay không (về cả 2 phía ủng
hộ và phản đối chương trình này) tôi nghĩ mọi người có quyền tỉnh táo
đặt nghi vấn và tìm thêm thông tin. Cá nhân tôi ủng hộ sự đa dạng hóa,
nhiều chọn lựa cho nhà giáo dục.
2. Chuyện giáo dục của VN hiện nay: Quả thật đáng thất vọng. Chỉ mong
các bạn điểm mặt chỉ tên đúng những điều sai lầm, thiếu sót; đừng chửi
rủa hay than vãn chỉ vì bức xúc. Và nhất là đừng lấy một mảnh nhỏ ra để
bàn luận nếu mình không tường tận. Riêng châm biếm, hài hước thì được,
vì ít ra cũng… vui.
3. Chuyện học tiếng Trung: Bài Trung bằng cách tẩy chay tiếng Trung là…
ngược đời. Mình càng phải học, để biết họ nói gì, họ làm gì. Họ biết hết
mọi thứ của mình là do họ có người rành tiếng Việt. Tất nhiên ở tầm đại
trà thì ưu tiên tiếng Anh, Pháp,.. hơn. |