Cánh mây tan thành mưa, và giọt nước hoa trên chiếc khăn tay
Nguyễn Thị Cẩm Linh
Tưởng nhớ dịch giả Đinh Thị Thanh Vân
Dịch giả Đinh Thị Thanh Vân qua đời ngày 3 tháng Tư năm 2020, tức ngày
11 tháng Ba năm Canh Tý, sau bảy năm chống chọi với bệnh ung thư, hưởng
thọ 75 tuổi. Bà là người dịch cần mẫn đằng sau những trang sách đã làm
rung động nhiều thế hệ độc giả như
Ruồng bỏ (J. M. Coetzee, Nhà
xuất bản Phụ nữ), Hồi ức của một geisha (Arthur Golden, Nhà xuất bản Phụ
nữ), Những cây cầu ở quận Madison,
Một ngàn con đường quê
(Robert James Waller, Nhà xuất bản Phụ nữ & Công ty sách Phương Đông),
Ngựa ô yêu dấu (Anna Sewell,
Nhà xuất bản Văn học & Công ty sách Đông A), và nhiều tác phẩm độc đáo
khác nữa.
Tôi được quen biết dịch giả Thanh Vân từ hơn hai mươi năm nay, từ trước
khi Việt Nam tham gia công ước Berne về bảo hộ tác quyền và các quyền sở
hữu trí tuệ. Thời ấy, Hà Nội chỉ có vài hiệu sách ngoại văn; giới dịch
và viết lách nói chung vừa là đồng nghiệp trong công việc, vừa là thân
hữu trong đời sống. Tôi là một biên tập viên hậu bối từng làm việc ở Nhà
xuất bản Phụ nữ, có may mắn ban đầu quan sát và sau này làm việc cùng
dịch giả Thanh Vân khi bà chớm lục thập hoa giáp, độ tuổi đạt đến sự
uyển chuyển về ngôn ngữ và sự đằm thắm về trải nghiệm của một người dịch
văn học. Đồng thời, bảy năm qua, tôi dần trải qua những năm tháng cuối
thanh xuân và bước qua ngưỡng cửa trung niên của mình, tôi đã chứng kiến
người phụ nữ bé nhỏ đó đối mặt và chiến đấu với bệnh ung thư giai đoạn
cuối. Tôi nhận ra một trong những cái giá của tuổi trưởng thành là mình
phải học cách nói lời tạm biệt: tạm biệt một đồng nghiệp – một người
thầy về hưu, tạm biệt một đồng nghiệp khác chuyển công tác, và cả buông
tay tạm biệt một cộng tác viên – dịch giả ra đi khỏi cõi trần thế này.
Tôi viết những dòng này không phải để kể tiểu sử dịch giả Đinh Thị Thanh
Vân, cũng không phải để phân tích giá trị những tác phẩm dịch của bà. Hà
Nội nơi dịch giả Thanh Vân nằm xuống đang vào tiết cuối xuân. Melbourne
nơi tôi đang sống chớm vào thu. Hai thành phố cách nhau hơn tám ngàn cây
số này những ngày qua đều mưa nhiều. Dịch giả Thanh Vân ra đi như một
cánh mây tan xuống thành mưa. Trong những ngày giãn cách xã hội phòng
chống dịch bệnh Covid-19, hẳn là nhiều thân hữu và đồng nghiệp dù muốn
đến mấy cũng khó lòng đến tiễn bạn cũ được một chuyến cuối. Tôi viết
những dòng này và kể chút kỷ niệm cá nhân để chính tôi được nói lời tạm
biệt dịch giả Thanh Vân, bác Vân béo. Tôi mong rằng biết đâu những người
quen biết bác đọc được sẽ nhớ về bác với thêm nhiều trìu mến, và những
người không quen biết bác sẽ có thể dành cho người phụ nữ hiền hậu bạc
mệnh đó chút thương cảm. Mong rằng cánh mây tan xuống thành mưa được
thanh thản thấm vào lòng đất mẹ, hay nhẹ nhõm đọng lại trên lá cành như
sương sớm mai kia.
Kỷ niệm thứ nhất là lần đầu tôi gặp bác Thanh Vân tại Nhà xuất bản Phụ
nữ ở 39 Hàng Chuối, Hà Nội. Bác đã hoàn thành bản thảo dịch, được lưu
trong một cái đĩa mềm, và giao cho một biên tập viên của phòng Văn học
nước ngoài. Năm ấy thư điện tử đã khá phổ biến, nhưng cuộc sống vẫn còn
chậm rãi, “giao bản thảo” cũng là dịp để cộng tác viên và biên tập viên
gặp nhau, cùng uống chén nước, nói dăm câu chuyện sách vở chữ nghĩa,
thân nữa thì hỏi thăm cuộc sống riêng của nhau, và nếu mặn chuyện mà đã
hết giờ làm việc thì sẽ rủ nhau đi ăn chút quà vặt lót dạ hay mời nhau
một bữa cơm. Khi đó tôi là biên tập viên tập sự, chưa trực tiếp làm việc
với bác Thanh Vân, nhưng không hiểu sao nhớ rất rõ ấn tượng về một người
phụ nữ nhỏ nhắn, ăn mặc nhã nhặn, tóc uốn lượn sóng, và đặc biệt đôi mắt
to rất có thần thái. Dáng vẻ vừa sang trọng vừa giản dị ấy là một điều
ngày nay ít thấy.
Kỷ niệm thứ hai là ấn tượng cộng hưởng của rất nhiều lần tôi cùng các
đồng nghiệp ở Nhà xuất bản Phụ nữ tới thăm nhà bác Thanh Vân ở đê Trần
Khát Chân. Từ Hàng Chuối rẽ sang Phạm Đình Hổ, đi hết hàng sao đen trên
phố Lò Đúc là Ô Đông Mác, rẽ sang phải sẽ đến nhà nhà văn Nguyễn Xuân
Khánh, bác Khánh toét, và rẽ sang trái, đi thêm một đoạn trên đê Trần
Khát Chân, là đến nhà bác Thanh Vân. Bác sống trong một căn nhà nhỏ
trong khu nhà bố mẹ bác để lại, sát ngay bên cạnh là gia đình các chị em
ruột của bác, và đặc biệt là giữa rất nhiều cây và hoa. Đê Trần Khát
Chân ồn ào, nhưng sau cánh cổng gỗ nhà bác Vân là một thế giới khác, hoa
hồng ta phơn phớt dìu dịu, hoa cúc các màu, phong lan, phù dung, tường
vi, mạn đà la, trúc, huỳnh anh, và đặc biệt là cúc chi để làm trà cúc.
Những lần chúng tôi đến thăm bác, thường thì cả chủ cả khách đều ríu
rít. Ngày ấy chúng tôi không có phong trào chụp ảnh tự sướng, dù vườn
hoa nhà bác rất đẹp. Chủ nhà sẽ lấy gần như tất cả lương thực trong nhà
ra đãi khách, còn khách cũng thật thà dốc lòng tận lực hưởng thụ sự hiếu
khách của chủ nhà.
Trong những lần thăm nhà bác, dần dần tôi được biết bác Vân đã lập gia
đình ba lần, mỗi lần là một câu chuyện dài và nhiều nước mắt. Bác đã sảy
thai nhiều lần, không lần nào sinh nở được, dù bác vẫn muốn nếu có con
sẽ đặt tên là Hoàn Nguyên, trọn vẹn như ban đầu. Người chồng thứ ba ra
đi trên tay bác, đã rất lâu từ trước khi tôi gặp bác. Bác Vân đã nhìn
thấy trước mình sẽ một mình đi nốt chặng đường đời còn lại, nhưng có ai
nhìn thấy trước được mình sẽ mắc bệnh ung thư đâu?
Kỷ niệm thứ ba là lần cuối cùng tôi nói chuyện qua điện thoại với bác
Vân, tháng Mười hai năm 2019, trước khi bác vào viện lần cuối. Bác đã
mệt mỏi rồi, nhưng giọng nói vẫn còn âm sắc ríu rít, thỉnh thoảng vẫn
bật ra tiếng cười gan dạ. Tôi kể rằng cháu đang đi công tác ở Brisbane,
chỗ này hoa nở nhiều giống vườn nhà bác, cháu sẽ gửi ảnh cho bác xem.
Bác kể rằng vườn nhà bác bây giờ khác lắm, gia đình chị gái bác đã bán
nhà và chuyển đi chỗ khác, chủ mới dọn đến, khung cảnh vườn thay đổi
nhiều, bác cũng yếu, không chăm cây được như trước nữa. Là giọng bác
thoáng chút xót xa, hay là tại tôi đã cảm nhận sai? Sau đó tôi đã không
gửi tấm ảnh nào cho bác Vân. Tôi sợ mình sẽ vô tình làm bác buồn và
chạnh lòng. Sau đó tôi đã gửi tới bác một tấm thiệp chúc Tết viết tay,
nhưng tôi không dám gọi điện cho bác lần nào nữa. Tôi đã hèn nhát sợ
rằng mình sẽ không an ủi được bác, có khi sẽ làm bác buồn hơn, hoặc có
khi chính bác sẽ an ủi ngược lại tôi. Liệu ta có đủ dũng khí nhấn phím
gọi điện thoại khi ta biết gần như chắc chắn rằng lần này là cuộc trò
chuyện cuối cùng? Bác Vân ơi, bác tha lỗi cho cháu chứ?
Từ khi biết tin bác Thanh Vân mất, tôi và nhiều đồng nghiệp cũ cùng nói
với nhau, bác Vân ra đi là sự giải thoát khỏi những đau đớn thể xác của
bệnh ung thư. Chúng tôi đã chuẩn bị tinh thần cho lời tạm biệt này.
Nhưng thương bác vì những thăng trầm trong cuộc sống riêng, nghị lực vừa
điều trị bệnh, vừa kiên trì làm việc và hoàn thành nhiều bản thảo công
phu. Thương bác vì một đời vất vả, mà “trời xanh quen thói má hồng đánh
ghen”.
Từ khi biết bác Vân mất, tôi đặc biệt nhớ lại một buổi chiều lạnh lạnh,
hình như là tiết đông, mình tôi đến thăm bác và nói chuyện đến chạng
vạng. Tôi không nhớ câu chuyện thế nào, nhưng trước khi tôi về, bác cho
tôi một cái khăn tay của bác. Trước khi đưa tôi, bác lấy lọ nước hoa và
chấm lên đó một giọt. Loại eau de
parfum mùi đằm và ấm, hương lưu lại rất lâu trên khăn. Tôi vẫn luôn
giữ chiếc khăn tay ấy, cùng với những khăn tay của ông ngoại đã quá cố
của tôi.
Giọt nước hoa bác Vân chấm lên chiếc khăn tay cho tôi đã nhạt đi từ lâu,
nhưng kỷ niệm về nó vẫn còn trong tôi. Cánh mây tan xuống thành mưa,
thấm vào lòng đất, thấm xuống sông hồ, biển lớn… để rồi một ngày hơi
nước bay lên lại tụ thành mây, một áng Thanh Vân trong trẻo. Diệt là
sinh mà sinh cũng là diệt. Và tôi biết khi nhìn thật sâu, tôi vẫn thấy
bác Vân béo, bà Ú, vui tươi và rạng rỡ.
Melbourne, ngày 5 tháng Tư năm 2020
Nguyễn Thị Cẩm Linh
Cựu biên tập viên Nhà xuất bản Phụ nữ
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 6-4-20 |