Calitoday
Một cải cách giáo dục bất nhân !….
Có vẻ sóng gió tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách
Tiếng Việt –Công nghệ giáo dục (CNGD) lớp 1 tạm thời lắng xuống ngay sau
phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng: “Chính phủ chưa có chủ
trưởng cải cách tiếng Việt ít nhất trong vòng mấy năm tới”. Nhưng đã quá
đủ để người dân Việt Nam nhìn lại 40 năm cải cách nền giáo dục nước nhà
được những gì?…
Trả lời câu hỏi của Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga về việc thời
gian qua có nhiều ý kiến khác nhau trong cải cách tiếng Việt? Người đại
diện cho Chính phủ Việt Nam là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp của
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến dự thảo luật Giáo dục sửa đổi đã
nói vào năm 2017, cũng xảy tranh luận về công trình nghiên cứu cải tiến
chữ Quốc ngữ của Phó Giáo sưBùi Hiền, ngay lúc đó ông Đam nói Chính phủ
chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt. Những ngày gần đây, xảy ra vụ
tranh luận về những nội dung giảng dạy trong Bộ sách Tiếng Việt –CNGD
lớp 1 dành cho việc học của lứa tuổi học sinh lớp 1. Ông Đam nói Bộ Giáo
dục đã có ý kiến, đấy chỉ là một phương pháp dạy học tiếng Việt, phát âm
cho trẻ lúc mới bắt đầu chứ không phải cải cách tiếng Việt. Liên quan
đến quá trình đổi mới trong giáo dục, ông Đam nói Việt Nam tiếp tục đổi
mới nhưng việc đổi mới thì phải có thử nghiệm và khẳng định Chính phủ
Việt Nam chưa có chủ trương cải cách tiếng Việt, ít nhất trong vòng mấy
năm tới.
Cũng tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội bà Nguyễn Thị Kim Ngân nói
việc thực nghiệm giáo dục ở Việt Nam mấy chục năm qua, hết chương trình
này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm nhưng với cách dạy hiện nay
không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái
quá cao khiến học sinh học rất khổ sở, học sinh dường như không có ba
tháng nghỉ hè trọn vẹn, không có tuổi thơ, không có vui chơi.
Phát biểu của ông Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và của bà Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân được ghi nhận là diễn ra đúng thời điểm sự quan tâm
của người dân Việt Nam về nền giáo dục nước nhà đang ở mức cao trào,
phát sinh quá nhiều vấn đề bất cập, quá nhiều tiêu cực tệ hại nghiêm
trọng, chứng minh thành quả cải cách 40 năm qua không đem lại hiệu quả
mà trái lại cho thấy đầy rẫy những phản ứng ngước, càng làm khổ người
dân. Phát biểu của ông Đam và bà Ngân hôm nay có lẽ chỉ góp phần nào vào
việc xoa dịu phản ứng của người dân Việt Nam. Và người dân Việt Nam cũng
sẽ sớm nguôi đi những bất bình về nền giáo dục bởi giữa bề bộn, ngổn
ngang bao tâm sự lo lắng cho hiện tình đất nước Việt Nam, về đạo đức và
lối của sống của người dân Việt Nam hôm nay. Một đất nước mà chỉ vì một
chút ghen tuông hoặc một chút bất mãn về bản thân là tức khắc đoạt mạng
người hàng loạt, một đất nước mà thế hệ trẻ quan tâm đến việc vui chơi,
giải trí hơn hẳn việc đất nước đang dần bị Tàu cộng thôn tính toàn diện.
Một đất nước có nhiều đàn ông đi trộm cắp, đàn bà đi bán thân, làm nghề
mại dâm ở nhiều nước trên thế giới. Một đất nước mà nợ công tăng cao,
quốc nạn tham nhũng của quan chức đang ăn tàn phá hại lại không thấy báo
đài dám soi “tận cùng ngõ ngách” của căn nguyên như từng làm với những
cô người mẫu, diễn viên bán dâm. Và hơn hết một đất nước mà đến hôm nay
Thủ tướng đi đến tỉnh thành nào nhìn thực tế rồi cũng chỉ nói là quyết
tâm, là phấn đấu thành “đầu tàu”, thành “trung tâm” ở tương lai.
Một đất nước Việt Nam của hiện tại như thế căn nguyên do đâu? Câu trả
lời không quá khó trong đó có phần tệ hại của nền giáo dục đem lại, nó
đúng như câu nói; “Để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử
dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. Chỉ cần hạ thấp chất lượng
giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên.”- (chưa
xác định có phải của Cố Tổng thống Nam Phi ông Nelson Mandela hay là
không).
Trở lại cuộc tranh luận của dư luận trong mấy ngày qua liên quan đến
việc thực nghiệm giảng dạy những nội dung trong Bộ sách Tiếng Việt-CNGD
lớp 1 của Giáo sư Hồ Ngọc
Đại. Công bằng mà nói ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là
một người tài giỏi, ông Đại được nhiều trí thức Việt Nam nhận định là
một người tài giỏi, có tâm huyết với đất nước. Vào năm 1978, Bộ sách
Tiếng Việt-CNGD được thực nghiệm tại một trường tiểu học ở Gỉang Võ (Hà
Nội), thời điểm này Việt Nam rập khuôn theo mô hình xây dựng chế độ của
Liên Xô và bản thân của ông Đại cũng được đào tạo từ lò giáo dục của
Liên Xô. Nhiều ý kiến của dư luận cho rằng, CNGD mà ông Đại phát minh
đang thực nghiệm ở lứa tuổi học sinh lớp 1 Việt Nam hiện tại là xuất
phát từ “học thuyết phát triển phương pháp giáo dục” của V.V.Davydov và
D.B Elkonin thịnh hành tại Liên Xô vào những năm 1970 và ông Đại đã đem
về áp dụng cho Giáo dục Việt Nam cho đến ngày nay là không hợp thời.
Từ năm 1978 đến năm 2006, tức là 30 năm Bộ sách Tiếng Việt-CNGD bắt đầu
thí điểm ở một số trường tiểu học Lào Cai, dành cho học sinh dân tộc
thiểu số. Theo Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam hiện tại là ông Phùng Xuân
Nhạ hiện Bộ sách Tiếng Việt-CNGD này vừa được thẩm định 2 vòng và chính
thức có gần 50% học sinh lớp 1 ở các trường tiểu học theo học. Vụ thực
nghiệm và thí điểm giảng dạy sách Tiếng Việt-CNGD này hầu như không được
số đông người Việt Nam biết đến mãi cho đến mấy tuần gần đây nhờ mạng xã
hội đăng tải Video Clip một giáo viên tiểu học phía Bắc giảng dạy học
sinh tiểu học cách đánh vần “lạ”, nhìn ô vuông, tròn, tam giác mà đọc
thì dư luận mới hay biết về các giảng dạy theo sách Tiếng Việt-CNGD này.
“Bão dư luận” nổi lên, nhiều phụ huynh có con em học lớp 1 không chấp
nhận cách giảng dạy này, không muốn con mình bị đem ra làm thí điểm,
thực nghiệm như chuột bạch. Phụ huynh càng không chấp nhận phát biểu của
ông Đại rằng: Ở phương pháp cũ ai dạy cũng được nhưng với phương pháp
mới của ông thì ngoài cô giáo không ai làm được, bố mẹ không làm được,
trẻ con chỉ học ở trường là đủ. Với phát biểu này, ông Đại đã khiến cho
nhiều bậc phụ huynh cho rằng giáo dục đang tách trẻ em ra khỏi sự chăm
sóc, dạy dỗ của gia đình là không phù hợp với lứa tuổi đang cần sự hỗ
trợ mọi mặt từ nhà trường cho đến gia đình để trưởng thành đầy đủ.
Tiếp nữa, nhiều phụ huynh còn cho rằng sau khi kiểm tra nội dung sách
trong Bộ sách Tiếng Việt-CNGD lớp 1 thấy có rất nhiều nội dung học mang
tính lăng nhăng, bậy bạ, dạy cho con trẻ những trò láu cá, khôn lõi…dễ
làm hư hỏng thế hệ trẻ. Ngoài ra, để có một bộ sách Tiếng Việt-CNGD lớp
1 phụ huynh phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều so với việc mua bộ sách
truyền thống.
Thí điểm, thực nghiệm và cải cách để đổi mới nền giáo dục nhằm bỏ những
rào cản lỗi thời là điều nên làm. Nhưng việc đổi mới nhằm bóp nặn tiền
bạc của người dân, đánh mất tuổi thơ của trẻ em, tách trẻ em ra khỏi
việc dạy dỗ của gia đình, đem trẻ em là những mầm non của đất nước với
tâm hồn đang còn như tờ giấy trắng và sự hiểu biến non nớt, ngoài sự câm
nín khi được người lớn đặt học chổ nào thì phải học chổ ấy để làm thí
điểm, thực nghiệm là một việc làm hết sức tàn nhẫn. Một cải cách giáo
dục bất nhân !./.
QUÊ HƯƠNG |