45 NĂM VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM- Một góc ghi nhận

Phần II: Ghi nhận một vài hiện tượng văn chương

 

Bùi Công Thuấn

 

(Phần I: Những dòng chảy văn chương)

 

 

45 năm qua còn lưu lại dấu vết  nhiều hiện tượng văn học.

1. Đáng kể là việc tổ chức Ngày thơ Việt Nam hàng năm vào ngày Nguyên tiêu. Hoạt động này đã trở thành một nét văn hóa có ý nghĩa. Tuy vậy, việc tổ chức Ngày Thơ Việt Nam trong cả nước đang nhạt dần. Công chúng ngày càng xa rời thơ. Người ta không tìm thấy thơ hay, mà đa phần là thơ phong trào. Thơ không nói được tiếng nói của công chúng, thơ không là nhịp đập trái tim của nhân dân. Đó là chưa nói đến trào lưu “thơ khó hiều” làm nản lòng công chúng.  Ngày thơ Việt Nam được tổ chức như một ngày hội với nhiều hình thức sinh hoạt, và được Hội Nhà văn mở rộng các hình thức giao lưu quốc tế.

2. Sau gần 50 năm, các tác giả trong vụ án Nhân Văn Giai Phẩm đã được phục hồi danh dự và được trao giải thưởng Nhà Nước: Nhà thơ Quang Dũng (năm 2000), ĐạtTrần DầnPhùng QuánYến Lan và Hoàng Cầm được Chủ tịch nước Việt Nam ký quyết định tặng thưởng Giải thưởng Nhà nước tháng 2 năm 2007

3. Đã có lúc tình trạng “loạn” “phát ngôn”, comment trên các diễn đàn. Nhất là trong Đại hội Nhà văn lần thứ VIII (2-5/8/2010): “Cả hội trường như một lò lửa! Đại hội căng lên như một dây đàn. Và Tô Nhuận Vỹ đăng đàn. Trong chốc lát đã có người lên cướp diễn đàn của ổng! Ôi! Khủng khiếp!”(28)

Khi rộ lên phong trào lập trang web, phong trào viết blog, nhiều người mang “mặt nạ”, quăng lên mạng đủ mọi thứ ngôn từ làm cho việc phê bình văn chương trở nên hỗn loạn, nhất là loạn tiêu chí đánh giá tác phẩm. Từ đây dẫn đến tình trạng “thiếu văn hóa” trong phê bình văn chương. Môi trường văn chương bị ô nhiễm trầm trọng, mất hẳn tính nhân văn học thuật trong đời sống văn học. Đến độ, Phó Giáo Sư-Tiến Sĩ Phạm Quang Trung đã phải tuyên bố ngưng cuộc tranh luận về giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam 2010:” Suốt một tháng trời nay, tôi thức khuya dậy sớm, mong góp những tiếng nói kịp thời theo diễn biến nhanh chóng không phải chỉ từng ngày mà từng giờ chung quanh cuộc tranh luận chủ yếu trên diễn đàn trannhuong.com về giải thưởng văn chương của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2010. Đến lúc này, tôi ý thức rõ rệt là bản thân cần nói lời giã từ mặc dầu không phải không thấy lưu luyến và tiếc nuối…” (29)

Thực ra không chỉ cuốn Hội thề của Nguyễn Quang Thân đạt giải thưởng tiểu thuyết (2006-2009) của Hội Nhà văn Việt Nam 2010 gây ra những luồng ý kiến trái chiều, mà nhiều giải thưởng văn chương khác cũng khiến người ta đặt vấn đề về việc trao giải.” Vì lẽ, qua mấy mùa trao giải gần nhất, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam luôn xảy ra sự cố: Nào là có nhà thơ từ chối nhận tặng thưởng, sếp trong Hội từ chối nhận giải, vô số tác phẩm bị chê là không xứng đáng được vinh danh... Kể cũng khổ cho Hội, điều quan trọng nhất để đánh giá cái được và chưa được của giải thưởng là chất lượng tác phẩm, thì người ta lại bỏ quên để chú ý chuyện đâu đâu”.(30)

4. Trình trạng “đạo thơ” xảy ra quá nhiều làm nhức nhối lương tâm những người cầm bút  chân chính. Nhà văn từ xưa đến nay là ánh sáng lương tri cho nhân loại. Trong thế giới của “cái đẹp”, của sự sáng tạo, không có chỗ cho kẻ cắp. Ngậm ngùi và bẽ bàng hết sức!

5. Về văn học miền Nam trước 1975.

     Bốn mươi lăm năm tuy dài, nhưng có những vấn đề của lịch sử để lại còn cần thêm thời gian. Vấn đề văn chương miền Nam (1954-1975) và vấn đề “hợp lưu” dòng văn chương của người Việt hải ngoại sau 1975.

Đã có những đòi hòi và nỗ lực ở trong nước và ngoài nước đánh giá về Văn học miền Nam (1954-1975).

            Thật ngạc nhiên, đã 45 năm trôi qua, tại hội nghị giao ban của Hội đồng lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM ngày 10/11/ 2019, nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TPHCM phát biểu: “Chúng tôi đề xuất phải hết sức thận trọng với trang sử đen tối của miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ là bị xâm lược. Văn học, nghệ thuật độc hại của nó xuyên tạc đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng ở miền Nam và hiện nay không thể tẩy xóa. Vậy mà đồng thời, phong trào cách mạng ở miền Nam trong văn học, nghệ thuật rất dữ dội, rất lớn thì không biểu dương, không tôn vinh, không học tập, không nhân rộng mà lại đòi xóa nhòa không còn khái niệm âm nhạc cũ trước giải phóng nữa”.

            Ý kiến này của Trần Long Ẩn đã bị công luận phản đối dữ dội, bởi nó đi ngược với quan điểm hòa hợp hòa giải dân tộc, và thể hiện một cái nhìn hẹp hòi thiếu tính lịch sử khoa học và dân tộc (30 bis)

Trong nước, cuốn Văn học thực dân mới Mỹ ở miền Nam những năm 1954-1975 của Trần Trọng Đăng Đàn.(Nxb Sự Thật, Hà Nội 1988) là cuốn sách chứa đựng những quan điểm vẫn còn tồn tại đến hôm nay. Cuốn này sau đổi tên là Văn-hóa Văn nghệ Nam Việt Nam, 1954-1975(Nxb Văn-hóa Thông tin, Hà Nội, 2000). Xin trích:

Trần Trọng Đăng Đàn nói về nhiệm vụ chính trị trong cuộc đấu tranh chống văn hóa thực dân mới Mỹ ở miền Nam sau 1975:

…Những văn kiện của Đảng và Nhà nước, đặc biệt các văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V, VI đã xem nhiệm vụ nghiên cứu và phê phán chủ nghĩa thực dân mới trên lĩnh vực văn hóa văn nghệ là một bộ phận hữu cơ của toàn bộ nhiệm vụ khắc phục những hậu quả của chủ nghĩa thực dân mới Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam trước đây và là một việc làm có ý nghĩa quan trọng góp phần đẩy mạnh cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa đang diễn ra ở nước ta.

Để đạt mục tiêu ấy, chúng ta phải có phương pháp nghiên cứu thích hợp, đồng thời phải xác định đúng vị trí, đánh giá đúng tác hại của “văn học” thực dân mới. Do nhận định sai về vị trí và tác hại của “văn học” thực dân mới Mỹ, xem nó như một giai đoạn kế tục của nền văn học Việt Nam truyền thống, mà nhiều người làm công tác nghiên cứu giảng dạy văn học thời Mỹ đã vận dụng phương pháp lịch sử để trình bày diễn tiến của “giai đoạn văn học “này và gán ghép nó vào lịch sử văn học dân tộc.

Theo chúng tôi, với mục đích nghiên cứu “văn học” thực dân mới để vạch trần những độc hại của nó, để thanh toán những tàn tích của nó, qua đó, góp phần xây dựng nền văn hóa mới, con người mới xã hội chủ nghĩa, thì việc sử dụng phương pháp lịch sử là không thích hợp, là khiên cưỡng và có dụng ý bóp méo lịch sử.

Ở đây, cái thích hợp nhất đối với chúng ta là phương pháp nghiên cứu logic, nhằm phân tích và phê phán “văn học” thực dân mới qua 4 khâu: xã hội, nhà văn, tác phẩm và người đọc”.(tr.42)

Nhận xét về nội dung văn học miền Nam 1954-1975, Trần Trọng Đăng Đàn viết:

Có ba khuynh hướng: “văn học” phản động về chính trị, “văn học” đồi truỵ hóa con người và “văn học” chạy theo những thị hiếu thấp kém của xã hội tiêu thụ gọi tắt là “văn chương tiêu thụ”. (tr.23)

Nhận xét về hình thức vận động của văn học:

Nhằm tận dụng “văn hóa” và “văn nghệ” làm công cụ chiến tranh tâm lý, trong những năm thống trị ở miền Nam, địch đã kết hợp cả hai hình thức: ”văn hóa, văn nghệ chỉ huy” và “văn hóa văn nghệ tự phát”

“Chỉ huy là loại “văn hóa”, “văn nghệ” do các cơ quan, các tổ chức, các cá nhân trong bộ máy chính quyền và quân đội Sài Gòn công khai nắm…phục vụ trực tiếp cho những yêu cầu chính trị, quân sự, kinh tế của chúng. (tr.17)

Gọi là “văn hóa”, “văn nghệ tự phát” là vì nhìn bề ngoài thì y như nó không chịu sự điều khiển, chỉ huy của chính quyền, y như nó được hoàn toàn tự do, tự phát. Ở đây, “văn hóa”, “văn nghệ” giống như một khu vực chợ trời: ai muốn in sách cứ in, ai muốn ra báo cứ ra, ai muốn lập nhà xuất bản, lập các hội, các đoàn, các nhóm, các phái… cứ việc lập; có tiền anh cứ xây nhà hát, dựng rạp chiếu bóng, lập phim trường…Chính quyền cũ… cho du nhập đủ các trường phái văn học, các xu hướng triết học, mỹ học, và trong đó, chúng vờ làm như là cho tha hồ viết, tha hồ nói…kể cả chửi Mỹ, chỉ trích tổng thống… Thực chất là có chỉ huy, mà trước hết là nó chỉ huy cái cơ bản: muốn nói gì thì nói, viết gì thì viết, nhưng phải là không nói, không viết cái gì có lợi cho cách mạng, không viết “theo sự chỉ đạo của cộng sản”…và “mọi hành vi nhằm mục đích tuyên truyền hay thực hiện chủ nghĩa cộng sản đều bị cấm chỉ”…

Tuy nhiên, đường lối “văn hóa, văn nghệ tự phát’ lại có các mặt bất lợi cho địch…Chính đây là kẽ hở mà cách mạng có thể lợi dụng để khơi những dòng trong giữa những dòng đục và quật lại chúng những đòn thấm thía trên mặt trận đấu tranh văn hóa- tư tưởng.(tr. 26)

Qua trích dẫn trên, Trần Trọng Đăng Đàn không coi văn học miền Nam là văn học. Ông để chữ “văn học” trong ngoặc kép (“ “). Theo ông, văn học miền Nam phải hoàn toàn bị vứt bỏ vì nó là nền “văn học” phản động về chính trị, đồi truỵ hóa con người và chạy theo những thị hiếu thấp kém của xã hội tiêu thụ“. Nó không thể được coi là một bộ phận của nền văn học dân tộc vì nó chỉ có tác hại. Nghiên cứu văn học miền Nam bằng phương pháp lịch sử là sai lầm. Nhưng ông phải thừa nhận, ngoài bộ phận “văn học chỉ huy”, ở miền Nam còn có một bộ phận “văn hóa văn nghệ tự phát”, “hoàn toàn tự do”.” Chính quyền cũ… cho du nhập đủ các trường phái văn học, các xu hướng triết học, mỹ học”.

Ngày nay nhìn lại, đánh giá của Trần Trọng Đăng Đàn về văn học miền Nam 1954-1975 hoàn toàn là đánh giá chính trị, một cái nhìn phủ định sạch trơn. Văn học chịu sự quy định của bối cảnh chính trị-xã hội, nhưng văn học cũng có giá trị tự thân và vận động theo quy luật riêng của nó trong lịch sử văn học. Bối cảnh chính trị xã hội 2020 đã hoàn toàn khác với bối cảnh chính trị-xã hội trước 1975. Văn học miền Nam 1954-1975 nay đã trở thành một thực tại lịch sử. Nó phải được đặt trong dòng chảy của lịch sử văn học dân tộc và được nghiên cứu bằng các phương pháp khoa học và phương pháp lịch sử. (Giống như sau 40 năm, từ 1986 trở đi, người ta đã đánh giá lại văn học 1930-1945, đánh giá lại Tự Lực văn đoàn, Vũ Trọng Phụng, Thơ Mới…; hoặc 50 năm nữa hay những thế kỷ sau, khi nhìn về văn học miền Nam 1954-1975, các thế hệ con cháu sẽ chỉ chú ý đến những giá trị mà nền văn học này đóng góp cho lịch sử văn học dân tộc.).

Cho đến nay đã có một vài tín hiệu mở ra hướng tiếp cận những vấn đề còn nhiều cách biệt về chính trị. Đã có những đề xuất cần phải nhận thức lại văn học miền Nam, chẳng hạn: Nguyễn Thị Thu Trang: Vài nét về văn xuôi đô thị miền Nam giai đoạn 1954-1975 (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 5/2007), Trần Hoài Anh: Lý luận - Phê bình văn học ở đô thị miền Nam 1954-1975, (Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2009, Nguyễn Thị Việt Nga: Một bộ phận văn học dân tộc cần được tiếp tục nghiên cứu.

Nguyễn Thị Việt Nga đặt vấn đề: ”…phải thừa nhận có một thực tế là sau giải phóng miền Nam 1975, do cách nhìn thành kiến, đố kỵ và sự ấu trĩ trong quan điểm tiếp cận, hoặc bị chi phối bởi các yếu tố ngoài văn học và các yếu tố tâm lý xã hội thiếu cởi mở, nên các nhà nghiên cứu, phê bình văn học (ở cả miền Nam và miền Bắc) có biểu hiện né tránh, ngại đi vào lĩnh vực có vẻ còn nhiều “chông gai” bởi đã và vẫn đang tồn tại nhiều quan điểm trái chiều này. Hơn nữa, qua thời gian đã nửa thế kỷ, nhiều tác phẩm văn học không những không được tái bản mà còn không được quan tâm lưu trữ. Do vậy, nguồn tư liệu, theo thời gian đang là trở ngại cho giới nghiên cứu. Văn học đô thị miền Nam dù thế nào đi nữa, nó là một bộ phận của văn học dân tộc, có quá trình phát triển hơn 20 năm, không thể bỏ qua. Đã đến lúc (tuy rằng đã muộn) phải tiến hành nghiên cứu đầy đủ văn học đô thị miền Nam, từ đó đưa ra những đánh giá khách quan, khoa học để những gì có giá trị thực sự, đóng góp vào thành tựu chung của cộng đồng, dân tộc cần ghi nhận, tiếp thu.”(31)

Tiến sĩ Trần Hoài Anh viết:"Việc xác định giá trị của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam trong hệ thống giá trị của lý luận - phê bình văn học dân tộc là điều có ý nghĩa, không chỉ về mặt học thuật mà còn về mặt tư tưởng xã hội của một đất nước thống nhất, một dân tộc thống nhất./ Mặt khác, sự hiện hữu của lý luận - phê bình văn học ở đô thị miền Nam là một thực thể, một thực tế lịch sử, không thể phủ nhận. Sự hiện hữu đó làm cho di sản lý luận - phê bình văn học dân tộc phong phú hơn, giàu có hơn, tiệm cận hơn với nền lý luận - phê bình hiện đại của thế giới mà chúng ta đang hướng tới trong xu thế mở cửa, hội nhập với quốc tế hôm nay" (sđd. tr.260).

Trên  các diễn đàn (báo in và báo mạng), Phạm Thiên Thư, Bùi Giáng, Thanh Tâm Tuyền, Du Tử Lê, Dương Nghiễm Mậu đã được nói đến. Riêng việc tái bản các tập truyện ngắn của Dương Nghiễm Mậu đã có những ý kiến phản đối quyết liệt. (bài viết “Đâu là tiêu chí của người xuất bản” của Vũ Hạnh đăng trên trang nhà Sài Gòn Giải Phóng ngày 22 tháng 4 năm 2007). Nhà thơ Du Tử Lê đã có lúc bị phản đối mạnh mẽ (xin đọc bài: Bộ mặt ngạo mạn của Du Tử Lê- báo công an tpHCM 18/8/05), nay cái nhìn về ông đã có vẻ thân thiện hơn. Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng (Canada) xuất hiện nhiều trong các sinh hoạt văn chương trong nước, ông cũng đã in tác phẩm ở trong nước. Tác phẩm Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, “Phê bình văn học thế kỷ XX” của Thụy Khuê… cũng đã được in trong nước…

Ở nước ngoài cũng đã có những tác giả viết về văn học miền Nam. Đáng kể là Tổng quan văn học miền Nam của Võ Phiến. Cuốn này được viết dưới nhãn quan “chống Cộng”, tuy vậy nó có giá trị về mặt tư liệu đối với người làm công việc nghiên cứu. Nhà phê bình Đặng Tiến đánh giá:”trong bộ Văn học miền Nam, cuốn I Tổng quan là một trước tác công phu, một ký sự văn học và xã hội học phản ánh đời sống vật chất và tinh thần của một quần chúng đông đảo dưới một chế độ xã hội đã đi qua. Một tác phẩm giàu tâm tình và tâm huyết, với nhiều nhận định sắc bén, qua giọng văn trò chuyện tự nhiên, thân mật, dí dỏm. Trong một đề tài rộng rãi và phức tạp như thế, dĩ nhiên là có điểm cần bàn lại, có chỗ cần bổ sung hay sửa sai, nhưng nói chung, Tổng Quan là một biên khảo thành tâm, đứng đắn, ngay thẳng, đáng tin cậy.”.(32)

Cũng phải kể đến bài viết Văn học miền Nam của Thụy Khuê (33), và đặc biệt là Hội thảo 20 Năm Văn Học Miền Nam 1954-1975 ngày 6 & 7/12/2014 tại hội trường nhật báo Việt Báo, Westminster (34). Trong hội thảo này, đã có 16 tham luận về văn học miền Nam 1954-1975. Hội thảo vẫn nằm trong ý thức chính trị “chống Cộng” của một bộ phận người cầm bút hải ngoại, song cũng đã có những góc nhìn xem xét văn học miền Nam trong tiến trình văn học dân tộc. Chẳng hạn, tham luận của Bùi Vĩnh Phúc: Hai mươi năm văn học miền Nam (1954 – 1975): Phẩm Tính và Ý Nghĩa, của Du Tử Lê: ”Vài khía cạnh đặc thù của 20 năm văn học miền Nam”,…

Thiết nghĩ, sau 45 năm, chúng ta đã có thể nghiên cứu văn chương miền Nam (1955-1975) theo quan điểm khoa học và lịch sử một cách khách quan hơn. Những tác phẩm nào phản ánh được đời sống, tâm tư, nguyện vọng của dân tộc; những gì đóng góp vào sự phát triển của văn chương dân tộc thì cần phải được trân trọng giữ gìn.

6. Văn chương của người Việt ở nước ngoài.

    Sau năm 1975, với ý thức bảo tồn văn hóa dân tộc, nhiều tác giả nước ngoài nghiên cứu và đánh giá văn chương Việt hải ngoại. Về văn chương miền Nam trước 1975, Võ Phiến viết “Văn học miền Nam 1954-1975”. Thụy Khuê viết:Thử tìm một lối tiếp cận Văn học sử về Hai mươi lăm năm Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000”, Nguyễn Mộng Giác viết “Sơ thảo về các giai đoạn thành hình và phát triển của dòng văn xuôi ở hải ngoại từ 1975 đến nay”. Về văn chương hải ngoại sau 1975, Du Tử Lê có công trình 700 trang:” Sơ lược 40 năm văn học nghệ thuật (1975-2015)”, Nguyễn Đức Tùng có một chuyên luận công phu về ”40 năm thơ hải ngoại” (35).

Một bài viết súc tích là bài: ”Văn học Việt Nam ở hải ngoại, những vấn đề của sự phát triển hiện nay.” của A.A. Sokolov, Phó giáo sư tiến sĩ sử họcViện Phương Đông Viện Hàn lâm khoa học Nga: Lê Sơn dịch đăng trên Văn hóa Nghệ An (36). Đây là bài có cái nhìn khá bao quát về diện mạo văn học Việt Nam hải ngoại và định hướng phát triển. Tác giả có góc nhìn rộng và đối chiếu với theo quan điểm của nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài.

Qua những công trình biên khảo trên, bạn đọc trong nước sơ bộ có thể nhìn thấy đông đảo các nhà văn hải ngoại thuộc nhiều thế hệ , những vấn đề họ quan tâm, và khuynh hướng phát triển của dòng văn học này. Nhìn chung các tác giả vẫn nhận định về giá trị của văn chương hải ngoại theo chuẩn “phản ánh hiện thực”. Đó là “văn chương lưu vong”, chủ yếu viết về những kỷ niệm quê hương, tình cảm với cố quốc; về di tản, kiếm sống và hội nhập. Nhiều nhà văn hải ngoại thấm thía gánh nặng của “tự do” và bi quan về văn chương hải ngoại khi thế hệ các nhà văn miền Nam qua đi, thế hệ hội nhập không còn viết bằng tiếng Việt, thì văn chương Việt hải ngoại chưa biết sẽ thế nào. Bởi thế hệ hội nhập đa số không viết bằng tiếng Việt mà viết bằng tiếng bản ngữ hướng về cộng đồng bạn đọc nơi họ sinh sống.

Có sự khác biệt cả về cách viết và những vấn đề quan tậm giữa hai thế hệ, những nhà văn miền Nam ra nước ngoài sau 1975 và những nhà văn thuộc thế hệ thứ hai, hai rưỡi lớn lên ở hải ngoại.

Tôi nhận ra điều này, các nhà văn Việt Nam ở nước ngoài; hết sức tự do và đầy đủ phương tiện, lại tiếp cận với văn chương thế giới đương đại, lẽ ra họ phải viết được những tác phẩm lớn (tôi ghi nhận tiểu thuyết Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác, dày 2000 trang in ở Việt Nam năm 2017), những tác phẩm có giá trị nghệ thuật và tư tưởng; lẽ ra họ phải viết bằng những bút pháp hiện đại đổi mới hẳn văn chương Việt Nam, nhờ đó các nhà văn trong nước có thể học hỏi kinh nghiệm đưa văn chương trong nước hội nhập văn chương thế giới. Tuy nhiên, trong thực tiễn văn học, mọi đổi mới nghệ thuật văn chương đều xuất phát từ các nhà văn trong nước, đặc biệt những nhà văn dấn thân quyết liệt trên con đường sáng tạo. Và có một sự thật (đáng buồn) là sự mai một của nhiều cây bút tài năng một thời ở miền Nam trước 1975 như Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Phạm Công Thiện, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Sa, Nguyễn Tất Nhiên,…

Nói vậy không có nghĩa là không có sự giao lưu văn học trong và ngoài nước. Những nhà văn trẻ trong nước viết bằng thủ pháp hậu hiện đại hoặc làm thơ tân hình thức chắc chắn có kinh nghiệm của nhà văn hải ngoại. Thời mà các trang báo điện tử trong nước chưa có nhiều, rất nhiều nhà văn trong nước đã đăng bài ở các trang mạng nước ngoài như Hợp Lưu, Talawas, damau.org, Tiền vệ,…Những trang này quy tụ nhiều người viết cả trong và ngoài nước. Những cuộc tranh luận thường diễn ra do sự khác biệt chính trị. Những người viết không thể đăng bài trong nước thường đăng ở các trang này, ngược lại những tác giả nước người Việt nước ngoài gây ảnh hưởng với người cầm bút trẻ trong nước cũng qua những trang này.

Tuy nhiên, phải công bằng mà nói, những “cách tân” của “Thơ trẻ” đầu thế kỷ XXI ở trong nước bắt nguồn từ thơ hải ngoại. Đặc biệt là những nhà thơ trẻ tự nguyện đứng “bên lề” của dòng văn chương chính thống trong nước (như nhóm Mở Miệng)…, họ học theo Đinh Linh, Đỗ Kh., Lê Thị Thấm Vân, Lưu Diệu Vân…. Vào thư mục tác giả, tác phẩm của các trang Hợp Lưu, Talawas, damau.org, Tiền vệ, người đọc bắt gặp sự hiện diện của họ. Khế Yêm có nhiều nỗ lực làm và giới thiệu thơ Tân Hình thức ở Mỹ, song ở trong nước thơ Tân Hình thức không có ảnh hưởng lan tỏa.

Cùng lúc, các trào lưu lý luận phê bình văn chương cũng được giới thiệu vào Việt Nam qua các trang này. Nguyễn Hưng Quốc trên Tiền Vệ và Thụy Khuê trên trang cá nhân  (thuykhue.free.fr) là hai tác giả có uy tín. Riêng Thụy Khuê đã giới thiệu khá đầy đủ các lý thuyết phê bình văn học phương Tây, và in thành sách ở trong nước (cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX, Nxb Hội Nhà văn, 2018).

Cho đến 2020, nhiều trang web văn chương hải ngoại đã tàn lụi hoặc sống lay lắt (Hợp Lưu, Talawas, Tiền Vệ…), và ở trong nước, nhiều trang web văn chương đã ra đời và đứng được như trang của Hội Nhà văn (vanvn.net ra đời 2009), tạp chí sông Hương, Văn hóa Nghệ An, vanchuongviet.org… Các trang này dần dần thu hút được nhiều người cầm bút hải ngoại đăng bài (xem trang vanchuongviet.org; trannhuong.net…)

Cuộc gặp mặt “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức từ ngày 20 đến 24/10/2017 có sự tham dự của hơn 100 nhà văn trong nước và các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại 12 quốc gia trên thế giới là một khởi động có ý nghĩa. Tuy còn nhiều vấn đề khác biệt chưa giải quyết được, song cuộc “họp mặt” đã mở rộng cánh cửa để tất cả các nhà văn trong và ngoài nước gặp gỡ nhau với tinh thần “đoàn kết để sáng tạo, sáng tạo trong đoàn kết”.

7. Internet và văn chương

Yếu tố làm thay đổi sinh hoạt văn chương mạnh mẽ nhất trong những thập niên qua là sự ra đời của Internet và văn chương mạng.

Nhà văn thoải mái công bố tác phẩm và người đọc cũng thoải mái gửi lời bình (comment) khiến cho đời sống văn học có lúc sôi nổi hẳn lên. Trước kia, việc in ấn và phổ biến tác phẩm luôn là trở ngại lớn đối với người cầm bút. Thời gian đầu, khi trong nước chưa có nhiều trang văn học mạng thì các trang văn học mạng của người Việt hải ngoại chiếm ưu thế và có sức thu hút mạnh mẽ.

Giai đoạn sau đó, khi phong trào viết blog nở rộ, hầu như nhà văn nào cũng có một trang blog (ngoại trừ nhà văn không biết vi tính). Có thể coi đó là phong trào “trăm hoa đua nở”, ai muốn viết gì thì viết, muốn “lập ngôn” gì thì lập ngôn, muốn phê phán ai thì mặc sức. Và không ít người lợi dụng net cho mục đích chính trị, mục đích cá nhân ngoài văn chương. Và tình hình có lúc trở nên “loạn” phát ngôn, loạn phê bình, gây ra tình trạng “loạn” tiêu chí đánh giá văn chương. Thật hiếm có trang mạng nào chuyên về văn chương và những vấn đề văn chương mà không dây vào những vấn đề thời sự chính trị. Những trang của người Việt hải ngoại dù tuyên ngôn là “văn chương không biên giới”, là diễn đàn tự do, thì vẫn mang tư tưởng và thái độ “chống xã hội chủ nghĩa”.

            Nhưng khi phong trào chơi blog “xẹp” xuống, cũng sau khi chơi blog, nhà văn nhận ra văn chương chỉ là cuộc chơi. Bởi vì bỗng dưng một ngày nào đó trang blog đăng bài đóng cửa hay biến bất thì tất cả bài vở đăng trên đó cũng mất theo (thí dụ: trang blog của Opera, Yume, phongdiep.net…). Những tưởng văn chương là chuyện lâu dài, nào ngờ đột nhiên nhà mạng ngưng cung cấp dịch vụ, thế là nhà văn trắng tay. Tác phẩm in vẫn giữ nguyên giá trị. Một trang lớn như Talawas (của nhà văn Phạm Thị Hoài ở Đức) đang phát triển, có sức thu hút như một trung tâm văn chương, cũng ngưng hoạt động mà không rõ lý do (rất may bài vở của trang này vẫn còn được lưu giữ).

Trước kia, người ta tưởng cứ tung lên mạng (blog cá nhân) thì sẽ được người đọc vồ vập, nhưng rồi không phải vậy, bởi trên không gian mạng xã hội đầy dẫy những tin giả (Fake news), vô số những kẻ “đeo mặt nạ” (và rất nhiều kẻ lợi dụng chính trị) vào comment, gây ra sự hỗn loạn, nhiều khi nặng lời xúc phạm nhau một cách “vô văn hóa”. Những người đọc chân chính, những người cầm bút lương thiện đành phải “bỏ chạy”.

Từ khi Quốc hội ban hành “Luật an ninh mạng” (số: 24/2018/ QH14, ngày 12/6/2018) thì số trang web văn chương còn sống được và có ảnh hưởng với văn đàn chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Những trang của các Hội VHNT địa phương thường là nhạt nhẽo, lười cập nhật bài (cũng có thể là không có bài, hoặc không có kinh phí) nên không tạo được ảnh hưởng nào.

Sau 15 năm đầu của thế kỷ 21, người ta tưởng sẽ hình thành “văn chương mạng”, song điều này đã không xảy ra. Chỉ một vài người viết trẻ chia sẻ trên mạng những bài viết, sau tập hợp lại in thành sách gọi là tạp văn, nhờ họ đã PR trước đó trên mạng nên có gây được sự chú ý một lúc, sau đó cũng im bặt.

Điều còn lại của internet là góp phần “hợp lưu” văn chương của người Việt hải ngoại và văn chương trong nước, góp phần dân chủ hóa đời sống, sinh hoạt văn chương, giải tỏa những ảo tưởng của nhà văn, và giúp phát triển văn nghệ quần chúng (kiểu như các câu lạc bộ thơ lục bát, câu lạc bộ thơ Đường luật, trang web của các Hội Văn học nghệ thuật địa phương…).

Internet đặc biệt hữu ích cho những người làm công tác nghiên cứu văn học trong việc tiếp cận nguồn tư liệu phong phú và nhanh chóng. Internet cũng là môi trường giao lưu, trao đổi và phổ biến thông tin văn chương có tầm vóc toàn cầu (công bố bài viết, xuất bản tác phẩm, tường thuật hội thảo, chia sẻ tư liệu…). Chưa bao giờ không gian văn chương lại gần gũi như bây giờ. Dù tác giả ở Hà nội, Sài gòn; ở Paris (France), Berlin (Germany), Toronto (Canada), hay Melbourne (Australia), chỉ cần một cái nhắp chuột computer là đã có thể kết nối. Dẫu vậy, tác phẩm in ấn vẫn có giá trị riêng về diễn ngôn và thẩm quyền tác giả mà bất cứ người cầm bút nào cũng muốn thực hiện.

8. Tình hình văn học sau 2015

            a. Góc nhìn của Hội Nhà Văn Việt Nam

            Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX có 6 người: Chủ tịch là nhà thơ Hữu Thỉnh. Các Phó Chủ tịch Hội là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhà văn Nguyễn Trí Huân. Các Ủy viên là nhà văn Khuất Quang Thụy và nhà văn Nguyễn Bình Phương.

            Hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam tính đến 2019 có khoảng 1100 người.

            Phương châm hành động của Ban Chấp hành Hội là Tất cả cho hội viên”, “tất cả vì hội viên”. Hoạt động của Hội tập trung vào 3 lĩnh vực: Đẩy mạnh sáng tác,  xây dựng Hội, và quảng bá văn học Việt Nam.

            Tuy có nhiều khó khăn về nhân sự và tài chính, Ban Chấp hành cùng với các cơ quan cấp 2, các Ban văn học và các Hội đồng chuyên môn đã hết sức nỗ lực làm việc và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

            Để đầy mạnh sáng tác, hàng năm, Ban Chấp hành tổ chức các trại sáng tác và đi thực tế. Thí dụ, năm 2019, tổ chức trại sáng tác ở Tam Đảo, Nha Trang, Phú Quốc. Tổ chức riêng một trại sáng tác tại Bảo tàng văn học cho 8 nhà văn, thời gian một tháng, có tổ chức hội thảo tại trại. Kết thúc trại sáng tác có những bản thảo rất là công phu. Năm 2019, kỷ niệm 40 năm chiến tranh biên giới, Ban Văn học Chuyên đề tổ chức được 6 chuyến đi thực tế các vùng chiến sự ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, một chuyến đi đồng bằng sông Cửu Long.

            Cũng để đầy mạnh sáng tác, Hội Nhà văn đã tổ chức nhiều cuộc thi. Cuộc thi truyện ngắn của tạp chí Nhà văn và tác phẩm; Cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ;  Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) không có giải A. Có 3 giải B và 9 giải C; Các tác phẩm đạt giải đại diện cho các xu hướng văn xuôi đương thời, đó là hướng khai thác lịch sử, khai thác “đời thường” và thời sự chính trị - xã hội; hướng chiêm nghiệm đời sống hiện đại; hướng khai thác chủ đề đạo đức - đạo lí; hướng đi vào con người cá nhân và hướng phản tư xã hội - lịch sử.

            Một hoạt động khác thúc đầy sáng tác là Hội Nhà văn tổ chức các hội nghị và hội thảo:

Hội nghị các nhà văn trẻ toàn quốc (2016) có 113 đại biểu. Chương trình có Dạ hội thơ “Bản hòa âm tháng 9” do Ban Nhà văn Trẻ tổ chức; hai tọa đàm “Văn trẻ - Nhập cuộc và sáng tạo”, “Thơ trẻ - Truyền thống và cách tân”.

Hội nghị Lý luận phê bình tại Tam Đảo (2016) với chủ đề “Văn học 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển 1986-2016”. Có hơn 200 nhà văn tham dự với 70 tham luận. Hội nghị đã tiến hành 4 cuộc hội thảo chuyên ngành: Lý luận - Phê bình, Thơ, Văn xuôi và Văn học dịch.

Cuộc gặp mặt lần thứ nhấtNhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”...(20 đến 24/10/2017). Theo tường thuật của nhà thơ Mai Nam Thắng, cuộc gặp mặt có sự tham dự của hơn 100 nhà văn tiêu biểu trong nước và các nhà văn Việt Nam đang sinh sống tại 12 quốc gia trên thế giới. Tuy còn một số tồn đọng của quá khứ chưa thể giải quyết hết được trong một thời gian ngắn, nhưng Hội đã, đang và sẽ làm tất cả những gì có thể để hội tụ các tài năng văn học trong mái ấm của tình đoàn kết dân tộc. Với tinh thần “đoàn kết để sáng tạo, sáng tạo trong đoàn kết”. Tinh thần chung là tạo ra sự hợp tác thông thoáng, hiệu quả để các nhà văn ở nước ngoài có điều kiện tốt nhất tiếp cận đời sống, đẩy mạnh sáng tác, công bố tác phẩm và tổ chức các sự kiện giao lưu với bạn đọc trong nước.

            Về quảng bá văn học, Ban chấp hành Hội Nhà văn đã tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam lần thứ III (2015) với sự tham dự của hơn 500 nhà văn, nhà thơ, dịch giả Việt Nam và 151 đại biểu đến từ 43 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sau hội nghị, nhiều dự án hợp tác đã được ký kết, triển khai. Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ IV và Liên hoan thơ quốc tế lần thứ III được tổ chức trong dịp Ngày thơ Việt Nam Nguyên tiêu Kỷ Hợi (2019). Có 51 quốc gia với gần 200 nhà văn tham gia. Trước kia chỉ có châu lục là Á, Phi, châu Âu. Năm 2019 có châu Mỹ La Tinh. Hội nghị được tổ chức trên một quy mô rất rộng từ Hà Nội đến Quảng Ninh, Bắc Giang. Cùng một lúc, vừa tổ chức thảo luận, hội thảo về những vấn đề mà các bạn quan tâm với văn học Việt Nam, vừa tổ chức cho các nhà thơ đi giao lưu văn hóa như đọc thơ với Đại học Sư Phạm, Đại học Văn hóa. Diện hoạt động rất rộng. Hội nghị đã có tiếng vang lớn, được dư luận trong nước và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

            Trong Hội nghị công tác văn học cuối năm, thay mặt Ban chấp hành Hội nhà văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội luôn có sự nhận định đánh giá chung về sự phát triển văn học. Xin dõi theo một vài năm:

            Năm 2011:

            Giải thưởng Hội Nhà văn 2010, 2011 cho chúng ta thấy nền văn học của chúng ta tiếp tục phát triển trong sự đa dạng và luôn luôn đổi mới. Chúng ta tiếp tục khẳng định những tài năng đã được khẳng định, tiếp tục khẳng định những định hướng lớn trong nền văn học của chúng ta. Đó là trở lại lịch sử của dân tộc, trở lại 2 cuộc kháng chiến, đi sâu vào đời sống đất nước trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc... Sứ mệnh của văn học là cất cao tiếng nói, chống lại sự suy thoái của tinh thần, suy thoái đạo đức, chống lại sự vô cảm, chống lại sự nguội lạnh đối với tình yêu con người, nó phê phán mọi cái xấu, cái ác... Và giải thưởng Hội Nhà văn  2010- 2011 đã làm được điều đó. Đó cũng chính là sự phát triển lên một bước mới của văn học Việt Nam.”(37)

                 Năm 2016:

“…nền văn học tiếp tục phát triển mở rộng biên độ, đề tài, chủ đề sáng tác”; “số lượng sáng tác nhiều nhưng chưa xuất hiện tác phẩm tạo nên một sự kiện văn học”…

Năm 2017:

Văn học tiếp tục phát triển lành mạnh. Xu hướng dân tộc và tinh thần yêu nước vẫn tiếp tục phát huy, nhất là xu hướng trở về với cội nguồn và lịch sử dân tộc, lật xới quá khứ để tìm câu trả lời cho những vấn đề hiện tại và tương lai của đất nước…Tuy nhiên các tác phẩm văn học vẫn chưa gây được dư luận rộng rãi.”

Năm 2019:

 “chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa nhân văn vẫn là chủ đề xuyên suốt trong các tác phẩm, dẫu viết về đề tài lịch sử hay phải ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm của cuộc sống đương đại”... “chất lượng không tương xứng với số lượng.”(2019)

b. Thống kê giải thưởng một thập kỷ của Hội Nhà văn:

Năm

Tác phẩm Văn xuôi (20)

Tác phẩm Thơ (17)

Tác phẩm Lý luận phê bình (16)

2008

1.“Ngôi nhà xưa bên suối”, tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn;

2.“Sóng chìm”, tiểu thuyết của Đình Kính và

3.“Tiếng khóc của nàng Út”, tiểu thuyết (Nguyễn Chí Trung)

KHÔNG TRAO GIẢI

KHÔNG TRAO GIẢI

2009

KHÔNG TRAO GIẢI

KHÔNG TRAO GIẢI

1."Tản mạn nghiệp văn" (Đinh Quang Tốn).

2010

1.      1.“Lính trận” (TrungTrung Đỉnh)

2.      2.“Minh sư” (Thái Bá Lợi).

3.      3.“Lỏng và Tuột” (Trần Đức Tiến)

4.      4.“Giữa dòng chảy lạc

5.               (Nguyễn Danh Lam) 

6.      1.“Bầu trời không mái che

7.            (Mai Văn Phấn).

8.      2.“Sóng và khoảng lặng

9.             (Từ Quốc Hoài ).

 

KHÔNG TRAO GIẢI

2011

1.‘Đội gạo lên chùa”, tiểu thuyết (Nguyễn Xuân Khánh )

2.“Huyền thoại tàu không số” Tập truyện ký (Đính Kính).

1.“Ngày linh hương nở sáng

     (Đinh Thị Như Thúy).

2. “Hoan ca”

     (Đỗ Doãn Phương).

 Bàn về minh triết và minh triết Việt”, LLPB (Hoàng Ngọc Hiến).

2012

1.Thành phố đi vắng , tập truyện ngắn (Nguyễn Thị Thu Huệ).
Bằng khen:

2.Trò chơi hủy diệt cảm xúc,

   tiểu thuyết (Y Ban)

3.Một thế kỷ bị mất, 

  tiểu thuyết lịch sử (Phạm Ngọc

  Cảnh Nam).

 

1. Trường ca chân đất (Thanh Thảo)

2.Màu tự do của đất, tập thơ (Trần Quang Quý)

3.Giờ thứ 25, tập thơ (Phạm Đương).
Bằng khen:

1.Hoa hoàng đàn nở muộn, Tập thơ ( Khuất Bình Nguyên)

2.Chất vấn thói quen, tập thơ (Phan Hoàng).

Đa cực và điểm đến, LLPB 

(Văn Chinh).

2013

Bãi vàng, Đá quý, Trầm hương, tập truyện ngắn

                  (Nguyễn Trí)

 

Những lớp sóng ngôn từ, tập thơ (Mã Giang Lân)

Phút giây huyền diệu, tiểu luận và bút ký (Ma Văn Kháng)

 

2014

Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75

         (Trần Mai Hạnh)

Trường ca ngắn, kịch thơ, 

            (Nguyễn Thụy Kha)

1.Trăm năm trong cõi (Gs Phong Lê )

2. Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hình tượng (PGs Nguyễn Đăng Điệp)

2015

1.“Kỳ nhân làng Ngọc”, truyện ngắn (Trần Thanh Cảnh),

2.“Thông reo Ngàn Hống”, tiểu thuyết (Nguyễn Thế Quang).

1.Long mạch”, Trường ca

      (Hoàng Trần Cương).

2.“Vườn khuya”, (Trần Hùng).

 

1.“Các lý thuyết nghiên cứu văn học ảnh hưởng và tiếp nhận từ ngày đổi mới đến nay” - Nghiên cứu Lý luận (Nguyễn Văn Dân)

2.“Âm thanh của tưởng tượng”,  LLPB (Lê Hồ Quang).

 

2016

1.Làn gió chảy qua" (Lê Minh Khuê)

2."Mưa đỏ" tiểu thuyết (Chu Lai)

1."Tổ Quốc nhìn từ biển", tập thơ  (Nguyễn Việt Chiến)

2."Vũ khúc Tày", tập thơ song ngữ Việt-Tày (Y Phương)

1."Giọt nước trong lá sen", chân dung văn học, đàm luận văn chương (Khuất Bình Nguyên),

2."Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại" (Trần Huyền Sâm)

2017

KHÔNG TRAO GIẢI

KHÔNG TRAO GIẢI

1.Bóng người trong bóng núi”, 

   LLPB( Lê Thành Nghị)

2.“Cách tân nghệ thuật văn học phương Tây” (Phùng Văn Tửu)

2018

KHÔNG TRAO GIẢI

KHÔNG TRAO GIẢI

Văn học Nga hiện đại - những vấn đề lý thuyết và lịch sử” của tác giả Trần Thị Phương Phương

2019

1.“Quán thủy thần”, tập truyện ngắn (Nguyễn Hải Yến)

2.“Trụ lại”, tập ký sử (Hồ Duy Lệ)

 

1. “Bay trong mơ”, Tập thơ (Trần Quang Đạo)

2. “Nguồn”, Tập thơ (Trần Quang Quý)

 

1.“Nhận diện và lý giải các hiện tượng văn học”, LLPB (Phan Trọng Thưởng)

2.“Những sinh thể văn chương Việt”, LLPB (Lý Hoài Thu)

3.. “Tư tưởng và phong cách nhà văn những vấn đề lý luận và thực tiễn”LLPB (Trần Đăng Suyền)

 

      

              Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ 4 (2011-2015) không có giải A. Có 3 giải B là tác phẩm “Người thứ hai” tác giả Tô Hải Vân, “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ và “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” của Vĩnh Quyên. 9 giải Ba là: Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ, Thạch trụ huyết của Nguyễn Trần Bé, Hát của Trần Nhã Thụy, Dư chấn 3,5 độ richter của An Bình Minh, Gã tép riu của Nguyễn Bắc Sơn, Cuộc đời ngoài cửa của Nguyễn Danh Lam, Seo Sơn của Vũ Quốc Khánh, Đốt trúc của Nguyễn Đắc Như.

Có vài điều cần mặc định trước khi nhìn vào bảng thống kê giải thưởng Hội Nhà văn từ 2008 đến 2020.

            Mặc định rằng, việc xét giải là khoa học, công bằng và theo một tiêu chí thống nhất giữa các năm, và vì thế chất lượng giải các năm là như nhau. Thực tế không phải như vậy. Thí dụ, năm 2009 có một  Hội đồng xét giải là các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu gồm: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lê Văn Thảo, Trần Đăng Khoa, Mai Quốc Liên, Nguyễn Thiện, Phan Hồng Giang, Vũ Quần Phương, Nguyễn Khắc Trường, Chu Lai, Phan Thị Vàng Anh. Việc đề cử tác phẩm do các Hội đồng chuyên môn, các Ban chuyên môn, các thành viên Ban Chấp HànhBan chung khảo. Nhưng những năm gần đây  không còn Hội đồng xét giải. Chỉ có sự đề cử của các Hội đồng chuyên môn và các Ban chuyên môn. Việc chọn trao giải là do Ban Chấp hành quyết định. Nhiệm kỳ 2015-2020, Ban chấp hành chỉ có 6 người thì việc xét chọn trao giải sẽ là hết sức khó khăn, vì mỗi thành viên phải quán xuyến tất cả các tác phẩm được đề cử.

            Mặc định thứ hai rằng, giải thưởng của Hội Nhà văn là cái “hàn thử biểu” có độ chính xác cao để đo nhiệt độ văn chương hàng năm, và những tác phẩm đạt giải là những tinh hoa văn chương của một năm, để từ đó người đọc có thể nhận ra sức sống của cả nền văn học. Nếu vậy, những năm không có tác phẩm được trao giải (2008, 2009, 2017, 2018) có đồng nghĩa rằng năm đó “mất mùa” văn chương không?

            Và mặc định rằng, không có những eo xèo về việc trao giải (thí dụ: Hội Thề của Nguyễn Quang Thân, Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ ).

Với những mặc định như vậy, nhìn vào Giải thưởng của Hội Nhà văn trong hơn một thập kỷ, ta đọc được điều gì?

Sự thật là không có tác phẩm nào nổi trội được công luận quan tâm như một hiện tượng góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học. Về thơ, các nhà thơ Thanh Thảo, Mai Văn Phấn, Trần Quang Quý vẫn giữ được phong độ từ “đổi mới” đến nay, những khuôn mặt mới chưa gây được ấn tượng. Giải Lý luận phê bình hầu như trong tay các Giáo sư, PGS Tiến sĩ giảng dạy Đại học nắm giữ. Vấn đề là, trong những tác phẩm đạt giải, có những công trình nghiên cứu về những đề tài đã quá cũ (chẳng hạn,.“Những sinh thể văn chương Việt viết về các nhà thơ trước 1945), hoặc “Bóng người trong bóng núi viết về các nhà thơ thời chống Mỹ). Không có một công trình văn học sử nào về 45 năm văn học Việt Nam từ 1975 đến nay (2020) trong khi lại xuất hiện Văn học Nga hiện đại - những vấn đề lý thuyết và lịch sử” viết về lịch sử văn học Nga hiện đại.

Điều ấy có ý nghĩa gì? Có thể nhận thấy rằng, sau cao trào “đổi mới” (1986-1996) và cao trào “cách tân” đầu thế kỷ XXI (1996-2010), văn chương Việt Nam vẫn phát triển nhưng là phát triển về mặt phong trào. Bao nhiêu trại sáng tác, bao nhiêu chuyến đi thực tế đã góp phần thúc đẩy văn chương phong trào. Ngay cả 1100 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đa phần cũng là những tác giả phong trào, bởi họ sinh hoạt trong các hoạt động phong trào ở địa phương, sáng tác theo yêu cầu của phong trào. Những tác phẩm lớn, những nhà văn lớn chưa xuất hiện.

            2. Ở các Hội Văn học Nghệ thuật địa phương

   Có một sự rập khuôn Hội Nhà văn Việt Nam về các hoạt động ở Hội văn học Nghệ thuật địa phương. Xin đọc tổng kết hoạt động của Hội VHNT Đồng Nai năm 2019:

             Hội đã tổ chức 06 trại sáng tác chuyên đề, tổ chức thành công các sự kiện Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII và Ngày Văn nghệ sĩ Đồng Nai 2019, Ngày Nhiếp ảnh, Ngày Âm nhạc, Ngày Sân khấu Việt Nam; các chương trình biểu diễn nghệ thuật…; Đặc biệt là Hội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2019 -2024) tháng 3/2019 và kỷ niệm 40 năm thành lập Hội (1979 - 2019).

Tr​​​​​ong năm 2019, Hội đã xuất bản, công bố 06 kỳ tạp chí Văn nghệ Đồng Nai, 03 tuyển  tập văn học nghệ thuật, 19 tập sách cá nhân, 05 chương trình ca nhạc, vọng cổ, kịch ngắn; nhiều giải thưởng Ảnh nghệ thuật và Mỹ thuật; nhiều triển lãm ​chuyên đề và triển lãm của​​​ các cá nhân...” (38)

            Ở Hội Nhà Văn Hả Nội và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh còn có Giải thưởng hàng năm. Riêng giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Hà Nội được công luận chú ý. Người ta cũng kỳ vọng ở chất lượng giải thưởng. Song trong nhiều năm qua, trong các tác phẩm được giải, không có tác phẩm nào vượt trội. Và cũng giống như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những tác phẩm được giải không tránh được sự hoài nghi.

            3. Góc ghi nhận

            Tình hình văn học từ 2010 trở đi nhìn chung là trầm lắng. Dòng chảy văn chương vẫn thao thiết. Số lượng đầu sách văn học được in ngày càng nhiều. Năm 2019, riêng nhà xuất bản Hội Nhà văn đã in 1650 cuốn, nhưng  chưa có tác phẩm nào tạo được hiện tượng văn học, chưa có những bước đột phá thực sự về tư tưởng và nghệ thuật, ngay cả những tác phẩm đạt giải cũng lặng lẽ trôi vào quên lãng.

            Dòng văn học Cách mạng và kháng chiến (Văn chương Nhà nước) vẫn được Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương tích cực thúc đẩy sáng tác. Các trại sáng tác, các chuyến đi thực tế, các hội thảo đều hướng sáng tác vào những chủ đề phục vụ chính trị. Số lượng tác phẩm của dòng văn học này là rất lớn, song chưa có một tổng kết đánh giá nào về giá trị của các tác phẩm phong trào này. Có một thực tế là, sau khi trại sáng tác kết thúc, tất cả các tác phẩm của trại viết đều được xếp vào kho để làm vốn cho đời sau (ai cần thì đọc).

            Dòng văn chương dân chủ và nhân văn cũng chững lại, sau cao trào những năm sau đổi mới (1986) dường như các nhà văn đã cạn đề tài? Những vấn đề của quá khứ như Cải cách ruộng đất, hiện thực không Xã hội chủ nghĩa trước đổi mới, đã không còn hấp dẫn. Cho nên tiểu thuyết Kiến, Chuột và Ruồi của Nguyễn Quang Lập dù in ở Mỹ và được Phạm Ngọc Tiến tụng ca lên mây xanh cũng không gây được tiếng vang nào. Tiểu thuyết Mối Chúa của Đãng Khấu (Tạ Duy Anh) viết về việc thu hồi hàng trăm ha đất ruộng để làm nhà máy thép, làm sân golf. đã đẩy hàng ngàn nông dân vào tình cảnh bi đát… Cuốn sách bị Cục xuất bản thu hồi vì lý do: "Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay. Qua đó, tác giả đã vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội. Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn. Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu dốt, tham lam, thủ đoạn. Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn, vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền. Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả tiêu cực có phần tô đậm và có tính khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám (trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251…). Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như hai lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh được chuẩn bị kỹ lưỡng từ vũ khí đến lực lượng bí mật (trang 113, 115, 124, 167, 168, 207, 209, 220, 248…) (39)

            Nếu nhà văn viết về những hiện tượng xã hội như Mối Chúa, thì văn học luôn đi sau hiện thực và không có sức hấp dẫn. Những năm qua, báo chí và các trang mạng xã hội, đã khai thác triệt để những hiện tượng xã hội. Bất cứ người dân nào cũng có thể đưa tin trực tiếp bằng Live Stream trên các smartphone mà văn chương không thể cạnh tranh được. Những đại án xử những vụ tham nhũng lớn cũng đã được xử công khai, khác với thời xa xưa mọi hành vi của cán bộ Nhà nước đều không được tiết lộ, vì thế, ngay cả khi Mối Chúa được phát hành rộng rãi cũng khó gây được hiệu quả văn học nào. Cái thời của Chủ nghĩa Hiện thực phê phán đã lùi xa lắm rồi.

       Văn chương thị trường, sau vụ mùa nở rộ 2014. Đến nay, cũng trở lại im ắng. Năm

2019, công chúng đọc nhiều loại sách về  kỹ năng sống như: Thoát khỏi bẫy cảm xúc hay trò lửa đảo của tâm trí (Tác giả Thiện Từ); Kế hoạch Marketing trên một-trang-giấy (Tác giả Allan Dib); Leap - Đột phá tư duy trong kinh doanh (Tác giả Howard Yu), Thuật nói chuyện hàng ngày (Tác giả Hoàng Xuân Việt) (40). Sách Văn học chỉ có Làm bạn với bầu trời của Nguyễn Nhật Ánh và tản văn Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư (41)

              Thực ra khi các phương tiện nghe nhìn giải trí trở nên quá phổ thông. Chỉ cần một chiếc smartphone, người trẻ có thể xem phim, nghe nhạc, chat với bạn bè và thực hiện Live Strteam các hoạt động cá nhân. Việc đọc sách văn chương không còn là phương tiện giải trí duy nhất như ngày xưa. Hơn nữa, đọc một cuốn sách dày đặc chữ là hết sức vất vả, trong khi xem một bộ phim truyền hình nhiều tập thì hấp dẫn hơn nhiều.

Viết tác phẩm văn chương thị trường không dễ. Bởi công chúng mỗi thời mỗi khác, họ chịu sự tác động bởi nhiều yếu tố truyền thông mang tính toàn cầu hóa (thí dụ phim nước ngoài, sách văn học nước ngoài, các show diễn của các sao thế giới…). Nhà văn Việt Nam không phải ai cũng có năng lực nắm bắt thị trường và có khả năng viết văn chương thị trường. Cuối năm 2019,  nhà văn Khôi Vũ đăng status trên Facebook kêu gọi các nhà xuất bản “giải cứu” bản thảo của ông. Ngày 14/1/2020, nhà văn Trần Nhã Thụy cho biết, lần đầu chi tiền túi in cuốn Ba tao bay ra ngoài cửa sổ và 9 truyện ngắn khác. " Anh xin giấy phép in 500 cuốn, nhưng thực tế chỉ in 300 cuốn và tự mình đi bán. Trên Facebook cá nhân anh cho biết, ngày đầu bán được 100 cuốn.(42).

 Nhà thơ Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà văn, trong Hội nghị công tác văn học 2019 đã đặt vấn đề để: “Thị trường sách của chúng ta là nó có rào. Đây là một thực tế mà chúng ta cần phải suy nghĩ. Vì sao vậy? Đối với thị trường, tôi thấy là nhiều năm nay chúng ta đã đưa ra, đã thảo luận, nhưng mà thị trướng nó có quy luật của thị trường. Chúng ta phải theo thôi. Chúng ta không thương mại hóa, nhưng chúng ta cũng không thể coi nhẹ quy luật của thị trường là, cái nào hay, cái nào có tiếng thì người ta đọc”.

 

NHÌN VỀ MAI SAU

Đó là một câu hỏi viễn tưởng. Giả định rằng tình hình thế giới ổn định, hòa bình (thực tế thì luôn có những biến động bất thường). Giả định rằng tình hình an ninh chính trị, xã hội, kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định và phát triển. Thực tế đất nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Chẳng hạn, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, vấn đề nợ công, ô nhiễm môi trường, việc thiếu năng lượng phục vụ sản xuất, những bất công xã hội và chênh lệch gìau nghèo ngày càng tăng, đạo đức xã hội và giáo dục đã xuống cấp trầm trọng… trong thế giới toàn cầu hóa chuyển động và phát triển như vũ bão hôm nay, thật khó hình dung được 40 năm sau văn chương Việt Nam sẽ như thế nào. Chắc chắn là rất khác, cũng có thể là vẫn như 40 năm qua. Vì tất cả thực lực văn chương Việt Nam đã bộc lộ hết, và các thế hệ tài năng cũng đã qua đi mà tác phẩm lớn vẫn chưa xuất hiện.

Vấn đề là, tài năng văn chương và tác phẩm lớn có xuất hiện hay không! Đã có nhiều cuộc hội thảo bàn về vấn đề này.

            Chẳng hạn, ngày 27, 28/11/2013 tại Tp Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc: “Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thực trạng và giải pháp”.  Có 220 đại biểu tham dự, 70 tham luận, 40 ý kiến phát biểu tại hội thảo. Đề dẫn là PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh, PGS-TS Đào Duy Quát. Đáng chú ý là ý kiến của Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, GS-TS Đinh Xuân Dũng, GS Mai Quốc Liên, GS Phong Lê, GS Trần Thanh Đạm, GS Trần Trọng Đăng Đàn, GS-TS Hồ Sĩ Vịnh, TS Lê Thành Nghị; ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh, Lê Quang Trang, Vũ Quần Phương; nhà văn Chu Lai, Phùng Văn Khai,  Sương Nguyệt Minh, Võ Thị Xuân Hà, Vũ Hạnh…

PGS-TS Nguyễn Hồng Vinh đề nghị các nhà khoa học cần tập trung thảo luận, làm rõ một số vấn đề cơ bản: Làm rõ nội hàm của mục tiêu của Nghị quyết 23 là: "Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao"; hệ thống tiêu chí nào để xác định, định giá tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao? Phân tích thực trạng tình hình sáng tạo văn học, nghệ thuật trong những năm gần đây, chủ yếu tập trung phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của vấn đề chất lượng các tác phẩm văn học, nghệ thuật hiện nay. Từ thực tiễn đời sống sáng tạo văn học, nghệ thuật cụ thể, đề xuất những yêu cầu và hệ thống các giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả sáng tác, lý luận, phê bình, trình diễn, quảng bá để có những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao...(43)

PGS-TS Đào Duy Quát đề xuất 7 chủ trương, giải pháp cơ bản là: 1/. Tiếp tục đồi mới, 2/. Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, chấm dứt can dự thô bạo vào sáng tác, chống thả lỏng. 3/. Nâng cao quản lý Nhà nước. 4/. Phát triển lý luận, nâng cao tính khoa học, tiếp thu có chọn lọc. 5/. Xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ trong thời kỳ mới. 6/. Củng cố các Hội VHNT, tập họp, đoàn kết, phát huy. 7/. Tăng cường xây dựng văn nghệ quần chúng. PGS-TS Đào Duy Quát nhấn mạnh: phải kiên quyết thực hiện đồng bộ 7 giải pháp trên, đưa 7 giải pháp vào đời sống, tạo tiền đề cho thiên tài, coi trọng việc phát hiện tài năng…(nguồn: bản ghi của BCT khi tham dự hội thảo).

Và những gì Hội thảo đề ra (7 giải pháp) hình như chưa chạm vào được thực tế, Nhà thơ Hữu Thỉnh đặt vấn đề, muốn có tác phẩm lớn thì phải có nhà văn lớn, nhưng thế nào là nhà văn lớn? Vấn đề tự do sáng tác cho văn nghệ sĩ? Nhật Ký trong tù được sáng tác trong hoàn cảnh mất tự do nhưng vẫn là tác phẩm lớn!...

Từ đó đến nay, vẫn không thấy bóng dáng thiên tài và tác phẩm đỉnh cao xuất hiện.

 Có lẽ các cấp quản lý văn nghệ có cái nhìn “duy ý chí” chăng? Làm sao có thể áp đặt nhà văn phải thế này, phải thế kia để cho ra một tác phẩm lớn. Thực tế cho thấy, chỉ có tài năng, và cũng chỉ trong những hoàn cảnh xã hội đặc biệt mới có thể sản sinh ra thiên tài và tác phẩm lớn. Chẳng hạn, hoàn cảnh của Nguyễn Trãi và cuộc kháng chiến 10 chống quân Minh xâm lược của Lê lợi mới làm nên Bình Ngô Đại cáo. Tư tưởng lớn của Nguyễn Trãi thời đó là tư tưởng Nhân Nghĩa tiến bộ. Đó là vai trò và sức mạnh của quần chúng: “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phất phới”.

Những tác phẩm lớn thường có nội dung phản ánh một bối cảnh xã hội rộng lớn, cùng với sự thể hiện những tư tưởng lớn. Văn chương Việt Nam thiếu hẳn tư tưởng, thì mong gì có tác phẩm đỉnh cao!

Ở những trại sáng tác, những hội thảo, những Hội VHNT địa phương… người sáng tác chỉ được “định hướng” vào những nhiệm vụ chính trị cụ thể; tư duy sáng tác chỉ quanh quẩn trong cái “ao làng”với một vài “công thức” (thí dụ: công thức “Ta nhất định thắng, dịch nhất định thua”, kết thúc tác phẩm phải là cái nhìn lãng mạn cách mạng…), và để an toàn, người cầm bút tránh đụng đến những vấn đề “nhạy cảm”, thì sẽ không bao giờ có tác phẩm lớn, bởi nhà văn không có khả năng đụng đến những vấn đề lớn của Con người và xã hội.

45 năm văn chương Việt Nam sau 1975 đã có 2 thế hệ, thế hệ Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài… và thế hệ Nguyễn Quang Thiều, Phong Điệp, Văn Cầm Hải… 45 năm tới có thể xuất hiện “thế hệ nhà văn 5G” toàn cầu hóa. Thế hệ 5G là thế hệ mà tác phẩm của họ được trao đổi trên mạng xã hội: sáng tác, phổ biến, mua bán trên mạng và các phương tiện truyền thông. Người đọc tác phẩm bằng smartphone và các phương tiện nghe nhìn. Nhà văn thế hệ 5G hội nhập với dòng chảy văn chương thế giới. Người trẻ do làm việc trong môi trường công nghiệp, hay di chuyển, điều kiện ăn ở bị thu hẹp. Họ sẽ đọc trên các thư viện điện tử. Toàn cầu hóa mở rộng mọi biên giới, và những khác biệt văn hóa được thu hẹp.

Đã có thể nhìn thấy trong bóng dáng những thế hệ kế tiếp của nhà văn Việt Nam trong hình ảnh thế hệ thứ hai, thứ ba nhà Việt Nam văn nước ngoài như Andrew Lam, Monich Trương, Aimee Phan, Lan Cao, Kien Nguyễn, Lê Thị Diễm Thuý, Dao Strom, Nguyễn Minh Bit, Mộng Lan v.v... Kim Lefevr và Linda Le…(dẫn theo A. A. Sokolop), Thuận, Lê Thị Thấm Vân, Lưu Diệu Vân, và gần đây nhất là Viet Thanh Nguyen - nhà văn gốc Việt từng đoạt giải Pulitzer 2016. Tác phẩm của Dương Thụy đã mở rộng biên giới không gian và biên giới văn hóa (Nhắm mắt thấy Paris; Oxford yêu thương; Bồ câu chung mái vòm; Cung đường vàng nắng; Venise và những cuộc tình gondola…)

***

Trong sự phát triển văn chương, Chủ nghĩa hiện thực vẫn giữ nguyên sức mạnh của nó bên cạnh những trào lưu khác. Về nội dung, chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa nhân đạo tiếp tục phát triển ở những tầm vóc mới. Xu hướng dân chủ hóa trong văn học ngày càng mạnh mẽ. Một số nhà văn tự mình có thể sống và viết, tự in tác phẩm và phổ biến tác phẩm. Định hướng “xây dựng nền văn nghệ tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, có tinh thần nhân văn và dân chủ sâu sắc” là một định hướng có giá trị rất xa về phía trước. Dù vậy, văn chương Việt Nam sẽ vẫn chạy theo những trào lưu của văn chương thế giới vì chúng ta không có những nhà lý luận và những nhà văn tiên phong.

Về lý luận văn học, 45 năm qua đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc giữ gìn những quan điểm cơ bản của chủ nghĩa Marx trong văn học (các nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết 23 của Bộ chính trị, trong cương lĩnh và kế hoạch hành động của Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương…), nhưng cũng có những nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc từ bỏ Chủ nghĩa Hiện thực xã hội chủ nghĩa trong sáng tác và lý luận; đồng thời tích cực du nhập các lý thuyết văn học mới vào Việt Nam. Khi hai cuốn Lược khảo văn học III của GS Nguyễn Văn Trung được tái bản (2019) và cuốn Phê bình văn học thế kỷ XX của Thụy Khuê được in ở Việt Nam (2019), tôi thiết nghĩ việc du nhập các học thuyết văn học nước ngoài vào Việt Nam đã khá đầy đủ.

Dẫu vậy, những lý thuyết văn học mới có ảnh hưởng rất ít đến những nhà văn viết theo quán tính của văn chương truyền thống, thậm chí họ không cần lý thuyết văn chương nào cả (thực ra đó chỉ là một cách nói). Và cũng đã đến lúc giới lý luận phê bình nhận ra lý luận văn học phương Tây được đề ra là để đánh giá văn chương phương tây, cần phải có một hệ thống lý luận văn chương Việt Nam. Nỗ lực xây dựng một nền lý luận văn học Việt Nam mới chỉ là bắt đầu và rất khó đạt một sự tổng hợp. Lý luận văn chương của cha ông chỉ là những ý kiến rời rạc du nhập từ Trung Hoa. Từ 1945 đến nay, văn chương Việt Nam được soi chiếu bởi các quan điểm của Marx và Engel. Văn chương miền Nam trước 1975 và văn chương Việt Nam từ đổi mới (1986) đến nay, tuy đã có những thể nghiệm mới từ các lý thuyết nước ngoài (Hiện sinh, Phân tâm học, Cấu trúc luận, Giải Cấu trúc,Thi pháp học, Ký hiệu học, Tự sự học, Lý thuyết trò chơi…) song việc tổng hợp tất cả những nguồn ấy để lọc ra, định vị một hệ thống lý luận văn học Việt Nam, có lẽ phải vài thế hệ nữa mới làm được. Bởi vì, những nhà lý luận văn học Việt Nam hiện nay chỉ có thể diễn giải lý thuyết văn học nước ngoài (ngay cả việc diễn giải vẫn còn hạn chế). Chúng ta chưa có những nhà lý luận thực sự, người có thể đề ra những lý thuyết mới, hoặc từ một lý thuyết cũ phát triển mở rộng những kiến giải mới (như Bakhtin, J.P.Sartre chẳng hạn).

***

Nhìn lại xu thế phát triển của văn chương Việt Nam 45 năm qua, ta có thể thấy lờ mờ con đường phía trước.

Văn chương yêu nước và cách mạng tiếp tục được đẩy mạnh sáng tác như đã được làm trong 45 năm qua. Để có được tác phẩm vượt trội là rất khó. Nhưng vẫn có thể hy vọng có những bộ sử thi kháng chiến như Núi rừng Yên Thế của Nguyên Hồng viết về người anh hùng Hoàng Hoa Thám ngày xưa. Trong nhất thời, tiểu thuyết tư liệu như Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh sẽ là một hướng phát triển. Tuy nhiên những thế hệ nhà văn sau này đứng ngoài chiến tranh sẽ nhìn về chiến tranh với những nhận thức khác. Có người vẫn viết những bản anh hùng ca bằng bút pháp lý tưởng hóa, nhưng cũng có người nhìn chiến tranh ở góc độ khác như Nỗi buồn chiến tranh, Bóng anh hùng, Quán dương cầm, Con chim Joong bay từ A tới Z… hoặc như cách các nhà văn hiện nay khai thác đề tài lịch sử xưa để nói về thời hiện tại (Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh, Hội thề của Nguyễn Quang Thân, Sương mù tháng Giêng của Uông Triều. Năm 2019,  Nguyễn Thế Quang viết Đường về Thăng Long, dựng lại đời hoạt động của tướng Võ Nguyên Giáp, và Hội Nhà văn hoàn thành bộ phim Ý chí độc lập, dài 19 tập về Bác, về các đồng chì lãnh dạo tiền bối của Đảng

Trong tương lai, Hội Nhà văn và các Hội VHNT địa phương là những tổ chức “Chính trị-xã hội-nghề nghiệp” sẽ phải trở về hình thức sinh hoạt dân sự. Các Hội sẽ không còn nằm trong hệ thống hành chính Nhà nước như hiện nay. Gần đây Quốc hội và dư luận đã lên tiếng về việc chi ngân sách hoạt động cho các Hội VHNT. Tôi nghĩ rằng, đến một lúc nào đó tất cả các Hội đều phải tự lực cánh sinh, Nhà nước chỉ còn làm công tác quản lý. Thí dụ, các Hội văn nghệ đia phương sẽ giải thể để thành lập các câu lạc bộ (như kiểu câu lạc bộ thơ lục bát, câu lạc bộ thơ Đường hiện nay). Tuyên giáo tỉnh chỉ cử một hoặc hai nhân viên chuyên trách quản lý. Nhà nước không còn chi ngân sách. Người sáng tác muốn hoạt động văn học thì tự nguyện tham gia một câu lạc bộ nào đó. Và cũng sẽ có những tổ chức văn học nghệ thuật dân sự cấp quốc gia như kiểu Tự lực Văn đoàn ngày xưa hay Nhóm Sáng Tạo ở miền Nam những năm 1960…

Đến lúc ấy văn chương Cách mạng và kháng chiến sẽ bị thu hẹp lại. Chỉ những nhà văn thực sự tài năng và tâm huyết mới có thể tiếp tục viết trong dòng văn học này.

Tuy vậy, trong tình hình chính trị quân sự luôn căng thẳng (tình hình biển Đông chẳng hạn), cuộc đấu tranh tư tưởng để bảo vệ chủ nghĩa xã hội vẫn còn quyết liệt, thì văn học nghệ thuật sẽ còn phải tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ những thành quả các mạng, phản ánh hiện thực cách mạng và góp phần vào cuộc chiến đấu chung của cả dân tộc; nhà văn sẽ vẫn tiếp tục vai trò “chiến sĩ” của Đảng trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Văn chương Nhân văn-Dân chủ hiện nay sẽ chuyển hướng, vì thế hệ cầm bút tương lai không có vướng mắc gì với cải cách ruộng đất, Nhân văn- Giai phẩm, cải tạo xã hội chủ nghĩa, chiến tranh phía Bắc, phía Nam (1979) hay những ngặt nghèo của thời bao cấp. Nói gọn lại, họ không sống trong hiện thực Thời của thánh thần, vì thế họ sẽ không có những bức xúc chuyển hóa thành cảm hứng sáng tác những tác phẩm kiểu như thời kỳ đổi mới (1986-1990) Những tác phẩm như Mối Chúa, Kiến chuột và ruồi sẽ không còn sức hấp dẫn người trẻ thế hệ 5G. Hơn nữa, thế hệ nhà văn coi việc viết là hành động dấn thân cho một lý tưởng cũng không còn, thành ra những nhận thức về Nhân văn-Dân chủ sẽ có nội hàm khác, có thể dễ chấp nhận hơn, kiểu như tác phẩm của Tạ Duy Anh (Bước qua lời nguyền, Giã biệt bóng tối). Dù vậy, những khuyết tật của xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn có thể là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác cho những nhà văn nặng lòng với thế sự.

45 năm tới, văn chương thị trường sẽ là dòng chính, bởi thế hệ người đọc lúc đó là thế hệ sinh ra trong nền kinh tế thị trường, văn chương là của họ. Tuy vậy, văn chương thị trường sẽ không vượt lên được nếu chỉ quanh quẩn trong những chuyện tình đủ mùi vị: lãng mạn, buồn, cô đơn , bế tắc và sex…; bởi, người viết chỉ để giải tỏa những ẩn ức cá nhân, khát vọng nổi tiếng và đáp ứng thị hiếu giải trí của một bộ phận công chúng.

Nhìn vào chợ sách 2014 có thể nhận rõ những mặt hạn chế của văn chương thị trường. Đã có những tác giả mà tác phẩm tái bản nhiều lần, ấn phẩm lên đến hàng trăm ngàn bản (đơn cử: Trong ba năm qua, Hamlet Trương đã có tới 150.000 bản sách (Thời gian để yêu, Thương nhau để đó, Tay tìm tay níu tay), còn Iris Cao cũng chạm con số 100.000 bản sách được bán ra). Nhưng trên con đường văn chương vạn dặm, những  tác giả này vẫn quẩn quanh trong những chuyện tình cá nhân.

Ngoài kia, cuộc sống có bao nhiêu số phận, bao nhiêu vấn đề cần lên tiếng nhưng văn chương thị trường lại quay lưng, thì nó không thể đạt đến giá trị của nghệ thuật và tư tưởng. Từ “đổi mới” đến nay, đã có bao nhiệu sự kiện lớn lao làm thay đổi thế giới và những vận động lớn đưa đất nước hội nhập với nhân loại. Người đọc tuyệt nhiên không thể tìm thấy âm vang thời đại nào trong tác phẩm văn chương thị trường, chỉ có những chuyện tình thuần túy giải trí. Xin đọc các tác phẩm của Gào (Cho em gần anh thêm chút nữa -2009; Nhật ký son môi-2010; Tự sát- 2011; Yêu anh bởi tất cả những gì em có; mất anh bởi tất cả những thứ em cho-2012; Ký ức Northumbria- 2012; Anh sẽ yêu em mãi chứ- 2014; Hoa linh lan-2014; Chúng ta rồi sẽ ổn thôi-2015). Xin đọc Hamlet Trương (Người lớn không khóc; 12 cách yêu; Lên rừng giấu lá; Mùa chia tay; Tay tìm tay níu tay; Haletapu – Hành Tinh Hạnh Phúc;Yêu đi rồi khóc; Có một ai đó đã đổi thay; Yêu một người khó lắm; Thương nhau để đó); và đọc những chuyện tình lãng mạn kết hợp với du ký của Dương Thụy (Nhắm mắt thấy Paris; Oxford yêu thương; Bồ câu chung mái vòm; Cung đường vàng nắng; Venise và những cuộc tình gondola; Tôi nghĩ tôi thích nước Mỹ; Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình; Tắm heo và tắm tiên; Chờ em đến San Francisco; Trả lại nụ hôn)…

Tự Lực Văn Đoàn trước 1945 đã viết được nhiều chuyện tình rất hay (Nửa chừng xuân, Hồn bướm mơ tiên, Đời mưa gió…). Văn chương Sài Gòn trước 1975 cũng đã khai thác chuyện tình với những yếu tố mới hơn, táo bạo hơn (Yêu của Chu Tử; Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng; các tác phẩm của Bà Tùng Long: Một lần lầm lỡ, Duyên tình lạc bến, Đời con gái, Đường tơ đứt mối…). Sở dĩ những tác phẩm ấy còn được nhắc tới bởi tình yêu được miêu tả gắn liền với những vấn đề tư tưởng, đạo lý của xã hội đương thời, nhà văn viết văn dưới ánh sáng một lý tưởng xã hội.

Những chuyện tình của văn chương thị trường hôm nay không đáp ứng được yêu cầu tư tưởng. Tình yêu đơn thuần chỉ là bản năng, thiếu phẩm chất xã hội, vì thế văn chương trở nên nhạt nhẽo. Nếu là một dòng chảy, thì văn chương thị trường chỉ phục vụ thị trường giải trí đơn thuần.

 

***

Hội nhập, “hợp lưu” văn học trong và ngoài nước, văn học miền Nam trước 1975 với văn học xã hội chủ nghĩa là xu hướng mở ra dần dần.

Khi tác phẩm văn chương còn bám chặt lấy hiện thực với những ý thức chính trị khác nhau thì không thể có sự dung hòa nào cả. Người Việt nước ngoài không đọc những tác phẩm văn chương cách mạng, thì người trong nước không thể chấp nhận những tác phẩm văn chương nước ngoài viết với ý thức “chống Cộng” (nhận định của Thụy Khuê) (44). Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh) và Mùa hè đỏ lửa (Phan Nhật Nam) tuy cùng viết về chiến tranh Việt Nam, nhưng không thể đứng chung được trong một môi trường văn học nghệ thuật trái ngược về chính trị và khác biệt về quan điểm văn chương.

Chỉ khi văn chương được viết dưới ánh sáng của truyền thống dân tộc (như Sông Côn mùa lũ của Nguyễn Mộng Giác) lúc ấy văn chương người Việt hải ngoại mới có cơ may “hợp lưu” với văn chương trong nước. Điều này đã trở thành hiện thực khi thơ Thanh Tâm Tuyền, thơ Bùi Giáng, thơ Phạm Thiên Thư, thơ Du Tử Lê, truyện của Dương Nghiễm Mậu, Trần Thị Ngh, sách của Nguyễn Đức Tùng, Thụy Khuê… được in lại và giới thiệu; hoặc tác phẩm của Thuận, của Đoàn Minh Phượng được Hội Nhà Văn Việt Nam trao giải. Paris 11 tháng 8 (Thuận) được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng năm 2006; Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) được trao giải 2007.

Cuộc “gặp mặt lần thứ nhất”: “Nhà văn với sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc”...(20 đến 24/10/2017) do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức là một tín hiệu Đáng mừng. Dù vậy vẫn còn nhiều cách biệt cần có thời gian để hiểu biết nhau hơn.

***

 

Lời bạt

45 năm qua, dân tộc Việt Nam đã trải qua những thăng trầm lớn lao của lịch sử để tồn tại và khẳng định mình trong cộng đồng nhân loại. Việt Nam đã “đổi mới” và hội nhập thành công vào nền kinh tế, chính trị toàn cầu; và đang có những đóng góp vào việc bảo vệ hòa bình, phát triển kinh tết và mở rộng tình hững nghị đối với mọi quốc gia trên thế giới. Nhưng Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức, kể cả những đe dọa đến độc lập chủ quyền.

Bản lĩnh Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, văn hóa và nhân cách Việt Nam là đáng tự hào trước các dân tộc. Nhưng muốn tìm một tác phẩm văn chương nào tiêu biểu cho khuôn mặt dân tộc và mang được phẩm tính nhân loại trong giai đoạn này để giới thiệu với bạn bè thế giới, để làm gương mẫu cho các thế hệ mai sau (như Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi tiêu biểu cho tầm vóc con người và tư tưởng Việt Nam thế kỷ 15), thì văn chương Việt Nam 45 năm qua chưa đáp ứng được.

Văn chương Việt Nam chưa được thế giới biết đến nhiều bởi thiếu tính dân tộc và tính nhân loại, không đặt ra và giải quyết những vấn đề có tính thời đại và tầm vóc toàn cầu. Đó là một nền văn chương vẫn chưa thoát ra khỏi “cái ao làng” phản ánh hiện thực để trực tiếp phục vụ những nhiệm vụ chính trị. Bao giờ văn chương Việt vươn tới tác phẩm tư tưởng, trả lời cho các vấn đề của nhân loại và nói tiếng nói với muôn đời, lúc ấy văn chương Việt mới sánh vai được với những nền văn chương lớn trên thế giới.

 

Tháng 01 năm 2020

 

___________________

Ghi chú

(28)  xuandienhannom.blogspot.com/.../tu-lieu-bai-tuong-thuat-ai-hoi-viii-hoi

(29)  http://trannhuong.net/tin-tuc-7684/thua-nha-tho-tran-manh-hao-toi-xin-ngung-cuoc-tranh-luan.vhtm

(30)   Hàm Đan : http://maivanphan.vn/maivanphan/32/398/793/1528/tranh-luan-van-chuong/giai-thuong-hoi-nha-van-viet-nam-2010-va-2011--hoi-sinh-mot-giai-thuong-danh-gia--nhan-dinh----ham-dan.aspx

(30bis)https://www.phunuonline.com.vn/van-hoa-giai-tri/truyen-thong-dinh-huong-thi-truong-dang-tao-ra-gam-mau-toi-cho-doi-song-van-hoa-68957/?fbclid=IwAR3ZaLYuK4wDm6H9Cs2qdHfIJ3R9TvWtyKuvelSxK_4vuNteODjFwtvAGso)

(31)   http://vannghetre.com.vn/vi/tin-tuc-moi.nd80/-van-hoc-do-thi-mien-nam-1954--1975.i3840.html

(32)   http://www.xuquang.com/j15/index.php?option=com_content&task=view&id=431&Itemid=48).

(33)   http://thuykhue.free.fr/stt/v/VanHocMienNam.html,

(34)   Ghi chép của Đặng Phú Phong: baocalitoday.com/.../van.../hoi-thao-20-nam-van-hoc-mien-nam-1954-1...

(35)   http://vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=21851.

(36)   http://www.vanhoanghean.com.vn/chuyen-muc-goc-nhin-van-hoa/nhung-goc-nhin-van-hoa/van-hoc-viet-nam-o-hai-ngoai,-nhung-van-de-cua-su-phat-trien-hien-nay).

(37)   http://dangcongsan.vn/van-hoc-nghe-thuat/trao-tang-giai-thuong-hoi-nha-van-viet-nam-nam-2010-va-2011-111948.html

(38)   http://hvhnt.dongnai.gov.vn/Pages/newsdetail.aspx?NewsId=2153&CatId=79

(39)   https://tuoitre.vn/dinh-chi-phat-hanh-tieu-thuyet-moi-chua-cua-ta-duy-anh-20170921124459155.htm

(40)   https://waka.vn/top-nhung-cuon-sach-best-seller-2019-fjL0W.html

(41)    https://www.nxbtre.com.vn/diem-tin/nxb-tre-12-tua-bo-sach-an-tuong-cua-nam-2019-33851.html

(42)    https://vnexpress.net/giai-tri/tran-nha-thuy-mat-6-nam-hoan-thanh-tieu-thuyet-hat-3074419.html

(43)    https://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/21766702-phan-dau-sang-tao-nhieu-tac-pham-van-hoc-nghe-thuat-co-gia-tri-cao.html

(44)Thụy Khuê: Thử tìm một lối tiếp cận văn học sử về Hai mươi nhăm năm Văn học Việt Nam hải ngoại 1975-2000. http://thuykhue.free.fr/tk99/tiepcan.html


_________________________________

 

 Tác giả gửi cho viet-studies ngày 16-1-20