Phê bình văn học-
Diện mạo của một thời
TS Chu Văn Sơn, Nhà phê bình tài hoa
Bùi Công Thuấn
TS. Chu Văn Sơn là giảng viên khoa Văn Đại học sư phạm Hà Nội. Học trò
ca ngợi ông trên báo là “người
thầy tài hoa, nhà phê bình tài hoa, nhà văn tài hoa “[1]. Những
lời tụng ca này quá đủ vinh quang cho một đời cầm bút. Bởi trong văn
chương, rất hiếm người tài hoa. Văn học Việt Nam đương đại chỉ có mình
Nguyễn Tuân xứng với sự vinh danh này.
Trong những bài phê bình, TS Chu Văn Sơn có nhiều phát hiện tinh tế, sâu
sắc, có cách viết bay bổng nghệ sĩ, và một giọng văn riêng, vừa gần gũi
bình dân vừa thanh lịch. Nhiều người đã viết về tài năng văn chương của
ông đủ để định dạng một cây viết phê bình có phong cách riêng.
Bây giờ ông đã thành người thiên cổ, song những trang văn của ông vẫn là
những diễn ngôn của ông đối với hôm nay, vì thế tôi chỉ xin được chia sẻ
đôi điều về những bài phê bình văn chương của ông.
ĐÀN GHITA CỦA LORCA
[2]
Bài giảng bình Đàn ghi ta của
Lorca, thơ Thanh Thảo của TS Chu Văn sơn là một bài viết khá công
phu.
Tôi không lặp lại nội dung những gì ông viết, nhưng ghi nhận được những
điều sau đây.
TS Chu Văn Sơn nỗ lực giải mã bài thơ, nhưng ông sa vào các chi tiết mà
không phát hiện ra bút pháp chính của bài thơ là
bút pháp Siêu thực. Bút pháp
Siêu thực sử dụng những hình ảnh tượng trưng, phi logic, hoang tưởng,
ngẫu nhiên. Nếu đọc và giảng bình bài thơ theo kiểu nhận thức lý trí
logic thì sẽ không thể hiểu. Chính ông cũng tự nhận rằng: “đọc
kĩ hơn thì thấy hình như có một nghĩa lý nào đó hay hay, chứ không hẳn
chỉ là những con âm rỗng nghĩa. Nhưng
thực hư ra sao, thì cứ tù mà tù
mù
…”.
Ông đã đọc kỹ hơn mà vẫn thấy “tù
mà tù mù”, nghĩa là không thể hiểu được ý nghĩa của những hình ảnh,
những câu, những chữ nói điều gì. Bởi đó là hình ảnh siêu thực. ”Cái
biểu đạt” không dẫn về “Cái
được biểu đạt”, cũng không dẫn tới một “Cái
biểu đạt khác”, vì thế ông không thể suy diễn, dù là những ấn tượng
cảm tính. Cánh cửa nghệ thuật đóng chặt trước mặt ông, giống như Hoài
Thanh ngày xưa bất lực trước thơ của Xuân Thu Nhã Tập. Ông càng suy đóan
thì lại càng chông chênh. Ông hoài nghi ngay cả điều ông khẳng định. Ông
viết: “Mà
cũng không chỉ vay cấu trúc thuộc văn bản khúc ca, anh còn mượn cả lối
diễn tấu ca khúc để làm giàu cho hình thức thơ nữa. Đàn
ghi-ta của Lorca là một "ca" như thế chăng?”
Trong bài viết của ông có rất nhiều câu hỏi hoài nghi như vậy (không
phải là câu hỏi tu từ):
“Gốc
gác âm nhạc của chúng, đôi khi, chỉ còn là kí ức xa xăm. Đó phải chăng
cũng là một kiểu hoà nhập tiếp biến?”
“ngôn
ngữ của nhạc, cấu trúc của ca khúc sẽ bắc những nhịp cầu tương giao để
hồn kẻ hậu sinh nói lời đồng điệu với bậc tiền nhân của xứ sở Tây ban
cầm. Ngón ấy chẳng tương thích sao
?”
“Nhờ
đó, hình tượng Lorca và suy cảm Thanh Thảo đã nói chung một thứ tiếng là
dòng thi liệu đã trộn vào nhau đó. Thì tương giao, tâm giao cũng còn là
thế chứ sao ?”
“Có
phải câu ấy được viết theo lối "nghệ thuật sắp đặt" không, mà cứ đơn
giản y như đặt hai hình ảnh bên nhau : giọt
nước mắt - vầng trăng thế thôi ?”;
“
Vì không thể thâm nhập được vào cấu trúc thơ, ông đã bỏ qua những câu
thơ, đoạn thơ rất hay. Đây là một đoạn ông né tránh:
“tiếng ghi -ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng
ghi -ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi -ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi -ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng...”
Xin đọc một đoạn ông bình tán câu cuối đoạn thơ trên:
“Riêng cái câu giọt
nước mắt vầng trăng trong đoạn bày tỏ nỗi đau xót và tiếc
thương trước cái chết hết sức thương tâm của Lorca mà lời thơ kết hợp cả
trượng trưng thơ Đường với
tượng trưng Thơ Mới :
không
ai chôn cất tiếng đàn/
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
cũng thấy được vẻ súc tích của nó. Có phải câu ấy được viết theo lối "nghệ
thuật sắp đặt" không, mà cứ đơn giản y như đặt hai hình ảnh bên nhau
: giọt nước mắt - vầng trăng thế
thôi ?”
“Thú
thực, khi mới đọc bài thơ này trong tập Khối
vuông Rubic, tôi thấy cái chuỗi kia là một nét lạ, nhưng nhác
nghĩ: lại một trò "tân hình thức"
đây. Cha Thanh Thảo này cũng bày đặt gớm. Nhưng đọc kĩ hơn thì thấy hình
như có một nghĩa lý nào đó hay hay, chứ không hẳn chỉ là những con âm
rỗng nghĩa. Nhưng thực hư ra
sao, thì cứ tù mà tù mù…”
Lưu ý rằng, hai câu thơ này đi cặp đôi với nhau mới tạo nghĩa, nhưng ông
bỏ mất câu sau:
“giọt nước mắt vầng trăng/ long lanh trong đáy giếng”.
Trong đoạn bình thơ trên, Chu Văn Sơn còn lộ ra điều này. Ông đã không
hiểu đoạn thơ được viết bằng bút pháp Siêu thực, mà còn gán cho đoạn thơ
là thơ “Tân hình thức”, “nghệ
thuật sắp đặt”. Nghĩa là ông không biết gì về hai thể thơ này (Thơ
Tân hình thức và nghệ thuật sắp đặt”) mà cứ viết bừa cho nó ra vẻ “uyên
bác” và hiện đại! Có lẽ ông nên hỏi lại Khế Yêm về thơ Tân hình thức
và đọc thơ Nguyễn Thúy Hằng để hiểu thế nào là nghệ thuật sắp đặt.
Nói về bài thơ này và nghệ thuật Siêu thực thì dài dòng, xin chia sẻ với
ông và bạn đọc bài BCT viết về
Đàn ghita của Lorca đăng trên báo
Giáo dục và Thời đại số
144, ngày 17.6.2013, hoặc xin đọc theo link dưới đây [3]
Đoạn văn sau đây là đặc trưng
phong cách ngôn ngữ của Chu Văn Sơn: tài hoa, dân dã, có ý thức sáng
tạo từ (kiểu Nguyễn Tuân). Ông nhận xét về Thanh thảo: ”Còn
để viết thơ ngắn, lắm khi anh lại
giật tạm cấu trúc của ca
khúc. Có lúc thì đem về lai ghép
để tạo ra một diện mạo mới. Cũng có lúc lại
làm theo kiểu biến đổi gen
mà tạo ra giống mới. Nhiều bài thơ ngắn được anh tổ chức
khá ngon lành theo thể thức
của bài hát. Dáng của chúng
nhang nhác như những ca-khúc-thơ.”.
Tôi không thấy Chu Văn Sơn lý luận dựa trên bất cứ lý thuyết văn học
nào. Đó hoàn toàn là nhận thức cảm tính; ấy là chưa kể những phép so
sánh không tạo ra nghĩa học thuật. Làm gì có loại thơ “làm
theo kiểu biến đổi gen mà tạo ra giống mới”!
NGUYỄN MINH
CHÂU VÀ THI PHÁP “GÓI RÀO”[4]
Bài viết này TS Chu
Văn Sơn cũng có nhiều phát hiện tinh tế, sâu sắc, thú vị. Người đọc có
thể nhận ra sự say sưa của ông khi nói về truyện ngắn này. Ông cũng bắt
chước Nguyễn Tuân “chế” ra những từ mới, hoặc mượn cách nói bình dân cho
có “tính quần chúng” như: Thi
pháp gói rào.
Đây là hư chiêu đã đến mức quái chiêu.
Nói dzậy mà không phải dzậy.
Hư chiêu khác của Nguyễn Minh Châu tạm gọi là “bâng quơ hóa”. “quán tính
chữ”, Một chiêu khác của
Nguyễn Minh Châu là “vu hồi chữ”…Những
cách nói năng này làm nên “phong cách ngôn ngữ” của Chu Văn Sơn, tôi xin
không bàn đến, vì phong cách thuộc về “cái tạng” trời sinh của người
viết.
Tôi không nói về nội dung và giá trị của bài viết mà chỉ xin chia sẻ về
cách ông giải mã truyện ngắn này.
Về cấu trúc truyện, theo tôi,
Chiếc thuyền ngoài xa có 2
câu chuyện: Chuyện nghệ sĩ Phùng đi chụp ảnh, và chuyện bạo hành trong
gia đình người đàn bà hàng chài mà Phùng chứng kiến và kể lại. Mỗi câu
truyện có một chủ đề riêng. Hai câu truyện ghép lại tạo nên chủ đề thứ
ba. Đây là điều đáng nói và phải làm rõ, nhưng Chu Văn Sơn đã không làm
được.
Chiếc thuyền ngoài xa
được xây dựng bằng nhiều tình
huống liên tiếp dẫn đến chủ đề: Tình huống 1, bất ngờ Phùng chụp
được bức ảnh đẹp chiếc thuyền
ngoài xa. Tình huống 2, bất ngờ Phùng chứng kiến cảnh bạo hành của
người đàn ông và người đàn bà chài, họ ở trên con thuyền ấy, bước lên
bờ, ngay trước mặt chỗ Phùng đứng. Tình huống 3, Phùng chứng kiến cảnh
bạo hành lần thứ hai dữ dội hơn. Tình huống 4, bất ngờ ở tòa án khi
Phùng nghe người đàn bà chài nói về hoàn cảnh của mình. Tình huống 5,
trong đêm bất ngờ cơn bão ập đến và Phùng chứng kiến một
chiếc thuyền ngoài xa đang
chống chọi trong sóng gió. Và tình huống 6 (tình huống cuối), Phùng thấy
người đàn bà từ bức ảnh trong tờ lịch treo tường bước ra hòa vào đám
đông. Sáu tình huống liên tiếp
nhau giúp Phùng và người đọc khám phá vấn đề, và sau cùng nhận ra
chủ đề.
Chu Văn Sơn chỉ thấy có một cốt truyện và một tình huống là:
“Đọc truyện này, có lẽ ai cũng bị hút vào
câu chuyện gia đình hàng chài
và xem nó là hạt nhân duy nhất rồi, những tình tiết khác chỉ là râu
ria. Theo đó, tình huống truyện
được xác định là một tình thế,
cụ thể là tình thế nghịch lí. Một người vợ tốt mà luôn bị chồng hành hạ;
luôn bị hành hạ dã man mà luôn từ chối mọi can ngăn; cả đời bị bạo hành
mà một mực gắn bó với kẻ bạo hành; thà bị bỏ tù chứ nhất quyết không bỏ
kẻ hành hạ mình; chồng đánh vợ, con đánh bố; bị chồng đánh đập đau đớn
thì nín thinh, nhìn con đánh bố vì che chở mình lại van xin khóc lóc Một
cuộc sống như thế còn gì nghịch lí hơn?”
Rõ ràng Chu Văn Sơn không nhận dạng được yếu tố “tình huống” trong cấu
trúc truyện là gì. Ông gọi tình huống “là
một tình thế”, từ đây dẫn đến nhầm lẫn trong suốt bài viết.
Chu Văn Sơn viết tiếp: “Lùi xa
một chút sẽ thấy chuyện gia đình này lại nằm lọt thỏm trong một cái
khung rộng hơn: Chuyến đi thực
tế tới làng chài miền duyên hải của nghệ sĩ Phùng. Đây mới là
sự kiện trùm lên cả thiên
truyện. Bình thường, việc kể bắt đầu bằng một chuyến công tác chỉ là
phần dựng, tạo không khí, nghĩa
là một phần rất phụ nhằm dẫn vào phần chính. Nhưng đây không thế.
Phần tưởng phụ, hóa ra không hề phụ.”
Chu Văn Sơn đã không nhận ra việc Phùng đi chụp ảnh là một
câu truyện, có mở đầu, có kết
thúc riêng và có chủ đề riêng. Đây không phải
“là một sự kiện bao trùm lên cả
thiên truyện” mà là một
truyện có cấu trúc có giá trị tư tưởng và thẩm mỹ. Nếu là một
sự kiện thì không có
những giá trị này, sự kiện
chỉ là một hoàn cảnh, một tình huống góp phần tạo nên câu truyện. Sai
lầm này của Chu Văn Sơn khiến cho việc đọc tác phẩm của ông, dù có chỉ
ra nhiều “chiêu, hư chiêu,
quái chiêu” trong “thi
pháp” của Nguyễn Minh Châu cũng không lý giải được đặc sắc nghệ
thuật của tác phẩm. Dù đã dài dòng và hết sức lúng túng luận giải bao
biện, Chu Văn Sơn vẫn khẳng định: “Chiếc
thuyền ngoài xa trước hết được ẩn kín trong một cốt truyện với
một kiểu tình huống”. Hiểu
như vậy, ông như người đứng trước một tòa lâu đài mà cánh cửa đã đóng
chặt.
Đoạn kết truyện là đoạn rất hay về nghệ thuật nhưng Chu Văn Sơn không
đọc được. Đoạn kết hoàn tất câu chuyện đi chụp ảnh của Phùng, tạo nên
một chủ đề. Đoạn kết cũng liên kết câu truyện của Phùng và của người đàn
bà hàng chài, tạo nên chủ đề thứ 3, sau chủ đề về bạo hành gia đình.
Đọan kết này mượn một mô típ trong truyện dân gian
Bích câu kỳ ngộ [5], người
thiếu nữ đẹp từ trong tranh bước ra, gặp gỡ và chung sống với Tú Uyên.
Đọan kết này học cách viết về ấn tượng trong đoạn kết
Số phận con người của
Sôlôkhốp. Nguyễn Minh Châu đã có một sự tổng hợp khá sâu sắc về nghệ
thuật trong phần kết này. Mọi ý tưởng, mọi chủ đề đều sáng lên từ đoạn
kết này. Rất tiếc Chu Văn Sơn không hề động bút đến một chữ nào của đọan
này, thành ra bài viết của Chu Văn Sơn chưa đi tới đích.
Ông viết rất dài, biện luận rất nhiều, xoay trở đủ bốn phương tám hướng,
nhưng vẫn không sao khám phá ra cấu trúc tác phẩm để giải cấu trúc tìm
ra những nghĩa ẩn mật, những nghĩa bị bỏ sót (thí dụ ý nghĩa của đoạn
kết). Tôi ngờ rằng ông không thủ đắc được bất cứ lý thuyết phê bình nào
khi đọc tác phẩm văn học. Có lẽ ông giống Hoài Thanh, viết phê bình bằng
trực giác cảm tính, và bắt chước Nguyễn Tuân, viết “ngông” vậy thôi!
“NHẬN
XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN”
TS Chu Văn Sơn
(ĐHSP Hà Nội) là người phản biện trong hội đồng chấm Luận văn Thạc sĩ
khoa học (lần I) cho học viên Đỗ Thị Thoan. Đề tài: “Vị
trí kẻ bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa”.
Sau biện giải trình bày ý kiến nhận xét của mình, ông kết luận: “Học
viên xứng đáng nhận học vị Thạc sĩ Ngữ Văn. Trân trọng đề nghị hội đồng
thông qua”
Sau đây là văn bản nhận xét của ông về bản luận văn này:
“NHẬN
XÉT LUẬN VĂN THẠC SĨ NGỮ VĂN
Đề tài: Vị trí kẻ
bên lề: Thực hành thơ của nhóm Mở Miệng từ góc nhìn văn hóa.
Học viên: Đỗ Thị
Thoan
Người phản biện: TS
Chu Văn Sơn
1.
Về ý nghĩa đề tài.
Trong đời sống văn học đương đại, vấn đề “chính thống”-”bàng thống”,
“trong luồng”-”ngoài luồng”, “trung tâm”-”ngoại vi”/”ngoại biên”/ “bên
lề”-”ngoài lề”, “dòng nổi”-“dòng chìm, “phụ lưu”-“chủ lưu”…mới được đặt
ra như một trong những điểm nóng, một vấn đề nhạy cảm, một xoáy nước của
mối quan tâm xã hội. Nó nảy sinh từ nghệ thuật nhưng không dừng lại ở
nghệ thuật. Nó là vấn đề thân phận của những xu hướng sáng tạo, nhìn từ
nghệ thuật. Nó là vấn đề vị thế của những nhóm sáng tạo trong sân chơi
văn hóa, nhìn từ văn hóa. Nó là vấn đề bình đẳng dân chủ nhìn từ xã hội.
Và cuối cùng là vấn đề quyền lợi/ quyền lực, nhìn từ góc độ chính trị.
Vì thế đây là vấn đề phức tạp. Rút dây dễ động rừng. Nhưng giải quyết
được vấn đề này thì ý nghĩa của nó không dừng lại ở chuyện văn chương.
Mà sẽ có những tác động tích cực đối với hệ thống xã hội nói chung.
Việc lựa chọn đề tài này đòi hỏi
người viết phải có một tinh thần
can đảm, xông xáo, dấn thân, liều mình nữa (nghĩa là tinh thần tiền
vệ, tiền phong), sau đó mới là những hành trang khác như lý thuyết hiện
đại-những lý thuyết không thuần túy văn chương hay văn hóa- và một tư
duy sắc xảo. Vì thế tôi đánh giá đây lả một đề tài có ý nghĩa khoa học.
2.
Học viên đã là cây
bút khá trưởng thành
trước khi làm thạc sĩ, vì thế những thước đo thông thường để đánh giá
một bản luận văn, không thích hợp với việc đánh giá bản luận văn này.
Tôi coi trọng hai vấn đề: 1/
Quan niệm của học viên. 2/ Cách làm của học viên. Để triển khai đề
tài như thế này, nếu người viết không có một quan niệm đúng đắn và chắc
chắn về giá trị thì rất khó tránh khỏi sự chệch choạc và việc luận giải
dù thông minh đến đâu cũng khó có được sự thuyết phục. Cụ thể là quan
niệm về cái Tục và vị thế của một nhóm sáng tạo. Tôi cho rằng học viên
đã có được sự tỉnh táo khi, về căn bản, không coi cái Tục của nhóm Mở
Miệng như một giá trị đáng ghi nhận mà như một vũ khí dùng để bộc lộ
những quan điểm của họ. Theo tôi, quan niệm như vậy là chấp nhận được.
Cách làm của học viên là vừa vận dụng lý thuyết mới về văn hóa để nhìn
nhận, vừa huy động sự sắc xảo của mình để lý sự và nhất là sự nhiệt
thành của mình để khẳng định. Tôi cho đây là cách làm có thể khiến những
người cùng quan điểm ủng hộ.
3.
Về năng lực của học
viên
bộc lộ quan bản luận văn này: Năng lực báo chí rất mạnh đã chi phối từ
nhãn quan đến tư liệu và các thao tác làm việc. Trong triển khai có thể
thấy tính phê bình trội hơn nghiên cứu, tính chất đấu tranh xã hội mạnh
mẽ hơn luận giải văn hóa, sự sắc xảo của lý trí mạnh hơn sự tinh tế của
mỹ cảm, và giọng “lý sự búa xua” đầy tính chủ quan luôn có xu hướng áp
đảo. Đây là những mặt mạnh và cả những nhược tật trong năng lực của học
viên
4.
Nhìn chung, bản
luận văn cho thấy tác giả là
người có tài trong học thuật văn chương, nếu chịu khó khắc phục
những phía thái quá, trong giọng điệu, trong nhãn quan thì sẽ toàn diện
và có triển vọng đi xa trên con đường học thuật.
Học viên xứng đáng nhận học vị
thạc sĩ Ngữ văn. Trân trọng đề nghị hội đồng thông qua.
Hà nội ngày 01
tháng 12 năm 2010.”[6]
Qua bản nhận xét phản biện này, TS Chu Văn Sơn có những nhận xét xác
đáng về năng lực, điểm mạnh và nhược tật trong năng lực của học viên Đỗ
Thị Thoan. Ông cũng đã khôn ngoan nhắc nhở Đỗ Thị Thoan về tính “nhạy
cảm” của đề tài: “đây
là vấn đề phức tạp. Rút dây dễ động rừng”.
Tuy nhiên ông không nói rõ “động rừng” là đụng chạm đến điều gì, đụng
chạm với ai? Và ông cũng né tránh bày tỏ thái độ khi viết: “Tôi
cho đây là cách làm có thể khiến những người cùng quan điểm ủng hộ.”Người
đọc không biết ông có ủng hộ hay không. Nhưng kết luận văn bản này thì
mọi chuyện đã rõ: “Học
viên xứng đáng nhận học vị thạc sĩ
Ngữ văn. Trân trọng đề nghị hội
đồng thông qua.”
Tôi ngạc nhiên vì văn bản có tiêu đề là
Nhận xét luận văn thạc sĩ Ngữ văn,
nhưng nội dung lại tập trung vào
năng lực của người viết luận văn rằng:
“bản
luận văn cho thấy tác giả là
người có tài trong học thuật văn chương…
Học viên xứng đáng nhận học vị thạc sĩ
Ngữ văn.
TS Chu Văn Sơn không có một lời nào nhận xét, đánh giá nội dung luận
văn. Ông cũng né tránh không giải quyết vấn đề đặt ra là, luận văn:”giải
quyết được vấn đề này thì ý nghĩa của nó không dừng lại ở chuyện văn
chương. Mà sẽ có những tác động tích cực đối với hệ thống xã hội nói
chung”.
Ông không cho biết luận văn có giải quyết được vấn đề hay không, và giải
quyết được đến đâu. Ông chỉ nói rất sơ sài về
quan niệm của tác giả luận văn
“không coi cái Tục của nhóm Mở Miệng như một giá trị đáng ghi nhận mà
như một vũ khí dùng để bộc lộ những quan điểm của họ”. Có lẽ ông
chưa đọc thơ của nhóm Mở Miệng, và chỉ đọc thấp thoáng luận văn. Với
những ấn tượng tốt về Đỗ Thị Thoan, ông viết một bản nhận xét “lạc đề”
như ở trên.
Nội dung của Luận văn không phải chỉ là cái Tục của nhóm Mở Miệng.
Vấn đề của luận văn này là sự thất bại của Đỗ Thị Thoan trong việc ứng
dụng một lý thuyết văn hóa để đấu tranh giành chỗ đứng cho nhóm Mở
Miệng.[7] Đỗ Thị Thoan không ngừng nói về Mở Miệng như là
cách tân, cách mạng.
Vấn đề của luận văn này còn là vấn đề diễn ngôn. Đỗ Thị Thoạn chọn đứng
về phiá Lề, cùng với những người bên Lề (nhóm Mở Miệng), dùng lý thuyết
“Trung tâm-ngoại vi” để “giải”
cái trung tâm, cái chính thống, để
lật đổ cái chính thống già cỗi,
cản trở sự tiến lên của văn học, của xã hội. Đỗ Thị Thoan viết:
“Quá
trình ngoại vi hóa (marginalization), như một hệ quả của nỗ lực
giải trung tâm, trở thành
cách mà cái ngoại vi, cái bên lề lựa chọn để chống lại sự trấn áp và
tiêu diệt của trung tâm, cũng là cách để cái bên lề tồn tại như một cái
khác (Other) với chính kinh nghiệm bên lề của nó.
Cái bên Lề xuất hiện đòi làm
cách mạng khi cái trung tâm
trở nên cỗi già...
“…Nhìn
trên diện rộng, giải trung tâm trong văn học Việt Nam cũng đồng nghĩa
với quá trình ngoại vi hóa,
hay ngoại vi hóa là để giải trung tâm văn học dòng chính, giải trung tâm
cái chính thống”;
“...[cái
chính thống] có một nghĩa là
thống nhất, dưới sự lãnh đạo của
Đảng...;
Hội Nhà Văn, báo Văn Nghệ, nhà xuất bản Nhà nước.
Chính thống trong nhiều năm là nói theo
ý thức hệ chính thống. Nó
trở nên già cỗi và trở thành lực cản”…
“…Chính nhờ vào sự
chơi tự do của tác giả và của người đọc mà ngôn ngữ thơ có thể mở nghĩa...
tái định nghĩa cái đã có, nhất là những cái đã và đang có nguy cơ biến
thành chân lý, thành thiết chế, như thiết chế của
niềm tin tuổi trẻ [về thời
hoa đỏ, về lựa chọn chẳng hạn], thiết chế về thơ, thiết chế
về quá khứ dân tộc, về Hồ Chí
Minh, về lý tưởng… Tất cả
những tín điều đó được khai thác, bị tra vấn
và hoài nghi – và lật đổ -
nhất là lật đổ với tiếng
cười, thì đó chẳng phải
cái làm nên sức sống của thơ, chẳng phải là nỗ lực không mệt mỏi của
nghệ thuật?”
Đó là diễn ngôn của Đỗ Thị Thoan ntrong
Luận văn.
Tại sao TS Chu Văn Sơn lại không chú ý đến diễn ngôn của Đỗ Thị Thoan?
TS Chu Văn Sơn nhận xét rằng Đỗ Thị Thoan là người
“có một tinh thần
can đảm, xông xáo, dấn thân,
liều mình nữa”.
J.P.Sartre nói về “văn học dấn
thân” như thế này: « Nhà
văn dấn thân biết chữ nghĩa… là những ‘khẩu súng đã nạp đạn’. Nếu
hắn nói ra là hắn bắn…”.
Diễn ngôn của Đỗ Thị Thoan bắn
vào ai thì đã rõ.
Vì thế luận văn không chỉ là luận văn, mà còn là chính thái độ hành động
của người viết. TS Chu Văn Sơn đã không phản biện nội dung luận văn,
cũng không phản biện thái độ diễn ngôn của tác giả. TS còn né tránh “vấn
đề phức tạp, rút dây dễ động rừng”.
Tôi cho rằng văn bản phản biện này không giúp ích gì cho học viên Đỗ Thị
Thoan, làm “mù” thêm hội đồng chấm giải.
XIN ĐƯỢC
CHIA SẺ
Tôi đã đọc ba bài viết về ba thể loại khác nhau của TS Chu Văn Sơn: Thơ,
truyện và Luận văn. Ông có những nhận xét, phát hiện tinh tế, sâu sắc.
Ông cũng có những trang văn đầy say mê, khoáng đạt, tung tẩy ngòi bút
đến tận cùng cảm hứng của mình (cái mà có người gọi là tài hoa). Những
điều ấy làm nên phong cách và giá tri trang văn của ông.
Nhưng ông cũng bộc lộ những “hạn chế chết người” về tri thức và năng lực
trong nghiên cứu và phê bình như đã phân tích ở trên. Tôi nghĩ trang văn
của ông cần giá trị học thuật hơn là sự bay bổng của trực giác cảm tính
được viết dựa vào năng khiếu trời cho.
Nhưng có lẽ là rất khó, vì ông không thể vượt qua cái bóng của chính
mình!
Tháng 4. 2017
______________
[1] Hồ Tấn Nguyên Minh
–Tài hoa Chu Văn Sơn:
http://vanvn.net/chan-dung-van/tai-hoa-chu-van-son/471
[2]
http://buithanhvinh.blogspot.com/2011/08/chu-van-son-binh-bai-tho-ghi-ta-cua.html
[3] Bùi Công Thuấn-Đàn
ghita của Lorca:
https://buicongthuan.wordpress.com/2017/04/04/dan-ghita-cua-lorca-thanh-thao/
[4] Chu Văn Sơn-
Nguyễn Minh Châu và thi pháp “gói
rào” trong Chiếc thuyền ngoài xa:
[5] Bích câu kỳ ngộ-
http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=20693
[6] TS Chu Văn Sơn-Nhận
xét luận văn thạc sĩ Ngữ văn
https://junglepoetry.wordpress.com/2014/03/30/ho-so-bao-ve-luan-van-2010/
[7] Xem thêm bài
viết của Bùi Công Thuấn: “LUẬN
VĂN
NHÃ THUYÊN”,
Hay sự thất bại của việc vận
dụng lý thuyết trong nghiên cứu?:
https://buicongthuan.wordpress.com/2017/03/03/luan-van-nha-thuyen-hay-su-that-bai-cua-viec-van-dung-ly-thuyet-trong-nghien-cuu/
|