Robert Zoellick:
The Peril of Trump’s
Populist Foreign Policy Người dịch: Huỳnh Hoa
Mối hiểm họa của chính sách
ngoại giao dân túy của Trump
Robert B. Zoellick (*)
Cung cách thương lượng của ông ta
đề cao sự mơ hồ và chiến thuật bên miệng hố chiến tranh mà không hề có
kế hoạch cho những gì sẽ xảy ra sau đó.
Hồi đầu năm nay một trong những chính khách lão thành của Hoa Kỳ tiên
đoán rằng nỗi khao khát thành công của ông Donald Trump sẽ đẩy ông tổng
thống tới một chính sách ngoại giao có tính truyền thống hơn. Tôi phản
bác rằng, điều đó phụ thuộc vào cách ông Trump định nghĩa thế nào là
thành công. Giờ đây chúng ta đã có câu trả lời: chính sách ngoại giao
của ông Trump phản ánh bản năng của ông ta trong việc tái sắp xếp chính
trị trong quốc nội, dựa trên chủ nghĩa dân túy của người nổi tiếng.
Các phong trào dân túy được kích thích bởi nỗi phẫn uất và sốt ruột với
chính trị truyền thống. Những nỗi uất hận – dù được sinh ra từ những
thất bại về kinh tế, xáo trộn xã hội hoặc thách thức văn hóa – đã tiếp
thêm nhiên liệu cho tâm lý hoài nghi các thiết chế và giới tinh hoa.
Những kẻ thách đố (những người muốn trở thành giới tinh hoa mới) tấn
công vào các nhà lãnh đạo truyền thống như là những người tham nhũng,
bất tài và xa cách.
Ông Trump huy động những người ủng hộ bằng cách công bố ba giả định của
chủ nghĩa dân túy. Trước tiên, chủ nghĩa dân túy tự nhận là sự phản ánh
ý chí của những người bị khinh rẻ. Bà Hillary Clinton gọi đó là “những
người đáng trách” (deplorables).
Ý chí của người dân không chấp nhận thái độ khoan dung của chủ nghĩa đa
nguyên và khinh bỉ cái quan điểm chính trị dựa trên bản sắc
(identity politics) của đảng
Dân chủ.
Hai là, chủ nghĩa dân túy tìm kiếm và đổ lỗi cho các kẻ thù, trong nước
hoặc nước ngoài, là người cản trở ý chí của nhân dân. Ông Trump là bậc
thầy trong việc lăng nhục những con dê tế thần như vậy.
Ba là, chủ nghĩa dân túy cần có “lãnh tụ”, người có thể nhận biết và thể
hiện ý chí của nhân dân. Cũng như các lãnh tụ dân túy khác, ông Trump
tấn công những thiết chế bị cáo buộc là không chính danh tồn tại giữa
ông ta và nhân dân. Các giải pháp của ông, cũng giống như của các nhà
dân túy khác, là rất đơn giản. Ông khẳng định rằng, các định chế chính
trị sử dụng tính phức tạp để gây nhiễu loạn và che giấu những hành động
sai trái, những lỗi lầm. Ông tuyên bố, ông sẽ sử dụng bí quyết thương
lượng của ông để đi tới kết quả mà không yêu cầu công chúng phải trả
giá.
Các chính sách ngoại giao của ông Trump phục vụ các mục đích chính trị
của ông ta chứ không phục vụ lợi ích của đất nước. Ông nói Hoa Kỳ cần
phải xây một bức tường để ngăn người Mexico xâm nhập – và Mexico phải
trả chi phí xây bức tường đó. Ông khẳng định, ông sẽ ngăn chặn người Hồi
giáo đến Hoa Kỳ để làm hại chúng ta. Chính sách thương mại theo chủ
nghĩa bảo hộ của ông được cho là sẽ chấm dứt chuyện người nước ngoài tạo
ra thâm thủng thương mại, đánh cắp công ăn việc làm và làm giàu cho giới
tinh hoa quản trị các tập đoàn công ty. Ông Trump cũng khẳng định các
đồng minh của Hoa Kỳ đang bòn rút nước Mỹ. Quân đội Hoa Kỳ được cho là
sẽ đánh bại kẻ thù và không bận tâm tới việc truy quét địch thủ – ngay
cả khi kết quả, ví dụ như ở Syria, là một trục được trao quyền của Iran,
chiến binh Shiite, Hezbollah và chế độ của ông Bashar Assad.
Sự nhấn mạnh của ông tổng thống vào sự gián đoạn – phá vỡ mọi chuyện –
biểu thị thành hành động làm mất thể diện những người tiền nhiệm của
ông. Ông rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, nhưng 11
quốc gia còn lại vẫn tiếp tục đi tới mà không có Hoa Kỳ. Ông muốn hủy bỏ
hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và bóp nghẹt hiệp định thương
mại tự do Mỹ-Nam Hàn; ông ta còn đe dọa các luật lệ và hệ thống xử lý
tranh chấp của Tổ chức Thương mại thế giới. Kiểu thương lượng của ông đề
cao tính bất định, mơ hồ và chính sách bên miệng hố chiến tranh, có nguy
cơ leo thang, mà không có kế hoạch cho những gì xảy ra sau đó.
Chính sách ngoại giao của ông Trump thể hiện sự đoạn tuyệt với các tổng
thống thời hậu chiến của cả hai đảng, ngược tới thời tổng thống Harry S.
Truman. Các tổng thống khác đã lãnh đạo một hệ thống liên minh công nhận
rằng an ninh của Hoa Kỳ được nối kết với các lợi ích hỗ tương ở châu Âu,
châu Á-Thái Bình Dương và vùng Trung Đông. Các vị tổng thống trong quá
khứ tin rằng nền kinh tế Hoa Kỳ phát triển thịnh vượng trong một thế
giới mà chủ nghĩa tư bản được mở rộng, được điều hành bởi những luật lệ
thích ứng và những thực tế tương thích với các thị trường cạnh tranh và
năng động của Hoa Kỳ. Theo thời gian, chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ
cố gắng mở rộng nhân quyền, tự do và dân chủ. Ông Trump gạt bỏ cái hệ
thống quốc tế do Hoa Kỳ dẫn dắt ấy như là một thứ gì lỗi thời, quá tốn
kém và quá hạn chế khả năng thương lượng theo từng trường hợp một của
ông.
Nền tảng kiến trúc chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ trong 70 năm qua
được đặt trên các thiết chế. Ông Trump khinh bỉ các cơ quan tình báo và
đang phá hủy bộ ngoại giao. Ở trong nước, vật cản đường ông là tòa án,
báo chí, một quốc hội lóng ngóng bị vướng vào các thủ tục cổ lỗ, và thậm
chí cả bộ tư pháp trong chính phủ của ông nữa.
Chuyến viếng thăm châu Á gần đây của ông Trump bộc lộ rằng người nước
ngoài đã nắm được cách đối xử với ông. Họ chơi theo tâm lý tự sùng bái
bản thân của ông. Đến lượt ông, ông đắm mình trong sự quan tâm của họ,
rồi làm giảm uy tín của đất nước của chính ông qua việc trách cứ các
tổng thống tiền nhiệm và tự hài lòng với những lời hứa hẹn về những điều
to tát nhưng không cụ thể sẽ xảy đến. Các quốc gia khác đang chuẩn bị
cho một thế giới trong đó họ có thể kỳ vọng những yêu cầu của Hoa Kỳ
nhưng không còn dựa vào sự lãnh đạo của Hoa Kỳ nữa.
Nhu cầu của ông tổng thống trong việc quảng bá hình ảnh về quyền lực cá
nhân – cho các khán giả nội địa và cho cái tôi của chính ông – làm cho
ông cảm thấy thoải mái hơn với các nhà lãnh đạo chuyên chế. Chủ tịch Tập
Cận Bình, các tổng thống Vladimir Putin và Rodrigo Duterte đã nhận ra
điều đó và một bộ phận của hoàng gia Saudi cũng vậy. Các nhà lãnh đạo
dân chủ, có trách nhiệm giải trình trước công luận, đang đối mặt với một
sự lựa chọn phức tạp: Họ có thể giữ khoảng cách và có nguy cơ hứng chịu
cơn giận dữ của ông Trump hoặc cố gắng thao túng ông này thông qua sự
quan tâm thường xuyên hơn, đối đãi với ông như với vua chúa và chơi golf
và cầu thân với gia đình ông.
Tuy nhiên sự kiện ông Trump lướt đi trên làn sóng dân túy – và chính
sách ngoại giao tương thích với quan điểm chính trị của ông – đang đối
mặt với một trở ngại lớn: Phần lớn người dân Mỹ không đồng ý với đường
lối của ông. Một đa số rất lớn yêu thích những nguyên tắc cơ bản của các
chính sách đối ngoại mà ông Trump đang phá hủy, theo một cuộc khảo sát ý
kiến người Mỹ trưởng thành do hội đồng Chicago về các vấn đề toàn cầu
tiến hành năm 2017. Sáu mươi phần trăm nói rằng các liên minh với châu
Âu và Đông Á hoặc có lợi ích tương hỗ, hoặc chủ yếu có lợi cho Hoa Kỳ.
Một tỷ lệ đáng kể nói rằng thương mại quốc tế là tốt cho người tiêu dùng
(78%), cho nền kinh tế (72%) và cho việc tạo ra việc làm (57%). Khoảng
65% ủng hộ việc đưa ra lộ trình cho phép người di dân cư trú bất hợp
pháp được nhập tịch Mỹ, và chỉ 37% cho rằng nhập cư là một mối đe dọa
nghiêm trọng. Tất cả những con số này đều phản bác lập trường của ông
Trump kể từ cuộc bầu cử tới nay.
Những đại biểu dân cử của đảng Cộng hòa đang đối mặt với thời khắc quyết
định. Cử tri có cái nhìn nhiều thiện cảm với ông Trump đang chuyển nhanh
sang chủ nghĩa bảo hộ, chống liên minh và chống nhập cư. Đảng Cộng hòa
của ông Trump đặt chủ nghĩa dân tộc đối kháng với chủ nghĩa quốc tế của
Hoa Kỳ, trong khi suốt 70 năm qua, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa luôn
coi đây chỉ là hai mặt của một đồng xu.
Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cũng đối mặt với một thách thức. Cử tri
của họ, đặc biệt là những người trẻ, ngày càng ủng hộ thương mại, theo
dữ liệu của hội đồng Chicago. Các đại biểu đảng Dân chủ sẽ phải quyết
định hoặc cạnh tranh với chủ nghĩa dân tộc kinh tế có tính chất biệt lập
của ông Trump hoặc đề ra một tầm nhìn mới cho sự lãnh đạo của Hoa Kỳ.
Chính sách ngoại giao của ông Trump thể hiện một sự thay đổi về phong
cách chứ không đơn giản là thay đổi về mức độ. Các động lực dân túy chủ
nghĩa trước đây ở Hoa Kỳ vận động theo con đường của chúng, tạo ra những
cơ hội cho sự thích nghi chứ không gây gián đoạn. Các nhà lãnh đạo đảng
Dân chủ và Cộng hòa yêu nước cần phải chặn đứng sự phá hoại chính sách
đối ngoại của ông Trump. Sự thất bại chính trị thì không giống với thất
bại về ý thức hệ. Cuộc tranh luận về ý tưởng chỉ đang mới bắt đầu.
(*) Ông Zoellick là cựu chủ tịch
Ngân hàng Thế giới, đại diện thương mại và thứ trưởng bộ ngoại giao Hoa
Kỳ.
Nguồn:
https://www.wsj.com/articles/the-peril-of-trumps-populist-foreign-policy-1511912230?mod=e2tw |