Dự án luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và
Phú Quốc
Vũ Quang Việt
Hiện nay Quốc hội đang
bàn về dự án Luật về ba đặc khu Vân Đồn, Văn Phong và Phú Quốc, còn tôi
lại đang viết bài đánh giá về chính sách phát triển công nghiệp của Việt
Nam mà tôi tạm gọi là chính sách phát triển không chiến lược. Vì thấy
Quốc hội hiện nay có vẻ muốn thông qua nên tôi thấy cần đưa ra vài kết
quả có liên quan trong bài đang viết, hy vọng Quốc hội tạm dừng việc
thông qua để nghiên cứu và trao đổi thêm về mặt lợi hại, ít nhất là về
mặt kinh tế. Đơn giản là để đưa đến quyết định nghiêm chỉnh, bất cứ một
dự án luật nào về kinh tế, cơ quan đề xuất mà ở đây là Bộ Kế hoạch Đầu
tư cũng phải trình bày cho dân đánh giá định lượng lợi và hại về mặt
kinh tế. Điều này không thấy có.
Dự luật trên không chỉ là
cho phép nước ngoài thuê đất 99 năm, với quyền bán lại và giao thừa kế,
có thể được giảm tiền thuê đất, giảm thuế thu nhập rất nhiều năm, lại
cho phép người Việt chơi bạc và trao quyền quá lớn cho chủ tịch đặc khu
như vua con, và lại giao đặc khu quyền quyết đinh chi vượt thu 70%, có
thể đưa đến tình trạng mất khả năng trả nợ. Đây là một số điều tóm tắt
từ dự luật trên:
1. Điều 33. Chủ tịch đặc khu được cho người nước ngoài thuê đất 70 năm
và đặc biệt 99 năm nếu được Thủ tướng đồng ý. Vậy luật này vượt luật đất
đai (50 năm) và cũng cho phép thủ tướng vượt luật đất đai. Điều 126 của
luật đất đai hiện nay cho phép trường hợp đặc biệt tăng lên 70 năm: "Đối
với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa
bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế
- xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao
đất, cho thuê đất không quá 70 năm."
2. Điều 43. Thuế được ưu đãi. Vừa thấp (10%), lại được miễn thuế 4 năm,
giảm thuế 50% trong 9 năm tiếp. Chỉ có đầu tư bất động sản là chịu
thuế 17%. Cũng không có thuế nhập khẩu hàng hóa đầu tư. Điều 40 miễn
thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm và giảm 50% sau đó. Vậy
thì chính quyền đào đâu ra tiền?
3. Điều 39. Đặc khu được quyền bội chi không vượt quá 70% ngân sách thu.
Như vậy phải đi vay để chi. Nếu vỡ nợ, ai trách nhiệm?
4. Điều 45: Chủ tịch đặc khu được quyền cho miễn thuế thuê đất 30
năm.
5. Điều 46: Người nước ngoài được làm việc dưới 90 ngày và cộng dồn 180
ngày một năm không cần giấy phép lao động.
6. Điều 47. Chủ tịch đặc khu được giao rất nhiều quyền: Được ký hợp đồng
lao động, tuyển công chức, được quyết
định hệ số tiền lương tăng thêm; ban hành quy chế tiền thưởng thực hiện
tại đặc khu và quyền cho miễn thuế nói ở trên. Và theo điều 36 chủ tịch
đặc khu được quyền chọn thầu.
7. Điều 53. Người
Việt Nam được phép vào chơi casino tại điểm kinh doanh casino tại
đặc khu theo quy định của pháp luật về casino.
8. Điều 56. Chỉ cần bỏ ra 110
tỷ đồng đầu tư (tức là 5 triệu USD) thì được cấp thẻ tạm trú 10 năm.
Ba cái gọi là đặc khu
trên khó mà thu hút được bất cứ hình thức công nghệ cao không bẩn nào
(vì bẩn có ảnh hưởng tới du lịch) bởi vì nó không nằm trong khu vực có
khả năng phát triển tri thức.
Bỏ qua vấn đề chính trị
và an ninh, dự luật trên về mặt kinh tế chủ yếu là nhằm phát triển lợi
ích của lợi ích địa ốc và đánh bạc trong và ngoài nước. Điều này không
khác gì chiến lược thu hút đầu tư có vốn nước ngoài nói chung hiện nay,
rất cần được đánh giá lại.
Tình trạng chung là vì đặt lợi ích nhóm lên
đầu, việc chọn lựa đầu tư nước ngoài và quyết định vay nợ nước ngoài đã
không dựa trên khả năng ảnh hưởng lan toản, bỏ qua ngay cả
khả năng sinh lợi, thậm chí bất
kể khả năng sinh lợi như trường hợp đầu tư vào Bôxit ở Tây Nguyên và
nhiều dự án điện than hiệnnay.
Cho
nên, dù dựa vào đầu tư và vốn nước ngoài như thế, năng suất lao động
tính theo GDP trên một lao động tăng thấp, tăng bình quân năm trong thời
gian 2000 đén nay chỉ đạt 4.0%.
Tính toán chi tiết hơn cho thấy một hiện tượng
kỳ lạ là năng suất lao động trong khu vực công nghiệp tăng bình quân năm
những năm qua (2011-2016) ở Việt Nam rất thấp, chỉ đạt 2.9%, thấp hơn cả
tốc độ tăng của nông nghiệp và dịch vụ (coi biểu 1).[1]
Nguồn: TCTK: GDP, số liệu giá trị tăng thêm theo ngành và lao động.
Chú
thích: Năng suất lao động cả nên kinh tế có thể tính bình quân năm từ
2005-2016. Tuy nhiên, không thể tính cho từng hoạt động vì lý do là TCTK
chỉ tính giá trị tăng thêm (GTTT) theo giá cơ bản kể từ năm 2010 đến
2016 (đúng theo khuyến nghị quốc tế nhằm tách thuế và bù lỗ sản phẩm,
nhằm loại trừ ảnh hưởng của chính sách đến giá trị sản xuất). Tuy nhiên
vì số liệu trước 2010 không được điều chỉnh nên không thể so sánh với số
liệu trước đó. Chính vì thế nếu so sánh, mà không có hiểu biết về ý niệm
dùng trong thống kê kinh tế, ta thấy điều vô lý xảy là năng xuất công
nghiệp giảm 16% năm 2010 và dịch vụ giảm 13% cùng năm, chỉ vì thuế sản
phẩm năm 2010 bị loại. Để
nghiên cứu năng suất lao động theo chuỗi thời gian dài hơn, TCTK cần
tính lại số liệu từ trước năm 2010 theo giá cơ bản.
Với tình trạng trên, do dân số và lực lượng
lao động tăng không hơn 1.0% một năm cho đến 2025[2]
và sau đó giảm xuống khoảng 0.7%, khả năng tăng GDP bình quân năm sẽ
không hơn 5.0% năm nếu như năng suất lao động không tăng cao hơn 4.0%
một năm.
Với tốc độ tăng trưởng
năng suất lao động công nghiệp hiện nay ở mức 2.9% một năm, thấp hơn mức
tăng trong nông nghiệp thì việc chuyển lao động từ nông nghiệp sang công
nghiệp thì năng suất lao động tính theo số tuyệt đối sẽ cao hơn, nhưng
tốc độ tăng trưởng lại thấp đi.
Việt Nam cần tính lại
chiến lược phát triển công nghiệp trong đó cần đặc biêt xem lại chiến
lược thu hút đầu tư trực tiếp từ nước ngoài, mà câu hỏi cần được trả lời
khi quyết định: liệu đầu
tư đó có sức lan tỏa tạo thêm công nghiệp phù trợ không, có thu hút lao
động trí thức và có tay nghề không và cuối cùng có
làm tăng năng suất lao động nói
chung không?
[1]
Trong một bài viết trên
Kinh tế Sài Gòn (2018), tác giả cho rằng mức tăng của GDP và
dịch vụ công là cao hơn thực chất ít nhất 0.36% nên năng suất
thực con thấp hơn số liệu trong biểu 2 (coi
Tăng trưởng
GDP: Thống kê cao hơn thực tế).
Tuy nhiên ở đây tác giả vẫn dùng thông tin của TCTK. |