Đây Là Những Điều Đem Lại Thành Công Cho Phần Lan

 

Võ Xuân Quế

 

Tóm lược từ chương VI (có cập nhật thông tin mới) trong sách: “Phần Lan – Ngôi sao phương bắc”, Nhà xuất bản Thế giới & VivaFin, Hà Nội 2017, xuất bản lần thứ 2.

 

Một phiên bản PDF của cuốn sách có thể download tại đây: https://vietvafin.files.wordpress.com/2017/10/phan-lan_ngoi-sao-phuong-bac_xb-lan-thu-2_2017.pdf

 

1. Trung thực và minh bạch

 Người Phần Lan nổi tiếng trung thực và minh bạch. Năm 2011, Helsinki Sanomas (Thời báo Helsinki) - nhật báo lớn nhất Phần Lan - tiến hành một cuộc thăm dò quan niệm của người Phần Lan về những vấn đề thuộc đạo đức trong cuộc sống. Rất nhiều câu hỏi được nêu ra, từ chuyện trốn thuế, nói dối bạn bè hay người yêu đến bạo lực gia đình, từ chuyện ăn cắp vặt đến quan niệm hôn nhân... Kết quả nhận được cho thấy 85% trong số 1 000 người tham gia thăm dò cho rằng: không ốm mà nói ốm để nghỉ việc là điều tồi tệ nhất trong tất cả những điều được hỏi. Tiếp theo là hối lộ, hút thuốc lá có chất gây nghiện, trốn thuế và không trung thành với người yêu. Trên tàu điện và metro ở Phần Lan không có người soát vé và khách có thể đi không cần vé. Nhưng chỉ có 29% người cho rằng có thế đi mà không mua vé nếu điều kiện bắt buộc và trong số đó chỉ có 25% người từng có lần làm như vậy. 25% người cho rằng có thể chấp nhận được việc nói dối vợ/chồng hay người yêu, nhưng chỉ có 22% từng cư xử như vậy.  

Năm 2013, truyền thông thế giới đồng loạt đưa tin: Helsinki là thành phố trung thực nhất thế giới, dựa trên một cuộc thử nghiệm do tờ báo Reader’s Digest[1] thực hiện. Họ giả vờ đánh rơi 12 chiếc ở 16 thành phố thuộc 16 nước khác nhau. Kết quả là Helsinki dẫn đầu với 11 chiếc ví được trả lại nguyên vẹn. Cũng vào thời gian này một người quen của tôi đã đưa lên facebook của chị một tấm ảnh chụp tờ 20 euro kẹp với một mảnh giấy đính ở bảng tin nơi chân cầu thang của một nhà cao tầng ở Helsinki, trên đó viết: “20 euro này nhặt được ở cầu thang, giữa tầng 1 và tầng 2 ngày 11.9, lúc 18:30.” Hai ví dụ đó đã đủ nói lên sự thật thà rất đáng quý của người dân Phần Lan và nó tác động tới hoạt động của chính quyền. Trong mục Chân dung văn hóa, báo Telegraph (Anh) viết về Phần Lan: “Người Phần Lan tin rằng họ là những người trung thực nhất, nhất là với những cam kết về kinh tế. Các thống kê của EU đã minh chứng cho điều này, như một khảo sát gần đây cho thấy các công ty Phần Lan thường thanh toán các hóa đơn của họ trong vòng 23 ngày, trong khi các công ty Italia phải mất 90 ngày”[2].

Sự trung thực đó là nền tảng, chỗ dựa cho thành công của giáo dục Phần Lan. Nhờ thế nên trường học không có thanh tra, giám sát, không cần chấm điểm từ lớp 1 đến lớp 6 (chỉ cần nhận xét miệng hoặc qua văn bản cuối năm). Học sinh, phụ huynh, các cơ quan quản lý giáo dục và cả xã hội đều tin tưởng vào sự đánh giá của giáo viên và trao cho giáo viên quyền tự chủ rất lớn trong việc trồng người của họ. Suốt 12 năm học bậc phổ thông của Phần Lan chỉ có một kỳ thi là “Ylioppilastutkinto”. Thế nhưng chất lượng giáo dục phổ thông của nước này trong nhiều năm liền vẫn dẫn đầu thế giới, khiến các nhà giáo dục khắp nơi đổ về tham quan, học hỏi, nhiều đến nỗi Phần Lan phải thu lệ phí mỗi giờ giới thiệu từ 682 – 744 euro và 1240 euro cho một cuộc tham quan trường học[3]. 

Với bản tính trung thực như vậy nên chính phủ Phần Lan luôn đứng ở top đầu (từ 1-3) trong các chính phủ ít tham nhũng nhất trong các báo cáo tham nhũng của Tổ chức Minh bạch thế giới từ năm 2010 đến 2015. Theo nghiên cứu mới đây “Better life Index” của OECD, 94% người dân Phần Lan hài lòng với cuộc sống ở đất nước mình và 94% tin rằng họ tìm được người tin tưởng khi cần thiết, trong khi tỉ lệ trung bình của các nước OECD là 88%[4].

Trước những năm 2000, hiện tượng trộm cắp ở Phần Lan rất hiếm. Xe đạp, đồ đạc để ngoài đường, kể cả ở các thành phố lớn, hầu như không có khóa mà cũng ít khi bị mất. Năm 2015, một nhóm nghệ nhân âm nhạc dân gian người Ê Đê sang tham dự liên hoan âm nhạc dân gian quốc tế Sommelo ở phía bắc Phần Lan cho tôi biết, họ ấn tượng nhất khi đến đây là thấy nhà cửa của người Phần Lan không sát liền nhau, không có cổng, nếu có cổng cũng không có khóa và môi trường rất giống với làng bản của người Ê Đê, Ba Na. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng mất cắp vặt đã xảy ra nhiều dần lên, nhưng phần lớn do người nước ngoài thực hiện.

2. Kín đáo và kiệm lời

Khác với các dân tộc miền nam châu Âu, cũng như với những người láng giềng Thuỵ Điển, Đan Mạch hay Na Uy, người Phần Lan nổi tiếng ít nói. Họ rất ít khi bắt chuyện với người lạ hay khơi mào các cuộc trò chuyện khi đối thoại cũng như giữa đám đông. Nhưng khi đã quen biết đến một mức độ nào đó, họ có thể trao đổi về mọi vấn đề, nhất là chia sẻ sở thích. Trong văn hóa giao tiếp của người Phần Lan không có những câu xã giao, mở đầu cho cuộc giao tiếp kiểu “small talk” như của người Anh hay như kiểu “miếng trầu là đầu câu chuyện” của người Việt. Lối nói “rào trước đón sau” như trong văn hoá của người Việt lại càng không có. Vốn dĩ kiệm lời nên người Phần Lan chỉ nói những điều họ nghĩ và thấy cần phải nói, còn không, họ chỉ im lặng và nghe. Khi nói, ngay cả với tiếng mẹ đẻ của mình, người Phần Lan cũng nói nhỏ nhẹ và chậm rãi. “Người băng” (Ice Man), vận động viên đua xe Formula One (F1) Kimmi Räikönen là một điển hình cho “thương hiệu” đó của người Phần Lan.

Tục ngữ Phần Lan có câu: “Sanasta miestä, sarvesta härkää.” nghĩa là: “đánh giá người đàn ông dựa vào lời nói, đánh giá con bò nhìn vào cặp sừng”. Với quan niệm như vậy nên người Phần Lan coi trọng lời nói. Theo cách nhìn của họ, người nói nhiều là người có vấn đề và đáng nghi ngờ. Có câu chuyện vui kể rằng, hai người đàn ông Phần Lan lâu ngày mới gặp nhau liền rủ nhau vào một quán bia. Họ gọi mỗi người một cốc bia và uống. Sau một hồi im lặng, một trong hai người lên tiếng. Nhưng người kia hưởng ứng lại với lời khuyên: hãy thưởng thức bia của anh đi, chúng ta vào đây để uống bia chứ không phải để nói chuyện! Lại có chuyện khác kể rằng một người vợ Phần Lan luống tuổi, một lần “làm nũng” hỏi chồng: “anh còn yêu em không?” Người chồng trả lời: “Sao em lại hỏi thế? Nếu không yêu nữa thì anh đã nói với em!”. Richard D. Lewis, một chuyên gia về văn hoá Phần Lan, đã có nhận xét dí dỏm: “Người ta thường cho rằng miệng là cơ quan bận rộn nhất trên cơ thể con người. Nhưng đối với người Phần Lan, miệng ít khi dùng trừ ăn và uống”.

Người Phần Lan rất thích sự yên tĩnh và đơn thân. Điều này thể hiện ở con số hơn nửa triệu nhà nghỉ mùa hè ẩn giấu dưới rừng cây ven hồ và ven biển. Nhà nghỉ càng ở xa tầm nhìn của hàng xóm càng được ưa thích. Nếu có dịp đi các phương tiện giao thông công cộng ở Phần Lan bạn sẽ nhận thấy điều mà tôi đã chứng kiến sau nhiều lần từng đi tàu, xe ở Phần Lan: người Phần Lan không bao giờ ngồi cạnh người khác, nếu không phải là vợ chồng, bạn bè hay quen biết nhau, trừ khi không còn chỗ trống. Thậm chí khi đang ngồi cạnh một người ở chỗ này, thấy có người vừa xuống để lại hai ghế trống cạnh nhau ở chỗ khác, họ sẽ chuyển đến chỗ trống này như để cho người họ vừa ngồi cạnh được thoải mái, tự do. Những người lái taxi Phần Lan cũng rất ít nói. Họ chỉ hỏi khách đi đâu và cảm ơn khi nhận tiền, còn thì im lặng trong suốt chặng đường nếu như khách không hỏi. Tập quán “bắt chuyện” như của người Việt thật xa lạ với người Phần Lan.

Trong cuốn sách Finland, Cultural Lone Wolf (2005), Richard D. Lewis kể: “Một đêm, khi lên xe buýt, tôi ngạc nhiên thấy hai người đàn ông ngồi cạnh nhau mặc dù những chỗ khác không có người ngồi. Trông họ như những người xa lạ vì không ai nói chuyện với ai và người ngồi sát phía cửa sổ cứ nhìn ra ngoài. Tôi đến ngồi ở hàng ghế trước và nói một vài câu về thời tiết với người thứ hai. Ông ta nhìn tôi mỉm cười rồi giơ tay trả lời bằng tiếng Italia rằng ông không nói tiếng Phần Lan, ông ta là người Italia!” R.D. Lewis còn nhận xét: “Có thể gọi người Phần Lan là những người sống trong rừng, ít đi ra ngoài và coi trọng sự riêng tư”. Trên facebook, một tài khoản có tên Finnish Nightmares có những bức vẽ rất đơn giản và ngộ nghĩnh phác họa những nét điển hình về tính cách và lối sống của người Phần Lan. Một trong những bức vẽ được nhiều người thích nhất vẽ một người đang ghé mắt nhìn qua “ovisilmä” (mắt cửa) ở cánh cửa để nhìn xem bên ngoài có ai không, trước khi mở cửa nhà. Bức vẽ đó đã nói lên tính e lệ, ngại ngùng, không thích trực diện với người khác, rất tiêu biểu của người Phần Lan.

3. Coi trọng tự do và sự riêng tư

Ở Phần Lan quyền tự do cá nhân của mọi người, người lớn cũng như trẻ em đều được tôn trọng như nhau. Trẻ em có quyền nghĩ và làm theo ý thích của mình dù điều đó trái với ý của cha mẹ. Người lớn, kể cả cha mẹ, nếu đánh trẻ em đều bị coi phạm luật và có thể bị truy tố. Trong gia đình, trường học cũng như ngoài xã hội ở đây, người ta không dạy trẻ em phải vâng lời người khác. Họa sĩ, nhà văn nổi tiếng Tove Jansson đã viết qua lời của nhân vật Muikunen trong bộ truyện Mumi, rằng: “Không nên thần tượng hóa người nào cả vì như thế sẽ mất hết tự do! Mùa đông năm 2017, một tấm ảnh chụp cảnh một nhóm người đứng chờ xe buýt tại một bến xe ở thủ đô Helsinki đã thu hút sự chú ý và bình luận của rất nhiều người. Bất chấp trời tối, gió thổi mạnh, tuyết rơi dày nhưng hàng chục người vẫn đứng cách xa nhau mỗi người khoảng nửa mét để chờ xe buýt trong cái lạnh dưới -20°C. 

Coi trọng tự do cá nhân của mình nên người Phần Lan cũng rất tôn trọng tự do của người khác, thậm chí tôn trọng đến mức thái quá theo cách nhìn của người Việt Nam. Điều này không phải chỉ khác xa với lối sống truyền thống “tắt lửa tối đèn” hay “bán anh em xa mua láng giềng gần” của người Việt mà cả với một số dân tộc khác. Ba năm sống ở Budapest, gia đình tôi và một số gia đình hàng xóm người Hungary không chỉ qua lại, chuyện trò mà thỉnh thoảng còn trao đổi món ăn với nhau. Nhưng sau 14 năm ở ba căn hộ trong ba toà nhà cao tầng tại hai thành phố lớn của Phần Lan, chúng tôi chỉ biết được tên của người ở các căn hộ bên cạnh qua tấm biển gắn trước nhà họ và thảng hoặc chỉ trao nhau lời chào khi gặp nhau ở cầu thang chứ chưa bao giờ vào nhà nhau. Mà không chỉ với người nước ngoài , ngay cả người Phần Lan với nhau cũng vậy!

Ví dụ điển hình cho tính độc lập trong tính cách của người Phần Lan mà tôi được chứng kiến là một lần truyền hìnhquốc gia giới thiệu một buổi đi dã ngoại của các cháu học sinh một trường tiểu học. Khi dẫn các cháu đến xem một nhà vệ sinh, cô giáo hỏi một bé trai chừng 8 hay 9 tuổi: “Ở nhà nghỉ mùa hè của gia đình cháu có nhà vệ sinh không?” Cháu bé trả lời “Có.” “Mấy cái?” - cô giáo hỏi tiếp. “Ba cái!” - Cháu bé đáp. Cô giáo cười hỏi: “Sao lại có ba cái?” Cậu bé cũng cười và đáp lại hồn nhiên: “Vì nhà cháu có ba người!” Không hiểu trước đây khi kinh tế còn khó khăn thì thế nào, chứ ngày nay tôi có cảm nhận hình như trong cuộc sống hàng ngày, người Phần Lan rất ít khi vay, mượn từ người khác!?

4. Tôn trọng luật pháp

Ngay từ tiểu học trẻ em Phần Lan được học từ luật giao thông đến luật bản quyền. Khi sử dụng ảnh hay đoạn trích cho ấn phẩm từ một nguồn nào đó, tác giả của bức ảnh hay đoạn trích đều được hỏi ý kiến, và nhận thù lao đúng mức đồng thời nguồn được hiển thị trên ấn phẩm. Các quy định liên quan đến giao thông (cấm uống rượu, bia, tốc độ hay những nơi cấm đỗ…) được chấp hành một cách nghiêm túc và tự giác. Khi bước chân lên các phương tiện giao thông công cộng, nếu chưa có vé mua trước bao giờ người Phần Lan cũng chuẩn bị sẵn tiền hoặc ví trên tay và nhìn trước ngó sau chờ người bán vé đến để mua vé. Theo một khảo sát do tổ chức SARTRE thực hiện ở 23 nước châu Âu năm 2004, lái xe Phần Lan là những người tuân thủ luật giao thông nghiêm túc nhất.

Việc vi phạm các quy định giao thông, nếu bị phát hiện sẽ bị xử lý rất nghiêm khắc  dựa vào thu nhập của người vi phạm. Năm 2013 một thương gia Anh đã bị cảnh sát Phần Lan phạt 80 000 bảng Anh, vì lái xe với tốc độ 77km/k trên đường quy định tốc độ tối đa 50km/h. Tin này liền được nhiều báo đăng tải, trong đó tờ Daily Mail (Anh) giật tít: “Người lái xe bị phạt 80 000 bảng chỉ vì giàu”. Teemu Selänne, cầu thủ huyền thoại của Phần Lan trong giải hốc cây NHL tiết lộ rằng vào năm 2000, anh từng bị phạt 55 000 euro vì quá lái xe quá tốc độ và anh định vào tù thay cho nộp phạt. Nhưng người đại diện của anh đã khuyên anh ta nộp phạt hơn là vào đếm gạch, dù theo Selänne nhà tù Phần Lan “như là nhà trẻ”[5].

Tháng 11/2015, truyền thông thế giới, trong đó có rất nhiều báo Việt Nam đưa tin thủ tướng Phần Lan đã phải ngồi trong nhà vệ sinh của máy bay trong một chuyến bay khẩn vào sáng sớm từ Helsinki về Oulu vì cả hai vợ chồng chỉ có một vé và ông phải nhường ghế cho vợ. Hay hình ảnh Tổng thống Sauli Niinistö ngồi trên lối đi trong một triển lãm sách tháng 11-2018, vì không còn ghế trống, được chia sẻ rất nhiều lần trên facebook của người Việt[6]. Nhờ có tinh thần thượng tôn pháp luật như vậy mà theo một khảo sát mới đây, Phần Lan là một trong ba quốc gia ở châu Âu có chi phí thấp nhất dành cho cảnh sát và an ninh[7].

Giống như người Đức, người Phần Lan rất coi trọng sự chính xác về thời gian và tôn trọng lời hứa. Các phương tiện giao thông công cộng hoạt động rất đúng giờ và tại mỗi bến đỗ đều có biển báo giờ phương tiện đến. Lỡ hẹn là một điều tối kỵ và chậm khoảng 15 phút, ngay cả trong những cuộc gặp không chính thức cũng bị coi là khiếm nhã. Bất kỳ ai không thực hiện đúng thời gian đã đăng ký ở một cơ quan phục vụ công cộng nào đó của địa phương đều bị phạt tiền. Ngược lại, khi nhận được yêu cầu từ khách hàng, các cơ quan này bao giờ cũng giải quyết đúng hẹn hay liên lạc lại. Trước khi thực hiện công việc, họ chuẩn bị rất kỹ càng, chu đáo. Giấy mời dự các cuộc họp, hội thảo bao giờ cũng được gửi trước ít nhất vài ba tuần, thậm chí cả tháng kèm với chương trình nghị sự.

Đặc biệt, người Phần Lan rất coi trọng và tin tưởng tuyệt đối ở chất lượng các sản phẩm do họ làm ra. Khác xa với tâm lý và thị hiếu “sính ngoại” khá phổ biến như của người tiêu dùng Việt Nam lâu nay, ở Phần Lan các sản phẩm trong nước (tiếng Phần Lan kotimainen) kể từ đồ ăn, thức uống, trang phục đến các máy móc điện tử tinh vi, nếu có mác Phần Lan (được ghi “tehty suomessa” hay “Made in Finland”) bao giờ cũng có giá cao hơn và bán chạy hơn so với cùng mặt hàng ngoại nhập. Mới đây, một doanh nghiệp đã bị tòa án kết tội vì nhập thịt động vật từ nước ngoài về song dán mác nội địa “kotimainen” để bán với giá cao hơn.

5. Gần gũi và yêu quý thiên nhiên

Không chỉ hòa mình vào thiên nhiên mỗi mùa hè ở các nhà nghỉ mà thường ngày người Phần Lan cũng thích sống xa các trung tâm để sau giờ làm việc họ lại về với rừng cây, hồ nước. Không chỉ ở các vùng quê, ngay ở các thành phố lớn và khu công nghiệp, các tòa nhà, công xưởng cũng xen lẫn trong các hàng cây. Các công trình kiến trúc ở đây đều được thiết kế dựa vào quang cảnh tự nhiên nơi công trình hiện diện. Họ tận dụng chứ không chinh phục thiên nhiên. Khi xây dựng các công trình họ cố tránh chuyện phải di dời, phá bỏ các công trình có sẵn, mà tìm cách tận dụng và cải tạo chúng. Trên nhiều tuyến đường cao tốc mới được mở qua các khu rừng, họ làm những chiếc cầu nhỏ, trên đó trồng cây để cho muông thú đi qua. Ở những chỗ này thường có những tấm biển nhắc nhở lái xe tránh gây tiếng động lớn khiến thú hoảng sợ. Cách trung tâm thủ đô Helsinki không xa (chỉ khoảng 15 phút lái xe) có khu bảo tồn thiên nhiên Viikki với rừng cây tự nhiên, trang trại, đầm lầy và nhất là vườn chim rộng 250 ha cho khoảng 284 loài chim tụ hội. Tháng 1/2020 trong chương trình thời sự, truyền hình nhà nước đưa tin và hình ảnh một cặp đại bàng biển đang về làm tổ ở đây và nhắc nhở người dân lưu ý, tránh gây ảnh hưởng tới việc đẻ trứng của chim.

Các vật nuôi trong nhà của người Phần Lan đều có tên riêng và gắn bó với chủ nhân như các thành viên trong gia đình của họ. Có lần tôi không kìm được cười khi nghe một người đàn ông tự giới thiệu rất nghiêm trang trên truyền hình cùng với tên mình: “tôi có một vợ, hai con, ba con chó và ba con vẹt”. Theo con số của Thống kê nhà nước, năm 2018, cả nước có tới 810 000 con chó trên dân số 5,5 triệu người. Vào các nhà vệ sinh ở sân bay Helsinki, bạn sẽ được nghe tiếng chim hót líu lo, ngỡ như ở trong rừng. Cuối năm 2019 sân bay này còn lắp đặt hai nhà vệ sinh cho chó, mèo[8].

6. Giản dị và khiêm tốn

Người Phần Lan không thích khoa trương vì thế thật khó phân biệt giữa người giàu và người nghèo, giữa người lao động chân tay và lao động trí óc. Họ không khách sáo, cầu kỳ trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong nghi thức ngoại giao. Họ rất khiêm tốn và ít nói về dân tộc mình nhưng lại rất quan tâm đến nhận xét của dân tộc khác về họ. Khi Thủ tướng Italia và Tổng thống Pháp chê các món ăn của Phần Lan, một làn sóng phản đối đã dâng lên trong xã hội và trên các phương tiện truyền thông . Nhưng khi cả thế giới khâm phục và ca ngợi Phần Lan được xếp là quốc gia có nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu, có nền giáo dục ưu việt với chất lượng giáo dục phổ thông tốt nhất thì Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan phát biểu: “Không nên quan trọng hoá sự xếp hạng đó và chúng tôi hiểu rằng Phần Lan không phải là tuyệt vời trên lĩnh vực này cũng như nhiều mặt khác”[9].

Quan niệm sống của người Phần Lan là “Nhỏ là đẹp”, “Ít là nhiều”. Đó cũng là triết lý kinh doanh của các công ty thành công nhất của nước này trong những năm qua, như Supercell, Rovio, Small Giant. Ikka Paananen, người sáng lập đồng thời là CEO của Supercell - “máy in tiền” mới của Phần Lan nói: “chúng tôi tin tưởng vào sức mạnh của “nhỏ”. Nhỏ có nghĩa là bạn cần quản lý ít hơn và ít quy trình hơn, cả hai điều này chỉ khiến cho công việc trở nên thú vị hơn.”. “Less is more” (ít là nhiều) cũng là nguyên tắc xuyên suốt, đem đến thành công cho giáo dục Phần Lan[10]. Các công trình kiến trúc, thiết kế của Phần Lan đều nhỏ gọn, giản đơn nhưng rất hoàn hảo, thuận tiện. Logo của các hãng nổi tiếng của như NOKIA, KONE, ARABIA, IITALA, FORTUM…cũng như sản phẩm của họ đều thể hiện sự đơn giản, song không kém thẩm mỹ và sang trọng. Kiến trúc của các công trình xây dựng cũng vậy.

        

Sự khiêm tốn, giản dị, không cầu kì của người Phần Lan còn thể hiện qua thói quen sử dụng tên gọi trong giao tiếp. Khác với một số dân tộc khác, người Phần Lan thường không coi trọng việc sử dụng chức danh, tước hiệu trước tên mình. Không chỉ với bạn bè thân quen, người mới quen, đồng nghiệp thường gọi nhau bằng tên riêng hoặc ngôi thứ hai số ít “sinä”, mà ít khi dùng từ ngôi thứ hai số nhiều “Te” như một số ngôn ngữ khác. Một nữ sinh người Malaysia từng học đại học ở Phần Lan kể rằng, theo văn hóa của người phương Đông chị thường chào và gọi giảng viên ở trường với danh xưng “Teacher - thầy”. Nhưng cuối cùng cô đành từ bỏ vì nhận ra rằng các giảng viên không để ý khi cô gọi họ “Teacher”. Sau đó cô chỉ gọi tên của giảng viên thì người đó hướng về cô ngay lập tức. Từ đó trở đi, với tất cả các giảng viên ở trường, cô chỉ gọi tên riêng của họ.

 

 

 



[9] Ottawa Citizen, November 16, 2004.

[10]https://learningscoop.fi/less-is-more-in-finnish-education/

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 22-2-20