TIẾNG DÂN
24-6-21

Virus không biết vâng lời Đảng!

Jackhammer Nguyễn

Việc chống dịch Covid-19 tại Việt Nam vào cuối tháng 6/2021 rối như canh hẹ. Nồi canh hẹ này có vài gia vị tiêu biểu như sau:

Chính phủ gọi điện thoại khắp nơi trên thế giới xin trợ cấp thuốc ngừa, nhưng chưa có gì khả quan. Điều dễ hiểu là không phải các nước kia xấu bụng, mà họ không có dư để mà cho.

Nước Mỹ có tiềm lực dồi dào, đang hồi phục thì đâu thể … ưu tiên cho Việt Nam được, vì Mỹ cũng không quá dư thừa để đủ giúp các nước đồng minh, thì có đâu cho Việt Nam. Mình là cái gì của người ta đâu mà người ta ưu tiên?

Thuốc nội địa thì không tới đâu, vừa định lấp liếm cho qua truông thì bị báo chí phanh phui ghê quá, lại thụt vào.

Việc cách ly thì, cứ bật chỗ này, bung chỗ nọ, hoặc là đóng rồi mở như ở Gò Vấp, thành Hồ hồi đầu tháng 5/21.

Đóng cửa trị dịch thì không làm ăn được, dân nghèo thiếu đói, các doanh nghiệp không hoạt động được. Mà mở cửa thì dịch hoành hành, nên đóng không được, mà mở thì cũng không xong.

Đây là kết quả của việc điều hành quốc gia với phương châm chính trị là thống soái, thiếu sự suy luận hợp lý của những cái đầu bình thường. Nó cũng là lối suy nghĩ dựa trên chủ trương “bạo lực cách mạng”, đàn áp, độc quyền chân lý,… từ đó mất một cái nhìn toàn thể, không thể hiểu được sự việc một cách toàn cục, có gốc, có ngọn.

Khi dịch bệnh mới bắt đầu, dựa trên hệ thống toàn trị có sẵn, Hà Nội đạt được thành công trong việc chặn dịch. Từ thành công đó, dàn đồng ca chính trị từ thủ tướng cho tới các cư dân mạng “lề đảng”, lập tức la toáng lên, nào là “Việt Nam trên đà chiến thắng Covid-19”, nào là “lúc hoạn nạn mới biết đâu là cường quốc”, nào là người nước ngoài “hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời Việt Nam”, và rằng, “nếu cột điện ở Mỹ biết đi, thì sẽ về Việt Nam”…

Không ai có thể phủ nhận hệ thống toàn trị của đảng Cộng sản Việt Nam rất hữu hiệu trong việc… đàn áp. Nhưng đàn áp đây là đàn áp bọn “phản động”, những người bất đồng chính kiến, đàn áp những công nhân đình công, nông dân đòi đất, còn virus thì lại không có chính kiến, nó vượt qua các chốt dân phòng, công an… dễ dàng. Các nhóm bất đồng chính kiến thì rất vất vả đễ tập hợp thêm người, trong khi virus thì nhân bản hàng triệu lần, chỉ trong vài giây!

Virus không cần lương công nhân, không cần đất nông dân. Virus không ngán “chuyên chính vô sản” lẫn “ba dòng thác cách mạng”, nó cũng không sợ “đấu tranh giai cấp” hay là “bạo lực cách mạng”, nó có thể tiến vào văn phòng trung ương đảng trong chớp mắt, cho dù đảng trưởng có tập hợp vài chục triệu dân, hô to “chống dịch như chống giặc”, cũng không thể chặn sự lây lan của nó!

Buồn cười nhất là khi đợt dịch thứ tư hiện nay nằm ngoài tầm kiểm soát, các cán bộ “hồng hơn chuyên” của Đảng bèn so sánh “dịch Covid-19 và ‘biến thể virus mới’ chống phá cách mạng Việt Nam” và rằng dịch đang dâng cao cũng đừng quá lo lắng, vì đó là lúc dịch đang “giãy chết”!

Lần giở những trang sử cộng sản từ lúc mới thành lập cho đến lúc chết yểu, chuyện chính trị hóa khoa học, có thể thấy, là điều không hiếm, và có thể nói đó là đặc trưng của các nhà cầm quyền cộng sản. Hai ví dụ rất rõ về  chuyện này ở hai nước cộng sản lớn nhất thế giới thuở trước:

1. Liên Xô có quan chức khoa học Trofim Lysenko, cho rằng, nhà sinh học Pháp Lamarck là chân lý. Ông Lamarck cho rằng các sinh vật có thể tập tành để thích nghi trong thời gian ngắn. Lysenko bác bỏ thuyết di truyền của Mendel. Các nhà khoa học Soviet nào theo thuyết di truyền đều bị trù dập, vì Lysenko được nhà độc tài đỏ Stalin ủng hộ hết mình. Soviet và nước Nga ngày nay, bị phương Tây bỏ xa về khoa học di truyền.

2. Còn Trung Quốc cộng sản có chiến dịch diệt chim sẻ của Mao Trạch Đông, bất chấp mọi lý lẽ khoa học, bất chấp mọi kiến thức về sinh thái con người có được đến thời điểm đó. Kết quả là, sau khi chim sẻ bị tiêu diệt, mùa màng trở nên thất bát vì sâu bọ phá hại.

Thật ra những kiểu “học phiệt” này của xã hội cộng sản xuất phát từ chính mô hình của nó, cho rằng xã hội con người có một “quy luật” bất di bất dịch. Khoa học dưới chế độ cộng sản được tiến hành trong những cái khuôn có sẵn và bị áp chế bởi những ý chí chính trị.

Khoa học Soviet và Trung Quốc không phải không đạt được những bước tiến, nhưng thường là nhờ một ý chí chính trị, dồn mọi nỗ lực của xã hội để làm một điều gì đó, bất kể tốn kém và những phi lý. Một cường quốc hạt nhân như Liên Xô lại không sản xuất được máy photo và giấy vệ sinh thì không đủ cho công dân mình dùng. Sự tốn kém trong việc chế tạo các thiết bị quân sự đã góp phần làm đế chế Soviet kiệt quệ và sụp đổ.

Sau 30 năm chấp nhận kinh tế thị trường, cuộc sống vật chất của người Việt có phần khá hơn, nhưng kiểu cách dùng ý chí chính trị để lấn át khoa học trong điều hành quốc gia, không thay đổi. Các chương trình chính trị, dù có giảm bớt, vẫn là bắt buộc trong trường đại học, ở cả những lĩnh vực khoa học thực nghiệm chẳng liên quan gì đến chính trị cả.

Cuối tháng trước, tôi có viết một bài đăng trên Tiếng Dân, trích lời một nhà triết học Pháp từng là cộng sản, ông Albert Camus, rằng “Muốn chống được dịch thì phải đàng hoàng”. Đàng hoàng ở đây rất đơn giản, đó là suy nghĩ một cách bình thường, chấp nhận những bài học vỡ lòng về khoa học, khoa học thực nghiệm, khoa học quản lý, khoa học xã hội, chấp nhận sự đa dạng.

Những người đang cai trị Việt Nam nếu tiếp tục không đàng hoàng, thì không những họ không chống dịch được, mà họ cũng sẽ không thể đưa nước Việt đi lên như nó xứng đáng được như thế.