CALITODAY
20-1-18

 

Tâm thế nào từ ‘về nhà ăn tết’ và ‘sang Đức với con’?

 

Thiền Lâm

Với những người đã trải nghiệm một thời gian đủ dài trong tù hoặc ít nhất đã trải qua giai đoạn điều tra lấy lời khai và phải ra tòa, “tâm lý học Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh” là có thể lý giải được.

Một hiện tượng đặc biệt đã xảy đến đối với hai cựu quan chức này: khi nói “lời sau cùng” tại phiên tòa xử “Thăng – Thanh”, trong khi Đinh La Thăng tha thiết nguyện vọng “muốn được về nhà ăn cái tết cuối cùng với gia đình trước khi chấp hành án”, thì Trịnh Xuân Thanh còn đi xa hơn nhiều: “xin sang Đức để chăm sóc vợ con”.

“Về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” cùng màn khóc lóc như mưa gió cho thấy tâm lý cả hai đều rơi vào tình trạng hoảng loạn. Tâm lý này xuất hiện sau khi Viện Kiểm sát tối cao đề nghị mức án 14 – 15 năm đối với cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng và chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh.

Thông thường, đề nghị mức án của Viện Kiểm sát tối cao là “chung quyết”, luôn được Tòa án “sao y”, hoặc nếu tòa có thay đổi về mức án thì cũng không nhiều.

Phiên tòa xử “Thăng – Thanh” lại là một ca hết sức đặc biệt – một nhân vật từng dám thách thức quyền lực đối với Nguyễn Phú Trọng, còn nhân vật kia dám xúc phạm thể diện của ông Trọng. Với những gì mà Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo “đánh án” với Trịnh Xuân Thanh và Đinh La Thăng, khả năng rất cao là chính ông Trọng mới là “chủ tọa phiên tòa” và quyết định mức án dành cho hai bị cáo này. Còn sự hiện diện của Viện Kiểm sát tối cao với hai mức án đề nghị đối với Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh chỉ mang tính thủ tục.

Hẳn “về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” đã được thốt ra vào lúc cả Thăng lẫn Thanh đều chợt nhận ra không còn lối thoát nào trong phiên tòa này, các cánh cửa – trừ cửa trại giam, đều đóng kín, để hai cựu quan chức này bật ra cảm xúc cầu cứu cuối cùng, dù cực kỳ mong manh nhưng vẫn là một chút vớt vát hy vọng sẽ làm cho Tổng bí thư Trọng mủi lòng.

Nhưng lý giải thế nào về hiện tượng tâm lý của Đinh La Thăng – người đã làm tới ủy viên bộ chính trị, và Trịnh Xuân Thanh – đã trở thành tổng giám đốc và do đó cả hai đều có kiến thức tối thiểu về luật tố tụng hình sự, lại có thể thốt ra “về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” – những nguyện vọng mà nếu được thực hiện thì hoặc là quá ngoại lệ, hoặc chẳng ăn nhập gì với Bộ luật tố tụng hình sự Việt Nam?

Có khả năng “về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” là hai trong những hứa hẹn mà giới điều tra công an hoặc một cấp nào đó đã “gợi ý” cho Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh trong quá trình lấy lời khai, như một cách để hai bị can này có hy vọng và khai hết, khai sạch. Đó cũng là một thủ đoạn điều tra rất phổ biến khi gieo vào lòng bị can một lối thoát, cho dù lối thoát đó có vẻ thật vô lý. Với những bị can thiếu bản lĩnh, những hứa hẹn về “được đình chỉ điều tra”, “được khoan hồng”, “được giảm án”… vẫn thường có hiệu quả.

Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, có thể trong một tình trạng tâm lý không ổn định hoặc “thiếu kiên định”, đã “bập” vào mồi câu “cho về nhà ăn tết” và “cho sang Đức với vợ con” như tia sáng cuối đường hầm, để đến lúc nhận ra rất có thể tòa án theo đường của Viện Kiểm sát tối cao mà sẽ đóng tất cả các cửa thoát với mình, cả Thăng lẫn Thanh đều bật ra đề nghị này, nhưng không chỉ là một nguyện vọng hay kiến nghị mà còn như lời tự thán, hướng về gia đình và những người thân nhất của mình trong tình trạng tuyệt vọng – một loại tâm lý đặc trưng của các bị cáo bị xử án nặng.

Nhưng có lẽ Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh đã không muốn bày tỏ nguyện vọng “về nhà ăn tết” và “sang Đức với con” trong lời cuối cùng trước tòa, nếu hai cựu quan chức này hiểu ra một “chân lý”: họ phải “hy sinh”!

“Thăng – Thanh” là phiên tòa đầu tiên của Tổng bí thư Trọng nhắm đến kể từ khi ông quyết định tiến sang giai đoạn 2 của chiến dịch được xem là “chống tham nhũng”, tính từ tháng 11/2017 và sau một cuộc gặp có thể đặc biệt quan trọng với Tập Cận Bình ở Hà Nội.

“Đường đi” của Tổng bí thư Trọng lại đang có nhiều nét khá tương đồng với giai đoạn khởi động của chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” của Tập Cận Bình ở Trung Quốc. Một khởi sự mang tính then chốt và quyết định cho cả vận mệnh của chiến dịch này là trong hai năm 2012 và 2013, Tập đã mạnh tay “xử” Bạc Hy Lai – ủy viên bộ chính trị kiêm bí thư Trùng Khánh – không chỉ khởi tố bắt giam mà còn giáng mức án đến chung thân.

Đinh La Thăng đang có nhiều triển vọng trở thành Bạc Hy Lai Việt Nam. Còn Trịnh Xuân Thanh lại gắn liền với số phận của Đinh La Thăng. Một logic thật đơn giản mà cả Thăng lẫn Thanh, có thể do bị tạm giam mà không biết được thông tin và dư luận ở bên ngoài, là nếu ông Trọng không “trảm” Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh, chiến dịch “chống tham nhũng” của ông ta sẽ lập tức có nguy cơ tự chết và Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn cơ hội nào để trở thành Tập Cận Bình ở Việt Nam.