RFA Blog
30-12-16


Nền chính trị độc tài Việt Nam còn tồn tại trong bao lâu ? (II)
 

Nguyễn Thị Từ Huy


Có những người mong muốn thể chế chính trị Việt Nam được cải cách một cách căn bản để chuyển đổi sang một cơ chế dân chủ, tạo điều kiện cho sự phát triển, bởi vì cơ chế độc tài hiện hành đang kìm hãm phát triển và là nguyên nhân của hầu như tất cả các vấn nạn xã hội. Tuy nhiên, bộ phận này mong muốn đảng cộng sản cải tổ để có thể tiếp tục giữ vai trò lãnh đạo, để tiếp tục là « đảng của dân tộc », theo như cách nói của họ. Những người thuộc nhóm này có lẽ không nhiều, họ là những đảng viên kỳ cựu hoặc là « đảng viên có lương tri », cho đến giờ phút này vẫn ở trong đảng, dù rằng họ nhìn thấy rất rõ sự suy thoái của đảng, và nhìn thấy rất rõ trách nhiệm của đảng đối với các vấn đề hiện tại mà đất nước và nhân dân phải gánh chịu. Họ đã viết nhiều đơn thư, kiến nghị, nhằm góp ý cho đảng trong hy vọng rằng tiếng nói của họ sẽ có một ảnh hưởng nhất định.

Xin dẫn một ví dụ, ông Nguyễn Trung, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, trong loạt bài "Về đại hội XII" của ĐCSVN, có đoạn viết:

« Đảng hôm nay tiếp tục tha hóa về phẩm chất, trí tuệ và năng lực; tổ chức của đảng ngày càng bất cập trước sự phát triển, trước tình hình và nhiệm vụ mới của đất nước nói chung và của đảng nói riêng; năng lực lãnh đạo của đảng ngày càng mờ nhạt vì bế tắc về quan điểm đường lối; hệ quả là đảng đang rơi tiếp trong xu thế từ một đảng lãnh đạo xuống thành một lực lượng chính trị độc quyền.

Toàn bộ tình hình trên đặt ra đòi hỏi sống còn: Cải cách thể chế chính trị và triệt để đổi mới đảng là lối thoát duy nhất để đưa đất nước đi vào một thời kỳ phát triển năng động mới, đáp ứng đòi hỏi cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời để có thực lực đối mặt được với mọi thách thức mới. »

Có thể thấy, những kiến nghị mà ông Nguyễn Trung đưa ra trong loạt bài này, một mặt, nhằm đề xuất những cải tổ cơ bản về cơ chế chính trị, và những cải tổ này, nếu thực hiện được, sẽ củng cố vai trò lãnh đạo của ĐCSVN. Ngoài ra nếu đọc các đơn thư, kiến nghị của nhóm đảng viên trong đó có ông Nguyễn Trung, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, ông Tương Lai... thì thấy rằng họ rất thống nhất ở quan điểm này. Và đó là một quan điểm đầy thiện chí đối với ĐCSVN.

Tuy nhiên, đảng không hiểu thiện chí của bộ phận đảng viên này đối với đảng. Trong Nghị quyết trung ương 4, khoá XII, do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 30/10/2016, có dành một phần nội dung quan trọng để định nghĩa các biểu hiện « tự diễn biến », « tự chuyển hoá » trong nội bộ, các biểu hiện khiến cho Tổng bí thư phải lo ngại và đảng phải cương quyết chống lại. Trích nguyên văn :

3. Biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ

1) Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ; đòi thực hiện "đa nguyên, đa đảng".

2) Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", phát triển "xã hội dân sự". Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.

3) Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước. Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

4) Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

5) Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang; đòi "phi chính trị hoá" quân đội và công an; xuyên tạc đường lối quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân; chia rẽ quân đội với công an; chia rẽ nhân dân với quân đội và công an.

6) Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước.

7) Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; thông tin phiến diện, một chiều về tình hình quốc tế, gây bất lợi trong quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

8) Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học - nghệ thuật. Tác động, lôi kéo, lái dư luận xã hội không theo đường lối của Đảng; cổ súy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội. Sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng.

9) Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. Lợi dụng vấn đề "dân chủ", "nhân quyền", dân tộc, tôn giáo để gây chia rẽ nội bộ, gây chia rẽ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo, giữa dân tộc và tôn giáo, giữa các dân tộc, tôn giáo với Đảng và Nhà nước.

Đọc phần định nghĩa về các biểu hiện « tự diễn biến » trong nội bộ đảng, thì có thể thấy rằng đảng không những từ chối các góp ý mang tính xây dựng của nhóm đảng viên có tâm huyết với đất nước và với đảng, mà còn xếp họ vào loại đã « tự chuyển hoá » mà đảng cần phải chống cho bằng được.

Vấn đề là, ngoài nhóm đảng viên vẫn hay viết kiến nghị, nếu còn có một bộ phận khác trong đảng cũng nghĩ như vậy, nhưng không nói ra một cách công khai, thì nỗi lo lắng của Tổng bí thư lại là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải cách là một nhu cầu nội tại, một nhu cầu đến từ bên trong nội bộ ĐCSVN. Nếu nhu cầu cải cách này là có thật ở một bộ phận trong đảng hiện đang nắm các chức vụ quyền lực, thì có thể hy vọng một ngày nào đó, sự cải cách sẽ được hiện thực hoá.

Nhưng nếu bản Nghị quyết trung ương 4 không chỉ thể hiện ý chí của riêng Tổng bí thư, mà thể hiện ý chí của toàn thể Bộ Chính trị và toàn đảng, thì có thể nói rất khó có hy vọng cải cách, và, mượn cách nói của ông Nguyễn Trung, đảng sẽ lại tiếp tục tha hoá.

Paris, 31/12/2016

Nguyễn Thị Từ Huy