Calitoday
7-10-17

Tân bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa là người thế nào?

Thiền Lâm

Không ngoài dự đoán của nhiều người từ khi bùng nổ vụ “Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị trung ương đánh”, ngay sau khi Hội nghị trung ương 6 bỏ phiếu kỷ luật cách chức và “tống cổ” khỏi Ban chấp hànn trung ương đối với nhân vật “tuổi trẻ tài cao”, con của cựu Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Nguyễn Văn Chi là Nguyễn Xuân Anh, ứng cử viên số một trám vào chỗ của Nguyễn Xuân Anh đã trở thành sự thật: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa – theo một quyết định vào ngày 7/10/2017 của Bộ Chính trị.

Ông Trương Quang Nghĩa lại được đồn đoán là “người thân” của thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Xuân Phúc.

Ông Trương Quang Nghĩa đã kế thừa ghế Bộ trưởng Giao Thông Vận Tải của ông Đinh La Thăng sau khi ông Thăng bất ngờ “nhảy vào” Bộ Chính trị tại đại hội 12 vào đầu năm 2016. Trước đó, ông Nghĩa là một gương mặt hoàn toàn mờ nhạt trong chính trường Việt Nam.

Tuy nhiên đến khi xảy ra “khủng hoảng sân golf Tân Sơn Nhất”, ông Trương Quang Nghĩa bất chợt ghi dấu ấn với một phát ngôn trong kỳ họp quốc hội: “Chúng tôi đã tìm hiểu rất kỹ càng, các đồng chí bên Bộ Quốc phòng cũng rất ủng hộ, nhưng việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía bắc là hoàn toàn không khả thi”.

Mặc dù ông Nghĩa không nói rõ “mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc” là phía Bắc nào, nhưng chỉ cần nhìn vào bản đồ “sân golf trong sân bay” là thấy rõ cái sân golf Tân Sơn Nhất chiếm một khoảng lớn và ngự ngay trên đầu sân bay dân sự đang sống dở chết dở.

Phát biểu trên đã bị công luận phản ứng mạnh mẽ. Một phát biểu “có mùi”.

Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng sân bay TSN về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf TSN để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào. Vậy vì sao ông Trương Quang Nghĩa cứ đòi phải giải tỏa về phía Nam?

Cần nhắc lại, sân golf Tân Sơn Nhất chiến diện tích đến 157 ha và là sản phẩm của “Tập đoàn Dương Công Minh” – một đại gia được nhiều dư luận cho là có mối quan hệ “rất mật thiết” với cánh quân đội và nhiều quan chức Bộ Giao thông Vận tải.

Sau một số phát hiện của mạng xã hội về các công trình sân golf, nhà hàng, khách sạn trong khu vực sân golf Tân Sơn Nhất, báo Tuổi Trẻ cũng đã có một bài điều tra và xác nhận hiện tồn mà giới quan chức Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Him Lam của đại gia Dương Công Minh cho rằng “chỉ có sân golf”.

Tuy nhiên khi đặt bút ký vào “bản hợp đồng vô hiệu” (cụm từ mà một quan chức cao cấp của Quốc hội đã dùng để trực chỉ vụ “sân golf trong sân bay”), nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất đã không thể tưởng tượng nổi vào một lúc nào đó sân bay Tân Sơn Nhất sẽ bị kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, để khiến phát sinh áp lực ghê gớm của xã hội, kéo đến áp lực chẳng đặng đừng của Bộ Chính trị và Chính phủ, về việc “phải trả sân golf cho sân bay”.

Tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017, một hiện tượng rất đáng bị điều tra đến nơi đến chốn là Bộ GTVT – cơ quan chủ quản của sân bay dân sự Tân Sơn Nhất và sẽ là chủ thể được hưởng lợi nếu sân golf bị thu hồi để trả diện tích 157 ha về cho sân bay, lại tìm đủ mọi cách để bảo vệ cho phương án “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành”.

Trước đó, Bộ GTVT của ông Nghĩa đã chẳng có bất kỳ một đề xuất nào cho Chính phủ và Bộ Chính trị về nạn sân golf chiếm đất của sân bay, trong khi chỉ tìm mọi cách để PR cho việc xây dựng sân bay Long Thành.

Tuy vậy, chiến dịch “chuyển Tân Sơn Nhất về Long Thành” của hai nhóm lợi ích quân đội và ODA đã tạm thời thất bại bởi một nguyên do rất đời: tiền. Trong bối cảnh bị các tổ chức tín dụng quốc tế “siết” và tương tự nhiều dự án “khủng” khác, dự án sân bay Long Thành cũng không thoát khỏi số kiếp hẩm hiu khi chẳng biết tìm đâu ra nguồn vay ODA. Thậm chí “chỉ có” 18.000 tỷ đồng còn thiếu cho kinh phí giải phóng mặt bằng tại dự án sân bay Long Thành mà còn không biết làm sao tìm ra.

Sau một số động tác mang hơi hướng “bảo kê” cho sân golf Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Nghĩa đã bị dư luận dồn nghi ngờ: ông nói ngôn ngữ của ai và bảo vệ cho ai?

Vào tháng 3/2017, một bài viết trên Facebook Chống quan tham đã nêu ra một khả năng cực kỳ đáng lo ngại: một khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động và toàn bộ hành khách của sân bay TSN sẽ chuyển về sân bay Long Thành, 800 ha đất vàng của sân bay Tân Sơn Nhất sẽ rơi vào tay một đại gia của nhóm lợi ích quân đội là ông Dương Công Minh…

Còn trong tương lai, Tân bí thư Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa sẽ là người như thế nào?

Từng có hơn 2 năm đảm nhiệm vị trí Phó bí thư Thành ủy Đà Nẵng (5/2008 – 9/2010), ông Trương Quang Nghĩa được xem là “người cũ” và có thuận lợi trong công tác “an dân” lẫn điều hành thành phố thủ phủ miền Trung này.

Nhưng với những gì mà dư luận và công luận xã hội đã chứng kiến về thái độ và hành động của ông Trương Quang Nghĩa trong vụ “sân golf trong sân bay”, ai có thể bảo đảm là quan chức này sẽ bớt dính dáng với các nhóm lợi ích hơn Nguyễn Xuân Anh vừa bị “hất đi”?