Sự thật lịch sử, cách nhìn lịch sử,
những tiền đề cho hòa giải hòa hợp dân tộc

Trương Quang Đệ

 

Nhà sử học Phan Huy Lê vừa qua đời ở Hà Nội, hưởng thọ 84 tuổi. Xin  có lời chân thành phân ưu với gia đình, cầu mong linh hồn ông từ nay thanh thản ở cõi vĩnh hằng. Nhân dịp này những người quan tâm đến lịch sử nước nhà bày tỏ đôi điều về cách hiểu, cách nhìn lịch sử. Có một thời trên các mạng xã hội xuất hiện nhiều bài nhận xét về bộ sử mới ra đời của Viện Sử học Việt Nam. Một số bài hoan nghênh nhóm tác giả đã mạnh dạn bỏ cách gọi "ngụy quân", "ngụy quyền" gán cho chính quyền và quân đội VNCH cũ và cho rằng cách gọi đó mang lại nhiều lợi ích trong quan hệ quốc tế. Ngược lại, vì thay cách gọi như vậy mà một số thành phần kiên định lập trường cách mạng, trong đó có một vị tướng cho rằng nhóm tác giả có cách nhìn phản động và đề nghị thu hồi ngay bộ sách. Một số khác cho rằng bộ sử mới cũng chỉ được viết trên tinh thần tuyên truyền chính trị quen thuộc, không có nhận định nào đáng kể về những sai lầm trong quá khứ. Trong cuộc tranh cãi này, khái niệm đưa ra làm chuẩn là "sự thật lịch sử". Vị giáo sư đại diện nhóm tác giả trong buổi giới thiệu bộ sách có lời lí giải  rằng bộ sách ghi những điều mà mọi người chấp nhận được. Phía kiên trì đường lối cách mạng phản bác rằng cần phải nêu lên sự thật lịch sử chứ không phải nêu nhữg gì để được mọi người chấp nhận.

Tình hình đó cho thấy việc hòa giải hòa hợp dân tộc hiện nay thực quá xa vời, khiến cho những người thiện chí vô cùng thất vọng. Sự xung khắc ý thức hệ dẫn tới sự bế tắc về hòa hợp dân tộc giờ đây đã lộ rõ qua hai khái niệm có tính triết học : sự thật lịch sửnhững điều được mọi người chấp nhận. Những người bảo thủ cho rằng viết sử là viết sự thật, không phải viêt những sự kiện mà người này người kia chấp nhận. Mới nghe qua thì thấy lí luận đó rất vững chắc. Tuy vậy khi suy nghĩ chín chắn hơn sẽ thấy không đơn giản như vậy. Bởi lẽ trong đầu những người bảo thủ,"sự thật lịch sử" là những gì mà trước nay được nói trong các văn kiện chính thức của Đảng. Và như mọi người đều biết, đó là những sư kiện (thực hay huyền thoại) chủ yếu về thành tựu của Đảng. Còn khái niệm "mọi người chấp nhận" cũng không phải thiếu căn cứ như người ta nghĩ, đó là cách ứng xử xưa nay của nhiều người viết sử. Lấy ví dụ sự kiện phá ngục Bastille trong Cách mạng Pháp mà xem xét. Khi dân chúng tràn vào ngục Bastille đập phá, nhà ngục to lớn như vậy chỉ giam có bày tù nhân: ba bốn thường phạm, một vài kẻ tâm thần, một quí tộc vỡ nợ. Như vậy về lý thuyết, họ không được xem là những người bị chế độ quân chủ chuyên chế áp bức và được cách mạng giải phóng. Hơn nữa dân chúng phá ngục Basrille đâu phải để giải phóng tù nhân mà chủ yếu cướp lấy kho vũ khí. Sự kiện lịch sử "thô" này sẽ được các giới chính trị và lịch sử đánh giá lại qua nhiều tranh cãi và đi đến một điều mà mọi người, phái hữu cũng như phái tả "chấp nhận", theo đó  việc phá ngục, dầu trong ngục không có ai, vẫn là biểu tượng cho sự nổi dậy. Nhà ngục là biểu tượng cho sự chuyên chế, trấn áp nên phá ngục trổ thành biểu tượng cho cách mạng, vậy đó. Phải thấy rằng các biểu tượng "sống" và "sống lâu" hơn những sư kiện lịch sử có thật. Lịch sử Pháp có nhiều thí dụ như vậy: Jeanne d'Arc, cô gái chăn cừu biểu tượng của chủ nghĩa ái quốc Pháp, có mấy phần sát với sự thật lịch sử? Ở nước ta, có vị anh hùng nào sáng ngời hơn Phù Đổng Thiên Vương? Vậy mà đó chỉ là huyền thoại. Có nhà sử học nào chứng minh được bài "Nam quốc sơn hà..." của Lý Thường Kiệt đã được đọc trong đêm trên sông Như Nguyệt, trước binh lính xâm lược phương Bắc và đọc bằng tiếng Hán cổ hay âm địa phương phía Nam cho họ hiểu? Nhưng bài thơ biểu tượng đó sống mãi trong lòng người Việt và không ai nghĩ đến sự thật xẩy ra như thế nào. Người bình thường khi thấy tượng Đông Ky Sốt và viên tùy tùng Sancho Panza ở Tây Ban Nha hay ngôi mộ giả Ham-lét ở Đan Mạch hay ngôi nhà số 2213 Baker Street của Sherlock Holmes hiện nay vẫn tồn tại ở Luân Đôn đều cho rằng đó là những nhân vật có thưc, bởi vì những nhân vật đó "sống" hơn cả những người sống thật. Mặt khác, có những sự thật hiển nhiên nhưng không ai muốn chấp nhận kể cả những nhà khoa học. Học giả Hoàng Xuân Hãn, vào những năm 50 của thế kỷ trước, cho xuất bản cuốn "Chinh phụ ngâm bị khảo" (Khảo cứu đầy đủ về Chinh phụ ngâm), nêu rõ bản Chinh phụ ngâm mà mọi người quen thuộc bấy lâu nay không phải của bà Đoàn Thị Điểm, mà của Phan Huy Ích. Đoàn Thị Điểm cũng có một bản dịch nhưng ít được lưu hành. Chứng cứ mà học giả Hoàng Xuân Hãn đưa ra rất vững chắc, vì bản thân ông đã nghiên cứu gia phả dòng họ Phan Huy và tìm được bản dịch đó. Lần đầu tiên đọc cuốn "Chinh phụ ngâm bị khảo" cuối năm 1954 ở Hà Nội, tôi nghĩ bụng rằng đề xuất của học giả Hoàng Xuân Hãn chắc không có ai chấp nhận. Thời gian đã khẳng định lòng tin đó. Hiện nay, cuộc chiến năm 1979 giữa ta và Phương Bắc còn rành rành trong ký ức mọi người nhưng hình như cả hai bên đều cho rằng không hề có cuộc chiến đó. Thực tình không bên nào "chấp nhận" được cách nhìn của bên kia: "cuộc phản công tự vệ, dạy cho đối phương một bài học" hay đơn thuần "cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa bành trướng Phương Bắc" mhằm cứu vớt đồng minh Khơ Me đỏ đang sụp đổ.

Vì vậy tôi thấy việc ông Phan Huy Lê vào năm 2009 giải bày công khai lời dặn của ông Trần Huy Liệu về trường hợp nẩy sinh anh hùng Lê Văn Tám là một điều dễ gây tranh cãi. Với trách nhiệm một nhà sử học, với nhân cách của một nhà khoa học, ông thấy cần đưa mọi sự kiện lịch sử vào khuôn khổ chân thực. Nhưng người dân thường như bản thân tôi muốn tiếp cận vấn đề theo cách khác với ý thức rằng một biểu tượng, dầu xa sự thật đến đâu, vẫn rất khó xóa bỏ. Chẳng hạn trước lời dặn của ông Trần Huy Liệu, các nhà sử học  đứng ra  tổ chức nghiên cứu một cách hệ thống những gương anh hùng thời chiến như Võ Thị Sáu, Trần Thị Lý, Lê Văn Tám v.v. rồi đưa những chú thích cá nhân như lời dặn Trần Huy Liệu vào đó. Tài liệu sẽ được bảo mật trong vòng 30 năm hay lâu hơn rồi sẽ được công bố về sau. Vậy về phương diện triết học lịch sử, nhiệm vụ của nhà sử học đơn thuần trung thành với sự kiện lịch sử một cách vô điều kiện hay phải tính đến "tính chấp nhận được" của sự kiện đó? Trực giác bảo tôi rằng không phải lúc nào cũng biết đích xác các việc đã xẩy ra.  Bởi lẽ   các sự kiện lịch sử còn có khi bị che mờ bởi những lí do  nào đó khó bề phân giải . Vì khái niệm "sự thật lịch sử" có  tính tương đối như vậy nên nhà nươc cần cho tồn tại nhiệu bộ sử khác nhau, quốc sử cũng như ngoại sử để người dân, nhất là các nhà nghiên cứu sử dụng, tra cứu. Đương nhiên, theo phương hướng tư tưởng hiện nay, bộ sử chính thức dưới sự chỉ đạo của Đảng cầm quyền sẽ được dùng làm căn bản cho sách giáo khoa và những trích dẫn của người nhà nước. Bên cạnh đó cần khuyến khích các nhà sử học độc lập soạn thảo lịch sử theo từng cách nhìn khác nhau. Sự phong phú đa dạng này sẽ không gây hỗn loạn, ngược lại sẽ làm giàu có thêm cho nhận thức con người.

"Viết sử", theo tôi, về thực chất là "viết cách nhìn lịch sử". Phương Đông là vậy mà Phương Tây cũng vậy. Nghĩ đến đó ta thật thấm thía câu nói của Ferdinand de Saussure, người đặt nền móng cho ngôn ngữ học hiện đại: Còn xa mới có chuyện sự vật đi trước cách nhìn; chính cách nhìn tạo ra sự vật....(Nguyên văm tiếng Pháp: Bien loin que l'objet précède le point de vue, c'est le point de vue qui crée l'objet....- Giáo trình ngôn ngữ học đại cương). Đã hơn mười năm qua khối Cộng Đồng Châu Âu tìm cách "viết lại lịch sử", làm sao cho mọi thành viên của cộng đồng chấp nhận được. Bởỉ lẽ theo sử truyền thống thì một thắng lợi của Pháp là một thất bại của Anh hay Đức và ngược lại. Phải có cách nhìn thế nào để mọi người đồng tình, cảm thông với nhau khi sống chung một nhà. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết ở Trung Quốc hiện nay cũng có chủ trương "viết lại lịch sử" cho phù hợp với tình hình chính trị mới.

Khi nghĩ đến việc viết sử Việt Nam làm sao để mọi người chấp nhận và làm tiền đề cho một sự hòa giải hòa hợp dân tộc thực sự trong tương lai, ai cũng thấy đó là chuyện hết sức cần thiết, đồng thời ai cũng thấy gần như bất khả thi nếu không khắc phục được sự chia rẽ về ý thức hệ. Gần đây nhân dịp 50 năm sự kiện Tất Mậu Thân 1968, người Việt chia rẽ hơn bao giờ hết. Phe thắng cuộc hân hoan kỉ niệm mốc lịch sử chiến tranh có tính quyết định này, phe thua cuộc và những người dân thường mất mát nhiều trong cuộc chiến thì buồn bã khôn nguôi. Cũng giống như muốn tránh kẹt xe thì phải có ý thức nhường đường cho nhau, mình vì mọi người. Vì không ai nhường ai nên mọi việc bế tắc. Đến lúc nào dân ta mới có ý thức về sự khoan dung, nhường nhịn, lấy dân tộc quốc gia làm trọng, bỏ bớt lợi ích cá nhân phe phái? Phải nghĩ đến tình huống "lật bàn tay": Lật lên, úp xuống ta thấy hai mặt khác nhau nhưng chung qui vẫn là một bàn tay.

Trong khi chưa tìm được cách viết sử được mọi người, mọi phe phái chấp nhận, ta cần có thái độ cầu thị, khoan dung với những cách viết sử khác nhau, thận trọng trong cách phân tích phê phán. Trong cuốn "Các phương phái lịch sử" của hai nhà sử học Pháp Guy Thuller và Jean Tulard (bản dịch ra tiếng Việt được Nhà Xuất Bản Thế Giới cho mắt năm 2002) có những kết luận quan trọng như sau: Một là có nhiều cách viết sử khác nhau nhưng có giá trị như nhau về công dụng thực tiễn. Tin rằng chỉ có một cách viết duy nhất là sự ngây thơ của người thiếu kinh nghiệm. Hai là về mặt khoa học, không có trường phái lịch sử khác nhau mà chỉ có cách viết khác nhau được hình tthành trong một môi trường, một hệ thống quan hệ trí tuệ và tình cảm, một nhu cầu văn hóa riêng. 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 3-10-18