Nguồn: How Trump’s Policies Are Helping China
Foreign Affairs, 28/9/2018
Người dịch: Huỳnh Hoa
Chính sách của Trump đang giúp
Trung Quốc như thế nào?
Bắc Kinh vẫn không tin vào vận
may của mình
Lưu Á Đông
(Yadong Liu) (*)
Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ tổng thống của ông Donald Trump, đa số
các bình luận gia phương Tây về quan hệ Mỹ-Trung đều thấy cách tiếp cận
Trung Quốc của chính phủ Trump là một thất bại mang tính chiến lược;
thậm chí vài người còn kết luận rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
(Xi Jinping) đã bịp được ông
Trump. Tuy nhiên, gần đây trên báo chí phương Tây đã nổi lên một câu
chuyện khác. Theo quan điểm này, sức ép của ông Trump lên Trung Quốc
đang có hiệu quả và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang lo ngại. Những
người ủng hộ quan điểm này khẳng định, việc ông Trump áp thuế 25 phần
trăm lên 50 tỉ đô la hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đang làm tổn
thương nền kinh tế Trung Quốc vào lúc nước này đã sử dụng quá đáng đòn
bẩy tài chính và tăng trưởng đang chậm lại. Trong khi đó, họ nói rằng
cuộc gặp gỡ hồi tháng Bảy của ông Trump với Chủ tịch Ủy ban châu Âu
Jean-Claude Juncker là một ngón đòn xuất sắc về chiến thuật: bằng việc
thương lượng một “thỏa thuận ngưng chiến” về thương mại với EU, ông
Trump đã đoàn kết được phương Tây chống lại Trung Quốc. Vào tháng 9, ông
Trump thể hiện quyết tâm của mình bằng cách áp thuế lên thêm 200 tỉ đô
la giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, theo một số báo
cáo, sự bất đồng với việc ông Tập độc quyền kiểm soát chiến lược của đất
nước đang tăng lên bên trong nước Trung Quốc và giới lãnh đạo nước này
đang tìm cách xoa dịu ông Trump.
Tuy nhiên, câu chuyện này gần như trái ngược hoàn toàn với sự thật. Thực
tế là, mặc dù căng thẳng thương mại leo thang, Bắc Kinh vẫn nhìn ông
Trump như là vị tổng thống Mỹ lý tưởng đối với Trung Quốc. Việc ông
Trump rút ra khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cách tiếp cận
cứng rắn về thương mại với Nhật Bản, và lời ông nói về rút quân đội Mỹ
khỏi Hàn Quốc đều phục vụ cho lợi ích của Trung Quốc, tăng tốc đà suy
giảm ảnh hưởng của Mỹ ở châu Á và mở ra không gian để Trung Quốc bành
trướng ảnh hưởng của mình nhanh hơn là họ từng mơ tới. Trung Quốc khó có
thể hy vọng một ông chủ Nhà Trắng nào có tinh thần hợp tác mạnh mẽ hơn.
Cũng có lý do hợp lý để tin rằng Trung Quốc vẫn tin tưởng ở khả năng
quản lý ông Trump của họ. Dựa trên những cuộc trò chuyện của tôi với một
nhân vật thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn nhìn ông
Trump như một tổng thống Mỹ tốt hơn rất nhiều cho quyền lợi của Trung
Quốc so với những người khác.
Niềm tin của Bắc Kinh có gốc rễ trong kinh tế học. Trong trò chơi thương
mại mà Washington và Bắc Kinh đang chơi, Trung Quốc đang có một số con
bài mà các nhà phân tích của Mỹ - và có thể cả những người hoạch định
chính sách của Mỹ nữa - đã không đánh giá đúng. Số liệu thống kê về cân
bằng thương mại cho thấy Trung Quốc đạt thặng dư thương mại với Mỹ
khoảng 370 tỉ đô la, nhưng không thể hiện ai là người kiếm được lợi
nhuận từ hoạt động xuất khẩu này. Phần lớn sản phẩm xuất khẩu của Trung
Quốc mà ông Trump đang cố bóp chết bằng thuế suất là các sản phẩm hoặc
được sản xuất hoặc được bán ra bởi các công ty Đài Loan, Hàn Quốc hoặc
Hoa Kỳ chứ không phải các công ty Trung Quốc. Một ví dụ cho điều này là
iPhone, được sản xuất bằng lao động của người Trung Quốc, nhưng trong
các nhà xưởng của người Đài Loan và bán ra bởi Apple, một tập đoàn Mỹ.
Như Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường
(Li Keqiang) chỉ ra trong lời
cảnh báo chống lại chiến tranh thương mại hồi tháng Ba năm ngoái: “Hơn
90 phần trăm lợi nhuận [trong những thí dụ như thế] được Hoa Kỳ nắm lấy.
Chúng tôi có số liệu thống kê cho thấy rằng năm ngoái, thương mại và đầu
tư Trung Quốc – Hoa Kỳ đã tạo ra hơn một triệu việc làm ở Mỹ”.
Hơn thế nữa, phần lớn khoản tiền mà các công ty Mỹ kiếm được ở Trung
Quốc không được phản ánh trong số liệu thống kê thương mại, bởi vì nó
được nhập vào các công ty Mỹ và các công ty liên doanh Mỹ-Trung Quốc,
sản xuất ở Trung Quốc để bán trên thị trường Trung Quốc. Đối với một số
tập đoàn công ty lớn nhất của Mỹ, kể cả các nhà sản xuất xe hơi và máy
bay, thị trường Trung Quốc quan trọng hơn nhiều cho tăng trưởng tương
lai của họ hơn là thị trường Mỹ. Và nếu như chiến tranh thương mại nóng
lên, Trung Quốc có nhiều phương tiện pháp lý để phá hỏng những thành
công của các công ty Mỹ ở thị trường Trung Quốc. Mỹ sẽ không có cách nào
trả đũa vì thị trường Mỹ không thật sự quan trọng cho các công ty Trung
Quốc.
TẬP ĐOÀN TRUMP, INC.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ lâu đã đo lường ông Trump. Ông ta trước
hết là một doanh nhân, không phải chiến lược gia. Hơn thế nữa, mối quan
tâm dài hạn đầu tiên của ông là lợi nhuận cho các doanh nghiệp của chính
ông ta, một mục đích mà ông đặt ưu tiên cao hơn việc thúc đẩy các lợi
ích quốc gia của Hoa Kỳ. Trung Quốc đã từng tỏ ra có ích cho mối quan
tâm chủ yếu của cá nhân ông Trump. Ví dụ, Bắc Kinh đã nhanh chóng phê
chuẩn các thương hiệu mà Ivanka Trump sở hữu và hỗ trợ các dự án phát
triển ở Indonesia có liên quan tới tổ chức Trump Organization. Và Bắc
Kinh, vốn ít khi khoe khoang việc cung cấp cơ hội kinh doanh như một
biện pháp khích lệ hoặc “lại quả” cho các chính trị gia nước ngoài, thậm
chí còn có ích cho Trump nhiều hơn nữa trong tương lai.
Và như Bắc Kinh đã thấy rõ, không có gì đáng ngạc nhiên, lợi ích hàng
đầu của ông Trump là giữ được quyền lực. Để được như vậy, ông cần trình
cho khối cử tri ủng hộ mình một loạt chiến thắng. Phương pháp của ông đã
rõ: ông tạo ra một bầu không khí khủng hoảng rồi thực thi một giải pháp
ngoạn mục nhưng chỉ có tác dụng trang điểm bề ngoài mà không thay đổi
điều gì cả. Đây là kiểu cư xử ban đầu của ông với Trung Quốc, khi ông
nói những lời cứng rắn để rồi tiếp đón ông Tập trong một bữa tiệc hoành
tráng của những người cùng chí hướng ở Mar-a-Lago. Ông cũng theo đúng
cách thức đó khi giao thiệp với Bắc Hàn, lúc đầu ông dọa chiến tranh để
rồi tuyên bố mối đe dọa của Bắc Hàn đã chấm dứt cho dù Bình Nhưỡng vẫn
tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân của họ. Cuộc gặp gỡ với ông
Juncker để giải quyết xung đột thương mại Mỹ-Âu châu là một giải pháp
giả tạo khác cho một cuộc khủng hoảng giả tạo. Bắc Kinh vẫn không thèm
quan tâm tới một chính sách thương mại chung Mỹ-châu Âu chống lại Trung
Quốc: thị trường Trung Quốc quá quan trọng cho các doanh nghiệp châu Âu
nên họ không thể dứt khoát đứng về một phía.
KẾ HOẠCH CỦA TRUNG QUỐC
Theo nguồn tin của tôi, Trung Quốc vẫn đang muốn hữu hảo với Trump. Bắc
Kinh đã diễn vai của mình trong phần đầu vở kịch nhỏ của ông Trump; họ
trả đũa lại biện pháp tăng thuế của ông để giúp tạo ra một cảm giác
khủng hoảng. Nhưng Bắc Kinh không leo thang: các nhà lãnh đạo hàng đầu
của Trung Quốc vẫn giữ sự im lặng lịch thiệp. Họ để cho ông Trump phô
diễn sáng kiến của mình.
Hồi tháng Năm, Bắc Kinh đưa ra điều mà ở Trung Quốc người ta gọi là “bậc
thềm để bước xuống”, khi Phó Thủ tướng Lưu Hạ
(Liu He) đề nghị Trung Quốc
sẽ tăng mua hàng hóa của Mỹ thêm 200 tỉ đô la vào năm 2020. Nhưng rõ
ràng ông Trump chưa sẵn sàng cho hồi thứ hai của vở kịch của chính ông
và tiếp tục tiến tới với đợt tăng thuế thứ nhất. Dẫu sao, theo nguồn tin
của tôi, giới lãnh đạo Trung Quốc vẫn chưa từ bỏ hy vọng về một giải
pháp cho cuộc tranh chấp thương mại trước khi nước Mỹ bước vào cuộc bầu
cử giữa kỳ vào tháng 11-2018. Kết cục của cuộc tranh chấp sẽ liên quan
tới một cam kết của Bắc Kinh giảm thâm hụt thương mại của Mỹ. Vào lúc
này, những cuộc nhượng bộ có tính toán của Bắc Kinh chủ yếu liên quan
tới việc Trung Quốc tăng nhập khẩu sản phẩm của Mỹ, đặc biệt là năng
lượng. Nhưng thỏa thuận này sẽ không làm gì để thay đổi cuộc đua chiến
lược của Trung Quốc nhằm chiếm vị thế dẫn đầu thế giới trong các công
nghệ cốt lõi của nền kinh tế mới như công nghệ người máy
(robotics), trí tuệ nhân tạo
và mạng viễn thông thế hệ thứ 5. Ông Trump sẽ tuyên bố chiến thắng và
Bắc Kinh sẽ không phản bác ông ta bởi vì Trung Quốc muốn ông ta giữ được
quyền lực.
Đối với Bắc Kinh, mâu thuẫn căn bản trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc hiện nay
là mang tính cấu trúc: vì Trung Quốc tiếp tục đuổi theo Mỹ cả về kinh tế
lẫn quân sự nên căng thẳng giữa hai bên là không thể tránh khỏi. Bắc
Kinh không mong đợi Washington từ bỏ vị thế thống trị của mình mà không
chiến đấu, và cũng không bao giờ mong đợi một cuộc hành trình thuận buồm
xuôi gió cho dù bất cứ ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm
2016. Theo ý nghĩa đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiểu rõ những thách
thức mà họ phải đương đầu trong dài hạn. Nhưng, với các nhà hoạch định
chính sách Trung Quốc, con đường tiến lên phía trước đã trở nên rõ ràng:
giải quyết những vấn đề quốc nội đang đè nặng, thúc đẩy kinh tế tăng
trưởng và bành trướng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Không một áp lực
nào của Mỹ sẽ làm Trung Quốc đi chệch khỏi con đường đó. Điệu bộ của ông
Trump – và xu hướng của ông đặt lợi ích cá nhân lên trước quyền lợi của
đất nước – đang làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn là những gì mà
Bắc Kinh mơ tưởng.
(*)
Lưu Á Đông (Yadong Liu)
nguyên là tổng giám đốc điều hành (CEO) của CEFC Global Strategic
Holdings, một công ty có trụ sở tại New York, đầu tư vào năng lượng và
công nghệ năng lượng.
|