NGƯỜI VIỆT
Cuộc chiến Ukraine và triển vọng xoay trục của Việt Nam
Hiếu Chân
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào Ukraine làm rung chuyển thế giới
và có thể lập lại một trật tự quốc tế mới, hình thành một mặt trận dân
chủ chống chế độ độc tài Trung Quốc. Việt Nam sẽ đứng ở đâu trong trật
tự đó?
Cuộc chiến tranh Ukraine – hiện đã bước sang tuần lễ thứ sáu – mang lại
rất nhiều điều bất ngờ cho những nhà quan sát và phân tích thời sự dày
dạn nhất.
Những bất ngờ của chiến cuộc
Trên chiến trường, hầu như ai cũng bất ngờ với sức kháng cự bền bỉ, mạnh
mẽ và hiệu quả của quân đội và người dân Ukraine, với tình trạng yếu kém
thê thảm của quân đội Nga và những hành vi khủng bố man rợ đối với người
dân thường của đội quân vẫn được coi là mạnh mẽ thứ hai thế giới.
Người ta cũng bất ngờ với sự “thức tỉnh” đột ngột của phương Tây, dẫn
tới sự thay đổi tận gốc chiến lược về an ninh, năng lượng của các nước
châu lục này. Nước Đức chẳng hạn, suốt mười mấy năm cầm quyền của bà
Angela Merkel, thủ tướng, đã nỗ lực duy trì mối quan hệ hữu hảo với nước
Nga của ông Vladimir Putin, tổng thống, để bảo đảm nguồn cung cấp năng
lượng, mở rộng thị trường cho sản phẩm công nghệ Đức, đồng thời núp dưới
cái dù an ninh của Hoa Kỳ và NATO, đã nhanh chóng thay đổi chính sách,
gia tăng chi tiêu quốc phòng và tăng cường viện trợ vũ khí tân tiến cho
các lực lượng kháng chiến Ukraine.
Ba Lan, một thành viên Liên Minh Châu Âu (EU) vốn bất mãn với EU về
chính sách thông thoáng trong việc tiếp nhận người di dân từ Trung Đông
và Bắc Phi, đã nhanh chóng mở rộng cửa biên giới đón tiếp người Ukraine
tản cư, và mở hành lang vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo lẫn vũ khí quân
dụng vào Ukraine. Mới đây khi Nga sử dụng hỏa tiễn siêu vượt âm
(hypersonic) Kinzhal để tấn công các mục tiêu ở Ukraine và đe dọa sử
dụng vũ khí nguyên tử, Ba Lan đã lên tiếng đề nghị Hoa Kỳ bố trí vũ khí
hạt nhân trên lãnh thổ của họ để đề phòng.
Một bất ngờ lớn là sự đồng tâm hiệp lực của các nước công nghiệp Châu Âu
và một số nước Châu Á như Nhật, Nam Hàn, Úc, Singapore, Đài Loan đã
nhanh chóng cùng Hoa Kỳ thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga
mạnh mẽ chưa từng có dù bản thân các nước này cũng phải chịu những thiệt
hại kinh tế đáng kể do giá dầu mỏ, khí đốt và lương thực tăng cao khi
nguồn cung cấp bị gián đoạn.
Những thay đổi bất ngờ đó chứng tỏ cuộc chiến Ukraine đã không còn là
hành động của Nga nhằm thay đổi chính phủ hợp pháp của Ukraine, ngăn cản
nước này gia nhập Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc hợp thức hóa
việc Nga sáp nhập một số vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine như tuyên bố
của ông Putin.
Nhà bình luận Tom Friedman nổi tiếng của báo The New York Times cho rằng
cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là mới thực sự là cuộc chiến tranh thế
giới, khác hẳn Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến, do chỗ bất kỳ
người nào, dù sống ở nơi nào trên trái đất, chỉ cần có một chiếc điện
thoại thông minh và một thẻ tín dụng (credit card) thì gần như đều có
thể theo dõi tin tức chiến sự cập nhật qua hình ảnh, tham gia chiến
tranh bằng một cách nào đó và bị nó ảnh hưởng cả về kinh tế và xã hội.
“[Cuộc chiến này] đã nhanh chóng biến thành ‘trận đánh lớn’ giữa hai hệ
thống chính trị quyền lực nhất trong thế giới ngày nay: hệ thống dân
chủ, nhà nước pháp quyền và thị trường tự do chống lại chế độ cai trị ăn
cướp [kleptocracy] chuyên chế,” ông Friedman viết hôm 3 tháng Tư.
“Thành phần thứ ba” của cuộc chiến Ukraine
Tuy vậy, cũng có một cách nhìn khác về cuộc chiến. Từ Châu Á, một số học
giả cho rằng, dù thế nào, chiến tranh Ukraine cũng chỉ là vụ xung đột
giữa những người Châu Âu, trên đất Châu Âu và không làm thay đổi nhiều
cục diện ở Châu Á – là nơi xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn là yếu tố
chủ đạo chi phối tình hình khu vực trong nhiều năm tới.
Các học giả này, chẳng hạn như ông Shivshankar Menon, giáo sư đại học
Ashoka University và cựu cố vấn an ninh quốc gia cho ông Manmohan Singh,
cựu thủ tướng Ấn Độ, những năm 2010-2014, cho rằng thế giới còn có một
“thành phần thứ ba” đông đảo và không đứng về phe nào trong cuộc chiến
Ukraine.
Tại cuộc bỏ phiếu của Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến
tranh xâm lược của Nga hôm 2 Tháng Ba, có 141 phiếu thuận, năm phiếu
chống và đến 35 phiếu trắng. Đáng chú ý là trong số 35 nước bỏ phiếu
trắng – không tán thành và cũng không phản đối cuộc xâm lược của Nga –
có hai nước đông dân nhất hành tinh Trung Quốc và Ấn Độ, nhiều nước Châu
Á khác, kể cả Việt Nam.
Một báo cáo nghiên cứu của Đơn Vị Tình Báo Kinh Tế (Economist
Intelligence Unit – EIU) công bố Thứ Năm tuần trước, 31 Tháng Ba, ghi
nhận “hai phần ba dân số thế giới sống ở các quốc gia hoặc trung lập
hoặc nghiêng về phía Nga trong cuộc chiến ở Ukraine” và chỉ có 36% dân
số thế giới sống ở các quốc gia lên án Nga một cách mạnh mẽ và áp đặt
biện pháp trừng phạt kinh tế Nga. Ấn Độ dẫn đầu, các nước gọi là “không
liên kết” tức không tham gia một liên minh quân sự nào – trong đó có các
nước lớn như Brazil, Nam Phi, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương Quốc Arab –
đang cố tránh để không phải chọn đứng về một bên trong cuộc chiến với hy
vọng sẽ hưởng lợi từ vị thế trung lập của họ. Ngoài ra, theo báo cáo, có
đến 32% dân số thế giới sống ở các nước mà chính phủ của họ ủng hộ hành
động xâm lược của Nga.
Đáng chú ý là ngay tại Châu Âu không phải chính phủ nào cũng ủng hộ cuộc
kháng chiến chính nghĩa của Ukraine, lên án hành vị xâm lược của Nga.
Trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật, 3 Tháng Tư vừa qua, các đảng chính trị
thân Nga của ông Viktor Orban, thủ tướng Hungary, và ông Aleksandar
Vucic, tổng thống Serbia, đã giành chiến thắng áp đảo trước các đối thủ
có khuynh hướng tự do và thân phương Tây.
Serbia là một nước tách ra từ Liên Bang Nam Tư cũ, có quá khứ Cộng Sản
và hiện nằm trong quỹ đạo ảnh hưởng của Moscow nên chiến thắng của ông
Vucic – một người rất thân với ông Putin – không phải là chuyện lạ. Lạ
là trường hợp của Hungary, thành viên của cả EU và NATO, nhưng công khai
bất hòa với Brussels, Bỉ. Trong cuộc chiến Ukraine, chính phủ của ông
Orban miễn cưỡng tuân theo các lệnh trừng phạt Nga của EU nhưng từ chối
cho phép NATO chuyển vũ khí qua lãnh thổ Hungary để viện trợ cho Ukraine
và không muốn cấm nhập cảng dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Những dữ kiện trên cho thấy, cục diện thế giới hiện nay rất phức tạp,
các chính phủ lựa chọn chính sách đối ngoại không phải lúc nào cũng dựa
trên đạo đức, ủng hộ “chính nghĩa,” “giá trị dân chủ tự do và nhân
quyền” mà thường bị lợi ích quốc gia, lợi ích của đảng cầm quyền chi
phối. Lựa chọn của Việt Nam nằm trong số các lựa chọn phi đạo đức, chỉ
vì lợi ích thiển cận của một thiểu số.
Ấn Độ sẽ xoay trục?
Ấn Độ là một trường hợp tiêu biểu, nên xem xét để hiểu trường hợp Việt
Nam. Ngay từ khi giành được độc lập năm 1947, Ấn Độ đã có khuynh hướng
thân thiện với Liên Xô cũ do Moscow ủng hộ New Delhi trong cuộc tranh
chấp lãnh thổ với Pakistan ở vùng Kashmir.
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, Ấn Độ là một trong những thành viên sáng
lập Phong Trào Không Liên Kết (NAM), những quốc gia từ chối liên kết với
Hoa Kỳ hoặc Liên Xô, không tham gia vào bất kỳ liên minh quân sự nào
hoặc can thiệp vào các cuộc xung đột ở nước ngoài.
Sau khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc, New Delhi vẫn duy trì quan hệ thương
mại chặt chẽ với Nga, nhưng điều đó cũng không ngăn cản nước này tiến
lại gần Hoa Kỳ trong những năm gần đây. Để duy trì lợi ích kinh tế với
Nga, Ấn Độ đã chọn vị thế “trung lập,” không lên án Moscow và đã năm lần
bỏ phiếu trắng cho các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc lên án cuộc chiến.
Ấn Độ phụ thuộc vào Nga về nguồn cung cấp vũ khí và năng lượng. Quyết
định cấm vận kinh tế Nga của phương Tây sau cuộc chiến Ukraine mở ra cơ
hội cho Ấn Độ mua được dầu khí với giá rẻ của Nga, thanh toán bằng đồng
tiền của Ấn Độ để tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ấn Độ đặc biệt bị lệ thuộc vào Nga trong lĩnh vực vũ khí. Theo Viện
Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm (SIPRI) của Thụy Điển, Nga là nhà
xuất cảng vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ: chiếm gần 20% tổng kim
ngạch xuất cảng vũ khí toàn cầu; và riêng Ấn Độ mua tới 28% tổng số vũ
khí mà Nga xuất cảng. Còn theo dữ liệu do tổ chức phi chính phủ Mỹ
Stimson thu thập, khoảng 85% kho vũ khí hiện tại của Ấn Độ là mua của
Liên Xô cũ hoặc Nga.
Chính mối ràng buộc về vũ khí và năng lượng đã khiến Ấn Độ im lặng,
không lên án hành động xâm lược của ông Putin hiện nay. Sau cuộc điện
đàm với ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, hồi đầu Tháng Ba về tình
hình Ukraine, ông Joe Biden, tổng thống Mỹ, nhận xét lập trường của Ấn
Độ “có phần lung lay.” Còn sau khi New Delhi thông báo đã mua được 5
triệu thùng dầu giá rẻ của Moscow, bà Jen Psaki, phát ngôn viên Tòa Bạch
Ốc, cảnh báo: “Lịch sử sẽ ghi nhớ Ấn Độ đứng về phe nào trong cuộc chiến
này.”
Tuy vậy chính sách “đu dây” của Ấn Độ sẽ không kéo dài, theo nhận định
của nhiều nhà quan sát thời sự. Lo ngại trước áp lực quân sự của Trung
Quốc và nước láng giềng Pakistan, Ấn Độ đã tham gia Diễn Đàn An Ninh Bộ
Tứ (QUAD), cùng với Hoa Kỳ, Nhật và Úc. Những năm gần đây, Ấn Độ đã nỗ
lực đa dạng hóa nguồn cung vũ khí để không còn lệ thuộc vào Nga. Giáo Sư
Menon của đại học Ashoka University cho biết, từ năm 2002 đến 2020, giá
trị vũ khí mà Ấn Độ nhập cảng từ Nga đã giảm từ mức 88% xuống còn 35%
trong khi vũ khí của Mỹ và đồng minh tăng lên đến 65%. Xu hướng từ bỏ vũ
khí Nga để mua sắm vũ khí Mỹ của Ấn Độ chắc chắn sẽ còn tăng nhanh hơn
nữa sau khi thế giới chứng kiến vũ khí Nga hết sức tệ hại trong cuộc
chiến ở Ukraine.
Ấn Độ là nước có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc và luôn phải cảnh
giác với các âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh. Kịch bản xấu nhất cho Ấn
Độ là nước Nga bị sụp đổ phải liên kết với Trung Quốc và Pakistan để tồn
tại, đặt ra cho Ấn Độ một nguy cơ rất lớn về an ninh. Trong hoàn cảnh
đó, Ấn Độ không có con đường nào khác là từ bỏ vị thế trung lập, chuyển
hẳn sang phe dân chủ tự do cùng với Hoa Kỳ và phương Tây.
Sau cuộc điện đàm với ông Modi, Tổng Thống Biden đã cử các đặc sứ cao
cấp nhất của mình như Cố Vấn Daleep Singh, Phụ Tá Ngoại Trưởng Victoria
Nuland liên tục bay tới New Delhi làm việc với các đối tác Ấn Độ và
truyền đạt thông điệp của Washington: trục quan hệ chặt chẽ Nga-Trung
Quốc là hoàn toàn không tốt cho Ấn Độ và Hoa Kỳ sẵn sàng cung cấp vũ khí
quốc phòng nếu Ấn Độ rút ra khỏi sự hợp tác với Nga. Nhưng Hoa Kỳ sẽ
không ép Ấn Độ phải chọn phe mà để cho New Delhi tự quyết định một hướng
đi sao cho vừa phục vụ lợi ích quốc gia của Ấn vừa phù hợp với hệ giá
trị của khối các nước dân chủ tự do. Theo thời gian, có lẽ Ấn Độ sẽ sớm
nhận ra rằng Nga không phải là một đối tác đáng tin cậy.
Việt Nam trước nhu cầu thay đổi
Cũng như Ấn Độ, Việt Nam phải luôn cảnh giác với Trung Quốc và phụ thuộc
nặng nề vào vũ khí và năng lượng của Nga. Trong cuộc chiến Ukraine, Việt
Nam có lựa chọn tương tự Ấn Độ: không lên án cuộc xâm lược của ông
Putin, nhiều lần bỏ phiếu trắng tại Liên Hiệp Quốc, thậm chí từng cấm
dân chúng trong nước bày tỏ sự đoàn kết với cuộc kháng chiến của nhân
dân Ukraine.
Chính sách thân Nga của Việt Nam mâu thuẫn với chính những nguyên tắc
ngoại giao của nước này là tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh
thổ, tôn trọng Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế như Công
Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Từ trước đến nay, Việt Nam vẫn viện dẫn
các nguyên tắc và luật lệ đó để phản đối các hành động lấn chiếm và chèn
ép của Trung Quốc ở Biển Đông.
Nay thì nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam – vì lệ thuộc vào Nga và vì một
thứ tình hữu nghị viển vông với một “đàn anh” trong khối Cộng Sản cũ –
mà chọn im lặng trước hành vi xâm lược. Ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu
trắng tại Liên Hiệp Quốc, đại sứ 21 nước Châu Âu tại Hà Nội đã viết một
bài xã luận chung, bày tỏ nỗi thất vọng, kêu gọi Hà Nội “sát cánh cùng
Ukraine” và vận dụng ảnh hưởng mà họ có với Nga để tác động đến Moscow.
Sắp tới, ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, có thể sẽ đến Washington, hội
đàm với Tổng Thống Joe Biden trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa
Hoa Kỳ và các nước ASEAN; chắc chắn ông Chính sẽ rất khó giải thích cho
chính phủ Mỹ về lập trường của Việt Nam đối với cuộc chiến dân chủ chống
độc tài đang diễn ra ở Ukraine.
Khác với Ấn Độ, Việt Nam không có một đồng minh về chiến lược an ninh
như Bộ Tứ (QUAD). Cuộc chiến Ukraine càng kéo dài, tác động của nó đối
với kinh tế, cả ở nước Việt Nam xa xôi, đã buộc Hà Nội phải suy tính lại
một lựa chọn phù hợp hơn. Theo dõi tình hình trong nước có thể thấy giới
truyền thông do nhà nước kiểm soát, giới trí thức có vị trí xã hội – cả
những người được đào tạo ở Liên Xô trước đây – đã bắt đầu có sự chuyển
biến về nhận thức, công nhận tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến ở
Ukraine và phản đối hành vi xâm lược của Nga và lo ngại Việt Nam có thể
rơi vào hoàn cảnh bi đát hơn Ukraine trong mưu đồ bành trướng của Trung
Quốc.
Nhờ chính sách “tẩy não” lâu dài và hiệu quả của đảng Cộng Sản, một bộ
phận dân Việt vẫn u mê tin vào các luận điệu tuyên truyền của nhà cầm
quyền, nhưng giới trẻ và lớp người có học, có điều kiện tiếp nhận thông
tin trong xã hội, đã có thể phân biệt phải trái, và ủng hộ thay đổi.
Cuộc chiến Ukraine có một hiệu ứng phụ là giúp cho người Việt phải suy
nghĩ về tình cảnh của đất nước, biết sự tệ hại của vũ khí Nga và thấy rõ
hơn thái độ “đu dây” sai lầm của nhà cầm quyền. Nếu một mai, trong nội
bộ đảng và chính quyền CSVN có một bộ phận chuyển biến về nhận thức thì
rất có thể Việt Nam sẽ đi theo tấm gương của Ấn Độ, “xoay trục” về hướng
mà quyền lợi của đất nước phù hợp hơn với các giá trị mà thế giới đang
ra sức bảo vệ. Có điều, sự thay đổi sẽ không diễn ra một sớm một chiều,
không thể nôn nóng được. (Hiếu Chân) [qd] |