Chung quanh việc nghỉ hưu ở Đại học Waseda

Trần Văn Thọ

 

Mấy hôm nay một số báo ở Việt Nam có đăng tin về Bài giảng cuối cùngLễ kỷ niệm nghỉ hưu của tôi ở Đại học Waseda (Tokyo).  Bạn bè nhiều người  đọc tin này đã gửi điện thư hỏi thăm, nhiều người còn đề nghị tôi cho biết thêm chi tiết.

Để trả lời một số bạn quan tâm, tôi xin trình bày sơ lược về tập quán học thuật liên quan Bài giảng cuối cùng và buổi Lễ kỷ niệm.

Đây là một tập quán thường thấy ở các đại học lớn tại Nhật để kỷ niệm sự kiện nghỉ hưu của một giáo sư, nhưng thực hiện hay không là tùy theo ý muốn của giáo sư sắp nghỉ hưu. Khi giáo sư quyết định thực hiện bài giảng cuối cùng thì đại học sẽ đứng ra tổ chức. Còn Lễ kỷ niệm thường đi kèm theo bài giảng cuối cùng và thường do học trò cũ hoặc bạn bè tổ chức vào buổi tối cùng ngày với bài giảng. Tại Lễ kỷ niệm, bạn bè, đồng nghiệp, học trò cũ và khách mời từ những người thuộc các giới có giao lưu thân thiết với giáo sư về hưu. Tại đây mọi người ăn uống, trò chuyện, trong đó có mục ôn lại những kỷ niệm học tập, nghiên cứu, hoặc cùng hoạt động khoa học, hoạt động xã hội với giáo sư về hưu. Ngoài ra, có nhiều trường hợp học trò cũ (những người đang giảng dạy hoặc nghiên cứu ở các đại học) sẽ cùng với một số bạn nghiên cứu của giáo sư về hưu thực hiện số đặc biệt trong một tạp chí hoặc kỷ yếu khoa học của trường hoặc in thành sách kỷ niệm sự kiện nghỉ hưu của giáo sư.

Thông thường thì giáo sư phải có nhiều học trò cũ (từng theo học lớp đặc biệt gọi là seminar của giáo sư ở bậc đại học hoặc học bậc thạc sĩ, tiến sĩ do giáo sư hướng dẫn), có đông đảo bạn bè trong ngành chuyên môn và nhất là có thể giảng về một đề tài nhiều người quan tâm (vì sẽ mở rộng ra cho toàn trường và cả người ngoài đại học đến nghe) thì mới thực hiện bài giảng cuối cùng..

Trên đây là nhận xét chung theo kinh nghiệm tôi thấy ở những đại học mà tôi biết nhiều. Dưới đây là trường hợp của tôi ở Đại học Waseda.

Khoảng 4-5 tháng trước, Văn phòng Đại học Waseda gửi cho những người sẽ về hưu vào tháng 3/2020 một bản câu hỏi, trong đó họ hỏi có dự định thực hiện bài giảng cuối cùng không, và nếu thực hiện thì đề tài là gì, ngày giờ nào và quy mô người tham dự dự kiến bao nhiêu (để họ bố trí giảng đường) và có cho phép họ thông báo cho báo chí biết không. Học trò cũ và bạn bè tích cực khuyên tôi nên thực hiện nên tôi quyết định làm buổi giảng cuối cùng nhưng không đồng ý cho báo chí biết (đó là không tích cực quảng cáo nhưng có thông báo trên website của trường). Trong khoa của tôi năm nay có 4 người nghỉ hưu nhưng chỉ có 2 người thực hiện bài giảng cuối cùng. Các bài giảng cuối cùng được thực hiện từ giữa tháng 1 đến đầu tháng 2. Từ tháng 12 năm trước, Đại học Waseda đưa thông tin lên website và làm một tấm bảng lớn cho mỗi giáo sư dự định thực hiện bài giảng cuối cùng dựng trước tòa nhà có khoa liên hệ, nơi có nhiều sinh viên và giáo viên toàn trường qua lại. Tấm bảng ghi các thông tin cần thiết về bài giảng cuối cùng để ai quan tâm có thể đến nghe. Bài giảng cuối cùng của tôi có tựa đề “40 năm theo dòng thác công nghiệp hóa ở Á châu” thực hiện từ 14:45 đến 16:15 ngày 1/2/2020 tại Giảng đường số 101 tòa nhà 14 của Khoa Khoa học xã hội. Lễ kỷ niêm được tổ chức vào tối cùng ngày tại một khách sạn gần Đại học Waseda.

Đại sứ quán VN tại Nhật có ý muốn các cơ quan truyền thông có văn phòng tại Tokyo đến tham dự Bài giảng cuối cùng và Lễ kỷ niệm để viết bài giới thiệu ở VN và hỏi ý kiến tôi nhưng tôi không muốn vì ngại bị hiểu lầm là muốn quảng cáo. Tuy vậy, cuối cùng thì tin tức đã lan truyền sang VN khá nhanh. Số là, trong số học trò cũ của tôi có cô Muramatsu Megumi đưa lên facebook nhiều hình ảnh trong buổi giảng và buổi lễ kỷ niệm nhất là kèm theo một bài giới thiệu, bình luận khá chi tiết, viết cả bằng  tiếng Nhật và tiếng Anh. Qua cầu nối với nhiều facebooks khác, em trai tôi ở Đà Nẵng biết được và vào facebook của Megumi chọn lựa những tấm hình tiêu biểu và chuyển bài viết của Megumi về facebook của mình (bài đã được cháu tôi dịch sang tiếng Việt). Theo chỗ tôi được biết, cho đến ngày hôm nay (9/2) đã có 5 tờ báo dùng các tư liệu nầy để viết thành  bài đăng trên báo. Cũng vì thông tin không trực tiếp nên có vài chi tiết không chính xác lắm, lẫn lộn giữa Bài giảng cuối cùng với Lễ kỷ niệm. Riêng 3 từ khóa (Mô hình đàn sếu bay, Mô hình Heckscher Ohlin và Lý luận Fragmentation) mà Megumi cảm nhận từ bài giảng của tôi thì khá chính xác.

Nhân dịp tôi nghỉ hưu, học trò cũ và bạn bè có một ý hay là xuất bản hẵn một cuốn sách kỷ niệm sự kiện, thay vì làm số đặc biệt trong một tạp chí khoa học của trường như thường thấy trong nhiều trường hợp khác. Sách được in 300 bản đặc biệt chủ yếu để tặng những người tham dự buổi Lễ kỷ niệm và 1.500 bản thường để bán như các sách khác. Bản đặc biệt có in hình chân dung ở trang đầu và in thành tích nghiên cứu, hoạt động học thuật, hoạt động xã hội của tôi ở cuối sách. Bản thường để bán thì không có các phần đó nhưng trong Lời nói đầu có nói mục đích xuất bản cuốn sách. Cuốn sách có tên là Sự năng động Á châu và Kinh tế Việt Nam viết bằng tiếng Nhật, gồm 16 chương do Yamada Mitsuru và Karikomi Shunji chủ biên (nhà xuất bản Bunshindo, Tokyo), với sự tham dự của 17 tác giả, trong đó 7 người nguyên là học trò cũ của tôi và 10 người là bạn bè trong giới nghiên cứu. Trong số bạn bè tham gia viết bài có Giáo sư Ono Kenichi, một nhà kinh tế Nhật được biết nhiều tại Việt Nam. /.

Tokyo, 9/2/2020