Tản Mạn Chuyện Đông Tây Kim Cổ:
Trần Văn Chánh
Sáng nay tôi được/ bị tiêm mũi thuốc thứ 3 ngừa Covid-19, đến giữa khuya
do phản ứng phụ thông thường của thuốc, toàn thân đau nhức không chịu
nổi, phải lọ mọ tìm viên thuốc giảm đau, nhưng uống xong một hồi chỉ
thấy hơi bớt bớt, chứ vẫn không ngủ được.
Không ngủ được thì nhớ
nghĩ ngợi miên man, ai cũng vậy thôi. Một tình huống bắt buộc tôi phải
ngồi dậy lết vô bàn viết, như một cách để tự ru ngủ trong cơn đau tột
cùng
của thế xác. Chợt liên tưởng, nhớ đến bài viết “Người chế thuốc giảm
đau” của nhà văn quá cố Trang Thế Hy (1924-2015, gốc Bến Tre), đăng trên
báo Văn Nghệ 4.4.1992, cùng
lượt
với bài
“Linh nghiệm” rất nổi tiếng của Trần Huy Quang (sinh năm 1943, quê Nghệ
An).
Sau khi số báo phát hành, Trần Huy Quang lập tức bị kỷ luật cấm viết 3
năm vì dám bạo gan chạm đến một cái bàn thờ quá vĩ đại mà đa số người
dân Việt cả ngoài Bắc lẫn trong Nam đều thờ. Nếu nhà văn Trần Huy Quang
chán nản muốn chuyển nghề thì bài viết của ông là cách tốt nhất để thực
hiện ý định; nhưng nếu ông Quang lúc đó còn có nghĩ đến sự thăng tiến
chức vụ trong Hội Nhà văn Việt Nam thì đúng là quá dại dột!
Chuyện ông Quang không có gì lạ cả vì nó xảy ra giống nhau trên bất cứ
quốc gia nào vẫn còn theo chế độ độc tài toàn trị. Lẽ ra ông Quang còn
phải bị cầm tù, vì đã nói bóng gió để tuyên bố những lời tiên tri lịch
sử, như một loại sấm truyền, chỉ ra đúng gốc nguồn và dự báo trúng phóc
những gì sẽ diễn ra trong tương lại xã hội Việt Nam, mà giờ đây đối
chiếu với thực tế đã thấy rõ quả đúng là linh nghiệm thật!
Trang Thế Hy nghe nói không sao, nhưng ông tổng biên tập thì chối bai
bải, lấy cớ rằng khi đăng bài thì ông không có mặt tại tòa soạn, nên
ngoại phạm…
Bài viết của Trang Thế Hy vì đã đọc cách nay đến 30 năm nên tôi không
còn nhớ rõ nội dung chi tiết. Đại ý ông nói chế thuốc giảm đau thì chỉ
giúp chữa được tạm thời cơn đau như một cách ru ngủ thôi chứ không chữa
được tận căn, ám chỉ những căn bệnh nhức nhối của xã hội hôm nay.
Hết chuyện văn chương thì đến chuyện thời sự, nên lại nghĩ đến câu
chuyện một vụ án tày đình mới xảy ra mấy hôm nay vẫn còn nóng hổi, dư
luận lên tiếng quá chừng. Đó là vụ một chủ tịch hội đồng quản trị kiêm
tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á cùng với đồng bọn thuộc
ngành y dược đã lạm dụng tình hình nhân dân điêu đứng chết chóc hàng
loạt vì đại dịch Covid-19 chế ra rất nhiều test kit xét nghiệm không đủ
tiêu chuẩn nhưng quảng cáo láo thổi giá rất cao để bán ra kiếm lời đến
con số vài ngàn tỉ! Việc này giải thích tại sao trong mùa đại dịch, có
chủ trương
"thần
tốc xét nghiệm diện rộng"
do người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo:
hầu hết người dân đều bị đè ra “chọc ngoáy mũi” để kiểm tra, có người bị
đến 5-7-10-15 lần xét nghiệm nhanh đến tiêu tốn hết cả số thu nhập còm
cõi, khổ nhất là nông dân, công nhân, các shipper và dân nghèo thành
thị…, mặc dù Bộ Y tế là cơ quan phụ trách dưới sự điều khiển
của trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch bệnh Covid-19
đã được các chuyên viên y tế trong ngoài nước khuyến cáo là không nên
làm cách dại dột như vậy, chỉ tốn tiền nhiều mà vẫn không ngăn được dịch
bệnh… , và thực tế đã chứng tỏ bi thảm ra sao, người người đều biết.
Cách chống dịch Covid- 19 đầy lúng túng theo kiểu tương kế tựu kế thay
đổi xoành xoạch phi khoa học vừa qua của các vị chức sắc xem ra còn có
thể thua kém hơn một anh cán bộ y tế cấp phường xã, bởi vì các ông vừa
thiếu hiểu biết (thông cảm được) vừa quen thói quan liêu đã thâm căn cố
đế, chủ yếu chỉ lăng xăng biểu lộ thành tích cá nhân, hơn là thực tâm
“chống dịch như chống giặc”, rốt cuộc hậu quả xấu không có ai là người
chịu trách nhiệm cụ thể!
Trở lại câu chuyện Việt Á kể trên, vấn đề đáng nói là không chỉ có ông
tổng giám đốc công ty lừa đảo đã bị bắt và kê biên ngay tài sản, mà sau
lưng ông còn có cả một hệ thống
hợp tác làm ăn chung, bao gồm Viện nghiên cứu Quân y (thuộc Bộ Quốc
phòng), Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cùng với hầu hết các sở y tế
và trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC) tại 62 địa phương trên cả nước,
dưới sự yểm trợ truyền thông đắc lực của Ban Tuyên giáo Trung ương. Vấn
đề đổ bể ra đã được bật đèn xanh cho công khai, nên hàng chục báo đài
thuộc truyền thông nhà nước (xin không kể ra vì danh sách rất dài) trước
đây viết bài ca tụng test kit của công ty Việt Á lên đến mây xanh, không
khác gì quảng cáo thuốc cường dương bổ thận hoặc mỹ phẩm, thì giờ đây
lại đồng loạt tung bài ra tố cáo kịch liệt tội phạm…
Vụ việc xảy ra có tình tiết gia trọng ở chỗ các kẻ gian dám hè nhau đạp
lên sức khỏe, xương máu của đồng bào mình để kiếm tiền. Nhân viên trong
công ty Việt Á và vài ông rất lớn khác nữa cũng đã được cơ quan chức
năng triệu tập để phục vụ điều tra mở rộng.
Việc phạm tội ác tày đình của ông chủ trẻ cả gan kia đã làm cho mọi
người trong giới chức trách cấp cao giống như đạp phải đinh. “Ngọc Hoàng
Thượng Đế” đứng vai cao nhất nước tất nhiên không thể ngăn được cơn đùng
đùng nổi giận trước tội khi quân, nên đã ra lệnh phải “hốt hết”, kê biên
ngay một số tài sản do làm ăn lươn lẹo mà có.
Với trách nhiệm tối cao của người đứng đầu tổ chức lãnh đạo đất nước
đang chăm lo công việc “đốt lò” trong khi ngọn lửa vẫn còn cháy mạnh,
ông không đùng đùng nổi giận mới lạ. Tuy nhiên do việc cách nay chừng 9
tháng, chính ông cũng đã ký thưởng cho cái công ty lưu manh kể trên huân
chương lao động hạng ba, nên một số người đã nghĩ xấu, tỏ nỗi nghi ngờ,
cho ông là có sự thông đồng toa rập gì đó. Nhưng riêng tôi thì lại
không, trái lại luôn nghĩ tốt về ông, cho ông là một người có tấm lòng
trực đạt của một vị chính nhân quân tử, hành động hết lòng vì nghĩa, bởi
việc nhân nghĩa cốt ở an dân, mà muốn an dân thì phải diệt trừ tiệt nọc
bọn quan lại tham nhũng đang thi nhau hút máu mủ của dân suốt gần nửa
thế kỷ nay, nên ông cũng chính là người mạnh dạn chủ trương việc “đốt
lò”, một bản sao y chính sách “đả hổ diệt ruồi” của người đồng cấp với
ông bên Trung Quốc.
Nếu ông đã lỡ cấp giấy chứng nhận huân chương lạo động cho kẻ gian thì
khả năng có đến 80-90 phần trăm là do bị các cấp dưới lừa, bởi ở trên
ngôi quá cao, lại bận trăm công nghìn việc lớn, ông không thể nắm chắc
hết tình hình thực tế bên dưới, mà chỉ nghe theo lời tâu báo của bọn bầy
tôi tiểu nhân đã nhờ ông mà có được nhiều tiền của, chức vụ béo bở theo
đúng quy trình cơ cấu bổ nhiệm cũng chủ yếu do chính ông đặt ra.
Ông đâu có dè chữ ký của ông là đáng giá nghìn vàng, tương đương tấm
giấy thông hành loại đặc biệt, có thể dùng làm lá bùa để ông chủ Việt Á
trưng ra cho các bộ, sở, ban ngành mạnh dạn nhảy vào hợp tác kiếm ăn.
Người xưa nói: “Quân tử khả khi dĩ lý chi sở hữu…”, có nghĩa người quân
tử rất dễ bị lừa nếu kẻ đặt bẫy lừa nói năng nghe sao cho có lý; trường
hợp nói nghe không ra lý lẽ chính đáng thì vô phương lừa, bởi “bất khả
khi dĩ lý chi sở vô”. Mà đám tiểu nhân dưới quyền ông thì khôn lỏi đầy
ma mưu chước quỷ, nhiều như bầy sâu, lại chuyên nịnh bợ bề trên, nếu ông
có lỡ lầm nghe theo lời bọn này thì cũng còn có chỗ để châm chế bỏ qua.
Bởi vậy riêng tôi không kết tội ông mà chỉ để mình ông tự biết. Có thể
ông rất thanh liêm. Tài sản ông hiện có bao nhiêu người dân cũng không
hề được biết, vì nó thuộc diện bí mật, nhạy cảm không tiện kê khai. Ông
bây giờ cũng giống như một phù thủy không còn kiểm soát được đám âm binh
lúc nhúc do chính mình tạo ta nữa, bởi thể chế chính trị lâu nay ông đã
hết sức bảo vệ không có những lực kiềm chế ước thúc lẫn nhau giữa các
thành viên trong tổ chức và các nhánh quyền lực.
Tình hình tham nhũng tiêu cực và thoái hóa biến chất phổ biến của giới
quan lại như hiện nay đã thâm căn cố đế, cho dù các ông cụ tiền bối có
tái sinh đến chục lần làm tư vấn giúp ông đi nữa cũng vô phương cứu
chữa.
Tuy nhiên, dù thông cảm và nói tốt cho ông đến đâu, trách nhiệm chính
vẫn phải quy về cho người đứng đầu, như các quy định của tổ chức cầm
quyền đã nêu rõ trên rất nhiều văn bán có tính trói buộc. Xưa cũng vậy
mà nay cũng vậy, chỉ khác nhau về hình thái biểu hiện tùy theo thời đại
mà thôi.
Kinh Thư là một cuốn sách
kinh điển chuyên bàn về đạo trị nước trong hệ thống Ngũ kinh mà các vua
quan thời xưa đều phải thuộc nằm lòng, có câu: “Muôn phương các ngươi có
tội là tại một mình ta! Một mình ta có tội, không việc gì đến muôn
phương các ngươi! Than ôi hãy theo được thế, họa (may) giữ được trọn
vẹn! (Thượng thư, “Thang
cáo”, bản tiếng Việt của Nhượng Tống, NXB Tân Việt, tr. 67).
Một lý do để thông cảm nữa là tuổi tác của người đứng đầu đất nước hiện
nay: nếu tuổi đã cao thì rất khó giữ được óc sáng suốt, dễ bị các cấp
dưới qua mặt, vì họ hiểu tâm lý của người già là lú lẫn dễ sinh tật,
nhất là tính tham. Tham đây có thể là tham của cải hoặc tham quyền lực,
hoặc cả hai, vì trong thể chế chính trị hiện có, tiền bạc và quyền lực
thường phải đi đôi với nhau. Khổng Tử đã từng cảnh giác:
“Khi còn trẻ, khí huyết chưa định (cơ thể chưa phát triển đủ), nên răn
chừng về sắc dục; ở tuổi tráng niên, khí huyết cương kiện, nên răn chừng
về tranh đấu (hơn thua); lúc về già, khí huyết đã suy (sức lực tàn tạ),
nên răn chừng về tính tham” (Luận
ngữ, «Quý thị »).
Người không biết răn chừng về tính tham khi về già rất dễ mắc chứng tham
quyền cố vị, già rồi vẫn cứ khư khư bám giữ chức vụ, không biết học phép
người xưa từ chức đúng lúc để nhường công việc lãnh đạo lại cho lớp đàn
em. Kinh Thư cũng đã từng dạy: «Nhà vua nói: ‘Ta ở ngôi vua ba mươi ba
lẻ năm! Ngót trăm tuổi, già mỏi không được siêng. Ngươi thì không trễ
nải, (hãy) coi dân cho ta’» ( sđd, tr. 31).
Từ rất lâu, đất nước đã trở nên «vô đạo», chính trị thối nát toàn tập,
nên người đứng đầu đất nước dù thông minh, thiện chí đến đâu cũng không
thể trừ khử sạch đám tiểu nhân lúc nhúc tràn đầy bên dưới, vì họ «như
một bầy sâu», «ăn không chừa một thứ gì», lại có sự câu kết lẫn nhau rất
chặt. Họ nắm cả luật pháp và những quy định trong tay, hành động không
thể nào kiểm soát, mà vụ công ty Việt Á nổi đình nổi đám lên mấy hôm nay
là thêm một trường hợp thí dụ rất điển hình!
Trong vụ án công ty Việt Á, rõ ràng đã có sự toa rập cấu kết liên thông
nhau của cả một hệ thống chính trị, chứ không do lỗi chỉ riêng một mình
anh tổng giám đốc. Hệ thống chính trị này được áp dụng lâu nay tại nước
ta thông thường được hiểu, ngoài «tứ trụ» do nội bộ tự bầu lên (không có
sự tham gia thật sự của dân) còn có đủ thứ các tổ chức vệ tinh, nhưng
tất cả chỉ để phụ họa, mà người đứng đầu các bộ phận trong hệ thống
chính trị luôn là những kẻ cùng phe nhóm được cất nhắc bổ nhiệm theo con
đường «quy hoạch cơ cấu», từ Đoàn Thanh niên CS hoặc từ cái gọi là «cấp
ủy».
Một hệ thống chính trị với cách thức vận hành như thế chỉ có tác dụng
bảo vệ chế độ độc tài toàn trị chứ không thể phát huy được khả năng đóng
góp của những người tài năng trung thực, nên nếu là người tốt thì thậm
chí muốn giữ được một chức nhỏ cỡ chủ tịch phường, xã quèn cũng còn
không được!
Từ chỗ này suy lên, hầu hết các quan to hiện nay đều là những kẻ tệ hại,
hay nói cách khác, tổng quát hơn, mức độ tệ hại của quan chức tỉ lệ
thuận với các chức quyền mà họ được nắm giữ: người giữ chức vụ cao nhất
nước vì vậy, theo logic này, loại suy ra cũng có nghĩa là kẻ tệ hại nhất
nước, vua của tội ác
(?); số ít người có chức quyền còn lại tương đối trong
sạch thì có thể xếp chung họ vào hạng cầu an, ngậm miệng ăn tiền, hoặc
mang tội đồng lõa với tội ác. Ai thông hiểu được điều này sẽ không còn
ngạc nhiên khi thấy vụ đại ác/ đại án Việt Á vừa xảy ra, vì đây chỉ là
hậu quả tất yếu của điều đang xét, một sự kiện động trời minh họa rõ
thêm cho tình trạng quốc nạn tham nhũng vô phương cứu chữa, trong đó đám
quan chức cấp cao ở một số bộ, ngành đã thông đồng toa rập nhau dựng nên
kịch bản tiêu cực tinh vi hoàn hảo và quá dã man để hút máu mủ dân trong
cơn đại nạn Covid-19.
Vấn đề cốt lõi và cấp bách đặt ra vì vậy là phải cải cách hệ thống chính
trị, nếu cứ theo vết mòn cũ mà đi thì cho dù có «đốt lò» bao nhiêu cũng
không thể khắc phục được nạn tham nhũng tiêu cực và suy thoái đạo đức
lối sống trong tất cả các tầng lớp cán bộ lãnh đạo các cấp, từ trung
ương tới địa phương, trái lại, chỉ tạo điều kiện hình thành nên các nhóm
đặc quyền đặc lợi, đôi khi còn có tên gọi khác là giai cấp mới hoặc giới
tư sản đỏ, đối lập quyền lợi với đại đa số quần chúng.
Tình huống nêu trên đẩy nhà lãnh đạo đứng đầu đất nước vào một tình thế
cực kỳ nguy hiểm, rất cheo leo bấp bênh, mất kiểm soát, nên cần phải có
sự chuyển hướng cơ bản, tạo nên những bước đột phá mới, nếu không sẽ rất
dễ bị té ngã, như chính ông thầy CS Lênin đã có lần phải làm vậy, khi
ông quyết định chuyển một nước đang Nga suy sụp về kinh tế từ chế độ CS
thời chiến sang chính sách kinh tế mới (NEP). Trong bài «Bút ký của một
nhà chính luận», ông viết rất có hình tượng: «Chúng ta hãy tưởng tượng
một người đang trèo lên một ngọn núi rất cao, thẳng đứng và chưa có ai
đặt chân đến. Hãy giả định rằng sau khi đã vượt được những khó khăn và
nguy hiểm chưa từng thấy, anh ta đã trèo được cao hơn những người trước
rất nhiều, nhưng anh ta vẫn chưa lên được tới đỉnh núi. Giờ đây anh ta
đang ở vào một tình thế chẳng những khó khăn và nguy hiểm, mà thậm chí
còn thật sự không thể nào tiến lên được nữa».
Rồi
ông viết tiếp: «… Anh ta phải lộn lại, xuống núi, để tìm ra con đường
khác trèo lên tới đỉnh» (dẫn theo Lêonit Curin,
Chính sách kinh tế mới, thực
chất, kinh nghiệm, bài học, NXB APN, Matxcơva, 1990).
Vấn đề là cần phải kịp leo xuống núi đúng lúc, nếu không có thể sẽ bị đá
đè chết không kịp ngáp!
Hai sự việc khác nhau, thời thế cũng khác nhau. Tuy nhiên cái chung vẫn
cần tham khảo ở bậc tiền bối Lênin là phải quyết tâm nhanh chóng chuyển
hướng sang con đường mới khác, chưa nói để đạt mục đích gì cao xa tốt
đẹp của CNXH, mà chỉ nhắm trước mắt mục tiêu trừ khử cho sạch bớt bọn
sâu bọ trước nay luôn lăm le cấu kết gây nên tội ác tập thể đã gặm nhấm
dần dà và làm suy yếu chính nó, tức chính cái bản thân của hệ thống
chính trị đã tự suy đồi cực độ khiến cho quốc lực ngày một thêm hao mòn,
nhân dân ngày càng điêu đứng, đẩy đất nước vào tình trạng nguy cơ không
lối thoát. Điều này có nghĩa, phải dứt khoát lo cải cách thể chế chính
trị và luật pháp, đi đôi với cải cách kinh tế, thông qua những quy định
cơ bản mới sẽ phải được điều chỉnh trong hiến pháp và hệ thống pháp luật
kèm theo, như về quyền sở hữu tư nhân về đất đai, về các quyền tự do dân
chủ như tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình v.v…, chẳng hạn. Mấu chốt
của toàn bộ vấn đề là các nhánh quyền lực phải được kiểm soát, vừa có
tính độc lập vừa có khả năng chế ước lẫn nhau.
Ý kiến giải quyết vấn đề như vừa nêu trên đã tỏ ra quá cũ kỹ, rất nhiều
người đã phê phán góp ý còn hay hơn, nên xin trở lại câu chuyện của
«người đốt lò vĩ đại».
Trong tuổi tác chồng chất lại thêm sức khỏe ngày một suy kém, ông không
thể không cảm thấy mệt mỏi trước tình trạng quan lại phần lớn gian tà,
đụng vào đâu cũng có tham nhũng, trong khi các mục tiêu cần đạt thì
dường như vẫn còn nằm xa ở đâu đâu. Tháng ngày trôi qua nhanh mà không
chờ đợi ai; năm cũ 2021 cũng sắp qua rồi!
Ông mỏi miệng rao giảng đạo lý,
kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng đám đệ tử
của ông phần lớn cũng không ai còn tin vào những giá trị này nữa, họ chỉ
ham tiền, và khi nghe ông rao giảng, họ cười thầm trong bụng, chỉ giả vờ
vâng vâng dạ dạ cho qua. Nếu ông thực tâm chống tham nhũng chỉ vì dân vì
nước chứ không vì bất kỳ một động cơ tư riêng gì khác (như xây dựng uy
tín cá nhân, mượn cớ chống tham nhũng để thanh trừng phe phái…), chắc
chắn ông đã và đang bị rơi vào một tình huống đầy tính chất bi hài.
Ông tự hào vì đã mở được rất nhiều vụ án để xét xử bọn bầy tôi hủ nát
lắm ư? Ông cũng lấy làm mãn nguyện vì đã cầm tù được hàng loạt và ngày
càng nhiều những nhà phản biện bất đồng chính kiến lắm phải không?
Cách làm của ông như vậy là hoàn toàn trái với sách vở của các thầy Mác,
thầy Lênin mà ông đã tiếp thu một cách rất giáo điều! Lại càng trái hơn
với những bài học thâm thúy của người xưa.
Càng về sau, chính quyền của ông càng xuất lộ khuynh hướng không nghe
theo ý kiến dân, chà đạp lên hiến pháp và dư luận cả trong lẫn ngoài
nước, kiên trì thực hiện chế độ độc tài toàn trị chặt chẽ bằng cách trấn
áp dân chúng qua hệ thống công an trị và bỏ tù những người bất đồng
chính kiến (như Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Đỗ Nam Trung, Trịnh Bá
Tư, Cấn Thị Thêu … vừa bị xử tù nặng mới đây), trong khi đó nạn tham
nhũng nói chung và tham nhũng đất đai nói riêng thực tế đã trở thành
quốc nạn, biến tướng thiên hình vạn trạng, hiện đang làm kinh động toàn
quốc qua vụ án tập thể tày trời Công ty Việt Á,
dẫn
đến lòng tin của nhân dân nhân dân đã sa sút ngày càng sa sút thêm vào
hệ thống chính trị, một hệ thống chính trị vốn là nguyên nhân của mọi
nguyên nhân làm phát sinh và nuôi dưỡng tất cả những gì tệ hại nhất mà
bề ngoài chính nó cũng đang giả vờ như tìm cách chống lại.
Về «đốt lò» và xử án, có lẽ ngoài học thuyết Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh, ông (và cả thuộc hạ của ông là chánh án tòa án nhân dân tối
cao, bộ trưởng bộ công an nữa) nên lắng lòng suy ngẫm sâu lời này của
Khổng Tử hơn hai ngàn năm về trước, đã nói: “Xử kiện thì ta cũng làm
được như người khác thôi. Nhưng điều quan trọng là phải làm sao để không
còn kiện tụng nữa” (Thính tụng, ngô do nhân dã. Tất dã, sử vô tụng hồ? -
Luận ngữ, “Nhan Uyên”).
Còn về thân phận của ông, tôi cho là đang rất nguy vì xung quanh còn
nhiều kẻ xấu muốn hại để tranh giành quyền lực, thì trong
Luận ngữ, có kể chuyện một
tên lính giữ thành khi nhắc đến Khổng Tử đã nói với hàm ý chê mỉa: «Có
phải cái ông biết mình không thể làm được mà vẫn cứ làm đó không?».
Lại cũng có những lời khuyên minh triết của cổ nhân: «Thức thời vụ giả
vi hào kiệt» (Kẻ thức thời mới là hào kiệt). Hoặc «Quân tử kiến cơ nhi
tác» (Người quân tử nhìn xem cơ màu tức căn cứ vào xu hướng phát triển
chính của sự vật mà hành động) (Chu
Dịch, «Hệ từ hạ»).
Lúc này đã là lúc chín muồi nhân dân không còn tin vào hệ thống chính
trị đã mục nát đến cùng tận, và một chân lý bất di bất dịch rất đáng
được tham khảo trong tình thế luẩn quẩn tiến thối lưỡng nan, đó là: «Nếu
dân không tin chính quyền nữa thì chính quyền không đứng được, có nghĩa
phải sụp đổ’” (Dân vô tín bất lập -
Luận ngữ, “Nhan Uyên”).
Chân lý rõ ràng như vậy rồi. Tuy nhiên nếu ông vẫn chưa chịu rút lui thì
nên tìm cách ở lại chức vụ để chuyển hướng chính trị bằng cách thực thi
rộng rãi nền dân chủ trong nước, thả hết những người có chính kiến khác
đang bị cầm tù, mở ra một bầu không khí tươi mới tích cực, đẩy lùi đám
nịnh thần thối nát đang bu xung quanh, hầu có thể gây lại mối đoàn kết
nhất trí cao để vừa xây dựng đất nước, vừa đủ sức đối phó với một thế
lực thù địch rất nguy hiểm đã và đang lăm le gây hại cho đất nước chúng
ta. Nếu làm được như vậy, nhân dân Việt Nam sẽ muôn đời nhớ ơn ông, coi
ông là một vị thánh sống cứu tinh cho toàn thể dân tộc đang lao đao lận
đận vì đám đông quan lại gian tà.
Bằng như ngược lại, nếu cứ tiếp tục trấn áp dân chủ, thì câu chuyện cổ
bịt miệng dân sâu sắc sắp kể đây rất đáng xem là một bài học tham khảo
vô cùng quý báu: «Thiệu
Công can vua không nên cấm phê bình chỉ trích» (trích trong
Quốc
ngữ,
“Chu ngữ”), xin dịch ra để cống hiến:
Lệ
Vương
(878-842 TCN)
bạo ngược, bị người trong nước bêu riếu nói xấu. Thiệu Công thấy vậy bảo
vua: “Dân không chịu nổi mệnh lệnh hà khắc bạo ngược của vua”. Vua giận,
tìm được một người đồng cốt nước Vệ rồi sai đi rình dò những kẻ nói xấu,
hễ báo cáo lên bắt được người nào thì cho giết ngay.
Người trong nước không ai dám nói gì nữa, ngoài đường chỉ lấy mắt nhìn
nhau thay cho lời nói. Vua khấp khởi mừng nói với Thiệu Công: “Ta đã dẹp
được hết những lời bêu riếu rồi, nên chẳng ai dám nói gì nữa”. Thiệu
Công bảo: “Đó chẳng qua chỉ là che lấp miệng dân vậy thôi. Ngừa miệng
dân còn khó hơn ngừa nước sông tràn. Nước úng vỡ đê thì hại người tất sẽ
không ít. Mà dân cũng giống như sông vậy. Cho nên người trông coi việc
sông nước thì phải khơi dòng cho sông chảy thông suốt, người cai trị dân
thì phải mở hơi cho dân được nói năng tự do. Vì thế bậc thiên tử ngồi
cai trị, phải khiến cho từ hàng quan lại đến kẻ sĩ dâng thơ, quan Thái
sư lo về âm nhạc dâng lên những bài hát, quan sử dâng sử cũ, quan Thiếu
sư dâng lời châm, người mù làm thơ, người lòa đọc sách, quan Bách công
can gián, dân thường truyền lời lên người trên, các bầy tôi thân cận hết
lòng khuyên bảo, hàng thân thích với vua xem xét bổ cứu, quan Thái sư và
Thái sử chăm lo việc dạy dỗ, những bậc kỳ lão uy tín lớn lại răn bảo
chỉnh đốn, sau đó nhà vua mới châm chước quyết định. Nhờ vậy việc chính
trị thi hành ra suôn sẻ không có điều trái lý. Dân có miệng cũng giống
như đất có núi sông, nguồn lợi sinh ra từ đó; và cũng giống như đất có
đất phẳng, đất trũng, ruộng tốt cao thấp, cơm áo nhờ đó mà có được. Dân
chúng nói ra thành lời bằng miệng, những việc hay việc dở mới bộc lộ ra
cho thấy. Phát huy điều hay, phòng bị điều dở, đó là cách để làm tăng
thêm cơm áo và các thức đồ dùng. Trăm họ có điều lo nghĩ trong lòng mà
nói ra ở cửa miệng, điều gì mình cho là phải thì làm theo, như vậy làm
sao có thể ách tắc vào đâu? Còn như muốn bịt miệng dân, thì có thể bịt
được bao lâu?”.
Vua vẫn không nghe, từ đó dân chúng không còn ai dám công khai nói lời
chỉ trích. Chỉ ba năm sau, họ đuổi vua sang sống lưu vong ở đất Trệ.
Viết đến đây, trời đã vừa hửng sáng, cơn đau tạm dịu trong người tôi lại
trỗi lên dữ dội, nên phải tạm dừng bút, lo tìm thêm viên thuốc uống giảm
đau, rồi lại nhớ đến câu chuyện «Người chế thuốc giảm đau» của nhà văn
Trang Thế Hy như ở đoạn đầu bài viết này đã kể.
TVC
24. 12.2021
Tác
giả gởi cho viet-studies ngày 27-12-21
|