Phát Triển
Nhưng Vẫn Không Quên Yếu Tố Cân Bằng
Trần
Văn Chánh
Hơn chục năm trước, báo
Tuổi Trẻ (21.3.2005) có đăng bài trả lời phỏng vấn của bà Nguyễn Thị
Oanh, nhà nghiên cứu và hoạt động giáo dục-xã hội, với đề tài “bài học
làm người bị bỏ quên”, liên quan đến một số vấn đề phát triển kinh tế-xã
hội trong bối cảnh cuộc sống hiện thực của xã hội hiện tại. Đây không
phải lần đầu tiên bà Nguyễn Thị Oanh tỏ ra băn khoăn về những vấn đề
tương tự, trái lại, bà đã phát biểu rất nhiều và khắp nơi khi có dịp,
nhưng kết quả chưa đo lường được. Không ai chống lại bà nhưng làm theo
thì còn ít, phần lớn chỉ khen bà nói đúng nhưng hơi khó thực hiện. Đây
có lẽ cũng là một đề tài quan trọng mà cả xã hội cần nên chú ý, các
phương tiện truyền thông cũng nên khơi gợi để đào sâu thêm bởi nếu
không, xã hội trên con đường hung hăng tìm cách phát triển mọi giá sẽ có
thể tự rơi vào tình trạng tệ hại một cách không có ý thức và không
phương cứu chữa. Đó là tình trạng mất cân bằng giữa các yếu tố tham gia
vào công cuộc phát triển, có khả năng biến xã hội thành một xã hội “duy
kinh tế” trong đó con người phần lớn trở nên thực dụng một cách thô
thiển, và nhắm mắt chạy theo những thành công đơn thuần về vật chất mà
quên đi yếu tố “bài học làm người”, như cái tít báo Tuổi Trẻ đã
khéo đặt.
Đại để theo nội dung trả lời trong cuộc phỏng
vấn nêu trên, những hậu quả xã hội tiêu cực luôn đi kèm với tiến bộ khoa
học kỹ thuật; những giá trị căn bản của văn hóa và đạo đức đang ngày
càng xuống dốc theo nhịp sống hiện đại, đặc biệt ở một bộ phận thanh
niên, là một thực tế khá trầm trọng nhưng không chỉ ở trong giới trẻ, “Nó
bắt đầu ở cấp cao hơn và ở mỗi giới có cách biểu hiện riêng. Trong người
lớn là sự gian dối, chạy theo lợi ích riêng, tham nhũng, “ăn sắt thép”
chẳng hạn..., đây là vấn đề số một của xã hội ta và nó có thể cản trở sự
đi lên của đất nước. Không thể có sự tiến bộ mà yếu tố con người không
được đề cao”. Cũng theo bà Oanh, để cứu chữa cho tình trạng suy đồi,
điều cần thiết là xây dựng những nhân cách vững vàng, lại là điều đang
bị bỏ ngỏ ở nước ta với hiện trạng giáo dục nhân cách con người tỏ ra
rất hời hợt, cha mẹ bất lực, nhà trường chỉ chú tâm dạy chữ, dạy nghề,
ít dạy làm người... “Lĩnh vực khoa học kỹ thuật, kinh tế đang phát
triển rất nhanh nhưng tôi khẳng định đất nước sẽ khó đi lên và không thể
phát triển bền vững nếu lớp trẻ chỉ học về kinh tế, khoa học kỹ thuật mà
không coi trọng học và rèn luyện đạo đức làm người... Trong xã hội người
ta nói dối, ăn cắp một cách thản nhiên... Không thể có chính trị tốt mà
không có đạo đức tốt...”.
Có lẽ một phần bản chất giới tính làm cho
người phụ nữ hay lo xa và có khuynh hướng nhạy cảm với những vấn đề
thuộc về lối sống nhiều hơn, và trầm tĩnh hơn để nhắc nhở sự thái quá
của người khác. Tôi nhớ bà nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình cũng
có những suy nghĩ tương tự, khi trong một bài viết cách nay chừng sáu
năm đăng trên tuần báo Văn Nghệ của Hội nhà văn, bà cảnh giác
rằng xã hội có xu hướng chạy theo con đường thực dụng thô thiển, coi
đồng tiền là tiên là Phật, và đang có những biểu hiện vấp váp trở lại
vết xe đổ của “chủ nghĩa tư bản man rợ” (ý nêu trong nguyên văn của bài
viết). Một em nữ sinh viên cũng viết bài than phiền trên mục “Bạn đọc”
báo Tuổi Trẻ (25.3.2005), cho rằng ngành “nhân học” đã bị bỏ rơi:
“Tôi nhớ khi tôi còn học tại một trường đại học chuyên đào tạo các
ngành xã hội nhân văn, nhiều người thường tỏ ý tội nghiệp và ngạc nhiên,
sao không học kinh tế để ra làm có tiền?... Ai quan niệm như thế? Chính
gia đình, trường học và xã hội. Ngày nay phần đông phụ huynh chỉ tích
cực cho con cái học thêm toán, lý... chứ mấy ai nghĩ đến chuyện học thêm
các môn xã hội? Còn trường học vì chạy theo thành tích đã không chú
trọng giáo dục nhân cách. Cuối cùng là xã hội, khi những Lục Vân Tiên
không còn đất sống, khi cứ toàn ca ngợi lối sống “sành điệu”, “đẳng
cấp”... thì trách sao tuổi trẻ lầm đường?”.
Không hẹn mà nên. Có những quan điểm tương tự nhau từ người cao tuổi dày
dặn kinh nghiệm đến người trẻ tuổi hồn nhiên chân thật, về thực trạng
của xã hội, và một khi sự suy bại đã xâm nhập đến cổng nhà trường, như
tôi cũng thật sự thấy vậy khi có dịp tiếp xúc với một số anh em giáo
viên trẻ thuộc thế hệ đang lên, đọc được tư tưởng và đường lối thăng
tiến thực dụng của họ, thì tình trạng cũng đã không còn thảnh thơi nhẹ
nhàng. Trong khách quan nhận định, người ta thấy dường như các nhà đương
cuộc cũng có lỗi với những công dân phụ nữ tiêu biểu nầy, vì với tư cách
một nhà nước chuyên trị về “điều tiết kinh tế thị trường theo định hướng
xã hội chủ nghĩa” mà trên thực tế không rõ điều tiết ra sao, bằng phương
pháp gì, để đến nỗi cho các bà đã cao tuổi rồi mà còn phải lo lắng nhiều
quá cho hậu vận của đám trẻ, còn tuổi trẻ thì cũng không ngớt băn khoăn.
Nguyên do dẫn đến nỗi lo không phải chỉ có một, và cũng không phải chỉ
được tạo nên trong thời gian ngắn ngủi, muốn cứu chữa chắc chắn phải mất
không ít thời giờ và công sức. Nói theo cách của người xưa thì “bề tôi
giết vua, con giết cha, nguyên nhân không phải một sớm một chiều, mà gốc
nguồn tích tụ lại từ rất xa xôi” (thần thí kỳ quân, tử thí kỳ phụ, phi
nhất triêu nhất nhật chi cố, kỳ sở do lai viễn hĩ). Từ vài chục năm nay,
sau khi thoát khỏi cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài 30 năm, đi tới
đâu, từ trung ương đến cấp cơ sở, người ta cũng đều nói và nghe đến mấy
chữ “phát triển kinh tế”, lần lần còn có thêm những cụm từ thông dụng
khác như “đuổi kịp”, “đi tắt đón đầu”... Trong khi “công nghiệp hóa,
hiện đại hóa” có thể chỉ là một trong những khía cạnh nhu cầu chứ không
phải toàn diện nhu cầu của một số quốc gia đang cần phát triển để thoát
khỏi nghèo nàn lạc hậu, trở thành nguyện vọng chân thật thiết tha chính
đáng của tầng lớp nghèo khổ, thì nhu cầu nầy lẽ ra phải có trước hết ở
bộ phận nghèo khổ của dân tộc, lại bị một số kẻ xấu không nghèo và có
chức quyền lạm dụng như một chiêu bài để tuyên truyền, tạo cái cớ và cơ
sở lý luận cho những dự án, công cuộc đầu tư xây dựng phần nhiều có hiện
tượng rút ruột công trình trị giá hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm mà kết quả
kinh doanh, vận hành lại rất thấp, khiến tình trạng tham nhũng ngày càng
gia tăng không có thuốc chữa và khoét sâu thêm những bất bình đẳng trong
xã hội.
Ngày nay, người ta ai cũng thích nói đến chuyện thành rồng, thành hổ,
nên bước đi vội vã, nhưng rồng mà bay quá đà thì cũng có lúc sinh ra
điều hối hận (“kháng long hữu hối”), như kinh nghiệm ở Trung Quốc hiện
nay đã từng chứng tỏ. Bên cạnh mức tăng trưởng GDP đạt cao khoảng 9 %
trở lên kéo dài trong nhiều năm, theo kết quả nghiên cứu phân tích của
Viện khoa học xã hội Trung Quốc công bố đầu năm nay, Trung Quốc giờ đây
phải đối phó và tìm cách cứu chữa cho 7 loại vấn nạn: mâu thuẫn xã hội
gia tăng, phân hóa giàu nghèo có xu hướng mở rộng, giảm nghèo vẫn là
nhiệm vụ nặng nề trong thế kỷ mới đối với Trung Quốc, nạn thất nghiệp
gia tăng, tham nhũng gia tăng, và cuối cùng có những hạn chế về nguồn
tài nguyên, năng lượng và môi trường.
Việt
Trong khi đó, trên thực tế ở nước ta những năm gần đây, điều tiết hầu
như chỉ có nghĩa là liên tục đưa ra những chỉ thị nếu không mù quáng thì
cũng thiếu tính khả thi để
trở thành một đống luật pháp rối nùi chồng chéo lên nhau vượt khỏi tầm
kiểm soát, khiến cho trên bảo dưới không nghe, khác nào một gã phù thủy
ban đầu tài giỏi nhưng sau đã mất các phép thần thông, không còn khả
năng trị được đám âm binh do chính mình tạo ra. Về điều tiết thu nhập
trong dân, bộ phận thuế khóa và tài chính đã tỏ ra kém hiệu lực, một
phần cũng do tình trạng tham nhũng gây ra, thành thử không thực hiện
được sự tái phân lợi tức trên cơ sở công bằng, thay vào đó chỉ thấy nổi
lên phương thức xóa đói giảm nghèo tuy có giá trị về phương diện nhân
bản và tình người nhưng lại không phải là cách làm căn cơ bài bản theo
đúng chức năng của một nhà nước phúc lợi (welfare state) nên hiệu quả
cũng thường không bền vững và lâu dài. Bằng cách làm nầy, người nghèo
lại có khả năng tái nghèo, và ngay trong những định chế nâng đỡ họ qua
hệ thống các ngân hàng nông thôn cũng có hiện tượng tiêu cực, tham
nhũng, cò mồi tràn lan, khiến cho người nghèo có khi chẳng những không
hết nghèo mà còn mang thêm nỗi lo nợ nần chồng chất! Nếu tính đến những
con số báo cáo về kết quả thoát nghèo, do căn bệnh thành tích đã trở
thành một chứng nghiện thâm căn cố đế, đôi khi cũng cần có sự kiểm chứng
lại bằng những cuộc điều tra xã hội học khách quan hơn để nắm lại tình
hình một cách chắc chắn nhằm định lại các phương pháp và bước đi cho
thêm phù hợp.
Trong lãnh vực khoa học công nghệ và kinh
doanh, các chính sách và phương thức quản lý (cũng bao hàm nghĩa điều
tiết) đã tỏ ra không thích hợp,
dẫn đến kết quả mà nói như giáo sư Phan Đình Diệu là rất sát thực
tế: “Khá phổ biến vẫn là các cơ quan nhà nước và một số đông công
chức có chút quyền thì sống bằng cách bán quyền lực, các doanh nghiệp
quốc doanh sống bằng bao cấp và độc quyền, và các doanh nghiệp ngoài
quốc doanh thì do nhiều luật lệ hạn chế nên không lớn lên được, phải hối
lộ để tồn tại và kiếm lãi bằng móc ngoặc, chụp giật...” (tạp chí
Tia Sáng, tháng 6.2002, tr. 8). Còn về giáo dục, ngày nào Bộ cũng ra
những quyết định liên tục thay đổi bằng cách lấy quyết định sau điều
chỉnh quyết định trước, kết quả rất tệ ai cũng thấy rõ; ngay như chỉ có
điều lệ thi cử mà từ giáo sư đến thí sinh không ai đọc hiểu, phải mở
hàng trăm cuộc họp khắp nơi trên toàn quốc để triển khai, giải thích hết
sức tốn kém…
Nhìn chung, phương thức
điều tiết, điều hành xã hội hiện tại chủ yếu chỉ được thực hiện
bằng cách đưa ra những chỉ thị liên tục bị động và thiếu tính khả thi,
hoặc theo cách tự nhiên bằng khả năng tự điều chỉnh của xã hội,
được phụ trợ bởi phương thức bôi trơn qua những con đường ngoằn ngoèo
khác, trong đó có tham nhũng hối lộ, giữa tư nhân và một số cơ quan nhà
nước, cũng như giữa một số cơ quan nhà nước với nhau. Có một số loại
điều tiết phải nói là bất lợi hẳn cho người nghèo, như trong chuyện quy
hoạch đất đai, phần lớn chỉ tạo siêu lợi nhuận để làm giàu thêm cho một
số kẻ đặc quyền đặc lợi, khiến cho các vụ khiếu kiện và mâu thuẫn xã hội
ngày một gia tăng.
Đã hơn một lần, trên nhiều bài viết khác nhau
ở nhiều nơi, tôi đã đề cập đến khả năng băng hoại của xã hội trong điều
kiện nền kinh tế thị trường khi chưa có sự chuẩn bị đầy đủ về nền tảng
con người, nhất là khi phổ biến có không ít người tuy giàu thiện chí
nhưng suy nghĩ bất cập đối với cuộc hưng suy của đất nước, vì sợ bị tụt
hậu hay dựa vào cớ đó chỉ nghĩ và phát biểu một chiều về khía cạnh phát
triển kinh tế mà quên nhấn mạnh đến yếu tố phát triển quân bình, phù hợp
với hoàn cảnh, đặc tính văn hóa và nhu cầu riêng của mỗi dân tộc. Các
chuyên gia kinh tế cũng chỉ chuyên nói về kinh tế sao cho đuổi
kịp bằng người, chạy theo mô hình phát triển của những nước tiền
tiến về kinh tế, mà ít khi có những suy nghiệm tổng hợp sâu xa về mặt
văn hóa, lịch sử, để làm sao xây dựng được một nước Việt Nam tuy không
bằng người về các chỉ tiêu kinh tế nhưng vẫn đạt được một cuộc sống bình
yên và hạnh phúc trong sự chan hòa tình nhân ái giữa các thành viên
trong cũng như ngoài cộng đồng dân tộc. Nói theo cách nói của nhà sư
Nhất Hạnh, “Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản
mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong
nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ và bệnh tật, thất học, hòa giải
được với người thân và tìm được nguồn vui sống” (“Giấc mơ Việt Nam”,
tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 01, tháng 2.2005).
Để thực hiện được hoài bão tốt đẹp trên con
đường phát triển tương lai của cả dân tộc, vai trò điều tiết của nhà
nước là rất quan trọng, nhưng chỉ có nghĩa là điều tiết thu nhập trong
dân bằng hệ thống phúc lợi xã hội một cách có căn cơ hơn, tạo điều kiện
cho mọi người dân được sống tự do trong khuôn khổ pháp luật để mỗi người
có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của mình. Muốn vậy phải xóa bỏ
cơ chế xin-cho và mọi hình thức độc quyền, nhất là phải biết hướng dân
chúng vào con đường phát triển nhân cách,
biết nói không khi cần thiết trước những cám dỗ của quyền lợi đơn
thuần vật chất. Trong chiều hướng đó, thiết tưởng ngày nay tuy chúng ta
khó tìm được những nhà lãnh đạo triết nhân thông đạt cả chính trị lẫn
nhân tình nhưng cũng có quyền hi vọng có được những người thiện chí,
hiểu biết sâu một số bộ môn khoa học xã hội và có khả năng tư duy liên
ngành, đánh giá đúng trước những hậu quả có thể xấu khi chúng mới phát
sinh từ trong trứng nước, từ đó luôn có chính sách và hành động thích
hợp, để góp phần lèo lái con thuyền quốc gia vượt qua được những cơn
phong ba bão táp.
TVC
(theo Trần
Văn Chánh, Khủng hoảng môi
trường, có phải nguy cơ hết thuốc chữa?, NXB Tổng Hợp Thành phố Hồ
Chí Minh, tháng 2.2020) |