Người Tốt Không Còn Nên Chẳng Cần,
Chỉ Cần Chọn Hướng Đúng!
Trần Văn Chánh
Đề cập việc trị nước an dân xây dựng xã hội tốt lành mà nói không cần
người tốt hay nhà lãnh đạo có đạo đức thì quả là một nghịch lý, một lối
nói thậm chí có thể gọi ngụy biện, rất dễ bị mọi người nhao nhao lên đả
kích không thương tiếc.
Bởi một chân lý chung cổ kim đều thừa nhận: người lãnh đạo chính trị-xã
hội phải có cả tài năng lẫn đức độ, mà bây giờ quen nói theo giọng thời
thượng, phải vừa có tâm vừa có tầm.
Nhưng khổ nỗi, một sự thật rất phũ phàng không thể phủ nhận cần phải
trung thực nói lên, dù rất đau lòng, đó là nhân dân Việt Nam trong nhiều
chục năm nay đã phải sống trong tình trạng xã hội hủ nát mà đại đa số
quan lại tức giới lãnh đạo đều trở nên gian tà ở những mức độ khác nhau
do cái thể chế độc tài toàn trị phi dân chủ gây nên.
Nói cách khác, tình trạng rất đáng bi quan như hiện nay trong một xã hội
xuống cấp toàn diện không phải do từng cá thể xấu riêng lẻ cộng lại, mà
do nó được sinh ra một cách tất yếu từ thể chế độc tài toàn trị hiện
hữu. Trong hệ thống chính trị này, những người được cất nhắc lên chức vụ
cao lãnh đạo đại đa số đều không có tâm
lẫn không có tầm, bởi nếu có tâm mà sống trung thực lành mạnh dám ăn
ngay xổ thẳng không a dua cấp trên thì dù muốn lên tới chức cỡ chủ tịch
phường xã quèn cũng đã thiên nan vạn nan, do phương thức bổ nhiệm con
người không căn cứ vào đức độ tài năng mà theo “quy hoạch-cơ cấu”, chủ
yếu dựa trên lý lịch (con ông cháu cha…) và bè đảng. Nên có thể nói, hầu
hết quan to hiện nay đều là những kẻ ít nhiều tệ hại, và mức độ tệ hại
này của quan chức thường tỉ lệ thuận với các chức quyền mà họ được nắm
giữ, có nghĩa càng cao càng tệ. Bên cạnh hạng người này là số ít người
cũng có chức quyền kha khá và tương đối trong sạch, đôi khi có cả tâm cả
tầm lẫn lý tưởng phục vụ, nhưng lực bất tòng tâm, họ đành phải sống cầu
an, ngậm miệng ăn tiền, vô tình đồng lõa với cái xấu.
Cách nay chừng một tháng, lần đầu tiên có một quan chức cấp ủy viên
trung ương dám lên tiếng phê bình thẳng tính cách bất công vô lý của
phương thức bổ nhiệm nhân sự theo quy hoạch-cơ cấu từ Đoàn TNCS hoặc từ
cái gọi là “cấp ủy”, trong một cuộc hội thảo về vấn đề liên quan do ông
này chủ trì. Đó là một nhân vật cách nay khoảng bốn tháng được đột ngột
điều chuyển công tác từ TP. HCM ra Hà Nội làm việc, hiện vẫn đang còn
được rảnh rang ngồi uống trà chờ thời mỗi ngày ở Ban Kinh tế Trung ương.
Tình trạng tham nhũng tiêu cực và thoái hóa biến chất của giới quan lại
chức quyền vì thế và vì nhiều nguyên nhân khác nữa thì không bút mực nào
tả xiết mà nói mãi nghe cũng nhàm chán như “chuyện thường ngày ở huyện”,
nhưng một số biểu hiểu hiện cụ thể đập vào mắt gây bức xúc dư luận thì
người dân thường nào cũng biết: số cán bộ cấp bộ trưởng, thứ trưởng, vụ
trưởng, tướng tá quân đội cấp từ ủy viên trung ương trở lên “vào lò”
ngày càng nhiều, mà mới đây nhất, gây kinh ngạc và sự phẫn nộ trong dân
ngoài sức tưởng tượng là vụ test
kit trong đại dịch Covid-19 với chủ trương “phong tỏa”, “thần tốc xét
nghiệm diện rộng” có sự thông đồng câu kết rất đúng quy trình và hợp
pháp từ cấp chỉ đạo chống dịch cao nhất cho đến một số bộ, ngành chức
năng, mà cơ quan điều tra thuộc Bộ Công an đã hứa với dân là sẽ vào cuộc
làm rõ, không có vùng cấm. Nhưng trọng vụ động trời này, thay vì “tội
quy ư trưởng” (tội quy cho người đứng đầu) vì “tội này tội cả triều
đình”, thì lại thấy các ông trưởng chỉ ra uy lệnh cho cơ quan chức năng
phải điều tra vạch tội trừng trị các cấp dưới…
Ngoài ra, vẫn còn không ít quan chức đã phạm tội làm bậy mà chưa bị lộ.
Dân chúng bên ngoài tuy được phong cho chức làm chủ nhưng ít ai biết gì
về những hành vi mờ ám của họ. Chính nhờ có tình trạng đấu đá nội bộ
tranh giành quyền lực vạch mặt lẫn nhau mà qua hệ thống truyền thông nhà
nước và qua Internet chúng ta thấy được phần nào nội tình thối nát, từ
đó nhận ra cái chế độ độc tài toàn trị đã và đang áp đặt lên đất nước
chúng ta là không đáng tồn tại kéo dài.
Người dân mới đầu nghe nói “đốt lò” thì mừng, nhưng lần lần nhận ra đằng
sau những lò lửa cháy rực dường như lấp ló những chuyện phức tạp gì
khác, liên quan đến vấn đề đấu đá phe phái để tranh giành quyền lực và
quyền lợi giữa một số phe nhóm chính trị nào đó. Nạn chạy chức chạy
quyền và sử dụng bằng dỏm bằng giả trong giới lãnh đạo cấp cao là rất
phổ biến, mà vụ án Đại học Đông Đô ở Hà Nội là một minh chứng thật hùng
hồn cụ thể. Tư pháp không độc lập, các vụ án lớn về kinh tế cũng như về
chính trị hầu hết đều thuộc loại “bỏ túi” rất trắng trợn. Các cơ quan
điều tra, viện kiểm sát, tòa án đều không đáng tin cậy. Vai trò của luật
sư kể như con số không to tướng… Văn hóa, giáo dục, y tế… xuống cấp.
Ngành nào bộ nào sở nào cũng có nạn tham nhũng…
Vậy nên dân chúng vẫn còn rất nghi ngờ về khả năng chống tham nhũng tiêu
cực của những biện pháp đã và đang được áp dụng, mặc dù trông bề ngoài
có vẻ quyết liệt, vì gốc của tham nhũng tiêu cực chính là do từ thể chế
độc tài toàn trị mà ra, trong đó các nhánh quyền lực chẳng những không
được kiểm soát mà còn kết nối thành một hệ thống chặt chẽ, thực chất chỉ
là để “chia quyền tham nhũng” một cách hợp pháp, dưới hình thức sân sau
của các quan chức cấp cao hoặc tối cao.
Trong điều kiện rất tồi tệ này, các cơ quan thanh tra kiểm tra của chính
quyền, vốn chỉ có quyền theo quy định trên văn bản nhưng chẳng có thực
quyền độc lập, chúng không chỉ bất lực mà còn trở thành những ổ tham
nhũng bất khả xâm phạm, có quyền bóc lột lại những kẻ đã tham nhũng của
nhân dân. Tiền bạc thu hồi từ những vụ án tham nhũng hầu như không đáng
kể, mà số thu hồi được ít ỏi (chừng 20% theo báo cáo) do ai quản lý dùng
vào việc gì thì ít ai thật sự biết rõ.
Quốc hội, và hội đồng nhân dân các cấp nói là có trách nhiệm giám sát
nhưng thực tế chỉ ăn theo nhà cầm quyền, được cấu tạo bằng những cuộc
bầu cử phi dân chủ một cách cực kỳ lố bịch.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể
khác thì cũng chẳng thể đặt hi vọng gì cao hơn. Báo chí thay vì là “đệ
tứ quyền” góp phần kiểm soát phát hiện hiệu quả các hành vi tiêu cực,
trái lại đã luôn biến thành cái loa của Ban tuyên giáo Trung ương, như
trong vụ kid test Việt Á, khi nói vầy lúc nói khác, tráo trở khôn lường.
Tựu trung, tất cả cùng là một giuộc như nhau, trong cái hệ thống chính
trị độc tài toàn trị.
Dân gian nói “Nhà dột từ nóc”, “Thượng bất chính hạ tắc loạn”… Lại
còn nói
“Dòi từ trong xương dòi ra”…,
nếu chỉ bôi thuốc ngoài mặt vết lở loét thì chẳng ăn thua, một lũ dòi
phục sẵn trong ổ mủ sẽ tiếp tục bò ra lổn nhổn ngày một thêm đông đảo…
Nhưng “nước vô đạo” từ lúc nào và từ đâu mà ra?
Xin thưa: Từ rất lâu rồi và từ thể chế chính trị độc tài toàn trị mà ra. Chẳng phải từ năm 1969, cách nay hơn nửa thế kỷ, nhà thơ Việt Phương (1928- 2017) đã từng bức xúc:
Ta nhất quyết đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ
Hình như đấy là niềm tin, ý chí và tự hào
Mường tượng rằng trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mĩ
Sự thơ ngây đẹp tuyệt vời và ngờ nghệch làm sao
Một phần tư thế kỉ qua đi và có lẽ bây giờ ta biết
Thế nào là yêu thương thế nào là chém giết
Ta đã thấy những chỗ lõm chỗ lồi trên mặt trăng sao
Những vết bùn trên tận đỉnh chín tầng cao
…Gió từ cửa vịnh thổi vào cửa vila
Có còn nhìn thấy gì đâu khi từ đó nhìn ra…
(Cửa mở, 1970)
Bốn câu trích dẫn chót chứng tỏ “nhà đã dột từ nóc” là chuyện không mới.
Mấy câu đầu còn cho thấy bệnh giáo điều và óc nô lệ rất ngu xuẩn của nhà
cầm quyền thời đó. Và cũng từ đó dẫn dắt cho đến tận hôm nay. Nhà thơ
tài ba Thái Bá Tân đã không chút kiêng kỵ viết thẳng:
Chúng, chính quyền, thật xấu.
Vừa ác vừa bất minh,
Đến mức không muốn nghĩ
Đó là chính quyền mình.
Theo cách “quy hoạch cơ cấu” như trên đã nói thì tất cả thường dân Việt
Nam không có lý lịch đỏ đều trở thành công dân hạng hai, xã hội dân sự
coi như đứng chầu rìa, bao nhiêu lớp trẻ tài năng tâm huyết đều phải bị
thui chột, để phải đứng ngồi không yên nhìn đám quan tham thối nát như
một bầy sâu tha hồ thao túng, “ăn không chừa một thứ gì”, như họ đã thao
túng rất dữ trong vụ kid test Việt Á vừa xảy ra đang còn nóng hổi.
Bị loại ra khỏi vòng đua bất công bằng, một bộ phận lớp trẻ cũng xuôi ra
chạy theo đám đông người lớn hư hỏng, chăm chăm kiếm tiền mà chẳng cần
biết gì đến tương lai chung của toàn xã hội. Văn hóa đạo đức xuống cấp,
con người trong bộ máy công quyền thường sống hai mặt, giả dối chà đạp
lẫn nhau trong sự nghi kỵ. Một tầng lớp trí thức nô dịch được nhà cầm
quyền trọng dụng đã vô tình hay hữu ý trở thành những kẻ đồng lõa cho
cái xấu.
Ai muốn giữ lòng trong sạch, phải can đảm dám cáo quan trước tuổi về
hưu, chấp nhận sống cuộc đời có thể thiếu thốn bấp bênh không chỗ dựa.
Tình trạng tệ hại không phải do một sớm mà nên. Kinh Dịch là một sách
triết lý tổng hợp của Trung Hoa đã từng nói: “Bầy tôi giết vua, con giết
cha, nguyên do không phải một sớm một chiều, mà nguồn gốc của nó là dần
dần phát sinh ra, do không sớm nhận rõ thấy chân tướng vậy” (Thần thí kỳ
quân, tử thí kỳ phụ, phi nhất triêu nhất tịch chi cố, kỳ sở do lai giả
tiệm hĩ, do biện chi bất tảo biện dã).
Thực tế lịch sử cho thấy, chế độ toàn trị tại nước ta được coi như khởi
đầu xây dựng từ năm 1954 của thế kỷ trước, dẫn đến cuộc cải cách ruộng
đất long trời lở đất sát hại oan uổng hàng chục ngàn nông dân và vụ Nhân
Văn Giai Phẩm tiêu diệt tự do dân chủ trong văn nghệ và các phần tử trí
thức tinh hoa. Sau năm 1975, chính trị tiếp tục đi theo con đường toàn
trị, lĩnh vực kinh tế tuy có phần cải tiến theo hướng thị trường, đạt
được một số thành tích đáng kể, nhưng bộ máy nhà nước thì ngày càng rệu
rã bất lực mất kiểm soát, trong khi bất công xã hội thì ngày một gia
tăng, tình trạng tham ô tham nhũng thoái hóa biến chất, đặc biệt trong
giới lãnh đạo cấp cao, cũng ngày càng trầm trọng đến vô phương cứ chữa!
Tại sao vậy?
Thật ra, con người Việt Nam nói chung và cán bộ công chức Việt Nam nói
riêng từ trong bản chất chẳng phải tự nhiên xấu xa hơn người của các dân
tộc khác, mà sự tha hóa xấu xa với đỉnh cao nguy hại nhất là quốc nạn
tham nhũng chủ yếu đều do thể chế chính trị toàn trị mất dân chủ nhào
nặn nên.
Trong một luận văn viết riêng về thói hư tật xấu của người Việt (“Tổng
thuật thói hư tật xấu của người Việt”, đã đăng tạp chí và in thành
sách), tôi đã dành một phần riêng để kể ra những thói xấu/ khuyết tật
đặc biệt của “người Việt công quyền” bao gồm hết thảy những cán bộ công
nhân viên chức tham gia làm việc trong bộ máy nhà nước. Theo đó, căn
bệnh nặng nhất của người Việt công quyền là bệnh xơ cứng giáo điều cả về
mặt tư tưởng lẫn hành động, khiến hầu hết họ đều không dám công khai nói
thẳng sự thật hay mở mũi đột phá khi cần thiết cho công việc vì luôn sợ
bị chụp mũ về quan điểm lập trường, dẫn tới tình trạng ai cũng nhếch
nhác rụt rè, giữ gìn ý tứ, từ đó triệt tiêu tất cả mọi sự thông minh và
tính độc lập sáng tạo của cá nhân.
Phương thức quyết định tập thể dẫn đến tình trạng vô trách nhiệm tập
thể. Nguyên tắc “quốc doanh chủ đạo” dẫn đến việc biến tài sản của chung
thành “của chùa” mạnh ai nấy xà xẻo. Bộ máy hành chính công quyền để
quản lý xã hội hoạt động kém hiệu quả, trong điều kiện việc thực thi
luật pháp thiếu minh bạch, đã gây nên quốc nạn tham nhũng gồm cả tham
nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt.
Tham
nhũng lớn liên quan số tiền hoặc tài sản trị giá hàng trăm/ hàng ngàn tỉ
đồng, thường do các nhóm quan chức đặc quyền tương đối lớn câu kết với
nhau; tham nhũng vặt phổ biến tại mọi tỉnh thành trên cả nước làm cho cả
dân tộc hèn đi, được thực hiện dưới hình thức “lót tay”, “phong bì”,
“bồi dưỡng”…
Ngoài những thói xấu/ khuyết tật/ chứng
bệnh nặng nêu trên, ở “người Việt công quyền”, còn có nhiều thứ khác,
rất phổ biến, có thể kể ra hàng loạt: Thói giữ bí mật (không công khai
nói ra cho dân biết, che giấu những sự thật không tốt); Chủ nghĩa lý
lịch-thành phần; Bổ nhiệm nhân sự theo quan hệ người thân (họ hàng, bạn
bè, “một người làm quan cả họ được nhờ”…); Bệnh sùng bái cá nhân; Óc gia
trưởng; Bệnh tham quyền cố vị; Không có văn hóa từ chức; Sợ tới tuổi về
hưu; Tha hóa quyền lực (dân tốt khi có chức quyền trở thành quan xấu…);
Bệnh kết bè kéo cánh (óc bè phái/ phe đảng); Thói nịnh trên nạt dưới;
Phê bình tố cáo kẻ vạch nhau chuyện tủn mủn để tranh giành quyền lực/
quyền lợi (moi móc đời tư để hạ bệ nhau…); Óc cục bộ địa phương; Tư túi/
thu vén cá nhân; Sống giả dối hai mặt (ở cơ quan nói khác, về nhà nói
khác…); Sử dụng bằng dỏm bằng giả; Bám sống theo cái nôi cơ quan nhà
nước; Bệnh quan liêu hình thức; Thói quan liêu cửa quyền; Trấn áp dân
chủ (không tôn trọng quyền tự do ngôn luận, bài trừ “ý kiến khác”…); Đì
kẻ có tài hoặc có quan điểm khác với mình về; Can thiệp vào hoạt động tư
pháp (chỉ đạo xét xử, gởi gắm…); Sử dụng nhiều thủ đoạn đôi khi cả với
dân; Bao che, câu kết kiểu phủ huyện bênh nhau; Nghi kỵ, rình rập, vạch
lỗi của nhau trong quan hệ công tác; Hô khẩu hiệu suông; Hội họp triền
miên; Báo cáo láo; Bệnh thành tích; Xử lý nội bộ (không xử phạt dựa trên
luật pháp); Ngụy biện (ưa dùng những cụm từ như “căn bản tốt”, “hoàn
thành căn bản”, “nơi này nơi khác vẫn còn không ít khuyết điểm”, “một số
không nhỏ”…); Máu xôi thịt; Hám tổ chức những ngày lễ kỷ niệm và ăn theo
cuộc lễ; Hám danh hão; Hám bằng khen, huân chương và các loại danh hiệu
(thường xuyên tổ chức những cuộc thi đua khen thưởng); Sử dụng công quỹ
bừa bãi sai mục đích; Thi hành công vụ/ giải quyết công việc trên bàn
nhậu; Nhậu nhẹt trong giờ làm việc; Đãi đằng cấp trên (để mua chuộc tình
cảm, vận động sự ủng hộ, giúp đỡ…); Quà cáp cho cấp trên (đặc biệt trong
những ngày lễ tết)… (xem Vương Trí Nhàn - Trần Văn Chánh,
Người xưa cảnh tỉnh, NXB Tổng
hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019, tr. 267-270).
Cứ xem vào đoạn phân tích mô tả như vừa kể trên, sẽ thấy con người hoạt
động trong tổ chức cầm quyền độc tài toàn trị mà muốn được thăng tiến
chức vụ, tài sản tất yếu sẽ phải bị tha hóa ít nhiều về mặt đạo đức, và
mức độ tha hóa này là tỉ lệ thuận với chức quyền mà họ được cất nhắc bổ
nhiệm trong hệ thống chính trị hiện hữu.
Suy ra trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao và tối cao hầu như không thể còn
người tốt, hoặc chỉ còn một số ít người tương đối trong sạch trong bộ
máy cầm quyền nhưng cũng đều trở thành lực lượng lượng đồng lõa, thường
giữ các chức vụ trung gian từ cấp tỉnh thành trở xuống. Đây là lý do
khiến cho cái đầu đề bài viết này được nêu ra như một sự khẳng định:
người tốt không còn nên chẳng
cần, chỉ cần chọn hướng đúng!.
Điều này có nghĩa, trước mắt chúng ta chỉ cần những nhà lãnh đạo có tài
năng bản lĩnh và tư tưởng đúng đắn tiến bộ dám phát động công cuộc cải
cách thể chế chính trị hợp thời vụ và hợp với nền văn minh chung của
nhân loại theo đường hướng dân chủ hóa đời sống xã hội một cách thực
chất nhằm đưa cả dân tộc Việt Nam đi về phía ánh sáng. Điều này cũng có
nghĩa chúng ta tạm thời chấp nhận sự lãnh đạo của một số người tên X tên
Y nào đó tay đã lỡ dính chàm, trên cơ sở chấp nhận một sự thật phũ phàng
là không thể còn tìm ra được ai khác vừa trong sạch vừa tài năng và đủ
bản lĩnh để thực hiện cải cách chính trị, trên cái nền thể chế từ lâu đã
suy thoái lạc hậu mà chính họ cũng là sản phẩm. Trong chiều hướng suy
nghĩ này, tôi cho rằng ý tưởng chỉ chấp nhận người đạo đức trong sạch
không tham nhũng và không có tham vọng chính trị được vào “trung ương”
chỉ là một loại ảo tưởng hoàn toàn xa rời thực tế nếu không muốn nói
điên rồ.
Và chúng ta cũng không được quên một chân lý cực kỳ đơn giản, mà lịch sử
loài người đã chứng minh rất rõ rệt, đó là một người đạo đức trong sạch
trong thời tranh tối tranh sáng sẽ không bao giờ làm chính trị thành
công, dù theo bá đạo hay vương đạo, nếu không muốn nói anh ta sẽ bị đồng
đội gồm toàn những kẻ tham lam lật đổ rất nhanh trong một sớm một chiều!
Nghĩ được một cách đau đớn như vậy rồi, kẻ ưu tư thời cuộc sẽ không còn
thắc mắc hoặc hi vọng chờ có được một bậc minh vương trong thời buổi
“nước vô đạo” này.
Nhưng một khi thể chế chính trị đã được cải cách đi vào thực chất chiều
sâu, nền dân chủ pháp trị được xây dựng phát triển vững chắc trên cơ sở
thực thi đúng và đủ hiến pháp, với các quyền tự do dân chủ (như tự do
bầu cử ứng cử, tự do ngôn luận, lập hội, biểu tình…) đã quy định, thì
một khoảng dư địa rộng rãi sẽ được tạo ra cho xã hội dân sự dần dần thâm
nhập một cách tự nhiên, chính là điều kiện căn bản để phát triển chính
đáng con người và giải phóng mọi công dân gồm cả cán bộ nhà nước ra khỏi
sự tha hóa do sự kiềm kẹp khắc nghiệt của thế chế độc tài toàn trị, mà
người CS đã tạo ra nó với tư cách tội đồ nhưng cũng vừa là nạn nhân của
chính nó: họ mất hết mọi quyền tự do sáng tạo và cũng không thể trở
thành người trung thực được sống theo ý mình.
Trên phương diện đối ngoại, chọn hướng đúng cũng có nghĩa là chọn hợp
tác nhiều hơn với các quốc gia dân chủ tiến bộ mà Việt Nam cũng đã và
đang có chủ trương ngày càng rõ nét. Còn đối với một vài nước bạn đã lỡ
cùng mình đi theo chế độ độc tài vì những lý do ngoắt ngoéo của lịch sử,
thì vẫn phải tiếp tục hợp tác về kinh tế, văn hóa, khoa học… để cùng
nhau phát triển, nhưng nên đi trước một bước để dần dần tách ra khỏi
những ảnh hưởng không tốt về mặt chính trị, thay vì tiếp tục câu kết
nhau với tư cách đồng chế độ chính trị, để cùng áp bức nhân dân trong
mỗi nước.
Riêng đối với nước láng giềng lớn Trung Quốc, dân tộc Việt Nam luôn tin
tưởng có thừa khả năng và kinh nghiệm để đối phó thành công trong mọi
tình huống, cũng bằng đường lối hòa bình hữu nghị hợp tác, trên cơ sở
bình đẳng các bên cùng có lợi. Tuyệt đối tránh xung đột bằng bạo lực để
sinh linh của cả hai bên không bị tàn sát.
Đối với Hoa Kỳ, nhiều người cho rằng người Mỹ “thực dụng” mà tỏ ra quá e
dè ngán ngại. Nhưng thực chất lịch sử đã có những diễn biến mới và thời
đại đã khác, vấn đề cốt lõi hiện nay là biết khai thác những khía cạnh
tương quan quyền lợi giữa các bên để mang lại lợi ích cho nhân dân trong
nước, đồng thời cũng là chiến lược để tạo nên thế trận cân bằng trong
trường ngoại giao quốc tế vốn đang còn tồn tại những mối xung đột giữa
đôi ba cường quốc.
Chơi thân với những nước giỏi hơn bao giờ cũng có lợi, đây cũng là tấm
gương của Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc mà Việt Nam nên lấy làm bài học
tham khảo.
Chúng ta không từ bỏ CNXH nhưng phải là một thứ CNXH cải cách, biết tôn
trọng nhân quyền và dân chủ, có thể noi gương mô hình CNXH cải lương
(socialisme réformiste) hoặc CNXH lý tưởng (socialisme idéal) kiểu một
số nước ở Bắc Âu, nơi có thu nhập đầu người rất cao và hầu như không có
tham nhũng, không có nhà tù.
Nên phóng thích ngay tất cả các tù nhân chính trị, những người bất đồng
chính kiến đang bị giam giữ nhằm tạo ra một bầu không khí tươi mới, kích
thích tinh thần hòa giải hòa hợp đoàn kết dân tộc.
Giải quyết rốt ráo một số vấn đề khó khăn của đất nước, trong đó có quốc
nạn tham nhũng, chủ yếu bằng con đường cải cách chính trị chứ không phải
chỉ bằng giải pháp trừng phạt theo kiểu “đốt lò”, vì đốt lò tuy bất đắc
dĩ phải làm nhưng rất dễ làm phát sinh một số hiệu ứng phụ gây mất đoàn
kết nội bộ.
Ai trong số các nhà lãnh đạo cấp cao dù tay đã lỡ dính chàm nhưng mong
muốn làm ra được sự nghiệp cải cách chính trị bằng giải pháp hòa bình và
chọn theo đường hướng tiến bộ hòa nhập với thế giới văn minh, người đó
chắc chắn sẽ được đa số nhân dân ủng hộ, đích thực trở thành vĩ nhân của
dân tộc Việt Nam trong thời đại mới hôm nay.
TVC
7.1.2021
|