THẾ NÀO LÀ “ĐỘT PHÁ VỀ LÝ LUẬNˮ?

Suy nghĩ từ ý kiến Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
chỉ đạo Hội đồng Lý luận Trung ương.

Tống Văn Công



Tôi rất vui khi đọc trên các báo bản tin với cùng một tựa đề lấy từ bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lễ công bố quyết định thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2011-2015: “Đột phá về lý huận sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thực tiễn”. Giở ngay Từ điển tiếng Việt: Đột phá: Chọc thủng, phá vỡ một số đoạn trong hệ thống phòng ngự của đối phương để mở đường tiến quân”. Mở thêm Từ điển Bách khoa Việt Nam: “Đột phá (quân sự), thủ đoạn tác chiến được thực hiện bằng cách dùng sức mạnh của hỏa lực và xung lực phá vỡ một đoạn trận địa phòng ngự của đối phương để đưa lực lượng vào sâu trong trận địa phòng ngự, hoặc để thoát khỏi vòng vây của đối phương. Khi tiến công đối phương không có sườn hở, đột phá là thủ đoạn tác chiến hàng đầu tạo khả năng giành thắng lợi”.

Vừa mừng lại lo, không biết khi dùng từ này Tổng bí thư có nghĩ với ý nghĩa như thế không? Rồi lại tự cười mình lo quẫn, ông ấy là giáo sư mà! Biết vậy mà vẫn cứ lo lo, bởi nhớ hồi tháng 7 năm 2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong bài viết về phát triển bền vững kinh tế-xã hội đăng trên hầu hết các báo, đã đề cập đến vai trò của văn hóa: Sự phát triển của một thời đại ở bất kỳ quốc gia nào đều có dấu ấn khai sáng của văn hóa”. Lúc ấy, tôi cũng đã phấn khởi, hy vọng sẽ có một “dấu ấn khai sáng của văn hóa”; nhưng rồi niềm hy vọng teo tóp dần, bởi vì “khai sáng có nghĩa là bắt đầu mở dựng lên (fonder)” (Từ điển Hán-Việt của Đào Duy Anh). Đó là công việc của các hiền triết Pháp thế kỷ 18, xóa bỏ thứ văn hóa nô lệ mở dựng lên văn hóa tự do của Con người viết hoa, không chỉ đóng góp cho người Pháp mà cho cả nhân loại. Các nhà văn hóa Việt Nam chưa được cho phép “mở dựng” thì làm sao dám nói ra ngoài “nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”? Dịp góp ý văn kiên Đại hội 11, ông Trần Trọng Tân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng –Văn hóa Trung ương, một nhân vật được coi là có thẩm quyền của chế độ để bàn về văn hóa đã viết bài phản biện nhẹ nhàng: Nền văn hóa Việt Nam ở thời nào cũng có tính tiến và bản sắc dân tộc của thời ấy, chứ không phải đến văn hóa xã hội chủ nghĩa mới có tính tiên tiến và bản sắc dân tộc”. Ông đề nghị sửa lại: Nền văn hóa Việt Nam vì độc lập, tự do, hạnh phúc, vì hòa bình, hữu nghị”.Ý kiến của ông không thấy ai trả lời và nó không để lại chút dấu vết nào trong các văn kiện. Do đó, dù Thủ tướng có ý tốt, muốn đặt văn hóa ở một tầm cao mới, nhưng khổ nỗi không có ai dám làm một việc có tính “mở dựng”, chứ chưa nói là “đột phá” vào một hệ thống giáo điều đang được canh gác hết sức nghiêm mật ở tất cả các cổng ngõ chính trị.

Ý kiến chỉ đạo đột phá về lý luận vô cùng quan trọng, vì nó đề cao tự do tư tưởng, đặt một vấn đề ở tầm thời đại của nhân loại văn minh! Từ nay, các nhà lý luận Việt Nam và có thể nói rộng ra là toàn thể nhân dân Việt Nam, sẽ được thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do…Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý…Quyền tự do tư tưởng hóa ra là quyền tự do phục tùng chân lý” (Toàn tập, nxb Sự Thật,1987, tập7, trang 482).

Nhân dịp này, với tinh thần đột phá về lý luận, tôi muốn nêu lên với Hội đồng Lý luân Trung ương và Bộ chính trị một số vấn đề bị ách tắc lâu nay:

I - Tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng của Đảng cộng sản Việt Nam. Tại sao Đảng chỉ tổ chức học và làm theo đạo đức mà, không tổ chức học tập và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh?”. Do đó, nhiều ý kiến quan trọng của Hồ Chí Minh về dân chủ đã không thể thực hiện được. Ví dụ như câu nói vừa trích dẫn ở trên. Nếu quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh thì chúng ta sẽ không còn dị ứng với báo chí tư nhân (giống như ngày xưa dị ứng với kinh tế tư nhân). Bởi vì, trong tác phẩm “Đây công lý của thực dân Pháp ở Đông Dương”, Nguyễn Ái Quốc cho rằng báo chí tự do phải là tờ báo của tư nhân lập ra, “chứ không phải một tờ báo do chính quyền lập ra”. Đến năm 1938, báo Dân Chúng của Đảng cộng sản Việt Nam là tờ báo xé rào, ra báo không xin phép, nhưng đã được chính quyền thực dân Pháp chấp nhận, và sự kiện đó mở đầu cho nền tự do báo chí ở Đông Dương.

II - Đề nghị Hội đồng Lý luận Trung ương nghiên cứu những vấn đề sau đây và có kết luận công khai là “có tính đột phá về lý luận”, hay thuộc hệ tư tưởng phản động” cần phải lên án và bài trừ:

1.     Ý kiến của nguyên ủy viên Bộ chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An về “lỗi hệ thống là lỗi từ gốc đến ngọn, từ lý thuyết đến mô hình và đã được cuộc sống kiểm nghiệm là chưa phù hợp với thời đại ngày nay. Lâu nay chúng ta thường nói tới cái lỗi của mô hình thôi” ...  “Hiến pháp, pháp luật ghi rõ: Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, pháp luật là tối thượng. Song trong thực tiễn thì không ít trường hợp chỉ thị, nghị quyết của Đảng mới là tối thượng.”… “Quốc hội là nhánh lập pháp có quyền lực cao nhất, song cũng còn nhiều hình thức, thực chất là Trung ương , Bộ chính trị quyết.”…“Quyền lực nhà nước được phân công ra làm ba nhánh, song lại thống nhất ở nơi Đảng. Vậy Đảng trở thành ông vua tập thể rồi. Không phải dân chủ nữa mà là Đảng chủ rồi. Mô hình của Cộng hòa Xô viết là như vậy”.

Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn An trùng hợp với quan điểm của hằng chục nhà lý luận hàng đầu đất nước trong cuộc thảo luận do giáo sư, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Trần Phương chủ trì. Chẳng lẽ, chỉ một câu chỉ trích của hai vị Lê Khả Phiêu và Nguyễn Đức Bình cho rằng Đi ngược lại đường lối chính trị của Đảng” là đủ để xóa bỏ, không cần phải tranh luận, để tìm đến sự “tự do phục tùng chân lý” và “Nghị quyết gì mà dân chúng cho rằng không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa” của Hồ Chí Minh?

2.     Trước tình hình kinh tế Việt Nam trong tình trạng khó khăn nhất trong 20 năm qua, nhà nghiên cứu kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải làm cuộc “Đổi mới lần 2” nội dung là cấu trúc lại toàn bộ mô hình phát triển. Nội dung này đã từng được các nhà nghiên cứu Nguyễn Trung, Phạm Chi Lan…đề cập trong nhiều bài viết.

Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng “nói đổi mới lần 2 thì to tát quá”.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu kinh tế nêu ra những việc cấp thiết phải làm là: Cải cách guồng máy nhà nước, gắn liền cải cách các tập đoàn doanh nghiệp nhà nước, cải cách quản lý tài nguyên, đất đai…Nhiều bài viết nêu ra những điều cần phải ngăn chặn như: Liên minh ma quỉ giữa doanh nghiệp nhà nước với ngân hàng và các quan chức;

Bốn lĩnh vực tham nhũng là đất đai, ngân sách, doanh ngiệp nhà nước và tổ chức cán bộ.Trong đó khâu tổ chức cán bộ chạy quyền chạy chức là khó trị nhất; Phải ngăn chặn các nhóm lợị ích chạy chính sách…

Nghe những điều mà các nhà kinh tế nêu ra, lại thấy đổi mới lần 2” không thể chỉ là những việc cần làm trong kinh tế mà phải như ông Nguyễn Trung nêu ra trong một bài tâm huyết có tựa đề Trách nhiệm lịch sử: “Yêu cầu Đảng với tính cách là Đảng duy nhất cầm quyền phải đẩy mạnh cải cách chính trị, coi đây là chìa khóa của mọi giải pháp và là tiền đề quyết định chuyển đất nước đi vào một giai đoạn phát triển mới…” Điều mà văn kiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020 ở Đại hội 11 cũng đã ghi nhận:”Đổi mới chính trị phải đồng bộ với đổi mới kinh tế theo lộ trình thích hợp”…Nay chính là lúc đã chín muồi cho lộ trình này! Và phải chăng tình trạng bi đát về kinh tế có nguyên nhân từ điều Nguyễn văn An đã kết luận: Lỗi hệ thống”?

3.     “Xã hội chủ nghĩa” là một từ úy kỵ, do đó nó chi phối từ tổ chức nhà nước pháp quyền đến kinh tế, xã hội mà ít ai dám yêu cầu bỏ đi.

  • GS TS Dương Phú Hiệp, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương với tấm lòng vì nước, vì dân và cả vì Đảng, đã dũng cảm đặt vấn đề: Cương lĩnh chỉ nêu lên những việc phải thực hiện trong 20 năm.Thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội chưa biết bao lâu mới tới,có thể cả trăm năm. Chủ nghĩa xã hội “bao gồm thực hiện chuyên chính vô sản,tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, tiến hành đấu tranh giai cấp, đấu tranh giữa hai con đường xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa để giải quyết vấn đề “ai thắng ai” đều là những nội dung mà hiện nay Đảng không dùng nữa, không nói nữa. Khi những nội dung cơ bản đó chúng ta không dùng thì tại sao vẫn dùng khái niệm thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì nhân dân đã khốn khổ vì những nội dung trên?”(TuanVietnam.net).

  • TS Hồ Bá Thâm nhận định về Pháp quyền xã hội chủ nghĩa: “Thực trạng quyền lực và cơ cấu, quan hệ quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay không chỉ cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chậm chạp, nặng nề mà còn thiếu cơ chế thực thi quyền lực, đảm bảo giám sát, kiềm chế quyền lực, chống lạm quyền, chống tùy tiện”. “Với thực tế nảy sinh tràn lan và kéo dài ngày càng trầm trọng tệ nạn tham nhũng, cửa quyền, quan liêu và lãng phí hiện nay trong hệ thống chính trị và trong xã hội ta, càng thấy khiếm khuyết lớn trong một cơ chế thiếu giám sát và kiềm chế quyền lực tệ hại như thế nào. Đó là chỗ hổng và yếu kém nhất trong hệ thống cơ chế tam quyền của nhà nước, phải được khắc phục sớm bằng cả nhận thức và thể chế. Có như thế mới phù hợp với phân công quyền lực và cơ chế thực thi quyền của nhà nước văn minh, hiện đại và dân chủ” (Tạp chí nghiên cứu lập pháp tháng 11-2009). Ông không nói thẳng “quyền lực và cơ chế thực thi quyền của nhà nước văn minh, hiện đại và dân chủ”là hình thức gì . Nhưng làm sao hiểu khác, đó là “tam quyền phân lập” để ba quyền có thể kiểm soát, hạn chế sự lạm quyền?

  • Nghị quyết Trung ương 6, khóa 10 viết: Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là nền kinh tế vừa tuân theo quy luật của cơ chế thị trường vừa chịu sự chi phối bởi các quy luật kinh tế của chủ nghĩa xã hội”. Chính câu này của Nghị quyết 6 Trung ương đã làm nổi bật lên sự trái nhau không thể nào hòa hợp được của hai khái niệm kinh tế thị trường” và “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì “Quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội ra đời và bắt đầu phát huy tác dụng cùng với việc xây dựng thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa; phạm vi hoạt động của nó được mở rộng theo đà củng cố và phát triển thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa. Tư liệu sản xuất trở thành sở hữu công cộng làm cho nền sản xuất không phải để phục vụ cho sự phát tài và làm giàu cho một cá nhân hay một giai cấp”. (Từ điển kinh tế, nxb Sự thật, Hà Nội,1976, trang 455).

Cho đến nay, Trung ương Đảng (hoặc Hội đồng Lý luận Trung ương là nơi đưa ra thứ lý luận chấp vá, tùy tiện này) chưa công khai nhận đây là lý luận sai trái. Do đó, nhiều chủ trương về kinh tế sai trái lấy định nghĩa chấp vá tùy tiện đó làm chỗ dựa, như: “Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, gây ra nhiều hậu quả tai hại mà các nhà kinh tế mới đây đã nhận diện: Hiệu quả rất thấp; chèn ép kinh tế tư nhân…

Đến đây, có thể tin rằng ý kiến giáo sư Dương Phú Hiệp dù không đưa ra điều gì mới, nhưng vẫn có tính đột phá rất cao trong tình trạng chủ nghĩa giáo điều đang cố thủ bằng nhiều phòng tuyến. Cũng có thể nói không sợ sai rằng, nếu như chủ nghĩa xã hội thực sự là khát vọng của nhân dân Việt Nam thì nó đã được Mặt trận Việt Minh và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam ghi vào Cương lĩnh và Tuyên ngôn để tăng sức thu phục nhân tâm rồi!


Trong lời tựa cho bản Tuyên ngôn cộng sản in bằng tiếng Đức năm 1883, Engels nhận định: Trong mỗi thời đại lịch sử, sản xuất kinh tế và cơ cấu xã hội-cơ cấu này tất yếu phải do sản xuất kinh tế mà ra- cả hai cái đó cấu thành cơ sở của lịch sử chính trị và lịch sử tư tưởng của thời đại ấy”. Tôi nghĩ, câu này đến nay vẫn đúng. Nền kinh tế thị trường sau 25 năm đổi mới đã xé rách toạc chiếc áo “cơ cấu xã hội” theo mô hình Cộng hòa Xô viết. Né tránh hoặc tệ hại hơn là trấn áp, vùi dập những ý kiến yêu cầu đổi mới chính trị đầy nhiệt tâm vì sự phát triển của đất nước là một tội ác! Đổi mới lần 2, do đó phải là đổi mới chính trị tương thích với đổi mới kinh tế.

Đúng như ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, “đột phá về lý luận sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thực tiễn” đem lại sinh khí và trí tuệ cho dân tộc.


Ngày 24-10-2011

TVC

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-10-11