NGƯỜI VIỆT
Thách thức cho kinh tế Việt Nam đầu năm mới 2022
Nhà đầu tư nước ngoài đang bắt đầu rút khỏi Việt Nam do những chính
sách sai lầm của nhà cầm quyền? Hiếu Chân
Khi đại dịch COVID-19 có dấu hiệu thuyên giảm, các công ty xí nghiệp
mở cửa hoạt động trở lại thì Việt Nam lại đối mặt với những thách thức
mới, có nguy cơ làm “trật bánh” nền kinh tế vốn đã khó khăn trong suốt
năm 2021. Trong phạm vi bài viết này chúng tôi chỉ bàn tới một thách
thức như vậy đối với hoạt động của các công ty có vốn đầu tư trực tiếp
nước ngoài (foreign direct investment – FDI) – bộ phận lớn nhất, hiệu
quả nhất của nền kinh tế Việt Nam.
Thông tin từ báo chí trong nước cho biết, chỉ trong sáu tuần đầu năm
2022, công nhân tại các khu công nghiệp đã thực hiện gần 30 cuộc đình
công để đòi quyền lợi, đòi tăng tiền lương, tiền thưởng và hỗ trợ công
nhân bị nhiễm COVID-19. Báo chí trong nước gọi đây là các vụ “ngừng việc
tập thể”, và thường xảy ra ở các công ty FDI sử dụng nhiều lao động, sản
xuất các mặt hàng quần áo, giày dép, linh kiện điện tử…
Đình công đã xảy ra tại công ty sản xuất giày dép Viet Glory 5,000 công
nhân, vốn Đài Loan, tại Diễn Châu (Nghệ An), công ty Vienergy ở Ninh
Bình, công ty Cresyn Hà Nội, công ty Em-Tech ở Nghệ An chuyên sản xuất
sản phẩm và linh kiện điện tử, và công ty Haivina ở Hà Tĩnh, chuyên sản
xuất đồ thể thao.
Gần đây nhất hôm 15/2, hàng nghìn công nhân công ty Em-Tech do Hàn Quốc
sở hữu và là nhà cung cấp loa điện thoại cho các đối tác như Samsung và
LG, đã đồng loạt ngừng việc để đòi quyền lợi. Trong tuần này, 2,000 công
nhân công ty Cresyn Hà Nội đặt ở Bắc Ninh sản xuất linh kiện điện tử và
quang học cũng ngừng việc, đòi quyền lợi.
Việc người lao động đình công đòi quyền lợi không phải là sự kiện mới,
xảy ra gần như thường xuyên trong hoàn cảnh các chủ công ty nước ngoài
luôn tìm cách thu lợi nhuận tối đa mà người công nhân không có một tổ
chức nghiệp đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi của họ. Để thực hiện cái
gọi là chính sách “trải thảm đỏ mời gọi đầu tư nước ngoài”, nhà cầm
quyền cộng sản Việt Nam thậm chí còn cấu kết với tư bản ngoại quốc, tạo
điều kiện cho họ bóc lột sức lao động của đồng bào mà không dám có chính
sách hoặc biện pháp làm mất lòng các ông chủ ngoại quốc.
Từ trước đến nay, các địa phương ở Việt Nam cạnh tranh với nhau quyết
liệt để thu hút vốn FDI, sử dụng các chính sách ưu đãi tối đa về thuế,
về thuê đất và hạ tầng cơ sở, về môi trường và về lao động; trong đó
người lao động bị thiệt thòi với đồng lương rẻ mạt để giúp chính quyền
địa phương đạt được thành tích về phát triển kinh tế.
Đại dịch COVID-19, cùng với chính sách chống dịch sai lầm và tai hại của
nhà cầm quyền đã làm cho đời sống người công nhân đã khốn khổ lại càng
thê thảm hơn. Hàng triệu người bị mất việc, mất thu nhập, phải bồng bế
nhau rời bỏ các thành phố về quê tìm đường sống. Bây giờ, khi các nhà
máy hoạt động trở lại, công nhân đòi hỏi phải được đãi ngộ xứng đáng
hơn, được trả tiền lương tiền thưởng cao hơn và đó là yêu cầu chính
đáng, hợp lý mà ngay cả quan chức của chính quyền cũng phải thừa nhận.
Trên báo Dân Việt, bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia về lao động, nhận
định: “Nhìn nhận từ góc độ tích cực thì việc đình công cũng là tín hiệu
tốt cho thấy vai trò, sức mạnh của người lao động trong việc đòi hỏi
thương thảo quyền lợi, góp phần cải thiện quan hệ lao động theo hướng
tiến bộ, bình đẳng.”
Tuy vậy, tăng chi phí lao động đồng nghĩa với lợi nhuận của nhà tư bản
bị giảm sút và đây là một trong vài yếu tố mà các nhà đầu tư ngoại quốc
đang xem xét để quyết định có tiếp tục làm ăn ở Việt Nam hay không.
Trong một diễn biến liên quan, công ty điện tử Samsung Electronics của
Nam Hàn vừa quyết định chuyển hai dây chuyền sản xuất điện thoại Samsung
về Nam Hàn. Samsung có hai dây chuyền lắp ráp điện thoại tại tỉnh Bắc
Ninh và Thái Nguyên, sản xuất mỗi năm khoảng 300 triệu máy điện thoại,
chiếm 60% tổng sản lượng điện thoại mà Samsung bán ra toàn cầu.
Truyền thông Nam Hàn hôm 15 tháng Hai đưa tin vào cuối năm 2021 Samsung
Electronics đã chuyển hai dây chuyền sản xuất điện thoại từ nhà máy tại
Việt Nam về nhà máy Gumi ở tỉnh Bắc Gyeongsang. Nếu Samsung ngừng sản
xuất điện thoại ở Bắc Ninh và Thái Nguyên thì đây là một đòn cốt tử
giáng vào nền kinh tế Việt Nam vì giá trị xuất cảng điện thoại “made in
Vietnam” của Samsung Electronics chiếm phần quan trọng trong tổng kim
ngạch xuất cảng hàng năm của Việt Nam; trong năm 2021, Samsung Vietnam
xuất cảnh tới $74 tỷ hàng hóa, chủ yếu là điện thoại, máy tính bảng và
linh kiện điện tử máy tính các loại.
Quyết định của Samsung Electronics được đưa ra sau khi nhiều nhà máy của
hãng, trong đó có nhà máy tại Việt Nam, bị gián đoạn sản xuất do dịch
COVID-19. Đến đây có thể thấy, những biện pháp chống dịch cực đoan kiểu
phong tỏa toàn thành phố, “ba tại chỗ” (công nhân làm việc, ăn uống,
sinh hoạt ngay tại nhà máy) mà nhà cầm quyền Hà Nội thực hiện trong thời
gian cao điểm của COVID-19, từ tháng Năm đến tháng Chín năm ngoái, đã
gây ra những thiệt hại không thể bù đắp cho nền kinh tế. Hoạt động sản
xuất bị gián đoạn kéo dài và chủ công ty không chủ động được kế hoạch
làm việc do chính sách bất nhất của nhà cầm quyền làm cho nhà sản xuất
hết sức thất vọng.
Một vấn đề khác khiến nhà đầu tư lo sợ là tình trạng cát cứ, mỗi địa
phương mỗi ban ngành đều chỉ lo cho quyền lực và quyền lợi của mình, bất
chấp chính sách của chính quyền trung ương, đặt người kinh doanh vào
tình thế rủi ro không định trước. Một ví dụ, chính phủ Hà Nội quyết định
mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch, bãi bỏ các hạn chế đối với các
chuyến bay thương mại quốc tế từ ngày 15 tháng Hai vừa qua. Nhưng cũng
tại thời điểm quyết định này được đưa ra thì Cục Hàng không Việt Nam
công bố đóng một đường băng của sân bay Tân Sơn Nhất để sửa chữa; nghĩa
là số chuyến bay và tần suất bay đi và đến phi trường lớn nhất nước sẽ
bị giảm một nửa. Lối điều hành như vậy khiến nhà kinh doanh luôn luôn bị
động và lãnh đủ mọi thiệt hại.
Samsung Electronics là nhà đầu tư nước ngoài đầu tiên dời cơ sở sản xuất
từ Trung Quốc sang Việt Nam vừa để đa dạng hóa nguồn cung cấp, vừa tận
dụng giá nhân công rẻ và các ưu đãi tài chính của chính quyền Việt Nam.
Theo chân Samsung đã có hàng chục nhà đầu tư Nam Hàn đổ vào Việt Nam,
hoặc sản xuất độc lập hoặc cung ứng linh kiện các loại cho các nhà máy
của Samsung. Bây giờ Samsung có thể là nhà đầu tư lớn đầu tiên ra đi, và
sự ra đi đó có thể báo hiệu một làn sóng dịch chuyển ra khỏi Việt Nam
dòng vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tháng sắp tới mà lý do là giá
lao động ở Việt Nam không còn rẻ và chính sách quản lý kinh tế sai lầm,
trống đánh xuôi kèn thổi ngược của nhà cầm quyền.
Có thể còn quá sớm để khẳng định nhà đầu tư nước ngoài sẽ đồng loạt rút
khỏi Việt Nam, đẩy nền kinh tế tới chỗ suy thoái, nhưng rõ ràng đã có
những tín hiệu, những thách thức không thể bỏ qua mà nhà cầm quyền Hà
Nội vẫn như đang ngủ mê trong cơn tự huyễn hoặc rằng kinh tế 2022 sẽ
phát triển thần tốc. |