FOREIGN POLICY 28 January Craig Singleton: Xi Jinping Is Watching His Back
Bản dịch của một thân hữu của viet-studies
Tập Cận Bình coi chừng phía sau lưng
Những lời hùng biện của ông ta đã trở nên hoang tưởng — và việc cố gắng
bám trụ ở Bắc Kinh cũng không giúp được gì.
Tác
giả: Craig Singleton
- thành viên cấp cao về Trung Quốc tại Tổ chức Bảo vệ các nền Dân chủ
(China fellow at the Foundation for Defense of Democracies) và là một
cựu quan chức ngoại giao Hoa Kỳ.
Những ngày này hình ảnh của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xuất hiện
khắp các mặt báo nhưng trong đời thực, ông Tập đã hoàn toàn biến mất
khỏi vũ đài thế giới. Kiên trì bám trụ ở Bắc Kinh hơn 700 ngày, ông Tập
đã không xuất hiện tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc năm ngoái, tại hội
nghị thượng đỉnh G20 ở Rome và hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên
hiệp quốc ở Glasgow, Scotland. Sự vắng mặt của ông Tập xảy ra giữa lúc
ông và đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phải đối diện với những khó khăn
trầm trọng ở trong nước, bao gồm tình trạng thiếu năng lượng tràn lan,
tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và thị trường bất động sản trên bờ vực sụp
đổ.
Thời thế rõ ràng đã thay đổi so với trước đại dịch COVID-19, khi ông Tập
khoe khoang một cách tự tin về việc đưa ra một trật tự toàn cầu mới lấy
Trung Quốc làm trung tâm. Việc ông Tập từ chối ra nước ngoài phản ánh rõ
mong muốn nhiệt thành của ông ấy là luôn sẵn sàng khống chế bất kỳ đợt
bùng phát mới nào của coronavirus, mà tác động dây chuyền của nó đã làm
tê liệt sản xuất công nghiệp của Trung Quốc. Nhưng chỉ riêng đại dịch
thì không thể giải thích được việc Tập từ chối bỏ trống chiếc ghế quyền
lực của mình hay tạm thời gác lại những tham vọng quốc tế lớn lao của
ông ta.
Thay vào đó, nếu những tuyên bố mới nhất của ông Tập là một dấu hiệu,
thì có một điều gì đó khác khiến ông ta thức trắng đêm: nỗi lo sợ ngày
càng tăng về phản ứng chống lại sự cai trị của ông ta từ các phe phái
bên trong ĐCSTQ.
Nói một cách rõ ràng, khi nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn và vị thế
toàn cầu của nó sụp đổ, ông Tập nhanh chóng nhận ra rằng sau gần một
thập niên cầm quyền, đòi hỏi của ông về
“lòng trung thành tuyệt đối”
trong ĐCSTQ, tốt nhất cũng chỉ là chuyện viển vông, còn tệ nhất là sự
điên cuồng. Và đó là nguyên nhân chính gây lo ngại khi chưa đầy 10 tháng
nữa Đại hội Đảng lần thứ 20 của ĐCSTQ sẽ diễn ra, trong đó ông Tập dự
kiến sẽ đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba trong chức vụ tổng bí thư của đảng -
một điều có thời là không thể tưởng tượng được.
“Nếu bạn mềm yếu, cuối cùng mọi người sẽ chết”,
ông Tập đã cảnh báo vào tháng Mười Một năm ngoái. Những lời cảnh báo mơ
hồ như vậy hầu như không thể hiện sự nắm chắc quyền lực một cách tự tin
của một nhà lãnh đạo, nhưng chúng vẫn nổi bật trong bài diễn văn quan
trọng của Tập tại Hội nghị Trung ương lần thứ sáu - một cuộc tập hợp
quan trọng của giới tinh hoa ĐCSTQ. Chính trong cuộc họp này, ông Tập đã
đẩy ra một nghị quyết lịch sử, làm đảo lộn cái tiền lệ đã có hàng thập
niên giới hạn các nhà lãnh đạo Trung Quốc trong hai nhiệm kỳ năm năm.
Khi làm như vậy, ông Tập đã đặt mình một cách hiệu quả bên cạnh Mao
Trạch Đông trong điện thờ các nhà cầm quyền vĩ đại của Trung Quốc.
Nhưng có lẽ cảm nhận được sự mất đoàn kết trong hàng ngũ, ông Tập đã
thẳng thừng cảnh báo: “Các bè
phái, băng đảng và nhóm lợi ích trong đảng sẽ kiên quyết bị điều tra và
trừng phạt”. Về mặt này, ông Tập đã hứa
“không khoan nhượng” các quan
chức ĐCSTQ nào đặt mình lên trước sự đoàn kết của đảng.
Cũng ít người ngạc nhiên khi thấy ông Tập tránh đề cập đến những cải
cách được thể chế hóa bởi Đặng Tiểu Bình, một nhà lãnh đạo cách mạng vĩ
đại khác của Trung Quốc. Những cải cách đó bao gồm sự phản đối của Đặng
đối với nạn sùng bái cá nhân và việc bãi bỏ các chức vụ chính trị suốt
đời. Giới tinh hoa chính trị của ĐCSTQ chắc chắn không thể không chú ý
tới những hành động phớt lờ như vậy của ông Tập - giới này từ lâu đã
nghi ngờ việc củng cố quyền lực một cách vội vàng và thường lộn xộn của
Tập trong suốt mười năm qua.
Lời cảnh báo tháng Mười Một của ông Tập vẫn được giữ kín cho đến Ngày
Đầu Năm Mới 2022, khi các đoạn trích chính từ bài diễn văn của ông được
đăng trên tạp chí lý luận hàng đầu của ĐCSTQ, tạp chí Cầu Thị (Qiushi).
Thời điểm bài diễn văn được phát hành — hơn sáu tuần sau hội nghị trung
ương đảng — cũng không đơn thuần là chuyện tình cờ. Thay vào đó, nó được
đưa ra với dự định gửi một lời đe dọa rõ ràng đến các thành viên ĐCSTQ
vào ngày đầu tiên của một năm có thể là năm tự đắc nhất của ông Tập. Và
thông điệp đó là: Hãy đứng vào
hàng ngũ trong năm nay, nếu không thì...
Ông Tập đã có một giọng điệu thẳng thắn tương tự tại một sự kiện đầu
tháng Mười Hai 2021 khi ông phê chuẩn chiến lược bảo vệ
“an ninh quốc gia” của chính
phủ ông. An ninh quốc gia là một thuật ngữ trong tiếng Quan thoại chủ
yếu được dùng để mô tả các mối đe dọa từ trong nước đối với tính hợp
pháp của ĐCSTQ hơn là các thách thức quân sự hoặc địa chính trị. Đứng
đầu danh sách các mối đe dọa của năm 2022 không chỉ đơn giản là sự rủi
ro về "mất ổn định", một
thuật ngữ tổng hợp được sử dụng trong các tài liệu trước đây. Thay vào
đó, ông Tập đã nhấn mạnh quan điểm bảo vệ
“an ninh quốc gia”, có nghĩa
là bất kỳ mối đe dọa nào đối với nhà nước nói chung đều là mối đe dọa
đối với đảng. Việc nhấn mạnh vào phòng ngừa và kiểm soát để duy trì sự
gắn kết xã hội chặt chẽ cho thấy một cách tiếp cận chủ động hơn so với
trước đây trong công cuộc quản trị đất nước. Nó cũng xảy ra vào thời
điểm mà ông Tập nỗ lực tăng gấp đôi vai trò của các đảng viên trong việc
bảo vệ cái gọi là “hai tầng bảo
vệ” - các đảng viên ĐCSTQ phải bảo vệ một cách thận trọng cả quyền
lực của chính quyền trung ương và vị trí lãnh đạo cốt lõi của ông Tập.
Sự tập trung của ông Tập về an ninh của chế độ cũng được đưa ra trong
một buổi họp hồi cuối tháng Mười Hai, có mặt gần như mọi thành viên của
Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan ra quyết định cấp cao nhất của
Trung Quốc. Ông Tập yêu cầu tất cả những người có mặt cam kết bảo vệ
thẩm quyền của cơ chế lãnh đạo tập trung, thống nhất của đảng. Nói cách
khác, ông đòi hỏi các nhà lãnh đạo đảng phải chứng minh lòng trung thành
cá nhân của họ đối với chính ông. Đã bao nhiêu lần các ủy viên Ban
Thường vụ phải lặp lại lời cam kết trung thành này trong những năm gần
đây? Chắc chắn là vô số lần. Điều khó hiểu hơn là tại sao ông Tập phải
liên tục nghe họ tuyên bố điều đó trước công chúng nếu, như ông từng
tuyên bố một cách ngang ngược, tương lai chính trị của ông hoàn toàn
được bảo đảm?
Lời giải thích đơn giản cho việc ông Tập từ chối rời Trung Quốc và sự
thúc đẩy lòng trung thành quá mức gần đây của ông là ông Tập nhận ra
mình ngày càng dễ bị tổn thương.
Công bằng mà nói, từ lâu ông Tập Cận Bình đã tìm cách thể hiện sự tự tin
như một phương tiện che giấu những nỗi bất an cá nhân và nỗi nghi ngờ
sâu sắc của những người thân cận nhất với ông. Vẻ hiên ngang của ông thể
hiện mạnh mẽ nhất vào đầu nhiệm kỳ, khi nền kinh tế Trung Quốc nhanh
chóng phục hồi sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Cá nhân các nhà
lãnh đạo đảng có thích và tôn trọng ông hay không dường như không quan
trọng hơn so với khả năng của ông mang lại hiệu quả. Và ông đã làm được,
gần như với mọi thước đo có thể định lượng.
Đó là cho đến năm 2021. Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã hạ nhiệt được
một thời gian nhưng tăng trưởng đã chậm lại đáng kể trong những tháng
cuối năm ngoái. Có thể theo dõi cái áp lực suy giảm này đối với việc
quản lý tài chính yếu kém của ông Tập, bao gồm hàng loạt quy định sâu
rộng của ông nhằm “kiềm chế sự mở
rộng vốn đầu tư một cách mất trật tự” không chỉ trong lĩnh vực công
nghệ mà còn trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc. Các yếu tố khác bao
gồm việc đóng cửa các nhà máy như là một phần của chính sách
zero-COVID-19, cũng như giá nguyên liệu và nhân công tăng cao.
Bất kể nguyên nhân là gì, sự chậm lại đột ngột rõ ràng của nền kinh tế
đã khiến ĐCSTQ lo sợ. Đáng lo ngại hơn nữa, cơ quan thực thi pháp luật
hàng đầu của Trung Quốc gần đây đã nhận xét rằng cùng với
“suy thoái kinh tế, một số vấn đề
sâu xa có thể xuất hiện”.
Vào một thời điểm không thích hợp nhất với Tập — vài tháng trước khi ông
đăng quang nhiệm kỳ thứ ba — ở trong đảng đã vang lên những tiếng nói
ngày càng khó chịu không chỉ về năng lực chèo lái nền kinh tế của ông
Tập mà toàn bộ triết lý điều hành của ông.
Một bài phát biểu gần đây của cựu đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông
Thôi Thiên Khải (Cui Tiankai), đã thu hút sự quan tâm to lớn trong giới
chính trị và ngoại giao Trung Quốc. Sử dụng những từ như
“bất cẩn” và
“kém năng lực”, Thôi đã gióng
lên hồi chuông cảnh báo về vị thế toàn cầu đang bị xói mòn của Bắc Kinh
và khả năng ngày càng tăng của Washington trong việc hạn chế tham vọng
của Trung Quốc. Trong một lời chỉ trích gay gắt về cái gọi là ngoại giao
chiến binh sói mà ông Tập đã tung ra, Thôi lưu ý Trung Quốc
“không nên chiến đấu một cuộc
chiến mà chúng ta không chuẩn bị, một cuộc chiến mà chúng ta không chắc
thắng, một cuộc chiến giận dữ và tiêu hao sinh lực”. Cụ thể hơn,
Thôi cảnh báo, "Mỗi đồng lợi
nhuận mà dân tộc chúng ta kiếm được đều hết sức khó khăn mới có, và
chúng ta không được để chúng bị cướp đoạt bởi bất kỳ ai hoặc bị tổn thất
do sự bất cẩn, lười biếng và kém cỏi của chúng ta."
Bản chất ngày càng lộ rõ của chiến dịch thúc đẩy chống tham nhũng bề
ngoài của ông Tập cũng cho thấy một đảng dường như đang đối đầu với
chính mình. Các cuộc thanh trừng của Mao thường bừa bãi, nhắm vào cả
những người bạn cũng như kẻ thù không đồng tình với ông ta. Ông Tập thúc
đẩy sự trong sạch của đảng chủ yếu nhằm vào những người kế nhiệm tiềm
năng và các đối thủ chính trị. Một trường hợp điển hình: trong tuần qua
một "bản án tử hình" đã được dành cho Đổng Hồng (Dong Hong), trợ lý thân
cận của Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), một đối thủ
của ông Tập.
Gần đây, một số quan chức cấp cao khác, một số người đã được ông Tập lựa
chọn cẩn thận, cũng bị cách chức vì những vi phạm nghiêm trọng liên quan
đến tham nhũng. Trong số này có cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lập Quân
(Sun Liqun); cựu Bộ trưởng Tư pháp Phó Chính Hoa (Fu Zhenghua); và Phó
chủ tịch chính quyền khu tự trị Tây Tạng Trương Vĩnh Trạch (Zhang
Yongze). Các quan chức hàng đầu khác của ĐCSTQ, bao gồm cả cựu Phó Bí
thư tỉnh Quý Châu Vương Phú Ngọc (Wang Fuyu) và Bí thư thành phố Hàng
Châu Chu Giang Dũng (Zhou Jiangyong), cũng đã bị Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật
Trung ương, cơ quan giám sát kỷ luật hàng đầu của đảng, bắt giữ vì tội
tham nhũng.
Vẫn chưa rõ liệu ông Tập có loại bỏ ủy viên Bộ Chính trị nổi tiếng Lật
Chiến Thư (Li Zhanshu) sau vụ bê bối bất động sản gây tranh cãi liên
quan đến con gái của Lật hay không, chưa kể đến cựu ủy viên Bộ Chính trị
Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), người bị ngôi sao quần vợt Bành Súy (Peng
Shuai) cáo buộc tấn công tình dục gần đây.
Trong khi cuộc thanh trừng Đổng Hồng phù hợp với vở kịch của Tập, một số
cuộc thanh trừng khác đã gài bẫy các quan chức không chỉ do Tập đưa lên
mà còn là những người có phẩm hạnh được ông Tập đích thân khẳng định.
Không ai trong số họ được coi là đối thủ đáng tin cậy, điều đó cho thấy
Tập không cố ý đưa họ lên để dìm xuống. Những bước phát triển này đặt ra
nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời. Ở mức tối thiểu, chúng cho thấy sau
gần 10 năm tại vị, sự lèo lái ĐCSTQ của ông Tập vẫn là một công việc lộn
xộn.
Khi danh tiếng toàn cầu của Trung Quốc chao đảo, ngày càng rõ rằng Tập
không thể dẫn dắt thế giới vào “kỷ nguyên mới” như ông ta từng dự báo
trong khi ông hầu như không rời khỏi cung điện của mình. Và, trong khi
ông Tập vẫn tập trung vào việc định vị Trung Quốc như một thế lực thay
thế cho Hoa Kỳ, việc ông không ra khỏi nước và những lời hùng biện hoang
tưởng gần đây của ông cho thấy các mục tiêu toàn cầu cao siêu của ông
Tập có thể sẽ bị đẩy lùi ra sau những thách thức cấp bách hơn ở quê nhà
trong phần lớn năm 2022.
Khoảng cách cơ hội hẹp đó cuối cùng có thể tạo cơ hội cho chính quyền
Biden hệ thống hóa chính sách Trung Quốc đã bị trì hoãn từ lâu, mà sau
một năm cầm quyền của Biden, vẫn còn là một trong những lỗ hổng chính
sách đối ngoại rõ ràng nhất.
Tất nhiên, nhiều nhà quan sát có thể đã diễn dịch sai các dấu hiệu phản
kháng lại cuộc đàn áp của ông Tập trong quá khứ, vì vậy sẽ là quá sớm để
tiên đoán về sự sụp đổ chính trị của ông Tập. Hơn nữa, đã có sự chuẩn bị
chống lại bất kỳ kẻ âm mưu tiềm tàng nào chống lại Tập; những người đang
cầu nguyện để ông ta vấp những sai lầm lớn tiếp theo nhưng họ thiếu gần
như tất cả các phương tiện để tập hợp những người khác theo mục đích của
họ một cách an toàn và tự tin. Ít nhất có một điều chắc chắn: Tập ngày
càng lo ngại về những người bên trong Trung Quốc có thể đang làm điều
đó.
Nguyên văn:
https://foreignpolicy.com/2022/01/28/xi-jinping-ccp-factions-dissent/
|