NGƯỜI VIỆT
12-4-22

Về đâu số phận của Putin, của nước Nga?

Hiếu Chân

Chiến tranh Ukraine là một thảm họa không chỉ với nước Ukraine bị xâm lược mà cả với nước Nga, kẻ gây hấn. Hàng ngàn binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh. Vô số vũ khí, khí tài quân sự đắt tiền bị biến thành đống sắt vụn.

Nền kinh tế – tài chính bị bao vây, phong tỏa bởi vô số biện pháp trừng phạt khắc nghiệt. Hàng hóa khan hiếm, giá cả leo thang. Những người Nga có chuyên môn, có điều kiện ra đi đang lũ lượt chạy khỏi đất nước, ngược chiều với hàng trăm nhà ngoại giao bị đuổi khỏi các tòa đại sứ khắp các nước. Và tại Liên Hiệp Quốc, nước Nga liên tục bị lên án, bị “bỏ phiếu chống”, trở thành một nước bị một nửa thế giới xa lánh.

Trong một hệ thống chính trị bình thường, nhà lãnh đạo gây ra một thảm họa quốc gia như vậy hẳn phải chịu một trách nhiệm nào đó. Ông ta có thể bị các tướng lĩnh quân đội muốn ngăn chặn cuộc phiêu lưu quân sự mà họ phải trả giá quá đắt, lật đổ. Ông ta có thể bị các sĩ quan tình báo bất mãn đầu độc. Ông ta có thể bị đám đông dân chúng giận dữ truất phế vì giá cả tăng cao và tình trạng thiếu nhu yếu phẩm…

Nhưng nước Nga thì khác. Và đến nay hầu như không ai biết chắc số phận tương lai của ông Vladimir Putin, tổng thống, và của nước Nga sẽ ra sao.

Khó mà lật đổ Putin

Số phận nước Nga phải do chính người dân Nga quyết định. Đã có một lúc, phương Tây hy vọng sự trừng phạt kinh tế sẽ khiến người Nga đứng lên lật đổ ông Putin; hay những “tài phiệt đầu sỏ” (oligarch) thân cận với ông Putin sẽ lánh xa ông, thậm chí thủ tiêu ông ta sau khi chứng kiến những khối tài sản khổng lồ mà họ tích cóp được bị thế giới phương Tây phong tỏa, tịch thu; bản thân họ và gia đình không thể đặt chân tới các du thuyền, lâu đài mà họ sở hữu ở London và các thủ đô phương Tây.

Nhưng niềm hy vọng đó ngày càng tỏ ra xa vời. Phát biểu trước đám đông tại sân bay vũ trụ Vostochny đang xây dở ở vùng Viễn Đông Nga sáng Thứ Ba, 12 Tháng Tư, ông Putin khẳng định “Họ [phương Tây] luôn tính toán sai lầm, họ không hiểu rằng trong điều kiện khó khăn, người dân Nga luôn đoàn kết.” Kết quả khảo sát dư luận của Levada Center – một trung tâm thăm dò ý kiến độc lập ở Moscow – dường như củng cố niềm tin đó của ông Putin, khi cho thấy tỉ lệ người ủng hộ ông Putin đã tăng lên sau cuộc xâm lược Ukraine, từ 71% hồi Tháng Hai lên 83% trong Tháng Ba năm nay. Khả năng ông Putin bị người Nga lật đổ vẫn còn đó, nhưng chắc chắn không thể xảy ra sớm.

Có thể giải thích điều này như thế nào?

Các chuyên gia chính trị học nói rằng nước Nga đã chuyển đổi nhanh chóng từ chủ nghĩa chuyên chế kiểu Brezhnev – đặc trưng của thời kỳ cai trị của Putin – sang một thứ gần giống với chủ nghĩa toàn trị kiểu Stalin. Ông Putin đã dành phần lớn thời gian của năm 2021 để trấn áp xã hội dân sự. Vào Tháng Giêng năm đó, nhân vật đối lập Alexey Navalny bị bắt; tổ chức Chống Tham Nhũng của ông ta đã bị giải tán sau khi bị gán cho là một “tổ chức cực đoan,” bị đặt ngang hàng với tổ chức khủng bố Al-Qaeda trong mắt các công tố viên Nga.

Đến Tháng Chín, khi cuộc bầu cử Quốc Hội gian lận đã bảo toàn sự đa số của đảng Nước Nga Thống Nhất – một đảng chính trị bị coi là “đảng của tổng thống” và ngày càng không được cử tri ưa chuộng. Từ đó, ông Putin không chỉ nắm toàn quyền hệ thống hành pháp và tư pháp mà đã thủ tiêu tận gốc rễ phong trào đối lập ở trong nước. Bất kỳ nhà hoạt động Nga nào có khả năng tổ chức một phong trào phản đối rộng rãi chống ông Putin đều đã bị bắt giam hoặc lưu vong ra nước ngoài. Vụ xâm lược Ukraine càng đẩy nhanh cuộc ra đi của những người bất mãn với chế độ, với ông Putin.

Một thủ đoạn khác của ông Putin là triệt tiêu hoàn toàn quyền tự do ngôn luận; tất cả các phương tiện truyền thông không nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền đều bị đóng cửa; bất kỳ ai nói khác với luận điệu tuyên truyền của ông Putin đều bị trừng phạt.

Theo một sắc lệnh mới của ông Putin, trên báo chí và mạng xã hội, việc gọi cuộc chiến tranh là bất cứ cái gì khác ngoài “hoạt động quân sự đặc biệt” bị coi là một tội ác và bị xử đến 15 năm tù. Thế là người dân Nga chỉ còn được tiếp cận thông tin do chính quyền phổ biến, thông qua mạng lưới truyền hình và báo chí của nhà nước.

Chiến dịch tẩy não dân Nga của ông Putin thành công đến mức nhiều người Nga không tin lời những thân nhân của họ ở Ukraine miêu tả binh lính Nga tấn công làng mạc của họ, hãm hiếp và giết người! Mặc dù có nhiều cuộc biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược Ukraine nổ ra ở nhiều thành phố Nga, nhưng việc kiểm duyệt ngày càng nghiêm khắc đã làm cho phần lớn người Nga không có được thông tin chính xác về cuộc chiến.

Ông John Sipher, cựu trưởng trạm CIA ở Moscow trong 22 năm cầm quyền của ông Putin, nhận định với Newsweek: “Là một cựu binh KGB, Putin luôn bị ý tưởng về những kẻ phản bội và phản quốc ám ảnh. Ông ta đã xây dựng một hệ thống, trong đó dù mọi thứ có thể tồi tệ đến mức nào thì người Nga cũng không còn phản đối. Không có một nhân vật nổi bật nào có thể tập hợp công chúng, còn người dân thì tin rằng Putin cầm quyền sẽ tốt hơn những người khác.”

Được khối dân chúng “mụ mị” hậu thuẫn như vậy, ông Putin và những tay chân thân tín của ông ta như ông Sergei Lavrov, ngoại trưởng, cứ trâng tráo tuyên bố không ngượng miệng những lập luận “lộng giả thành chân” như vụ thảm sát ở thị trấn Bucha là “giả tạo,” cuộc chiến Ukraine là do Hoa Kỳ và phương Tây gây ra, quân đội Nga đến Ukraine để tóm “những kẻ phát xít mới” và sẽ được người dân Ukraine mang hoa ra đón. Mới nhất, vào sáng 12 Tháng Tư, bất chấp thất bại nặng nề phải rút khỏi cuộc bao vây thủ đô Kiev, ông Putin vẫn trâng tráo tuyên bố “chiến dịch quân sự đặc biệt vẫn theo đúng kế hoạch” và “sẽ tiếp tục cho đến khi hoàn thành toàn bộ các mục tiêu của chiến dịch.”

Bằng khủng bố và tẩy não, ông Putin đã định hình nước Nga theo ý của ông ta; và do đó khả năng người Nga lật đổ Putin là rất khó xảy ra.

Nga cũng không thể bị đánh bại hoàn toàn trên chiến trường. Cuộc kháng chiến dũng mãnh của quân dân Ukraine được cả thế giới ngưỡng mộ và thán phục; chỉ mới hai tháng trước không ai tin Ukraine có thể đứng vững trước cuộc tấn công vũ bão của một đội quân đông hơn nhiều lần, được trang bị những vũ khí tân tiến nhất. Nhưng dẫu vậy, Ukraine khó có thể tự lực đánh bại quân Nga và giành lại toàn bộ những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng, kể cả bán đảo Crimea. Nhất là khi khối Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vẫn cương quyết tránh đối đầu trực tiếp với Nga để không kích động một cuộc chiến tranh thế giới mới giữa các cường quốc có vũ khí hạt nhân; còn Hoa Kỳ thì vẫn để dành tiềm lực cho cuộc đụng độ sống chết rất có thể xảy ra với Trung Cộng ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Hạn chế của trừng phạt kinh tế

Tổng Thống Joe Biden có lý khi nhận định nếu ông Putin không nắm quyền nữa thì thế giới này sẽ tốt đẹp hơn. Nhưng làm thế nào để loại bỏ ông Putin khỏi đỉnh cao quyền lực thì ông Biden đề nghị “Phải nói rõ cho dân Nga hiểu rằng khi nào còn ông Putin thì nước Nga sẽ còn bị thế giới coi là hạ tiện (pariah) để những người trí thức, chỉ huy quân sự và dân Nga bình thường phải ngưng ủng hộ Putin.”

Công cụ mạnh nhất để ông Biden làm được điều đó là gia tăng cấm vận kinh tế Nga. Ông Daniel Fried, điều phối viên về chính sách trừng phạt trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng Thống Barack Obama, đã rất ấn tượng với chiến dịch gây áp lực mà chính quyền hiện tại ở Washington đã tiến hành. “Nhóm Biden đã rất xuất sắc trong việc phối hợp với người Châu Âu chống lại cuộc xâm lược. Họ đã ngay lập tức áp đặt các biện pháp trừng phạt lên các tổ chức tài chính Nga và các cá nhân có ảnh hưởng. Bây giờ câu hỏi là sẽ gì tiếp theo?”

Đòn trừng phạt nặng nhất là phong tỏa hoạt động xuất cảng dầu khí của Nga vì dầu khí mang lại hơn 40% ngân sách nhà nước Nga, nghĩa là nguồn cung tiền đáng kể cho guồng máy chiến tranh của Moscow. Nhưng việc cấm mua dầu khí Nga mà Washington yêu cầu đã vấp phải sự kháng cự đáng kể từ Trung Quốc và Ấn Độ – hai nước đang lợi dụng tình hình để tăng mua dầu của Nga với giá rẻ – và cả một số đồng minh Châu Âu đang phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung dầu khí của Nga. Ông Biden đã điện đàm với ông Narendra Modi, thủ tướng Ấn Độ, thuyết phục ông Modi rằng tiếp tục mua dầu của Nga sẽ không có lợi cho Ấn Độ, song Ấn Độ dường như chưa quyết định từ bỏ nguồn dầu này khi Châu Âu vẫn tiếp tục mua dầu khí của Nga với khối lượng lớn hơn Ấn Độ.

Chỉ có ba nước nhỏ vùng Baltic Lithuania, Latvia và Estonia quyết tâm cắt đứt hoàn toàn việc nhập cảng dầu khí của Nga; Đức và Ba Lan cam kết làm như vậy trong những năm tới, còn phần lớn các thành viên EU vẫn tiếp tục mua dầu khí của Nga khi chưa tìm được nguồn cung cấp thay thế.

Xem ra ý tưởng phong tỏa ngành dầu khí Nga của chính quyền Biden còn lâu mới đạt được hiệu quả mong muốn. Trong khi đó, ngay tại Mỹ, giá xăng dầu tăng – một phần do biện pháp phong tỏa Nga – đẩy lạm phát lên mức cao nhất 41 năm, đã gây nhiều khó khăn cho chính quyền Biden, các tài xế xe vận tải khắp nước Mỹ hình như không chấp nhận phải trả chút chi phí cho một châu Âu toàn vẹn, tự do và hòa bình, không có bóng dáng của ông Putin.

Thực tế cho thấy, cấm vận kinh tế là một cây gậy, không phải là chiếc đũa thần có thể làm thay đổi cục diện thế giới và nỗi thống khổ về kinh tế không nhất thiết dẫn tới sự thay đổi chế độ chính trị. Ở một số nước bị Mỹ cấm vận lâu dài như Bắc Hàn, Cuba, nền kinh tế hầu như kiệt quệ, dân chúng đói rét lầm than nhưng quyền lực của các gia tộc thống trị như họ Kim ở Bắc Hàn, gia đình Castro ở Cuba vẫn không bị suy suyển, mà ngược lại, người dân càng đói rét thì càng không có sức phản kháng. Tình hình ở Việt Nam với những trận đói dai dẳng từ cuối những năm 1970 đến khi được Tổng Thống Bill Clinton bãi bỏ cấm vận thương mại năm 1995 cũng là một minh chứng. Đàn áp dã man và tuyên truyền nhồi sọ hoàn toàn có thể làm mất hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế – mà những thứ ấy thì ông Putin đã rất thành thạo.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia vẫn cho rằng, nếu các biện pháp trừng phạt của phương Tây được củng cố và duy trì, nếu sự hỗ trợ quân sự cho lực lượng kháng chiến của Ukraine tiếp tục giúp Kiev gây ra những tổn thất không thể thay thế cho quân đội Nga, cuộc chiến tranh này hoàn toàn có thể dẫn đến một kết cục bi thảm cho ông Vladimir Putin.

Kịch bản nào cho số phận nước Nga?

Tiến Sĩ Greg Yudin, giáo sư triết học chính trị tại Trường Khoa Học Kinh Tế và Xã Hội Moscow – một trong số ít trí thức Nga chưa chạy ra nước ngoài – chỉ nhìn thấy hai khả năng cho tương lai của Nga và của thế giới: “Hoặc Putin bị loại bỏ quyền lực, hoặc chiến tranh tiếp tục.”

Theo ông Yudin, cấm vận kinh tế có thể không làm thay đổi thể chế chính trị, giúp nước Nga trở nên dân chủ và tôn trọng pháp quyền, nhưng có thể khuyến khích dân chúng loại bỏ ông Putin. “Nếu thế giới bên ngoài có thể duy trì áp lực đủ lâu thì có lẽ người dân Nga sẽ thực sự quyết định bước ra đường phố. Tuy nhiên, tiềm năng đó vẫn còn cách một vài bước nữa,” ông Yudin nói với Newsweek. Nói cách khác, một cuộc phong tỏa kinh tế toàn diện kéo dài khiến kinh tế Nga suy sụp sẽ thúc đẩy người dân Nga giải quyết số phận của ông Putin.

Ông Thomas Friedman, nhà bình luận của báo The New York Times, thì đề ra một chiến lược đối phó ông Putin gồm ba điểm mà ông gọi là ba trụ cột (pillars): một là ủng hộ người Ukraine trong cuộc thương lượng với ông Putin một giải pháp ngoại giao và cung cấp cho Ukraine những vũ khí tốt nhất để giúp họ đuổi quân Nga ra khỏi lãnh thổ; hai là tuyên truyền bằng mọi phương tiện quan niệm rằng thế giới đang chiến tranh “với Putin” chứ không phải với “dân Nga” như lời của ông Putin; và ba là cố gắng chấm dứt bệnh nghiện dầu khí của chúng ta – nguồn thu nhập chính của ông Putin. “Hy vọng ba cột trụ chụm lại sẽ kích thích các thế lực bên trong nước Nga nổi lên lật đổ Putin khỏi chiếc ghế quyền lực,” ông Friedman viết.

Ông Friedman nói bây giờ ông Putin như con thú bị dồn tới đường cùng. Nhà báo Roman Dobrokhotov – người sáng lập và tổng biên tập của tờ báo điều tra độc lập The Insider của Nga, đã trốn khỏi Moscow Tháng Tám, 2021, nói ông Putin đang đi vào ngõ cụt. “Nếu ông ta rút lui, thì mọi người đều thấy những tổn thất to lớn về quân đội, tiền bạc và danh tiếng. Nếu ông ta tiếp tục chiến đấu, thì trong vài tháng nữa sẽ có thất nghiệp hàng loạt, bảo đảm cho các cuộc biểu tình lớn trên khắp đất nước,” ông Dobrokhotov viết và dự đoán trong vài tháng nữa, nước Nga có thể đến một điểm đột phá không còn ông Putin nữa, hoặc ông Putin thành công trong việc biến Nga thành một nước bị cô lập, thành chư hầu của Trung Quốc như Bắc Hàn, hoặc như Venezuela, Cuba và Iran.

Bây giờ thì không ai biết chắc trong hai kịch bản trên điều gì sẽ xảy ra. Tất cả còn tùy vào nhận thức của người dân Nga và áp lực bên ngoài của Mỹ và thế giới. Bàn về số phận nước Nga của nhà độc tài Putin cũng là cách để hiểu việc thay đổi thể chế của một quốc gia toàn trị như Việt Nam là chuyện nói dễ làm khó.