Tức nước vỡ bờ chờ Đại hội 13

Sao Băng

 

 

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đang tiến sát đến ranh giới chịu đựng cuối cùng của cả chính trường Việt khi ông ngày càng lớn tiếng hơn trong mạt sát. Dưới mắt ông, tất cả đều bẩn thỉu, suy thoái, chỉ mình ông là thánh nhân.

10 năm đứng đầu Đảng, ông chửi rủa các đồng chí của ông  “miếng ăn là miếng tồi tàn, mất ăn một miếng lộn gan lên đầu”; là “cua cậy càng, cá cậy vây”; là “ghẻ lở”; là “họp có người ghi, đi có người chở, ở có người chăm, nằm có người bóp”…

Ông hô hào nhốt quyền lực vào chiếc lồng thể chế nhưng mình ông chiếm hai ghế và luôn ra mặt thể hiện uy quyền tuyệt đối của ông. Mỗi khi ông nhả ngọc phun châu là tất cả đều phải nhắc lại, phải noi gương Trọng Chủ tịch nhiều hơn Hồ Chủ tịch. 

Đất nước cả nhiệm kỳ qua lên đồng tập thể vì nhất nhất “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” hô vang, “cơ đồ đã bao giờ có được như ngày nay”, tôn suy lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng sang trang vẻ vang cho sử Việt.

Trọng, vì muốn tiếng thơm cho mình, đã phủ nhận mọi công lao của tiền nhân.

Tự đắc là “người đốt lò vĩ đại”, khi mà xuất thân từ dân đại học văn khoa, cả ngày thơ phú nên có hỗn danh “lú”, suốt cuộc đời làm chính trị chỉ đút chân gầm bàn, chưa từng tính nổi một phép nhân, chục tỷ không biết có mấy số 0… Cả một tập thể lấy thân cho ông đứng giương cờ, nhưng ông chỉ muốn duy ngã độc tôn.

Gần đây, ông bắt đầu quan tâm mạng xã hội vì ông nghi ngờ đó không phải là thế lực thù địch gì mà đó chính là các đồng chí của ông. Ông hầm hè ra mặt khi chúng nó chế thơ ông, “tôi học 10B Nguyễn Gia Thiều; chẳng tích sự chi chỉ giáo điều”.

Ông hùng hổ, “giờ chống suy thoái còn quan trọng hơn cả chống tham nhũng”. Ông cho ông là Đảng, Đảng là ông.

Ông kich động dân ghét quan, chỉ yêu mình ông. Tổng Bí thư định hướng, tất cả tình yêu vô bờ bến đều phải dành cho lãnh tụ kính mến.

Quả nhiên, hiếm có thời kỳ nào mà dân ghét quan như thời kỳ Nguyễn Phú Trọng. Đến lòng trắc ẩn ít ỏi vốn có của người dân với quan cũng không còn.

Đảng cộng sản Việt Nam, vốn dĩ đã không còn mấy chỗ đứng trong lòng dân, với một người đứng đầu cuồng danh, chỗ đứng này càng trở nên lung lay hơn bao giờ hết.

10 năm đứng đầu Đảng, Trọng còn khiến đất nước lâm vào tình trạng chia rẽ hơn bao giờ hết giữa hai miền Nam, Bắc. Đến độ, Nguyễn Thiện Nhân tiếp xúc với cư dân miền Nam luôn phải bắt đầu bằng câu cửa miệng, “tôi nói giọng Bắc nhưng tôi người miền Nam”.

O bế cho người miền Bắc, kiên định lập trường miền Bắc nhất định giữ ngôi vương, ông Trọng thách thức cả miền Nam, “xem chúng bay làm gì được ông?”.

Không giống như những nhiệm kỳ trước, chính trường chia năm xẻ bảy bởi các phe nhóm. Thời của Nguyễn Phú Trọng, chỉ có phân tranh hai miền Bắc, Nam.

Liên tục triệu tập các Hội nghị với đủ mặt các Ủy viên Trung ương về chầu ở Hà Nội, cướp diễn đàn, Nguyễn Phú Trọng lớn tiếng dạy dỗ về đạo đức, về thép đã không còn biết sợ, về dưới làn áo mỏng manh là trái tim, là hồn muôn trượng hơn tượng đài phơi những lối mòn…trong khi bản thân chỉ mải mê xây tượng đài cho chính mình.

Cái đích mà Trọng muốn nhắm tới, là hóa thân thành thánh cho cả chính trường và toàn dân quỳ rạp xuống vái.

Bây giờ, những kẻ theo hầu ông Trọng vẫn hão huyền với viễn cảnh loạn 12 sứ quân như thời tiền đại hội 12, chọi choảng nhau không đứa nào chịu đứa nào, cuối cùng phải tiếp tục suy tôn Nguyễn Phú Trọng tiếp tục trị vì, còn lại hết thảy  về vườn làm người tử tế.

Nhưng tức nước vỡ bờ đang chờ ở đại hội 13.

Thánh nhân Nguyễn Phú Trong, với cơn say thoát tục, đã thúc đẩy liên quân hai miền Trung, Nam bắt tay dẹp tan tác  liên quân miền Bắc.

Làm gì có loạn sứ quân? Giờ chỉ còn một bên rất mạnh và một bên rất yếu. Cứ người miền Bắc là “trảm”.

Dẫu vậy, cho đến lúc tàn canh, Nguyễn Phú Trọng chắc hẳn cũng không đời nào chịu thừa nhận bản thân đã đẩy miền Bắc vào “một bàn cờ thế phút sa tay”.

Vào thời điểm chỉ còn hơn một tháng nữa đến Đại hội 13, bất kể lãnh tụ Trọng và cánh hẩu của ông luôn cố rao giảng nhồi sọ dư luận về việc, “trăng chưa đến rằm trăng chưa tròn, chưa 30 chưa phải là tết, đến phút 89 vẫn có những cái chết”, thì người trong cuộc đều rõ ngôi vương sắp thuộc về ai.

Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư, đã hiện thân là một kẻ sẵn sàng vì ghế mà bất chấp sự tồn vong của Đảng ta. Với con tốt thí là Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Vượng tính đốt cả rừng già để diệt vây cánh của đối thủ, hòng rộng đường đến ngôi vương.

Vụ án Hồ Duy Hải đột nhiên được khuấy lên vào tháng 11 năm ngoái, đúng lúc bắt đầu chốt phiếu các Ủy viên Bộ Chính trị khóa tới, khi mà cả Nguyễn Hòa Bình, Trương Hòa Bình đều nổi lên như những ngôi sao sáng.

Dù vậy, hai Bình vẫn thẳng tiến. Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội không cần che giấu thái độ tiền hô hậu ủng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, bà Ngân đều ra sức khuyên dân chúng “lắng nghe phát biểu của Chánh án ở Quốc hội”.

Còn cái mà Vượng thu được, đó là, chưa bao giờ cả hệ thống tư pháp cũng như uy tín của chế độ, của Đảng ta nhờ đó mà bị tấn công dữ dội đến như vậy bởi “các thế lực thù địch”.

Chỉ còn Trọng, một lãnh tụ cuồng miền Bắc bỏ phiếu cho Vượng. Cuồng đến độ, Vượng lỗi lầm gì cũng đều được thứ tha. Nói là vậy, chứ kỳ thực, đã thoát tục, ngoài việc xây tượng đài cho mình, thì lãnh tụ Trọng lúc nào cũng “bay bổng cánh diều”, biết được bến bờ nào là tội lỗi để mà thứ tha hay không.

Vụ án Hồ Duy Hải khiến cho tất cả yếu nhân miền Nam phải hợp lực chơi canh bạc tất tay, không thể khoan nhượng.

Hai tháng sau, người đồng hương số 1 của Vượng, Hoàng Trung Hải được xướng tên. Tháng 2/2020, Hoàng Trung Hải mất ghế Bí thư Hà Nội, rút lui về pháo đài của Vượng, chịu cảnh sống không được, chết cũng không được.

Ở nơi mà Vượng đang gửi gắm rể hiền, “người miền Trung nói giọng Bắc” Vương Đình Huệ ngậm ngùi lên đường về thế chỗ Hải. Họ Vương theo Vượng nên đành  giã từ giấc mộng đế vương.

“Người miền Trung nói giọng Bắc” Phạm Minh Chính mặt mũi giờ lúc nào cũng sưng lên như cái lệnh, miệng thì ngày càng vẹo lệch kể từ khi đồ đệ Nguyễn Đức Chung “ăn năn” muốn xin cải tà quy chính để hưởng khoan hồng.

“Người miền Nam nói giọng Bắc” Nguyễn Thiện Nhân cũng bị truất ngôi bá chủ miền Nam để nhường chỗ cho “người miền Nam nói giọng miền Nam” Nguyễn Văn Nên thế thân, đảm bảo chắc chắn cho “người miền Nam nói giọng miền Nam” một ghế Ủy viên Bộ Chính trị khóa tới.

Cả một nhiệm kỳ hối lỗi tu thân, sửa mình, cung cúc phục vụ cả người miền Nam lẫn người miền Bắc, đến phút gần cuối, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình vẫn bị loại với án kỷ luật cảnh cáo vì “nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long”

Sự “giã từ vũ khí” của Nguyễn Văn Bình là lời tuyên bố đanh thép về kết cục của những kẻ còn theo Vượng, cũng là phát pháo hiệu miền Nam đã hội tụ đủ sức mạnh thống lĩnh thiên hạ, chấm dứt thời kỳ trị vì tưởng như bất tận của người miền Bắc.

Tàn quân miền Bắc, Phạm Bình Minh, Tô Lâm đang được “xem xét thái độ” có hoàn toàn quay đầu về phương Nam. Nếu một lòng quy thuận, Phạm Bình Minh sẽ tiếp tục tại vị, nếu không, may mắn lắm thì được về làm thủ lĩnh thứ hai của “nghị gật”.

Nếu một lòng quy thuận, Tô Lâm sẽ tiếp tục tại vị, nếu không, tên anh sẽ cùng tên AVG, án còn đó, người còn đó, người dân đang chờ trông.

Cứ nhìn sự thảm hại của Tô Lâm ở Nghị trường Kỳ họp tháng 10, trình cái gì ra là bị vả luôn cái đó vào mặt, đủ thấy thủ lĩnh công an mạnh thế nào.

Trở về với câu chuyện của thánh nhân. Nguyễn Phú Trọng rao giảng xây dựng Đảng trong sạch, đoàn kết, vững mạnh, thì chỉ là những lời nói dối.

Bởi không một Đảng nào có thể mạnh khi người đứng đầu Đảng cuồng danh.

Vơ vét danh xưng cũng đáng tội không thua gì vơ vét tiền bạc, tham nhũng.

Nguyễn Phú Trọng chống tham nhũng tiền bạc nhưng bản thân ông lại tham nhũng danh vị.

Và ông  gây chia rẽ đất nước nhiều hơn bất kỳ lãnh đão Đảng nào trong lịch sử cận đại.

Đã thôn tính xong miền Bắc, một thời kỳ mới cho người miền Nam sắp bắt đầu, ngay sau Đại hội 13 vào cuối tháng 1 tới.

Trong một diễn biến có liên quan, người đứng đầu cơ quan hành pháp sau Đại hội 13, ông Trương Hòa Bình, một người miền Nam, đã về Nam Định, một thành phố thuộc Bắc Bộ, dự Đại hội Đảng bộ của tỉnh này.

Nam Định là địa bàn rất nhỏ bé, côi cút, nhưng đã được đón tới 2 ủy viên Bộ Chính trị, trong khi, theo sự phân công của Bộ Chính trị, trừ nơi trọng yếu như Hà Nội,TPHCM, mỗi địa phương chỉ có 1 ủy viên Bộ Chính trị hoặc 1 bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo đại hội. Ông Phạm Bình Minh về cùng ông Trương Hòa Bình. Ông Minh là người con của Nam Định.

Theo dự kiến, Bí thư Nam Định Đoàn Hồng Phong sẽ ngồi ghế Bộ trưởng Tài chính, một Bộ quan trọng bậc nhất trong nội các.

Có thể đất nước sẽ hàn gắn, một khi lãnh đạo miền Nam trong lòng thấy, “tận chân trời mây núi có chia đâu”.

Nhưng lấy lại uy tín của Đảng sau thời kỳ chói lóa huyễn hoặc bởi “cơ đồ có bao giờ được như ngày nay”, vẫn là thách thức cực kỳ to lớn.

Sao Băng

30/11/2020

 

 Tác giả gửi cho viet-studies  ngày 30-11-2020