Cái bắt tay diệt vong

Sao Băng

Phần 1

“Không ai xứng đáng làm Tổng Bí Thư hơn anh, tôi nguyện đem hết sức mình và vận dụng mọi cơ chế có thể để anh tiếp tục sự nghiệp lãnh tụ”- Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương nói với Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng Cộng sản Việt Nam, tháng 6, năm 2020.

Lúc bấy giờ, dịch giã hoành hành cả thế giới. Tại Việt Nam, may mắn hơn, Covid- 19 chưa càn quét tới. Phạm Minh Chính tạm gác thú vui mê đắm của mình là nhòm ngó “nhà trắng”, để tập trung toàn bộ quyền lực của Trưởng ban Tổ chức Trung ương, biến cơn thèm thuồng thành bữa tiệc có thật, tự sắp xếp cho mình cái ghế, mà dưới mắt Chính là ngon nhất: Thủ tướng. Và rồi Chính đã làm nên được cái việc mà sau đó được báo chí nhà nước tung hô: phương án nhân sự độc đáo, đặc sắc nhất của đại hội 13.

Nhưng trước hết, Chính phải làm mọi cách để giữ lại bằng được Nguyễn Phú Trọng, không phải vì Nguyễn Phú Trọng, mà để không đứa nào chen vào được trong thời gian chờ Chính “chín” và tiếp quản vào chức Tổng Bí thư trong đại hội 14, tháng 1, năm 2026. Cái bắt tay “chiến lược” của Trưởng ban Tổ chức Trung ương với Đảng trưởng, đã thực sự là cú đòn chí mạng cuối cùng vào sự đoàn kết trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn dĩ đã rất mất đoàn kết; đây cũng là cái bắt tay diệt vong cho uy tín Đảng Cộng sản Việt Nam, vốn dĩ đã trong trạng thái rất mong manh.

Mùa thu năm đó, cuộc họp của Bộ Chính trị chốt lại nhân sự Tổng Bí thư, dưới sự lèo lái của Chính, sự gợi ý, rào đón của Trọng; Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Thị Kim Ngân lần lượt lên tiếng tha thiết đề nghị Trọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 3 là Tổng Bí thư vì các ứng viên còn lại, theo những con người này, đúng như “khuyến cáo” của Trọng là  “đừng thấy đỏ mà tưởng là đã chín”. Nhiều thành viên của Bộ Chính trị không đồng ý vì như vậy là vi phạm điều lệ đảng rằng Tổng Bí thư không làm quá hai nhiệm kỳ. Nhưng rồi chốt lại cũng không thể thống nhất được ứng viên nào khác ngoài Trọng. Được dẫn dắt bởi sự lắt léo, gian manh, xảo trá của Trọng- Chính, nội bộ thượng tầng chia rẽ sâu sắc chưa từng có.

Phạm Minh Chính dựng lên “ngọn cờ” Nguyễn Phú Trọng, kèm theo lời hứa sẽ “chia lại bài” khi bản thân ngồi ghề Thủ tướng và bù đắp xứng đáng cho những người anh em “thiện lành”đã “hy sinh” vẫn quyết một lòng dựng cờ cùng mình như Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải.

Kết quả là phương án Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tại vị được đưa ra Hội nghị Trung ương vào tháng tháng 10/2020, nhưng với điều kiện Trung ương không sửa điều lệ đảng, bởi đa số không muốn chịu trách nhiệm trước lịch sử về trường hợp Nguyễn Phú Trọng. Còn Trọng, với bản chất ham muốn tột đỉnh quyền lực, bất chấp “bia miệng”, không cần chính danh, không cần liêm sĩ, miễn là còn ghế.

Bây giờ, công việc hàng ngày của Nguyễn Phú Trọng là ngồi trên cái ghề bành rộng bọc nhung đỏ, hai chân không chạm được tới đất, nước dãi chảy lòng thòng mỗi khi cái mặt phù nề tích nước ngoẹo sang một bên. Trong mùi khai khẳn của bệnh hoạn, ông ta nhướng mày cố mở đôi mắt đã sụp và sưng húp, lạ thay, vẫn sáng lên những tia nhìn tinh quái mà nhân gian thường hay gọi là “như ma ám”, khi cấp dưới trình lên những danh sách đảng viên cần “thịt”. Không cần biết đó là đứa nào, chỉ cần biết còn có những đứa sẽ được đưa ra “làm thịt”, là ông ta còn cảm thấy mình đang sống, đang tiến đến cảnh giới trường sinh bất lão.

Kể từ đại hội 13, tháng 1/2021, với việc cố cùng để có ghế, Nguyễn Phú Trọng cũng đã tự kê bản án tử cho tất cả sự nghiệp chính trị của ông ta, chưa chết mà đã sớm trở thành nấm mồ cho người đời phỉ nhổ. Ông ta cũng có “công” mang đến cho thế giới thêm một cái nhìn về một đảng vô pháp, vô thiên, bất cần luật lệ, nhổ bọt lên ngay chính các nguyên tắc mà mình đẻ ra, đích thị là một đảng nguyên thủy, rừng rú.

Những người đồng đảng của Nguyễn Phú Trọng cũng bị mắc kẹt, một mặt, họ cần ông ta ra các lệnh “trảm” cho công cuộc bình định trong cuộc nội chiến âm thầm mà khốc liệt với binh lực các bên đều ngang ngửa nhau. Trọng thì cứ “trảm” là thích, bất kể là người của phe nào, khi cần ra các quyết định cuối cùng để trảm, họ trịnh trọng đề đạt lên ông ta và không bao giờ bị gạt ra. Một mặt, họ không muốn, không thể luận tội ông ta ngồi lên điều lệ, không hẳn vì họ cũng là những người đã giơ tay nhất trí cho ông ta ngồi lên, mà vì Trọng đã không còn là vấn đề cá nhân Trọng, mà đã là vấn đề của cả Đảng Cộng sản Việt Nam.

Đảng Cộng sản Việt Nam cần có lý do cao cả, thiêng liêng cho việc tiếp tục để lão già bệnh hoạn tại vị, nên Trọng tiếp tục được tôn xưng là bó đuốc Mác Lê, là dũng sĩ đốt lò, là biểu tượng bất diệt, soạn sửa sánh ngang tầm với “Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”. 

Mặc dù, nội bộ chia rẽ chưa từng có và ai ai cũng nhìn thấy sự tồi tệ của nó, nhưng Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đều chung một ý chí phải giữ được sự tồn vong của đảng. Vụ án Việt Á chính là để đảm bảo mục tiêu này. Tập thể đã có những phản ứng quá muộn màng trước cái bắt tay của Trọng- Chính, và giờ họ đang buộc phải sửa sai.

Phạm Minh Chính- trùm cuối, kẻ chủ mưu trong toàn bộ vụ án Việt Á, đã dùng cả nhiệm kỳ của Trưởng ban Tổ chức Trung ương để dày công nghiên cứu phân bổ chia ghế cho lãnh đạo cả 63 tỉnh, thành. Ở Trung ương, Chính toan tính dành ghế Bộ trưởng Quốc phòng cho Lương Cường, ghế Bộ trưởng Công an cho Nguyễn Đức Chung, cùng với chân rết ở tất cả các tỉnh thành, tạo thành sức mạnh vô địch đưa Chính thẳng tiến đến ghế Tổng Bí thư sau một nhiệm kỳ làm Thủ tướng.

Để mở đường cho mình, Chính không màng đến uy tín của Đảng Cộng sản, sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn, mà điển hình là mở đường tối đa cho Trọng giẫm lên điều lệ đảng, làm nên một chương nhục nhã chưa từng có và chưa hết, nếu con đường của Chính còn tiếp tục, thì đảng này càng thối nạt đến tận xương tủy, khi quyền lực nhà nước bị một tay cựu Trưởng ban Tổ chức Trung ương lũng đoạn bằng cả những đồng xu mạt hạng nhất, đê tiện nhất, đẫm máu nhất mà thực tế những gì đang được phơi bày từ vụ án Việt Á đã cho thấy.

Giấc mộng đế vương của Phạm Minh Chính, ngay từ khi khởi thủy đã có rạn vỡ khi cánh tay phải Lương Cường không thể tiếp quản được ghế Bộ trưởng Quốc phòng, phải nhường lại cho kẻ tưởng như yếu thế hơn là Phan Văn Giang. Vào thời điểm đại hội đảng 13, tháng 1/2021, Khi Lương Cương đã là đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, thì Phan Văn Giang mới chỉ là thượng tướng, ủy viên trung ương đảng.

Còn cánh tay trái, số phận Nguyễn Đức Chung bị định đoạt ngay tức thời khi rập rình ghế Bộ trưởng Công an, cũng là chấm dứt những ngày vợ Chung đưa vợ Chính đi du hí vòng quanh Mỹ, Âu, vòng quanh quả đất. Tiếng là chiến hữu vào sinh ra tử, “anh còn thì chú còn”, nhưng Phạm Minh Chính bỏ mặc hoàn toàn Nguyễn Đức Chung bơ vơ kêu xin thảm thiết ở pháp đình;  để bảo toàn “đại nghiệp”.

Vốn chỉ đút chân gầm bàn, ngồi trong xó tối bài bố trận địa mà không từng ra thực địa, nên Phạm Minh Chính không một chút kinh nghiệm và năng lực đánh giá tình hình cũng như xung trận. Quá tự tin với hàng loạt chân rết đã cài cắm ở khắp tỉnh, thành, nên dẫu “tay phải”, “tay trái” lẳt lẻo, Chính vẫn thật ngạo nghễ với ảo tưởng quyền lực nắm trọn khi thời còn là Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã nắm cổ được từng thằng từ địa phương đến trung ương với chiêu bài “các chú đến với anh không phải là các chú mang biếu tiền anh mà chính là anh cho lại tiền các chú“.

Cách làm này được vận dụng tối đa khi Việt Nam bước vào thời thực sự đại dịch. Các lệnh xét nghiệm thần tốc được ban bố ráo riết và khẩn cấp từ trực tiếp mồm Phạm Minh Chính, là lời chính thức “cho các chú ở dưới địa phương tranh thủ xúc múc nhé bù vốn đã bỏ ra để chắp cánh anh bay lên”, theo đúng phong cách “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì”.

Không loại trừ khả năng rằng các đồng đảng của Phạm Minh Chính đã làm ngơ, thậm chí tiếp sức cho Chính dương dương tự đắc nuôi “con vịt” Việt á, còn họ thì mài dao chờ sẵn đến ngày vịt béo mẫm để cắt tiết cả đàn, như thực tế đã cho thấy.

Nhưng trước khi nổ ra đại án Việt Á, thì cần nhắc đến những ngọn gió đưa đẩy, tựa như “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” cho Phạm Minh Chính tự tìm đường tận diệt bản thân khi chọc vào “dòng máu yêng hùng” trong Bộ trưởng Công an Tô Lâm.

Lịch sử sẽ nhắc nhớ đến Tô Lâm là người có công đầu bình định nội loạn. Tô Lâm vốn dĩ không ưa đấu đá, song lại khá bộc trực và cương liệt, chuẩn “style” không phục thì không nhịn. Vào thời còn tương đối là “trai trẻ”, Phạm Minh Chính và Tô Lâm nhận quyết định lên Thứ trưởng Bộ Công an trong cùng một ngày. Rồi thì đường ai nấy đi, những tưởng nước sông không phạm nước giềng, cho đến khi Chính giành giật được ghế Thủ tướng, ngồi lên đầu Lâm.

Những ngày chống dịch năm ngoái, chỉ có Tô Lâm trong Chính phủ dám bày tỏ thái độ bức xúc về cách chỉ huy ngu xuẩn và sặc mùi lợi ích nhóm của Chính. Lâm thường xuyên chất vấn Chính rằng: “thế định chống dịch mãi mãi à, định giết hết dân à?”. Nhưng, chuyện có lẽ sẽ không đi đến đâu nếu như Chính không vì sĩ diện mà dằn mặt Tô Lâm bằng gian kế huy động cả lực lượng đông đảo trong Bộ Ngoại giao lừa cho Lâm dính bẫy “bò dát vàng” tại Anh vào tháng 10/2021.

Gian kế này cốt để Chính cho Lâm biết Chính có thể hô mưa gọi gió cỡ nào, chứ hẳn con người tiểu nhân ti tiện này không đủ tầm nhìn để lường trước được rằng bản thân và tay chân Chính cũng theo đó mà rơi vào những ngày đen tối nhất. Bẫy “bò dát vàng” đã châm ngòi cho cuộc nội chiến không khoan nhượng, không chỉ vì danh dự của đại tướng, mà được nâng tầm ở mức cao gấp bội: vì sự tồn vong của Đảng Cộng sản Việt Nam, với sự yểm trợ tối đa của tất cả các lực lượng quân đội, nội chính.

Nếu lịch sử xét lại, có thể khẳng định rằng, dù có được châm ngòi hay không thì nội loạn trong Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn sẽ xảy ra khi người đứng đầu Đảng không đảm bảo được tính chính danh, bất chấp điều lệ để tại vị. Nhưng được châm ngòi, thì nó diễn ra sớm hơn, quyết liệt hơn.

Ngay khi từ Anh trở về sau bê bối “bò dát vàng”, một trong những “hạt giống đỏ”, thân thiết hơn cả máu mủ ruột rà của Phạm Minh Chính được Tô Lâm đưa lên giàn thiêu chỉ trong một cái chớp mắt: Lê Hồng Sơn, bí thư huyện ủy Cô Tô; mở màn cho chuỗi ngày dồn dập pháo kích dội xuống Quảng Ninh, nơi được xem là “căn cứ địa”, là kho lương thảo phục vụ cho hoạt động “cách mạng” của Phạm Minh Chính. Pháo kích cũng dồn dập dội xuống hầm tiền bạc của Chính, với những cái tên Trịnh Văn Quyết- FLC, Đỗ Văn Dũng- Tân Hoàng Minh… lần lượt tra tay vào còng số 8.

II

Kể từ tháng 11/2021, sau cú lừa “bò dát vàng” tại Anh, công cuộc dẹp nội loạn chính thức có thủ lĩnh. Ngành công an, dưới sự dẫn dắt của đại tướng Tô Lâm đã phát đi tối hậu thư đến toàn bộ máy chính trị từ trung ương đến địa phương và tất cả giới tài phiệt, giang hồ cộm cán và cả các “thế lực thù địch” bên ngoài rằng: cứ dính đến Phạm Minh Chính, là tự viết giấy chứng tử cho mình.

Sở dĩ tối hậu thư được gửi đến cả “các thế lực thù địch” bên ngoài vì có một diễn biến rất mới, có thể gọi là chưa từng có trong đấu đá nội bộ đảng cộng sản, là Phạm Minh Chính trở thành kẻ đầu tiên sử dụng “lính đánh thuê” là các thành phần mà đảng vẫn coi là phản động lưu vong có số má. Chẳng hạn, để hạ bệ những người đồng liêu, các tin “độc”, ảnh “độc” được người của Chính cung cấp cho chú cháu Nguyễn Lân Hiếu, Nguyễn Lân Thắng trực tiếp tuồn ra nước ngoài cho “phản động lưu vong”. Khi Nguyễn Lân Thắng bị bắt, quá tự tin vào thế lực của Chính, Nguyễn Lân Hiếu tức thời “coi trời bằng vung”.

Cú lừa “bò dát vàng” sẽ không thế thành công nếu thiếu đi sự tổng chỉ huy của Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh, người được Phạm Minh Chính hứa hẹn sẽ “vận dụng mọi cơ chế, mọi hành lang” để đưa vào ghế Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ tới. Vốn dĩ khá non về nội chính khi cả cuộc đời hướng ngoại, Minh dễ dàng tin vào sự quyền biến của Chính sau khi chứng kiến Chính cơ cấu được cả ghế Tổng Bí thư cho Nguyễn Phú Trọng; để rồi “liều mình như chẳng có” mà thỏa mãn cơn sĩ diện cho Chính: làm nhục Tô Lâm.

Ở Việt Nam thường có câu rằng: Bất cứ ai làm gì cũng đều không qua được mắt của an ninh. Vấn đề là họ có để bạn qua mắt hay không mà thôi. Cũng không ngoa khi khẳng định rằng an ninh Việt Nam giỏi nhất thế giới! Và điều này đã được chứng minh: “cỏ” ở Bộ Ngoai giao đang được nhổ tận rễ, bắt đầu với “những chuyến bay giải cứu”. Cả cựu trợ lý và đương kim trợ lý của Phạm Bình Minh lần lượt sa lưới, kéo theo vô số lâu la. Chọn nhầm ngọn cờ, Phạm Bình Minh  “lỡ một bước nghìn đời ân hận, quay đầu nhìn lại đã trăm năm”.

Cùng với Phạm Bình Minh là Đinh Tiến Dũng. Mặc dù Đinh Tiến Dũng gửi gắm con trai là Đinh Tiến Hải theo hầu Tô Lâm làm con tin, nhưng vẫn cung cúc một lòng phục vụ Phạm Minh Chính vì lời hứa của Chính “anh sẽ cơ cấu chú thay anh làm Thủ tướng khi anh lên Tổng Bí thư”. Và rồi tất cả tay chân từ vòng ngoài đến vòng trong của Đinh Tiến Dũng đều đã bị thịt. Vòng vây đã siết chặt quanh Dũng, đến thở cũng phải nhìn quanh dáo dác.

Đồng thời động thái “nhổ cỏ” ở Bộ Ngoại giao, tất cả những địa chỉ trú ẩn tiền bạc cho Phạm Minh Chính bị oanh tạc dữ dội. Ví như Trịnh Văn Quyết không thể ngờ rằng mình là “hậu phương” chủ lực cho đương kim Thủ tướng, mà lại dễ dàng bị bắt giải đi như vậy. Mới đó, vào tháng 4 năm ngoái, FLC còn đưa tin rầm rộ ra báo giới về việc tổ chức lễ hội pháo hoa lớn nhất Việt Nam mừng ngày Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng cơ, 5/4/2021…  Tháng 4 năm nay, cái tập đoàn lừng danh 63 cõi ấy sụp đổ tan tành.

Danh sách sụp đổ và những cái tên như vậy đã và đang còn tiếp tục dài ra. Mỗi cái tên được xướng lên, đều là thịt, da, tóc của Phạm Minh Chính mà không cần phải qua… giám định ADN! Vào tháng 5/2022, đã lâm vào cảnh khá kiệt quệ, khi trao huy hiệu 55 năm tuổi đảng cho Nguyễn Tấn Dũng, Phạm Minh Chính chính thức đề nghị Dũng chu cấp tiền bạc để có thêm nguồn lực “chiến đấu”. Nhưng Dũng đã chùn chân mỏi gối nhiều phần, trong đó có phần vì  từ Mỹ, Đặng Hoàng Yến lu loa kiện Dũng ra tòa trọng tài quốc tế, đòi phải bồi thường hàng tỷ đô về những thiệt hại Dũng đã gây ra cho bà ta.

Nếu nói rằng chỉ vì muốn rửa nhục, mà Tô Lâm ra tay với mọi thuộc hạ  của Phạm Minh Chính, là chưa đúng với bản chất của “dòng máu yêng hùng” trong con người này. Hơn thế, sau lưng Tô Lâm không chỉ ngành công an, mà là hùng hậu các thế lực nội chính (như đã đề cập trong phần 1). Có thể trở thành một thủ lĩnh thực sự cầm quân dẹp  nội loạn, đòi hỏi ở Lâm sự dũng cảm, tàn nhẫn và cả sự hy sinh không màng đến danh lợi về sau. Lịch sử cũng từng ghi dấu một Trần Thủ Độ để trấn áp các thế lực cát cứ đã ra tay bạo tàn, quyền lực khuynh loạt cả thiên hạ, nhưng không từng có mưu đồ cướp ngôi vua và không có Trần Thủ Độ, không có một triều Trần phát triển rực rỡ.

Trở lại với Phạm Minh Chính. Phạm Minh Chính chưa là Tổng Bí thư, mà đã cơ cấu đủ ghế cho tứ trụ từ vây cánh của mình; mỗi một ủy viên trung ương về làm lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đều do một tay Chính sắp xếp; Chính không ảo tưởng về quyền lực của mình, mới là lạ. Ảo tưởng về quyền lực, Chính những tưởng một tay che trời, trắng trợn chia chác bổng lộc cho quan viên bằng mọi thủ đoạn có thể. Kit test Việt Á, trong mắt Chính chỉ là vài đồng bèo bọt, mẹ nó, sợ gì, đứa nào dám đụng vào, ông công khai đấy, đứa nào dám làm gì ông? Chính còn tự đắc tuyên bố “trong hoàn cảnh nào, đại dịch trăm năm có một, thì anh vẫn nghĩ ra cách “có xèng” cho các chú. Sáng tạo là đó chứ là đâu, linh hoạt là đó chứ là đâu, nhạy bén là đó chứ là đâu? không theo anh thì còn theo ai?”

Tháng 9 năm 2021, trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, Đặng Hồng Anh, con trai Đặng Văn Thành khơi mào về giá cả trên trời của kit test xét nghiệm covid- 19. Hơn 10 năm trước, Đặng Văn Thành chính là nạn nhân của bè lũ Phạm Minh Chính, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Văn Bình khi tài sản của ông này gần như bị chúng cướp trắng. Vài ngày sau đó trong cuộc họp Chính phủ, Phạm Minh Chính lớn tiếng trấn áp “đang chống dịch mà cứ phát biểu giá cả này khác làm dư luận phân tâm”, đồng thời tiếp tục ráo riết ra lệnh toàn dân thần tốc xét nghiệm.

Thực tế, khi Đặng Hồng Anh khơi mào làm dư luận dậy sóng về giá kit test, Anh không chỉ là nói cho có nói. Cũng như việc năm nào bắt Trịnh Xuân Thanh, thì cần có khởi đầu bằng một chiếc xe biển xanh. 3 tháng sau đó, quả bom Việt Á phát ra những tiếng nổ đầu tiên và không chỉ là những tiếng nổ đơn lẻ mà là cả một trận địa đã được cài bom, đụng đâu nổ đó.

Lệnh bắt được tống đạt ồ ạt với giám đốc CDC các tỉnh, thành. Nhưng giám đốc CDC ăn một thì lãnh đạo địa phương ăn gấp năm bảy lần. Lãnh đạo địa phương thì cứ “treo” để đó, chưa vội sờ tới, cho thời gian để chọn lại cờ mà theo, bởi lẽ, dẹp nội loạn không có nghĩa là đánh sạch, giết sạch.

Ngày trôi đi, tuần trôi đi, tháng trôi đi, quan viên đắm chìm trong nghĩ suy. Phần tử đầu tiên xác định sẽ quyết không quy hàng vì “còn Chính mới còn mình”, Phạm Xuân Thăng- Bí thư Hải Dương, đã lập tức bị đưa lên “giàn thiêu” khi mà trung ương đảng còn chưa kịp nhóm họp để ra quyết định. Cũng như Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Đào Hồng Lan; Phạm Xuân Thăng là do một tay Nguyễn Thị Kim Ngân dìu dắt và “làm mối” cho Phạm Minh Chính từ hơn hai thập niên trước, để rồi keo sơn đến mức cứ hễ là người của Ngân thì cũng là người của Chính. Cổ phần của Việt Á có hơn 20% của con trai Ngân do Nguyễn Thị Thanh Nhàn đứng tên.

Giờ thì, khi mà Nguyễn Phú Trọng ngồi trong chiếc ghề bành cao rộng bọc nhung đỏ trong “nhà đỏ”, dài nhớt chảy lòng thòng; thì ở trong “nhà trắng”, Phạm Minh Chính nghe tiếng ma than quỷ khóc, thuộc hạ không còn ai, hồng nhan tri kỷ thì muôn trùng cách biệt, cửa tử thần đón lõng sẵn nàng ở nẻo về…Đã có tin đồn ra ngoài rằng Chính van vỉ trong Bộ chính trị cho Chính làm hết nhiệm kỳ Thủ tướng, để còn chút sĩ diện với tổ tông (lại là sĩ diện). Cái bắt tay của Trọng- Chính không chỉ là cái bắt tay diệt vong cho Đảng Cộng sản Việt Nam, mà có lẽ còn là cái bắt tay diệt vong cho sự nghiệp của cả hai.

Mặc dù đánh đâu thắng đó, nhưng lúc này cũng chưa thể khẳng định cuộc bình định nội loạn của đại tướng Tô Lâm và những người đồng chí của ông ta có thành công hay không. Bởi luôn hướng về phương Bắc, hai lòng như một cùng chầu phương Bắc, cơ hội chuyển bại thành thắng của cặp đôi Trọng- Chính vẫn còn ở phía trước.

Nên nhớ rằng, ngay khi lên ngôi Thủ tướng, Phạm Minh Chính đã đi sục sạo tất cả các đặc khu trong cả nước với toan tính từng món từng món biến thành quà dâng lên thiên triều. Kit test Việt Á cũng là hàng của thiên triều, các doanh nghiệp của thiên triều ở Việt Nam đều do Chính “bảo kê”… Còn với Quảng Ninh thì từ sau thời trị vì của Chính ở đó, cũng có thể coi Quảng Ninh như đã là của người Trung Quốc, cứ về Quảng Ninh mà xem, dân Quảng Ninh giờ còn quý người Trung Quốc hơn cả người thân!

Chính cũng lên thắp hương ở Pò hén không lâu sau khi lên Thủ tướng. Và ở đây, Chính nói: “Anh em một nhà, cùng một bố mẹ sinh ra cũng còn giết nhau nữa là, chết thì cũng đã chết rồi, ấm ức làm gì. Đã đến lúc cởi bỏ oán thù được rồi, hồn còn thì hồn cười”. Và báo chí nhà nước thì tung hô lần đầu tiên có một Thủ tướng dám đến thắp hương tưởng nhớ những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến sống còn với Trung Quốc.

Cuộc bình định nội loạn của Việt Nam nếu không cơ bản đi đến thắng lợi trong tháng 10 thì sau thời điểm này, khi Trung Quốc đã tiến hành xong xuôi Đại hội Đảng, cơ hội đảo ngược thế cờ của Trọng- Chính là rất lớn.

Trong cuộc điện đàm mới đây với Lý Khắc Cường, Phạm Minh Chính đã nhanh nhảu hẹn hò ngày sang chầu mừng tấn phong thiên tử.

SAO BĂNG

 

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25 & 27-9-22