Gideon Rachman:
Trump, Xi and the siren
song of nationalism Người dịch: Huỳnh Hoa
Trump, Tập và cám dỗ của chủ
nghĩa dân tộc
Hai tầm nhìn đối nghịch nhau dễ
dàng dẫn tới những cuộc xung đột Mỹ-Trung ở châu Á hoặc về thương mại. Gideon Rachman
“Tôi sẽ không làm thêm phần long trọng cho bất kỳ sự kiện nào tỏ ra bất
kính với những người lính của chúng ta… hoặc với bài quốc ca của chúng
ta”. Ông Mike Pence, phó tổng thống Hoa Kỳ, đã nói như vậy hồi tháng
trước khi ông bước ra khỏi một trận đấu bóng bầu dục – ở đó một số cầu
thủ đã cố tình giữ tư thế quỳ gối trong lúc bài quốc ca Hoa Kỳ “Star
Spangled Banner” đang được xướng lên. Vụ om sòm giữa chính phủ của ông
Trump với các cầu thủ nổi tiếng trông giống như chuyện “chỉ có ở nước
Mỹ”. Nhưng những vụ tranh cãi tương tự về các bài quốc ca cũng đang xảy
ra ở Trung Quốc, Ấn Độ và cả ở châu Âu.
Những chuyện ồn ào chung quanh bài quốc ca là triệu chứng của một cuộc
đấu tranh ý thức hệ trên toàn cầu giữa những người theo chủ nghĩa dân
tộc và người theo chủ nghĩa quốc tế. Ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ, cuộc
chiến đấu bảo vệ quốc ca được những người dân tộc chủ nghĩa mới biện
minh là biểu hiện của lòng ái quốc giản dị và lành mạnh. Nhưng sự tập
trung quá đáng vào các bài quốc ca cũng có mặt trái đáng lo ngại – vì nó
thường gắn bó mật thiết với tình trạng không có tự do ở trong nước và
hành động xâm lấn ở nước ngoài.
Hồi đầu tháng này, đại hội nhân dân toàn quốc [tức quốc hội] Trung Quốc
đã thông qua một đạo luật, quy định “xúc phạm” bài quốc ca là một tội
hình sự, có thể bị xử phạt tới ba năm tù giam. Động thái này là một phần
trong hàng loạt biện pháp phô bày lòng ái quốc ở Trung Quốc, một phần
của cái mà chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “sự trẻ hóa vĩ đại” của dân tộc
ông. Nó cũng phản ánh mối căng thẳng đang gia tăng giữa chính phủ Trung
Quốc lục địa và lãnh thổ bán tự trị Hong Kong. Trong những trận đấu bóng
đá gần đây ở Hong Kong, bài quốc ca Trung Quốc khi xướng lên đã bị những
người biểu tình chống Bắc Kinh la ó phản đối.
Phiên bản Ấn Độ của vụ xung đột này được kích hoạt bởi một phán quyết
vào năm ngoái của tòa án tối cao nước này, quy định bài quốc ca phải
được xướng lên trước mỗi buổi chiếu phim ở những rạp hát công cộng.
Những người ủng hộ phán quyết cho rằng bài quốc ca là chất keo kết nối
quan trọng ở một đất nước đa tôn giáo có hàng trăm ngôn ngữ khác nhau.
Nhưng những người tự do ở Ấn Độ lại lo ngại nó phản ánh sự trỗi dậy của
chủ nghĩa dân tộc bất dung dưới thời thủ tướng Narenda Modi – điều đã
khiến cho cuộc sống trở nên khó khăn hơn cho những người theo tôn giáo
thiểu số và những người phê phán chính phủ. Họ cũng chỉ ra những sự cố
có tính côn đồ, trong đó những người đi xem phim đã bị tấn công chỉ vì
không đứng dậy khi nghe quốc ca.
Một dạng thức khác của cuộc tranh cãi về quốc ca đã xảy ra ở Pháp, khi
ông Emmanuel Macron bày tỏ niềm vui chiến thắng cuộc bầu cử hồi tháng
Năm vừa qua. Khi tân tổng thống bước lên sân khấu thì nhạc nền chào mừng
không phải là bài Marseillaise
[quốc ca Pháp] mà là bản giao hưởng
Ode to Joy [Ca tụng niềm vui]
của Beethoven [là bài “quốc thiều” chính thức của Liên minh châu Âu,
EU]. Đây là hành động cố ý nhằm chê trách những đối thủ đã bị đánh bại
của ông trong các phe phản đối người nhập cư và Mặt trận Quốc gia chống
EU.
Sự kiện ông Macron và ông Trump theo đuổi những lập trường rất khác nhau
trong vụ om sòm về quốc ca có rất nhiều ý nghĩa, bởi vì các tổng thống
Hoa Kỳ và Pháp hiện là hai phát ngôn viên quan trọng nhất của hai tầm
nhìn đối địch về chính trị quốc tế.
Trong bài diễn văn trước Liên hiệp quốc hồi tháng Chín, ông Trump ủng hộ
một trật tự quốc tế dựa trên “các quốc gia có chủ quyền hùng mạnh” – một
cụm từ mà ông sử dụng rất nhiều lần. Tổng thống Mỹ cũng thường tấn công
“chủ nghĩa toàn cầu” mà chiến dịch tranh cử của ông định nghĩa là “một
hệ tư tưởng kinh tế và chính trị đặt sự liên minh với các định chế quốc
tế lên trước nhà nước của quốc gia”.
Mười ngày sau bài diễn văn của ông Trump, ông Macron đưa ra một thế giới
quan hoàn toàn khác. Trong bài phát biểu ở Paris, ông Macron nói rằng:
“Chúng ta không thể tiếp tục quay lại hướng vào bên trong các biên giới
quốc gia; đó sẽ là một thảm họa tập thể”. Tổng thống Pháp nhìn thấy kẻ
thù là “chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vị chủng, chủ nghĩa bảo hộ và chủ
nghĩa biệt lập”.
Thật dễ dàng suy đoán rằng thông điệp mang
tính quốc tế của ông Macron sẽ nhận được nhiều hơn sự ủng hộ trên toàn
cầu. Nhưng tầm nhìn của ông Trump cũng có những môn đồ quốc tế - từ một
mạng lưới các chính trị gia và trí thức có thể được định danh là “những
người quốc tế dân tộc chủ nghĩa”
(nationalist international).
Trong một bài báo gần đây, Eric Li – một nhà
bình luận ở Thượng Hải, lập luận rằng Trung Quốc của ông Tập và Hoa Kỳ
của ông Trump “có nhiều điểm chung hơn là biểu hiện bề ngoài”. Cả hai
nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh vào chủ quyền quốc gia và đều có ý định chống
lại “một trật tự phổ quát phù hợp cho tất cả và hung hăng một cách công
khai” (overtly aggressive,
one-sized fits all universal order).
Ông Li cho rằng, ông Tập và ông Trump có rất nhiều bạn đồng sàng trong
phe chống toàn cầu hóa, gồm các nhà lãnh đạo như ông Vladimir Putin ở
Nga, ông Rodrigo Duterte ở Philippines, ông Viktor Orban ở Hungary, ông
Modi ở Ấn Độ, ông Abdel Fattah al-Sisi ở Ai Cập và những người Brexit
[ủng hộ nước Anh rời khỏi EU] ở Anh. Đây quả là một danh sách dài dòng,
nhấn mạnh cái tầm mức mà chủ nghĩa dân tộc đã sống dậy. Những người dân
tộc chủ nghĩa mới lập luận rằng “các quốc gia có chủ quyền mạnh” phải là
nền tảng cho một trật tự quốc tế ổn định, làm giảm ảnh hưởng quá đáng
của một “chủ nghĩa toàn cầu” không tưởng của giới tinh hoa.
Nhưng có một chút gì đó ngây ngô trong cái ý tưởng về sự sống chung hòa
bình giữa các nhà dân tộc chủ nghĩa. Các lãnh tụ độc tài chuyên chế có
thể cùng chia sẻ nỗi khinh bỉ đối với giới quan lại quốc tế và với các
luật sư nhân quyền. Nhưng chủ nghĩa dân tộc thường đi cùng với sự căm
ghét các quan điểm và lợi ích của nước ngoài. Vì thế, chẳng chóng thì
chầy, các lập trường dân tộc chủ nghĩa đối nghịch sẽ dẫn tới xung đột -
đặc biệt là trong trường hợp Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Chủ nghĩa dân tộc của ông Trump được thôi thúc bởi ý thức rằng Hoa Kỳ
đang suy thoái và chỉ có thể hồi phục bằng cách cứng rắn với thế giới
bên ngoài. Chủ nghĩa dân tộc của ông Tập được tiếp thêm nhiên liệu bởi
cái ý thức rằng Trung Quốc đang trỗi dậy, và cuối cùng có thể phục thù
cho những nỗi nhục nhã trong lịch sử. Hai tầm nhìn đối địch nhau này có
thể dễ dàng dẫn tới những cuộc xung đột Trung-Mỹ ở bán đảo Triều Tiên,
Biển Đông hoặc ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Trong bài diễn văn tại đại học Sorbonne, ông Macron cảnh báo, chủ nghĩa
dân tộc đang trỗi dậy có thể “hủy diệt nền hòa bình mà chúng ta đang
sung sướng tận hưởng”. Buồn thay, dường như không ai ở Bắc Kinh hoặc
Washington lưu tâm nhiều tới chuyện đó. |