Vụ GS Chu Hảo:

Có Bao Giờ Tầng Lớp Trí Thức Chân Chính Và Tử Tế Ở Việt Nam
Lại Bị Gạt Ra Bên Lề Như Thế Này Không?

 

Quách Hạo Nhiên

1. Lên tiếng về việc GS Chu Hảo bị UBKT Trung ương Đảng xem xét “kỷ luật” vì “tội” tổ chức dịch và xuất bản những quyền sách “trái với cương lĩnh, đường lối của Đảng”, mới đây GS Cao Huy Thuần có bài viết tuy ngắn nhưng vô cùng sâu sắc. Ông gọi sự kiện này là một “nỗi đau” về một “vấn đề không mới” – vấn đề “lạc hậu về văn hóa” của người Việt trong thời đại tri thức. Quả đúng như vậy, đây thật sự một là “nỗi đau” không chỉ đối với tầng lớp trí thức chân chính, tử tế (vốn rất hiếm hoi ở xã hội VN hôm nay) mà còn là nỗi đau chung của một dân tộc với bề dầy văn hóa 4000 năm lịch sử. Riêng tôi, sau khi đọc bài viết của GS Cao Huy Thuần thấy cũng cần thiết phải đặt ra thêm một câu hỏi: có bao giờ tầng lớp trí thức chân chính và tử tế ở Việt Nam lại bị xúc phạm và gạt ra lên lề như thế này không?

2. Cách đây mười mấy năm, để củng cố và duy trì sự độc quyền lãnh đạo của Đảng, ông Nông Đức Mạnh – nguyên Tổng bí thư lúc bấy giờ đã ký và ban bố “sắc lệnh”: toàn dân thực hiện phong trào “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh” cho phù hợp với xu thế và tình hình mới của đất nước – xu thế cấu kết và bắt tay giữa các “nhóm lợi ích” nhằm lủng đoạn chính sách và “ăn không chừa một thứ gì của dân”. Phong trào này kéo dài cho đến tận hôm nay và kết quả cụ thể của nó như thế nào hẳn mọi người đã nhìn thấy. Thật oái oăm làm sao, càng ra sức “học tập và làm theo Bác” thì các đồng chí đảng viên của chúng ta hôm nay (nhất là giới quan chức, lãnh đạo cấp cao) càng tệ hại và suy đồi hơn. Đến nỗi quần chúng nhân dân mỗi khi nhắc đến tên nếu không ngậm ngùi, ngao ngán cũng xổ toẹt, khinh khi, thậm chí nguyền rủa trong sự cay nghiệt, bất bình. Vậy nên, dù ghi nhận tinh thần chống tha hóa và suy thoái của Đảng ta, nhưng cũng phải trung thực mà nói rằng, phong trào này là một “đỉnh cao của sự dối trá” (vì đã mang Bác ra làm tấm bình phong để tiếp tục mỵ dân cũng như để che đậy tất cả những yếu kém và tệ hại của mình). Không những vậy, nó còn là cái tát đau đớn vào mặt những kẻ lúc nào cũng ra rả về chuyện xây dựng“Nhà nước pháp quyền XHCN”. Vì thực tế, không có một Nhà nước pháp quyền nào trên thế giới lại đề ra những giải pháp vừa cải lương vừa duy ý chí như thế để quản lý xã hội và đất nước. Nói đến nhà nước pháp quyền là nói đến tinh thần thượng tôn pháp luật và sự bình đẳng của mọi công dân chứ không phải là chuyện “nêu gương” hay “phê và tự phê” một cách gượng gạo và đầy giả trá. Nhà nước pháp quyền cũng không bao giờ có chuyện nếu cán bộ cấp cao mà vi phạm pháp luật đến khi ra tòa thì bản án đã được Đảng dàn xếp trước theo một quy trình hoàn toàn khép tín và bí mật. Hay nói khác đi, nhà nước pháp quyền hoàn toàn không có chuyện một đảng phái chính trị lại ngang nhiên cho mình cái quyền ngồi xổm trên Hiến pháp và pháp luật trong vấn đề xử lý cán bộ cấp cao vi phạm.

3. Chân thành và khách quan mà nói, nhìn lại cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hoàn toàn có thể xem ông như một “trí thức dấn thân” giàu trí tuệ và đầy bản lĩnh. Ở khía cạnh này, dù sao Hồ Chí Minh vẫn rất xứng đáng là một tấm gương để những người Việt hôm nay nhìn vào đó và soi lại mình. Vì cách đây hơn một thế kỷ, trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi ấy vừa tròn 20 tuổi nhưng đã một mình bôn ba sang tận các nước phương Tây với một khát vọng và ý chí rất mãnh liệt: tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác, sau khi xem xét họ làm như thế nào, sẽ trở về giúp đồng bào ta”. Nhắc lại điều này để thấy, khi ấy, tuy còn rất trẻ nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có thái độ và nhận thức rất đúng đắn về những hạn chế và lạc hậu của chính bản thân ông cũng như của dân tộc Việt Nam. Nghĩa là, để có thể giải cứu dân tộc thoát khỏi áp bức và xiềng xích nô lệ thì nhất định phải“sang nước Pháp và các nước khác” để quan sát và học hỏi. Vì muốn chiến thắng kẻ đang cai trị mình thì nhất định phải tự nâng mình lên từ bằng hoặc hơn họ. Cho nên, ở giác độ văn hóa, có thể nói hành trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói cho cùng, đó là hành trình đi tìm tri thức, tìm đến ánh sáng văn minh và tiến bộ của nhân loại. Nói khác đi, đó hành trình khai minh, khai sáng cho bản thân và dân tộc. Chỉ riêng điều này thôi đã cho thấy Hồ Chí Minh là người rất thức thời chứ không bảo thủ, giáo điều.

Trong cái nhìn như vậy, thật sự tôi không hiểu sao những kẻ luôn miệng bảo toàn dân ra sức“học tập và làm theo tấm gương Hồ Chí Minh” lại có thể kỷ luật và kết tội GS Chu Hảo? Nếu như trước đây Chủ tịch Hồ Chí Minh mất mấy mươi năm ra nước ngoài để học tập cái hay, cái tiến bộ của nhân loại sau đó trở về “giúp đồng bào giải phóng dân tộc” thì trong thời đại tri thức hôm nay, GS Chu Hảo và các cộng sự của mình đã tổ chức dịch và xuất bản những quyển sách (vốn cũng được xem như một kho tàng tri thức của nhân loại) nhằm khai sáng cho quần chúng nhân dân thì xét về bản chất cả hai sự việc này chẳng có gì khác nhau cả. “Ông vua” Nguyễn Phú Trọng hẵn là người đang ngày đêm học tập và làm theo tấm gương của Bác nhưng lẽ nào ông lại không hiểu những gì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, nhất là về vấn đề “tự chuyển hóa” trong hành trình nhận thức của con người như một lẽ tất yếu:

“Tình hình khách quan thay đổi hàng giờ, hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng, hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế!” – (“Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia, H.2011, t.4, trang 28).

Rõ ràng, nếu ông Trọng và các thuộc cấp của ông ta thật sự học, hiểu và làm theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì những việc làm của GS Chu Hảo lẽ ra phải được biểu dương và khen ngợi chứ không có lý do gì lại kết tội người ta. Trong thời đại tri thức mà lại kỷ luật “đồng chí” mình vì cái tội xuất bản những cuốn sách mang tầm tư tưởng của nhân loại thì những kẻ kết tội hoặc là đã thật sự bị đứt sợi dây thần kinh xấu hổ, đang tự đưa tay lột cái mặt nạ bảo thủ, giáo điều của mình xuống; hoặc là đang mắc chứng tự kỷ rất nặng nên lúc nào cũng lo sợ, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù. Càng xấu hổ hơn nữa, khi đất nước có hàng trăm, hàng nghìn GS, TS tự nhận là “hậu duệ”, hay học trò xuất sắc của Mác nhưng lại lo sợ trước lý lẽ của những học giả trên thế giới khi họ lên tiếng phản biện chủ nghĩa cộng sản cách đây gần một thế kỷ. Mà nếu cho rằng những người phản biện chủ nghĩa cộng sản là sai trái thì sao không đứng lên tranh luận, đối thoại lại một cách sòng phẳng trong tư cách của những trí thức chân chính mà lại hành xử như vậy?

Than ôi, không biết sau khi biết tin GS Chu Hảo bị kết tội “suy thoái” vì đã xuất bản những cuốn sách (thuộc hàng kinh điển và tinh hoa của nhân loại) bạn bè quốc tế sẽ nghĩ gì về những người cộng sản Việt Nam hôm nay? Có buồn cười không nếu ai đó có suy nghĩ khác về chủ nghĩa cộng sản đều bị xem là “suy thoái về tư tưởng và đạo đức lối sống”? Thế kỷ 21 rồi, thời đại “cờ mờ bốn chấm không” rồi sao lại còn cái “cương lĩnh” hay “tư tưởng” gì kỳ cục vậy? Nếu thế thì hàng tỉ người trên thế giới này đã và đang bị “suy thoái” hết chỉ có số ít đảng viên cộng sản như ông Trọng và thuộc cấp trung thành của ông ta là tốt đẹp hay sao?

Vậy nên, tiếp lời GS Cao Huy Thuần, tôi xin được mạo muội bổ sung thêm: việc kỷ luật GS Chu Hảo vừa qua rõ ràng còn hơn cả mộtnỗi đau”. Nó là một nỗi nhục! Có lẽ nào, “đường về nô lệ” của dân tộc này đang ở rất gần!?

QHN

CT, 0/11/2018

---------------------

Nguồn tham khảo:

- Cao Huy Thuần – “Nỗi đau”. Xem tại:  http://www.viet-studies.net/kinhte/CaoHuyThuan_NoiDau.html

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 6-11-18