Tổng Kết Cuối Năm:
Những Vở Bi Hài Kịch
Quách Hạo Nhiên
1. Bi kịch “chống
dịch như chống giặc” và điệp khúc “cơ đồ dân tộc, vị thế đất nước…”
Không thể không gọi là bi kịch khi hơn 30 ngàn đồng bào đã chẳng may qua
đời cùng hàng ngàn đồng bào khác đã phải chạy trối chết khỏi Sài Gòn
trong thời điểm cao trào “chống dịch như chống giặc” bằng ý chí chính
trị của “toàn đảng, toàn quân, toàn dân” trong suốt năm qua. Bi kịch ấy
càng cao trào hơn khi vụ kít xét nghiệm của công ty Việt Á của anh chàng
tép riu Phan Quốc Việt bị phanh phui vào những ngày cuối năm.
Liên quan đến vụ
này, thời gian qua các chuyên gia, các nhà quan sát trong và ngoài nước
đã có nhiều bài viết với những phân tích rất xác đáng. Trong đó, đáng
chú ý phải kể đến bài của TS Nguyễn Đức Thành[1].
Trong bài viết của mình, TS Nguyễn Đức Thành gọi vụ test kit Việt Á là
“sự lũng đoạn nhà nước” nhằm phân biệt với các vụ “tham nhũng thông
thường” trước đây cả về về tính chất lẫn “đẳng cấp” tham nhũng. Những
phân tích và khái quát của TS Thành tuy không sai nhưng theo tôi, nếu
nói đến sự “lũng đoạn nhà nước” thì vụ test kit Việt Á chỉ là “muỗi” so
với nhiều vụ án khác. Chẳng qua, trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ
thông tin (mạng xã hội), nhất là nỗi đau hơn 30 ngàn đồng bào đã tử nạn
vẫn chưa kịp nguôi ngoai nên Việt Á mới gây phẫn nộ rộng khắp toàn xã
hội mà thôi.
Căn cứ vào 3 dấu hiệu về sự lũng đoạn và các đặc điểm của vụ Việt Á mà
TS Thành đã liệt kê trong bài viết của mình, chúng ta hoàn toàn có thể
áp vào cho các vụ án trước đó. Nói khác đi, ở đây, cần phải thấy rằng
bản thân sự tồn tại thể chế chính trị độc Đảng hiện nay ở Việt Nam đã là
một sự lũng đoạn. Vì nếu không lũng đoạn thì “Đảng ta” không thể duy trì
quyền cai trị tuyệt đối của mình suốt mấy mươi năm qua.
Có thể nói, cái quy định ngầm người làm Tổng Bí Thư phải là “người miền
Bắc có lý luận” là một định kiến có tính lũng đoạn trong nhận thức về
người lãnh đạo quốc gia; việc duy trì quan điểm “đất đai thuộc quyền sở
hữu toàn dân” (qua đó tùy tiện thu hồi đất của dân với giá rẻ mạt giao
cho các đại gia bất động sản – mấu chốt gây ra sự bất ổn xã hội, dân oan
kiện cáo khắp nơi) là sự lũng đoạn; chủ trương khai thác Bauxite ở Tây
Nguyên là sự lũng đoạn; các “quả đấm thép” thua lỗ như Vinashin,
Vinalines…là sự lũng đoạn; việc cho phép lập ra vô số các trạm BOT giao
thông trên khắp cả nước là sự lũng đoạn; việc lập đề án và soạn thảo để
chuẩn bị thông qua Luật đặc khu (rất may là dân chúng biểu tình phản đối
nên tạm thời dừng lại) là sự lũng đoạn; vụ án Vũ Nhôm và Út Trọc là sự
lũng đoạn; việc khai thác đến kiệt quệ vựa lúa, “vựa lương thực của cả
nước” ở các tỉnh miền Tây nhưng hạ tầng nhất là giao thông vận tải không
đầu tư (cho đến nay các tỉnh miền Tây chỉ có vài chục kí lô mét đường
cao tốc; không có mét đường sắt nào so với các tỉnh phía Bắc) tạo nên sự
bất bình đẳng trong thụ hưởng các giá trị vật chất và tinh thần đối với
đồng bào nơi đây cũng là một sự lũng đoạn;…
Dẫu
vậy, nếu phải nói về sự khác biệt của vụ Việt Á lần này với các với các
vụ tham nhũng trước đó, theo tôi, vụ Việt Á cho thấy tính chất máu lạnh
và đạo đức giả rất kinh tởm của “tập đoàn quân buôn” này. Máu lạnh và
đạo đức giả ở chỗ dù tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào ở Sài Gòn chết
không kịp thiêu; lớp khác thì tay xách nách mang rồng rắn liều mình đèo
nhau trên chiếc xe gắn máy cà tàng, hoặc lội bộ trăm ngàn cây số tìm
đường sống nhưng các con buôn vẫn thản nhiên lên kịch bản toan tính
chuyện lọc lừa và vơ vét làm giàu cho bản thân. Có ai ngờ đằng sau những
nghị định, thông tư, công điện, đề án…liên quan đến chính sách “truy
vết” F0, F1 hay “thần tốc xét nghiệm diện rộng” là những cú áp phe lại
quả bạc tỉ; đằng sau những lời lẽ thống thiết kêu gọi sự đồng lòng của
dân chúng “chung tay chống dịch” là sự chia chác “hoa hồng”, hoa huệ của
những kẻ mỗi ngày đều ra sức “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác
Hồ…”
Ngoài ra, có một vấn đề mà các chuyên gia tuy có điểm qua, nhắc đến
nhưng ít người bàn sâu đó là sự tha hóa của đội ngũ truyền thông trên
các cơ quan chính thống lẫn mạng xã hội.
Không riêng vụ này, chúng ta biết rằng, trong thời đại ngày nay muốn bán
thứ gì đó dù là bán thân (xin lỗi) cũng phải nhờ đến truyền thông và
mạng xã hội để quảng cáo, PR. Có thể thấy, ngay sau khi Phan Quốc Việt
bị khởi tố, các cơ quan truyền thông bắt đầu chiến dịch đổ lỗi cho Bộ
Khoa học và Công nghệ, cho Học Viện quân y (nơi được giao đề tài và
nghiệm thu đề tài sản xuất kit xét nghiệm thần tốc), cho Bộ Y tế…Tuy
vậy, họ lại quên ngay chính họ đã từng sản xuất ra hàng loạt bản tin,
bài viết ca ngợi công ty Việt Á của Phan Quốc Việt
trước đó.
Cứ cho là thời điểm đó họ lấy thông tin từ bản thông cáo báo chí của Bộ
Khoa học và Công nghệ thì họ vẫn không thể thoát tội đồng phạm vì đưa
tin không kiểm chứng. Dấu hiệu móc nối giữa các cá nhân có liên quan ở
các Bộ Y tế, Học viện quân y, Bộ KH và Công nghệ là điều ai cũng thấy.
Nhưng nếu không có các cơ quan truyền thông chính thống và các nhà báo
về hưu đang sắm vai các facebooker đình đám trên mạng xã hội thì liệu
một nơi sản xuất với diện tích 10 mét vuông và anh chàng tép riu Phan
Quốc Việt có thể một bước lên mây không, có trở thành niềm tự hào của
dân tộc khi bộ test kit của Việt Á được hơn “20 quốc gia đặt hàng” và
“WHO thông qua” không?
Lẽ ra, các cơ quan truyền thông (dù vô tình hay cố ý) đã trót tụng ca
công ty Việt Á của Phan Quốc Việt lên mây trước đây cần có lời xin lỗi
và đính chính công khai vì đã sản xuất những bài báo, bản tin nhưng
thiếu kiểm chứng chứ không nên chỉ biết đổ hết trách nhiệm cho các quan
chức lãnh đạo ở Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Y tế. Thử hỏi đạo đức
nghề nghiệp ở đâu, đạo lý xã hội ở đâu, sự công bằng trước pháp luật ở
đâu khi một người dân đăng một dòng tin trên trang cá nhân bày tỏ quan
điểm chống dịch của mình (không giống với quan điểm của chính quyền) là
đã bị xử phạt nhưng hàng loạt cơ quan báo chí cùng các facebooker đăng
tin sai sự thật về công ty Việt Á của Phan Quốc Việt nhưng đến nay vẫn
bình an vô sự?
Đến đây có thể nói bi kịch “chống dịch như chống giặc” trong năm qua của
người dân Việt Nam là cùng lúc phải chống lại hai “quân giặc”. Một là
“quân” Covid Vũ Hán và hai là “tập đoàn quân buôn” Việt Á máu lạnh và
đạo đức giả. Trong “tập đoàn quân buôn” Việt Á không thể bỏ qua vai trò
hà hơi tiếp sức của một bộ phận đội ngũ truyền thông chuyên nghề viết
lách cả trên các phương tiện chính thống lẫn mạng xã hội.
Cái bi kịch, nỗi bất hạnh, sự đớn đau và kiệt quệ ấy còn tăng thêm gấp
bội khi cái điệp khúc “cơ đồ dân tộc, vị thế, tiềm lực, uy tín quốc tế
của đất nước chưa bao giờ được như bây giờ…” thỉnh thoảng lại vang lên
khi vị Tổng giáo chủ xuất hiện và đọc diễn văn ở đâu đó. Hơn 30 ngàn
nhân mạng không may ra đi nhưng không có lấy một ngày quốc tang (chỉ có
một buổi tưởng nhớ) cho thấy cái bi kịch vừa có tính quy luật (sự tha
hóa, suy đồi của tầng lớp lãnh đạo như thế nên tất yếu dân chúng phải
lầm than) vừa là định mệnh, số phần của một dân tộc (có lẽ đang bị trời
hành, trời đày)?
2. Hài kịch đấu giá
“đất máu Thủ Thiêm”
Nếu gọi vụ test kit Việt Á và hơn 30 ngàn đồng bào tử vong là vở bi kịch
trong chiến lược “chống dịch chống giặc” thì vụ đấu giá “đất máu Thủ
Thiêm” (Sài Gòn) của “đại gia” bất động sản Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch tập
đoàn Tân Hoàng Minh là một vở hài kịch có một không hai.
Trước khi bàn về vở hài kịch này thiết nghĩ cũng nên nhắc lại đôi nét về
vết nhơ với lịch sử 20 năm oan khí ngút trời của người dân Thủ Thiêm
dưới thời cai trị của “lãnh chúa” Lê Thanh Hải.
Cùng với vụ Đồng Tâm (Hà Nội), vụ Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), Đặng Ngọc
Viết (Thái Bình), Đặng Văn Hiến (Đăk Nông) … thì vụ Thủ Thiêm là những
minh chứng rõ ràng nhất cho thấy sự lũng đoạn nhà nước về chính sách
“đất đai sở hữu toàn dân” của những “tập đoàn quân buôn” bất động sản.
Dẫu vậy, điểm khác biệt của vụ Thủ Thiêm là đồng bào Sài Gòn (hay miền
Nam) nói chung có vẻ hiền lành hơn nên không có những án mạng khủng
khiếp xảy ra. Thay vào đó là sự chịu đựng đến cùng cực của người dân nơi
đây; hay tuy cũng có án mạng nhưng là người dân vì quá oan ức và kiệt
quệ, khủng hoảng về tinh thần nên có người đã ra đi hoặc tự kết liễu chứ
chưa có ai “nổi dậy” bắn lại chính quyền như các vụ ở phía Bắc.
Chuyện này thì báo chí truyền thông chính thống cũng đã được bật đèn
xanh đưa tin phản ánh suốt nhiệm kỳ ông Nguyễn Thiện Nhân còn làm Bí thư
Sài Gòn. Những ai còn nghi ngại chưa tin cứ tìm đọc “Bút ký Thủ Thiêm”
của nhà văn Võ Đắc Danh sẽ rõ.
Trở lại chuyện tại sao lại gọi vụ đấu giá “đất máu Thủ Thiêm” là vở hài
kịch? Theo tôi, nó hài ở chỗ, không ít những đại gia - con buôn bất động
sản ở Việt Nam giờ đây xem lãnh đạo chính quyền Nhà nước và luật pháp ở
quốc gia này như một trò đùa có cũng như không. Việc ông chủ Tân Hoàng
Minh cố tình phá giá (2,4 tỷ đồng/mét vuông) để được trúng thầu rồi sau
đó viết “tâm thư” gửi tất cả các lãnh đạo, cơ quan Đảng, chính quyền
giải thích việc “bỏ cọc” cho thấy rõ hơn sự thối rửa bên trong của một
xã hội mà “đạo chích thành tôn giáo phổ thông” và “quyền lực bày ra đấu
giá giữa công đường” (Nguyễn Duy).
Đồng thời nó cũng cho thấy sự cấu kết, bắt tay và nuông chiều quá mức
của chính quyền với những “tập đoàn quân buôn” nhằm lũng đoạn chính sách
“sở hữu toàn dân” về đất đai để làm giàu bất chính ở Việt Nam thời gian
qua.
Trong khi đại bộ phận người dân phải đầu tắt mặt tối mưu sinh thì các
“tập đoàn quân buôn” chỉ ngồi một chỗ toan tính chuyện lọc lừa để đẩy
người dân ra bên lề mảnh đất của họ. Đất đai của cha ông bao đời khai
phá nhưng chỉ sau một đêm quy hoạch rồi cưỡng chế là có không ít người
phải tay trắng ra đường, nhà không còn để ở, đất không có để làm dẫn đến
gia đình ly tán, mẹ xa con, vợ xa chồng…
Thế nên, dù ban đầu là màn hài kịch nhưng vụ đấu giá rồi “bỏ cọc” này
đọng lại cuối cùng là những giọt nước mắt uất nghẹn của đồng bào nơi
đây. Trong khi lãnh chúa một thời Lê Thanh Hải vẫn yên vị vui thú điền
viên; trong khi lời hứa của ông cựu Bí thư (giờ đang chễm chệ trong vai
trò ông Nghị) với người dân mất đất vẫn chưa thực hiện trọn vẹn thì các
“tập đoàn quân buôn” lại kéo nhau đến Thủ Thiêm bỡn cợt và diễu võ
giương oai, phô bày tính trọc phú, bần tiện của mình…
Và trong khi một mùa xuân nữa lại về nhưng những người dân thấp cổ bé
miệng Thủ Thiêm vẫn phải lưu lạc tha hương để “mừng Đảng quang vinh,
mừng xuân hạnh phúc” đâu đó trong các khu ổ chuột Sài thành hoa lệ. Màn
hài kịch “đấu giá đất máu” có một không hai rất xứng đáng được lưu danh
thiên cổ nhất là điểm tô thêm cho một thời đại rực rỡ “chưa bao giờ như
bây giờ” của ông Tổng Bí thư.
3. Hooligan trên
mạng xã hội và “Hội nghị Diên Hồng” về văn hóa
Nhìn lại những gì đã xảy ra trong năm qua mà không đề cập đến sự đảo
điên trên thế giới mạng xã hội (facebook, youtube…) ở Việt Nam thì thật
là thiếu sót. Điển hình là việc một nữ đại gia qua những lần “lai trym”
rất bá đạo của mình đã làm cho các văn nghệ sĩ trong giới giải trí điêu
đứng vì liên quan đến việc huy động tiền từ thiện. Hay hiện tại là vụ án
liên quan đến những người ở Tịnh Thất Bồng Lai…với rất nhiều thông tin
không kiểm chứng được tung ra gây ra cảnh nhiễu loạn, không biết đâu mà
lần.
Ở
giác độ văn hóa và truyền thông, những sự việc như thế này một lần nữa
cho thấy sự suy đồi và xuống cấp toàn diện về đạo đức của người Việt hôm
nay với ít nhất là những biểu hiện như sau:
Thứ nhất,
sự thất bại hoàn toàn của truyền thông chính thống trong việc chạy đua
về bài vở, tin tức trong thời đại công nghệ. Hay nói khác đi, đây là
biểu hiện rõ ràng nhất cho thấy sự mất niềm tin của người dân với các cơ
quan báo chí chính thống (nên đã đổ dồn sang việc theo dõi hoặc tự sản
xuất tin tức trên không gian mạng phi chính thống để thỏa mãn tính tò mò
và kiếm tiền) từ đó làm cho không gian mạng ở Việt Nam ngày một như một
bãi chiến trường ngỗn ngang và hổ lốn. Đó cũng là lý do không phải ngẫu
nhiên mà Việt Nam là lại lọt vào top 5 các quốc gia có chỉ số văn minh
thấp nhất trên không gian mạng (do Microsoft khảo sát và công bố).[2]
Thứ hai,
tuy Việt Nam có luật an ninh mạng nhưng có vẻ như luật này chỉ là công
cụ để xử lý những người có quan điểm khác biệt với chính quyền hơn là
quan tâm đến sự an toàn và lành mạnh về thông tin cho người dân trên cả
hai phương diện kỹ thuật bảo mật lẫn văn hóa. Đặc biệt, trong bối cảnh
mạnh ai nấy chứng tỏ mình là “chuyên gia” bình luận chính trị, văn hóa
trên mạng xã hội nếu quan sát kỹ sẽ thấy có một đội ngũ những nhà báo
“hai mang”. Những người này một mặt giữ vai trò quan trọng trong cơ quan
truyền thông chính thống, mặt khác lại là các Facebooker kiêm các KLOs
đang rất phổ biến hiện nay. Với thế mạnh về nghiệp vụ, kỹ năng viết lách
cùng các mối quan hệ rộng với các quan chức chính quyền những người này
dễ dàng dẫn dắt hay thậm chí thao túng các vấn đề xã hội theo những ý đồ
của riêng họ hoặc giúp nhà cầm quyền đánh lạc hướng dư luận về một ván
đề nghiêm trọng nào đó. Trong nhiều trường hợp rất khó để nhận biết họ
có phải là nhà báo chân chính hay chỉ là các mafia hay “hooligan” lưu
manh giả danh trí thức trên mạng…Sự việc liên quan đến chuyện “bác sỹ
Khoa rút ống thở” cha mẹ nhường cho sản phụ song sinh” trong thời điểm
Sài Gòn gồng mình chống dịch là một ví dụ.
Cuối cùng,
tổng hợp các vấn đề trên cho thấy sự thất bại toàn tập của Đảng ta trong
vấn đề “xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân
tộc” suốt mấy mươi năm qua. Sự thất bại ấy còn được minh chứng rõ ràng
và cụ thể hơn ở cái “Hội nghị Diên Hồng về văn hóa” (theo như cách giật
tít rất vớ vẩn của khá nhiều cơ quan truyền thông lề phải). Những bài
tổng kết và phát biểu chỉ đạo mang tính nước đôi cũ rích một lần nữa lại
được mang ra; những ngoa ngôn, sáo ngữ của các “chuyên gia văn hóa” cũng
được dịp quăng quật, tung hứng bất chấp một nền giáo dục - nền tảng quan
trọng để gieo mầm văn hóa lành mạnh cho xã hội - đang bị/được cải cách
nửa vời và đầy dẫy sự tiêu cực, dối trá…
4.
Nỗi mặc cảm và ẩn ức về giải
Nobel văn học
Trong bầu khí quyển suy đồi và lộn tùng phèo trên mạng xã hội như thế,
những ngày cuối năm, thiên hạ lại được một phen ồn ào khi nghe ông Chủ
tịch nước trình bày ước mơ và khát vọng một ngày không xa Việt Nam sẽ có
văn nhân “đạt giải Nobel văn học” (trong khi chẳng mấy người quan tâm
đến 5000 container nông sản bị ông “bạn vàng” kiếm chuyện không cho
thông quan bị kẹt lại ở biên giới Lạng Sơn). Công tâm mà nói, cá nhân
tôi thấy phát biểu của ông Chủ tịch nước chẳng có gì đáng chê cười. Với
vai trò “Đảng lãnh đạo diện” cùng trách nhiệm lẫn “truyền thống” người
đứng đầu khi đến tham dự các buổi lễ lạt ở các tổ chức hội đoàn phải lên
phát biểu chỉ đạo thì việc phát biểu của ông Chủ tịch nước chẳng có gì
sai.
Hay nói khác đi, ông Chủ tịch nước thật ra chỉ đang nói thay cho cái ước
mơ, sự mặc cảm hay sâu xa hơn là sự ẩn ức của giới văn nghệ sĩ nước Việt
hôm nay mà thôi. Không phải cái ước mơ “ăn giải Nobel văn chương” đã có
từ thời cụ Nam Cao viết “Đời thừa” cách đây mấy mươi năm hay sao? Thế
nên, những ông bà nào nhà văn nào mỉa mai phát biểu của ông Chủ tịch
nước chẳng qua theo tôi chỉ là đang “làm mình làm mẩy” nhằm chứng tỏ bản
thân thanh cao trong sự giả trá, hèn kém mà thôi. Không ít ông bà văn
nghệ sĩ cạnh khóe rằng với “cơ chế kiểm duyệt hiện nay mà ông Chủ tịch
nước đòi nhà văn Việt Nam có giải Nobel” nhưng hay thử đặt lại vấn đề
chắc gì khi không bị kiểm duyệt thì các ông bà viết được tác phẩm lớn để
ăn giải này?
Quan sát xu hướng lựa chọn để trao giải Nobel văn chương của Viện hàn
lâm Thụy Điển một vài năm gần đây, tôi cho rằng, xét về tài năng và tầm
vóc ở Việt Nam có hai nhà văn hoàn toàn có thể sánh ngang với các nhà
văn trên thế giới đoạt giải này đó là Nguyễn Duy và Nguyễn Huy Thiệp. Từ
đây, soi lại nỗi khát khao “đạt giải Nobel” của ông Chủ tịch nước cho
chúng ta thấy rõ hơn sự tự ti yếm thế của “Đảng ta” liên quan đến vấn đề
xét và trao giải Nhà nước về văn hóa văn nghệ hay cụ thể hơn là Giải
thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật lâu nay. Hay nói khác đi, ông
Chủ tịch nước đang gián tiếp thừa nhận giá trị của giải các thưởng văn
chương trong nước chẳng qua chỉ là sự “tự sướng” chứ chẳng là cái đinh
gì so với giải Nobel của thế giới.
Dẫu vậy, nếu tự tin và tử tế hơn thì lẽ ra, “Đảng ta” phải trao giải và
vinh danh cho Nguyễn Duy và cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ rất lâu rồi
chứ không phải bị các ông quan văn hóa văn nghệ chụp cho cái mũ “phản
động” lên đầu họ suốt mấy chục năm qua.
Ngẫm kỹ lại xem, mấy mươi năm trước Nguyễn Huy Thiệp bảo “đặc điểm lớn
nhất của xứ sở này là nhược tiểu…” còn Nguyễn Duy nói “xứ sở thật thà
sao thật lắm thứ điếm/Điếm biệt thự, điếm chợ, điếm vườn/Điếm cấp thấp
bán trôn nuôi miệng/Điếm cấp cao bán miệng nuôi trôn/Vật giá tăng vì hạ
giá linh hồn…” thì sai ở chỗ nào?
5. Thay lời kết
Nhìn lại một năm nhưng chỉ toàn những chuyện buồn đau hẳn là phiến diện.
Thế nên, khách quan và công tâm mà nói cũng phải ghi nhận nỗ lực đáng
trân trọng của lãnh đạo, chính quyền Nhà nước trong vấn đề “ngoại giao
vắc xin” để phủ cho toàn dân khi đã lờ mờ nhận ra việc đeo đuổi chiến
dịch “zero Covid” là một sai lầm. Đặc biệt, cần phải ghi nhận sự nỗ lực
và cố gắng tuyệt vời của đội ngũ y bác sĩ trên cả nước trong tuyến đầu
chống dịch trong những thời điểm căng thẳng và phức tạp nhất.
Đây có thể xem là những điểm sáng để nhóm lên ngọn lửa hy vọng về một
năm mới an lành và tỉnh thức trong tình yêu thương và đoàn kết. An lành
cho đại bộ phận người dân lương thiện và tỉnh thức cho tất cả nhưng quan
trọng hơn là với những người đang nắm quyền cai trị và điều hành đất
nước.
Người dân cần tỉnh thức để nhận ra đâu là những quyền cơ bản của mình
trong mối quan hệ với nhà cầm quyền để mà trưởng thành hơn, văn minh
hơn. Còn nhà cầm quyền cần tỉnh thức để sám hối về những quyết sách sai
lầm của mình; tỉnh thức để thay đổi tư duy và nhận thức về con người và
xã hội Việt Nam hôm nay; và nhất là từng bước cải cách thể chế chính trị
quốc gia nhằm chấm dứt tình trạng lũng đoạn của các nhóm lợi ích thân
hữu; hạn chế thấp nhất những sai lầm - nguyên nhân gây ra những cảnh đau
thương tang tóc cho dân chúng thời gian qua. Cái sai lầm đồng thời cũng
là một sự thật mà nói như nhà thơ Thái Bá Tân (một người cũng rất đặc
biệt, xét ở phương diện nào đó cũng rất xứng đáng được vinh danh bằng
những giải thưởng quốc gia lẫn quốc tế) là:
Một khi cộng sản đỏ
Chơi với tỉ phú đen
Thì kết quả tất yếu
Là xã hội đảo điên.
Xin mạn phép mượn mấy câu trên của ông để kết lại bài tổng kết cuối năm
con trâu này vậy!
Q.H.N
CT, 15/01/2022
[1]
Nguyễn Đức Thành – “Cần
nhìn nhận vụ kit xét nghiệm virus SARS-CoV-2 là lũng đoạn nhà
nước”.
http://www.viet-studies.net/kinhte/NguyenDucThanh_LungDoanNhaNuoc.html
[2]
Báo Tuổi Trẻ - “Người
Việt kém văn minh trên mạng”.
https://tuoitre.vn/nguoi-viet-kem-van-minh-tren-mang-20200223220019317.htm
|