Tổng kết cuối năm:
Việt Nam Nhìn Từ Bên Trong
Quách Hạo Nhiên
Nhìn từ bên trong là nhìn với tinh thần tự vấn, tự soi rọi chính mình.
Nhìn từ bên trong vì thế, đòi hỏi sự dũng cảm để dám trung thực với bản
thân và cộng đồng, dân tộc. Một quốc gia, một dân tộc, một xã hội mà “hệ
điều hành”, vận hành không dựa trên những giá trị nền tảng có tính chuẩn
mực, phổ quát; trái lại, chỉ thừa mứa sự giả dối và ảo tưởng đó là dấu
hiệu của sự tha hóa và suy đồi. Quốc gia, dân tộc như thế khó có thể nói
đang phát triển ổn định hay bền vững cho dù những chỉ số tăng trưởng
thuần túy về kinh tế có thuộc tốp đầu thế giới.
1. Đại hội Đảng các
cấp, vi rút Vũ Hán và bão lũ miền Trung
Để chuẩn bị cho Đại hội toàn quốc lần thứ XIII (dự kiến cuối tháng 01
đến nửa đầu tháng 02/2021), gần như cả năm 2020, Đảng ta đã tập trung
mọi nguồn lực để chuẩn bị trong bối cảnh con vi rút Vũ Hán càn quét toàn
cầu. Ngoài ra, trong khoảng 2 tháng cuối năm (từ tháng 10 đến đầu tháng
12), khúc ruột miền Trung còn hứng chịu thêm một đợt bão lũ rất nghiêm
trọng.
Nếu như việc tập trung đối phó với con vi rút Vũ Hán bằng những bước đi
căn cơ và hiệu quả, được bạn bè thế giới ngưỡng mộ, thì ngược lại, hình
ảnh cờ hoa tràn ngập trong vô số Đại hội Đảng các cấp đã phơi bày một
nghịch lý đáng suy ngẫm: Đảng bao giờ và lúc nào cũng quang vinh, “đi
trước”, hưởng trước còn đại bộ phân dân chúng, nhìn chung, vẫn nghèo xơ
xác và lũ lượt theo sau.
Chưa có một thống kê nào về tổng chi phí (cờ, hoa, băng rôn, khẩu hiệu,
in ấn tài liệu, quà tặng đại biểu…) dành cho cuộc tổng tập dượt này
nhưng có một điều chắc chắn kinh phí ấy là tiền thuế của hơn 90 triệu
đồng bào trong và ngoài nước góp vào. Tiêu pha cho những việc hình thức
như thế có đáng không chắc chắn là một câu hỏi bức thiết về khoa học
thống kê nhưng sẽ không cần thiết với đại bộ phận dân chúng đang rất cần
có miếng bỏ vào mồm trong bối cảnh đại dịch và bão càn, lũ quét.
Thế nên, như thường lệ, truyền thông chính thống vẫn luôn làm tốt chức
năng tuyên truyền và định hướng của mình. Tinh thần tương thân, tương
ái; lá lành đùm lá rách, lá rách đùm lá nát – một truyền thống quý báu
của dân tộc mấy ngàn năm nghèo đói - đương nhiên là “món ăn tinh thần”
ngon, bổ, rẻ trong bối cảnh buộc phải phong tỏa, cách ly toàn xã hội.
Dân chúng phần vì sợ chết, phần vì đã quen chịu đựng nên nhìn chung là
ngoan ngoãn ngồi nhà đọc báo điện tử, chia sẻ cách rửa tay phòng chống
dịch; số khác thức thời hơn thì lên mạng xã hội chém gió để bán khẩu
trang dỏm và nước sát khuẩn không rõ nguồn gốc; hoặc không thì kiếm tiền
bằng những câu chuyện nóng, sốt, giật gân…
Ngoài ra, để tạo hiệu ứng tuyên truyền trong bối cảnh dân chúng không
thể đi đâu ngoài việc ở nhà cầm điện thoại lướt mạng thì việc tạo ra
những anh hùng xuất chúng có công dẫn dắt dân tộc qua cơn bĩ cực là
phương pháp dễ thực hiện. Thế nên, ngài Phó thủ tướng trực tiếp chỉ huy
trận địa phong chống Covid, các nhà tư bản sắm vai Mạnh Thường Quân, các
“anh hùng ATM gạo” hay về sau là cô ca sĩ nọ ngay lập tức trở thành
những vị anh hùng hay bà tiên giáng trần để cứu nhân độ thế.
Có ơn phải trả (lại một truyền thống quý báu nữa) nên thơ và nhạc là hai
món tủ, món ruột không thể thiếu để dân chúng thay phiên nhau thể hiện
lòng biết ơn của mình trước Đảng, Chính phủ cũng như cô ca sĩ có tấm
lòng Bồ Tát trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội.
Tóm lại, năm 2020, dù buộc phải phong tỏa toàn xã hội để đối phó với vi
rút Vũ Hán (đợt 1) và bão lũ càn quét các tỉnh miền Trung trong hai
tháng cuối năm nhưng Đại hội đại biểu các cấp toàn quốc của Đảng ta vẫn
diễn ra đúng tiến độ và thành công mĩ mãn. Sự thành công này một lần nữa
cho thấy sự tài tình và sáng suốt của toàn hệ thống chính trị.
Dẫu vậy, nếu đặt sự tài tình và sáng suốt ấy bên cạnh bức tranh về sự
xác xơ của một bộ phận dân chúng khi phải xếp hàng nhận gạo, mắm, muối
từ các nhà từ thiện; sự trần trụi, tang thương của đồng bào miền Trung
trong cơn bão lũ sẽ cho thấy một Việt Nam ẩn sâu bên trong là những mảng
lở loét, bầy nhầy, nham nhở…
Nói khác đi, đó là bức tranh tổng thể về sự tương phản rất giống với bức
tranh trong “Sở kiến hành” (Những điều trông thấy trên đường) mà cụ
Nguyễn Du đã vẽ cách đây mấy trăm năm. Hóa ra, cuộc sống của quan và dân
ở xứ sở này từ bấy đến nay về cơ bản vẫn không có gì thay đổi: Quan
đương nhiên cao sang, quyền quý, xa hoa ăn trên ngồi trước; còn dân
đương nhiên vất vả, cùng cực, chịu đựng và mang ơn…
2. Tầng lớp trí
thức nhìn từ sự cố sách giáo khoa lớp 1
Bàn về vai trò và trách nhiệm của người trí thức trong xã hội, học giả
Nguyễn Văn Trung có một định nghĩa rất hay:
“Người trí thức không phải là người có kiến thức đại học hoặc sau đại
học, mà là người có kiến thức chuyên sâu nhờ đọc sách và kinh nghiệm
tiếp xúc. Thực ra, điều cốt yếu đáng nói không phải là vốn kiến thức, mà
là thái độ trí thức đối với các vốn ấy và, nhất là, đối với những vấn đề
cuộc sống trước mặt đặt ra.”
Nhà văn hóa Cao Huy Thuần cũng có cái nhìn và cách nói rất độc đáo:
“Ai đánh thức không cho xã hội ngủ người ấy là trí thức, bất kể họ là
ai. Bởi vì trí thức không có vai trò nào khác, họ là và chỉ là lương tâm
của thời đại.”
Việt Nam đã và đang tiến hành công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện.
Trong xu thế toàn cầu hóa về tri thức và văn hóa, theo tôi, đây là một
chủ trương đúng và cần thiết.
Có người nói vấn đề quan trọng nhất của cuộc đổi mới lần này là phải xác
định và đề ra triết lý giáo dục rồi mới bắt tay vào làm các khâu còn lại
trong đó có vấn đề biên soạn sách giáo khoa phổ thông các cấp. Quan điểm
này, theo tôi là không sai. Tuy vậy, từ thực tế về bối cảnh và điều kiện
của Việt Nam hôm nay, tôi nghĩ việc lựa chọn những người “cầm trịch” để
lèo lái con thuyền giáo dục mới là yếu tố mang tính quyết định nhất.
Triết lý giáo dục đương nhiên cần thiết vì là kim chỉ nam có tính định
hướng chung. Nhưng triết lý cũng do chính con người nghĩ ra nên quyết
định nhất vẫn là yếu tố con người. Cho dù có xác lập một triết lý hay ho
đến đâu đi nữa nhưng vẫn sử dụng những con người cũ để triển khai thì
cũng khó tạo nên những đột phá theo hướng tích cực, tiến bộ. Sự cố về bộ
sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều thời gian qua đã ít nhiều cho
thấy điều đó.
Hay nói khác đi, qua sự cố này đã cho thấy sai lầm lớn nhất của việc đổi
mới căn bản và toàn diện giáo dục ở Việt Nam hiện nay là vẫn không/chưa
thể tập hợp được hết những cá nhân ưu tú và tử tế nhất của đất nước để
cùng chung tay gánh vác sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Ngoài ra, nhìn vào thái độ của các “cây đa cây đề” liên quan trực và
gián tiếp đến những sai sót trong sách lớp khoa lớp 1 nhóm Cánh Diều (cả
những người biên soạn lẫn Hội đồng thẩm định) cho thấy văn hóa, giáo dục
và xã hội Việt Nam còn lâu mới có thể phát triển theo hướng văn minh và
tiến bộ.
Việc các “cây đa cây đề” với vai trò đầu tàu, dẫn dắt nhưng luôn ngụy
biện, bao biện không thừa nhận những sai lầm của mình đã phơi bày bản
chất thật rất đáng hổ thẹn
của họ trước “những vấn đề cuộc
sống đặt ra”. Không hổ thẹn sao được khi mà chính họ luôn mạnh miệng
chỉ trích các quan chức trong bộ máy chính quyền khi những người này mắc
sai phạm nhưng đến lượt mình gây ra lỗi lầm thì không có dũng khí của
một kẻ sĩ chân chính. Đã vậy, khi làm giáo dục họ đặt mục tiêu phải làm
sao hình thành phẩm chất trung thực, tư duy độc lập, phản biện cho thế
hệ trẻ nhưng chính họ chứ không phải ai khác lại là những người bảo thủ,
định kiến và hẹp hòi nhất khi không chịu thừa nhận những điều trên từ
người khác.
Không dừng lại ở đó, lâu nay những “cây đa, cây đề” này vốn là thần
tượng của rất nhiều người trong xã hội. Đặc biệt, vây quanh họ là những
cá nhân với mối quan hệ cộng sinh về danh lợi trong lĩnh vực văn hóa,
giáo dục và truyền thông báo chí (đồng nghiệp, bè bạn, học trò qua các
thế hệ…). Vì mối quan hệ cộng sinh về danh lợi này nên khi các “cây đa
cây đề” phạm phải sai lầm chẳng mấy người dám lên tiếng đối thoại bằng
tinh thần trách nhiệm và nhất là “lương tâm thời đại” của kẻ sĩ chân
chính. Ở giác độ văn hóa, đây là
sự cộng sinh suy đồi vì nó nhân danh sự “tương kính”, “tôn sự trọng
đạo” hay “kính lão đắc thọ” giả hiệu mà bất chấp hậu quả cùng những hệ
lụy lâu dài về sau.
Cuối cùng, một vấn đề quan trọng nhưng hiếm người đề cập đó là nhìn
chung, lâu nay hầu hết các dự án, đề án liên quan đến kinh tế, văn hóa,
giáo dục mang tầm quốc sách đều do các nhân sĩ, trí thức phía Bắc chủ
trì, chi phối và đưa ra các quyết định cuối cùng. Các nhân sĩ, trí thức
phía Nam rất ít khi (có cơ hội) tham gia vào các ban bệ, hội nhóm này.
Đây là một thực tế từ khi nước nhà thống nhất đến nay. Thực tế này phản
ánh rất rõ “năng lực” và “truyền thống lý luận”, sự khôn lõi của nhân
sĩ, trí thức phía Bắc đồng thời cho thấy tính thụ động, thờ ơ, không
chấp, không quan tâm của nhân sĩ, trí thức phía Nam.
Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Huy Thiệp – một nhà văn phía Bắc đã khái
quát về nhân sĩ, “trí thức Bắc Hà” rất sinh động và trần trụi trong
truyện ngắn “Kiếm sắc” cách đây hơn 30 năm. Đoạn đối thoại giữa nhân vật
vua Gia Long - Nguyễn Ánh với nhân vật Đặng Phú Lân trong “Kiếm sắc” là
cái nhìn phản tỉnh cao độ rất đáng trân trọng của Nguyễn Huy Thiệp nhưng
tiếc thay, mọi chuyện đến nay vẫn không có gì chuyển biến:
“Ánh hỏi: "Trưa nay
khi nói việc ta muốn chôn danh sĩ Bắc Hà, sao ngươi tái mặt?" Lân tâu:
"Lân là người Bắc Hà nên tủi phận mình sợ cho mình".
Ánh bảo: "Ta chỉ
ghét bọn chữ nghĩa thôi, còn ngươi là con nhà võ thì sợ gì. Chữ nghĩa
chúng nó thối lắm, ngụy biện, xảo trá tinh vi. Hành tung chúng, ta chẳng
lo. Toàn lũ ốm o, như dòi chồn hèn mọn cả".
Lân bảo: "Ða số như
thế, chôn cũng đáng. Chỉ có đôi người khá, chúa công được họ thì thêm
sang cho chúa công". Ánh bảo: "Ta không tin bọn nó theo ta. Chúng nó
quen tỉ tê với chữ nghĩa thì sẽ coi ta là vô đạo, không có tâm thế. Rửa
đầu óc chúng nó mệt lắm…".
Nhờ có “truyền thống lý luận” hay nói nôm na là sự khôn lõi, bẻm mép nên
nhìn chung, nhân sĩ trí thức phía Bắc có đời sống vật chất sống sung túc
và giàu có hơn nhân sĩ, trí thức phía Nam. Tuy vậy, nhìn sâu vào bên
trong lại thấy họ có vẻ “nghèo”, và hời hợt, khổ sở hơn về phương diện
đời sống tinh thần. Đó phải chăng cũng là lý do mà, các nhân sĩ, trí
thức phía Nam về cuối đời hiếm khi phải ăn năn, sám hối như không ít trí
thức, nhân sĩ phía Bắc (trước khi mất thường viết hồi ký để thanh minh
và “nói lại” kiểu như Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Mạnh…- rất khác so với
Sơn Nam hay Trang Thế Hy…)? Âu cũng là quả báo và hệ lụy tất yếu bởi
“bút sa gà chết”. Nếu anh không kiểm soát tốt những suy nghĩ và cảm xúc
nhất thời của bản thân anh hôm nay; đặc biệt nếu anh không trung thực và
tự trọng mà bẽ cong ngòi bút; và một khi đã cụ thể hóa những suy nghĩ và
cảm xúc ấy thành ra giấy trắng mực đen thì chắc chắn đó sẽ là bằng chứng
mà hậu thế sẽ soi vào, đánh giá.
Rồi đây, những Nguyễn Minh Thuyết, Trần Đình Sử, Đỗ Ngọc Thống…hôm nay
sẽ được hậu thế đánh giá một cách công bằng và thỏa đáng nhất là về
thái độ trí thức và
tầm vóc văn hóa trên cơ sở
những gì họ viết ra.
Nhưng thôi, dẫu sao đó cũng là chuyện của tương lai, hiện tại chúng ta
hãy cứ hy vọng vì vẫn còn những Bùi Văn Nam Sơn, Cao Huy Thuần, Lê Ngọc
Trà, Huỳnh Như Phương…- những nhân sĩ, trí thức đáng kính đang cần mẫn
cống hiến trong âm thầm, lặng lẽ chứ không ồn ào, náo nhiệt, xu thời…
3. Bầu Tổng thống
xứ cờ hoa/ Mà sao dân Việt chúng ta rần rần
Người viết bài này
từng nhận định, người Việt nếu soi kỹ, nhìn kỹ vào bên trong là một dân
tộc rời rạc, đầy sân hận và thiếu đoàn kết. Chỉ khi nào cả dân tộc bị
đẩy đến bước đường cùng (bị xâm lược bởi ngoại bang hoặc thiên tai tàn
khốc…) thì mới biết yêu thương và đùm bọc nhau. Đó phải chăng là lý do
mà suốt chiều dài lịch sử, cả dân tộc phải quay cuồng trong các cuộc
chiến tranh, đánh đấm triền miên? Hết đánh đuổi các thế lực ngoại bang
xâm lược lại quay về “gà nhà bôi mặt đá nhau”. Cũng chính vì say sưa “đá
nhau” nên lại tiếp tục bị ngoại bang lợi dụng. Cứ thế, mấy ngàn năm
không thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của bạo lực, đánh đấm (không chỉ bạo
lực về vũ trang mà còn về tinh thần).
Đáng tiếc là “truyền thống” chia rẽ, “mất đoàn kết nội” này hiếm khi
được các sử gia và các chuyên gia văn hóa lên tiếng để cảnh tỉnh, thức
tỉnh hậu thế. Trái lại, sử sách chỉ réo rắt, tụng ca một chiều về niềm
tự hào hay sự gan dạ, dũng cảm, anh hùng của dân tộc khi sơn hà nguy
biến.
Tuy cũng không quá bất ngờ về sự ham gây gỗ và “máu me chiến trận” của
người Việt nhưng phải nói rằng tôi thật sự kinh khiếp về độ hung hãn của
đồng bào mình trong lúc tranh cãi về sự kiện bầu cử Tổng thống Huê Kỳ
trên mạng xã hội vừa qua. Tưởng rằng, với sự phát triển của công nghệ
thông tin và truyền thông hiện đại, sẽ mở ra nhiều cơ hội để người Việt
tự học, tự rèn luyện nhằm nâng cao nhận thức bản thân. Thế nhưng, về cơ
bản đa phần vẫn cứ mông muội, hoang dã và man rợ trong hành xử, ứng xử
như thường.
“Việc nhà biếng nhác, việc chú bác làm siêng”. Đại hội Đảng các cấp ở xứ
mình băng rôn khẩu hiệu giăng mắc đầy đường nhưng chẳng mấy ai quan tâm
còn bầu cử nơi xứ người thì mỗi giây, mỗi phút ai nấy lại hùng hổ chứng
tỏ sự thông tuệ, hiểu biết mang tầm “bách khoa toàn thư” và quốc tế.
Thật lạ lùng làm sao, chỉ vì ủng hộ hay không ủng ông Trăm, ông Đen mà
từ thường dân cho đến trí thức sẵn sàng lao vào nhau nhất là xem nhau
như kẻ thù không đội trời chung.
Chỉ vì ẩn ức và khát khao thoát khỏi sự kìm kẹp của tập đoàn chính trị
Tập Cận Bình mà cả dân tộc lại tự bộ lộc và chứng minh cho cả thế giới
thấy sự rời rạc và sân hận không thể tin nổi.
Không tự giải quyết vấn đề của chính mình trái lại còn muốn “mượn gió bẻ
măng” cho thấy tâm lý nhược tiểu và yếm thế của một dân tộc chưa trưởng
thành dù có bề dày lịch lập quốc mấy nghìn năm.
Một dân tộc như thế, thử hỏi làm sao có tương lai nếu không tự nhìn lại
và thay đổi ngay từ bây giờ?
Thay lời kết
Về cơ bản, Đại hội Đảng là cơ hội để nhìn lại những gì đã làm được và
chưa/không làm được; trên cơ sở đó chỉ ra nguyên nhân và đề ra biện pháp
khắc phục. Tiếp theo là vạch ra lộ trình, đường hướng và mục tiêu cho
chặng đường mới.
Được biết, lần này Đảng ta đặt mục tiêu đến giữa thế kỷ 21 Việt Nam
“sẽ trở thành nước phát triển
theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bỏ qua cái đuôi “định hướng…”, cứ
tạm xem mục tiêu như thế là vừa tầm. Vấn đề là làm sao để đạt được mục
tiêu ấy khi những nền tảng văn hóa tối quan trọng cấu thành “nội lực
quốc gia” đã đang rệu rã hay thậm chí mục ruỗng?
Đồng bằng sông Cửu Long – xương sống về kinh tế nông nghiệp của cả nước
đang đứng trước nguy cơ tan rã; “rừng vàng biển bạc” ở những vùng miền
còn lại cũng không còn là thế mạnh; nhân sĩ trí thức thì đa phần đang
quay cuồng trong hai chữ lợi danh; dân chúng bình dân thì mạnh ai nấy
sống; tham nhũng thì đã thành quốc nạn… Trong khi đó, quan trọng nhất là
cái “hệ điều hành” chung của quốc gia đã quá cũ kỹ, lỗi thời đã vậy còn
rơi vào khủng hoảng (nhân sự cấp cao) thì cơ sở nào để hứa hẹn trong
tương lai sẽ lập nên kỳ tích?
Thế nên, nhìn lại và nhìn sâu vào bên trong để hiểu và nhận ra mình đang
là ai, đang ở đâu và làm gì là thao tác nhận thức quan trọng nhất lúc
này. Nếu không mọi hứa hẹn sẽ chỉ là hoang tưởng và ảo vọng.
Cách đây mấy mươi năm Lưu Quang Vũ từng nói:
Liệu rằng, đến giữa thế kỷ 21 ai sẽ dũng cảm tự nhận mình là người tốt
hay kẻ xấu trước quốc dân đồng bào?
CT, Đêm Giáng sinh,
2020
Q.H.N
|