Nghĩ Từ Thảm Kịch
Đồng Tâm: Ông Trọng Sẽ Chúc Người Dân Điều Gì Trong Đêm Giao Thừa Năm
Nay?
Quách Hạo Nhiên
1. Đồng Tâm: thảm
kịch lẽ ra có thể tránh được
Đã hơn 10 ngày trôi qua nhưng thật lòng mà nói, đến giờ tôi vẫn không
nghĩ thảm kịch Đồng Tâm đã xảy ra. Hoàn toàn không bênh vực cho những
hành vi vi phạm pháp luật của một số người dân Đồng Tâm nhưng tôi nghĩ,
nếu lãnh đạo Đảng và chính quyền Hà Nội kiên trì đối thoại với người dân
và nhất là không quá háo thắng trong những kế hoạch và “phương án tác
chiến” tại thực địa thì tin chắc thảm kịch đau lòng này đã không xảy ra.
Trước hết, phải xác quyết rằng, bản chất của vụ Đồng Tâm như nhiều người
đã phân tích thực chất là vấn đề tranh chấp dân sự - tranh chấp đất đai
giữa chính quyền và người dân. Thế nên, hình sự hóa tranh chấp dân sự
dẫn đến đối đầu bằng bạo lực đẫm máu là lỗi từ cả hai phía, tuy nhiên,
theo tôi, lỗi trước hết là ở chính quyền. Đầu tiên là lỗi về cơ chế “đất
đai sở hữu toàn dân”, tiếp theo là lỗi về “quy hoạch treo” (xin đừng nói
rằng đây là đất quốc phòng thì muốn làm gì làm, “treo” bao lâu cũng
được), cuối cùng là sự bội tín của ông Nguyễn Đức Chung.
Nên nhớ rằng hai năm trước đó, Đồng Tâm đã từng “căng như dây đàn” khi
người dân ở đây đã đồng lòng “bắt sống” và “giam lỏng” 38 chiến sĩ cảnh
sát nhưng cuối cùng mọi việc cũng được vãn hồi sau khi đích thân ông
Nguyễn Đức Chung trực tiếp xuống hiện trường để tổ chức đối thoại trực
tiếp với người dân, sau đó mọi khúc mắc đã được tháo gỡ. Nếu không bội
tín (sau khi đã ký vào tờ cam kết) và khôn ngoan, khéo léo hơn thì 2 năm
qua, người đứng đầu chính quyền Hà Nội hoàn toàn có thể tháo gỡ và hóa
giải được mâu thuẫn với người dân Đồng Tâm bằng biện pháp hòa bình.
Ngoài ra, cho dù chính quyền Hà Nội chỉ biết bám vào căn cứ duy nhất là
bản kết luận của Thanh tra Chính phủ (kết luận toàn bộ đất tranh chấp ở
sân bay Miếu Môn là thuộc sự quản lý của Bộ Quốc phòng) để xử lý vụ
tranh chấp này nhưng về nguyên tắc người dân vẫn có quyền khiếu nại hoặc
thậm chí kiện ra tòa để giải quyết. Vì theo luật thì chỉ có phán quyết
của tòa án mới là căn cứ pháp lý cuối cùng để giải quyết tranh chấp. Từ
đây, một câu hỏi cần đặt ra là tại sao lãnh đạo và chính quyền Hà Nội
lại quyết “ăn thua đủ” với người dân Đồng Tâm như thế? Tại sao không
tiếp cận vấn đề như cách mà lãnh đạo và chính quyền TP Hồ Chí Minh đã và
đang kiên trì đối thoại với người dân trong vụ Thủ Thiêm (Thanh tra
Chính phủ cũng đã có kết luận nhưng người dân Thủ Thiêm vẫn không hài
lòng nên phải đối thoại tiếp)? Chính quyền Hà Nội có nhất thiết phải yêu
cầu Bộ Quốc phòng phải nhanh chóng xây tường rào bảo vệ để rồi xảy ra
đụng độ với người dân nhất là trong bối cảnh cả nước đang háo hức
“mừng Đảng quang vinh, mừng Xuân
thắng lợi, mừng đất nước đổi mới” hay không?
Một liên hệ khác, thời gian qua, ai cũng biết Trung Quốc nhiều lần cho
tàu chiến đến xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở biển Đông bất chấp luật
pháp của ta và quốc tế. Đặc biệt, họ đã cố tình khiêu khích bằng cách
xịt vòi rồng hay thậm chí cho tàu đâm thẳng vào các tàu chấp pháp của
Việt Nam nhưng không một lần nào VN nổ súng phản kháng lại. Với lối hành
xử hung hăng, ngang ngược và thô bạo ấy Trung Quốc mới thực sự là kẻ
thù, là thế lực thù địch của Việt Nam thế nhưng trên mặt trận ngoại giao
“Đảng ta” bao giờ cũng “mềm mỏng” và triệt để tuân thủ nguyên tắc “kiên
trì đối thoại” để tránh xung đột. Với kẻ thù nhưng “Đảng ta” còn ứng xử
“nhân văn” như vậy thì tại sao với đồng bào mình chính quyền lại sử dụng
vũ lực trong khi vẫn có cách giải quyết tối ưu hơn? Chẳng lẽ, lâu nay
khi người dân rất nhiều lần bảo lãnh đạo, chính quyền hiện nay “hèn với
giặc, ác với dân” mà không thấy “nhột” hay sao?
Cuối cùng, từ thực tế “tác chiến” của cả hai bên tại Đồng Tâm cho thấy,
những người dân ở đây (trên dưới 20 người) tuy đã vi phạm pháp luật
(chuẩn bị vũ khí và có những lời lẽ, hành vi đe dọa và sẵn sàng chống
trả chính quyền như họ tuyên bố “sẵn sàng hy sinh để giữ đất”) nhưng
thiết nghĩ nhìn chung tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát, phong tỏa của
chính quyền. Vậy thì có đáng hay không khi chính quyền Hà Nội để xảy ra
cảnh “nồi da xáo thịt”, cho “quân mình chiến dân ta”? Đặc biệt, công tác
trinh sát, nắm tình hình và lên các kịch bản và phương án điều quân, tác
chiến như thế nào mà làm cho 3 chiến sĩ và một thường dân thiệt mạng oan
uổng như thế?
Đến đây có thể nói, để xảy ra thảm kịch này, cá nhân tôi cho rằng các
ông Hoàng Trung Hải, ông Nguyễn Đức Chung – Bí thư và Chủ tịch TP và ông
Đoàn Duy Khương – Giám đốc công an Hà Nội phải là những cá nhân chịu
trách nhiệm trước tiên. Đó là trách nhiệm giải trình trước lãnh đạo cấp
cao hơn và với nhân dân về việc tại sao lại xảy ra thảm kịch mà lẽ ra có
thể tránh được. Nếu lãnh đạo, chính quyền và công an Hà Nội cho rằng
mình có đầy đủ cơ sở pháp lý để thực thi nhiệm vụ và không vi phạm pháp
luật thì cần nhanh chóng minh bạch các bằng chứng và thông tin để nhân
dân giám sát.
2. Đồng Tâm: Hệ lụy
tất yếu của bệnh “kiêu ngạo cộng sản” hay là sự khủng hoảng thiên lương,
thiên tính của người Việt trong xã hội hôm nay
Thảm kịch ở Đồng Tâm rõ ràng rất nghiêm trọng nhưng cho đến nay tất cả
những thông tin có liên quan gần như bị cả hệ thống tuyên truyền của
đảng và chính quyền, bưng bít, giấu kín. Có thể thấy, ngay khi vụ việc
xảy ra, cả hệ thống báo chí truyền thông chính thống hoàn toàn bị vô
hiệu hóa; hàng mấy trăm tờ báo chỉ được phép đưa tin nhỏ giọt bằng cách
dẫn lại từ thông báo trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công an. Ngoài
ra, tất cả cho đến thời điểm nay chỉ là thông tin một chiều nhằm lên án,
kết tội những người dân Đồng Tâm đã bị bắt trong vụ xung đột (dù chưa có
phán quyết của tòa án) từ phía đài truyền hình Việt Nam (việc đưa tin để
kết tội này chủ yếu được xào nấu lại từ các bài viết của đại tá, phóng
viên báo Quân Đội Nhân Dân Nguyễn Văn Minh – một nhà báo trung thành,
tận tụy phục vụ cho lý tưởng của Đảng ta với lối tuyên truyền rất đặc
trưng từ thời đất nước còn chìm trong bom đạn, chiến tranh của thế kỷ
trước: “phe địch” – “phe ta” quyết không đội trời chung).
Dù sao cũng phải khẳng định rằng, việc một số người dân Đồng Tâm tàng
trữ vũ khí trái phép và có lời lẽ đe dọa chính quyền trên mạng xã hội
hay và chống người thi hành công vụ… là những hành vi vi phạm pháp luật
không thể chối cãi. Thế nhưng, không vì thế mà chính quyền tự cho mình
việc điều quân trấn áp (4 giờ sáng ngày 9/1) , bất chấp quy trình và các
thủ tục theo quy định của pháp luật. Đặc biệt, khi vụ việc xảy ra, nếu
đã nói đến chuyện thượng tôn pháp luật thì chính quyền và công an Hà Nội
phải tuân thủ luật báo chí liên quan đến về quyền tiếp cận thông tin và
tự do ngôn luận của người dân; phải để cho các cơ quan báo chí trong
nước và quốc tế tiếp cận hiện trường và tác nghiệp nhằm mang đến những
thông tin đa chiều và khách quan nhất… Trong thời đại công nghệ hôm nay,
việc bưng bít và bịt miệng truyền thông trong những vụ việc như thế này
chỉ càng làm cho người dân thêm nghi ngờ và mất niềm tin về tính chính
danh của lãnh đạo, chính quyền mà thôi. Ngoài ra, cũng không nên vừa bịt
miệng vừa dùng truyền thông chính thống để tuyên truyền những thông tin
một chiều có lợi cho mình. Đây rõ ràng là một sự bất công về quyền được
thông tin và tự do ngôn luậ với người dân Đồng Tâm.
Không dừng lại ở đó, mạng người là như nhau, mất mát nào cũng đều đau
đớn, thế nên, khi chính quyền tổ chức tang lễ trang trọng cho 3 chiến sĩ
đã thiệt mạng thì cũng không nên ngăn cản, gây khó dễ người dân đến
viếng hay phúng điếu ông Lê Đình Kình. (Được biệt, hiện tại Bộ Công an
đã dùng áp lực và yêu cầu ngân hàng Vietcombank phong tỏa tài khoản
phúng điếu ông Lê Đình Kình của người dân có đúng luật và đạo lý nghĩa
tử và ngĩa tận của người Việt không?). Nên nhớ rằng, nước mắt của thường
dân hay vua quan đều có vị mặn như nhau và máu của tất cả đều là màu đỏ.
Một khi chính quyền dùng đến bạo lực để giải quyết tranh chấp dân sự
thông thường với người dân và để lại hậu quả rất bi thảm thì trước hết
chính quyền phải tự soi xét, kiểm điểm lại mình. Không đủ dũng khí để
thừa nhận những quyết sách sai lầm của mình và tìm mọi cách để đổ hết
tội lỗi lên đầu người dân thì có khác gì cố tình xuyên tạc sự thật; còn
tuyên truyền một chiều nhằm mục đích bôi đen và “cướp đi nhân tính” của
người khác thì chắc chắn đó là hành vi của những kẻ lừa bịp, xảo biện.
Quan chức, lãnh đạo trong một nhà nước pháp quyền “của dân, do dân và vì
dân” không ai ứng xử, hành xử như thế. Đó hoàn toàn không phải là cách
để xoa dịu vết thương cho hai bên để hóa giải hận thù và hòa hợp dân
tộc.
Vậy nên, từ giác độ văn hóa, có thể nói, thảm kịch Đồng Tâm tuy là có
thể tránh nhưng nó đã xảy ra thì suy cho cùng cũng là một hệ quả tất
yếu. Bởi thảm kịch này không chỉ cho thấy sự khủng hoảng niềm tin sâu
sắc giữa chính quyền và người dân mà sâu xa hơn nó còn là sự khủng hoảng
về thiên lương, thiên tính của người Việt trong xã hội hôm nay. Sự khủng
hoảng về thiên lương, thiên tính này trước hết phải kể đến những người
trong hàng ngũ của bộ máy lãnh đạo và chính quyền, nhà nước. Hay nói
khác đi, việc không chịu kiên trì đối thoại và nhất là quyết tâm sử dụng
bạo lực của chính quyền và công an Hà Nội để xử lý vụ việc này đã phản
ánh rất rõ cái tâm lý cùng cách hành xử “cả vú lấp miệng em” vốn đã ăn
vào máu của hệ thống lãnh đạo, chính quyền hiện nay. Ở phương diện nào
đó, nó còn là một biểu hiện khác của căn bệnh “kiêu ngạo cộng sản” (lúc
nào cũng tự cho mình là “tài tình và sáng suốt”; chỉ có đúng không có
sai; hay khi có biến cố nào đó xảy ra đều đổ cho các thế lực thù địch để
phủi trách nhiệm) vì trước đó đã có quá nhiều sự vụ tranh chấp tương tự
đã xảy ra như vụ Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng, vụ Đặng Ngọc Viết ở Thái
Bình, vụ Đặng Văn Hiến ở Đắk Nông, và song song là vụ Thủ Thiêm, vườn
rau Lộc Hưng ở Sài Gòn… nhưng không bao giờ chân thành, cầu thị để rút
kinh nghiệm và sửa sai. Ở một phương diện khác, ngay sau khi vụ Đồng Tâm
xảy ra, tôi được biết trên trang cá nhân một nhà báo gạo cội nọ rất
nhanh nhảu "phán" một câu như thánh sống rằng: "Dân túy nhỡn tiền". Câu
nói này có ngụ ý rằng thảm kịch Đồng Tâm có nguyên nhân từ những những
người lâu nay ủng hộ người dân Đồng Tâm theo kiểu “dân túy”. Tôi, lúc
đầu chỉ thấy buồn cười nhưng sau đó thì thấy kinh sợ cho sự vô cảm và đa
nhân cách của nhà báo này. Với tôi, đây cũng là một "kiểu người" cầm
bút, có chút "chữ nghĩa" đầy dẫy trong xã hội Việt Nam hôm nay! Sự phân
hóa, chia rẽ rất sâu sắc và khủng khiếp của người Việt hôm nay (không
chỉ qua sự kiện Đồng Tâm mà nhiều sự vụ trước đó nữa) theo tôi phần lớn
cũng từ những "kiểu người" như thế này mà ra. Cả đời viết lách, làm báo
– như một công cụ tuyên truyền không hơn không kém cho “Đảng ta” và
chính quyền này mà đổ thừa và chối bỏ tính “dân túy” bằng cách nói đầy
mai mỉa như thế thì có phải là rất mâu thuẫn và buồn cười không? Từ đây,
nói cho công bằng thì sự khủng hoảng thiên lương, thiên tính của người
Việt hôm nay ngoài đội ngũ quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền
thì “kiểu người” cầm bút có chút chữ nghĩa như nhà báo này cũng là nhân
tố góp phần làm cho xã hội Việt Nam hôm nay thêm suy đồi và băng hoại.
Thảm kịch ở Đồng Tâm, nói cho cùng cũng có phần đóng góp rất lớn của họ.
Vì sao? Vì đa phần họ tuy có kiến thức, có hiểu biết và nhất là sống
bằng nghề chữ nghĩa nhưng lại tự đầu độc và bị chính quyền này đầu độc
bằng cái danh “nhà báo cách mạng” rất “đặc thù”, không giống ai. Đến nỗi
họ không còn biết đâu là lương tâm và trách nhiệm của mình. Họ là những
nhà báo thấy hết sự thật, biết rõ sự thật nhưng vẫn kiên định lập trường
phục vụ cho sự giả dối bằng những thủ thuật viết lách rất tinh vi. Vì
thế, nếu nói về sự độc ác và tàn nhẫn của họ thì theo tôi, những người
dân Đồng Tâm trong cuộc “giao chiến” làm 3 chiến sĩ công an thiệt mạng
vừa rồi chưa chắc đã bằng.
3. Thay lời kết
Trong vai trò và cương vị của người
đứng đầu Đảng và Nhà nước, chắc chắn đêm giao thừa năm nay ông Nguyễn
Phú Trọng – Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước sẽ xuất hiện trên truyền hình
để chúc Tết toàn thể đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước. Từ khi thảm
kịch Đồng Tâm xảy ra, ngoài việc bị ám ảnh về cái chết của 3 chiến sĩ
cảnh sát và ông Lê Đình Kình không hiểu sao đầu óc tôi lúc nào cũng quẩn
quanh câu hỏi: năm nay không biết ban thư ký và cá nhân ông Trọng sẽ
viết gì và chúc gì đến toàn thể quốc dân đồng bào (trong đó đương nhiên
có thân nhân gia đình ông Lê Đình Kình)? Tôi biết ông Trọng vốn xuất
thân từ dân văn chương chữ nghĩa và tôi vẫn còn nhớ giao thừa nằm trước,
trước khi kết thúc bài chúc Tết của mình, ông Trọng đã mượn ý thơ của
Chủ tịch Hồ Chí Minh để phóng tác lại thành mây câu vần vèo như sau:
“Xuân này hơn hẳn
mấy xuân qua
Thắng lợi tin vui
khắp mọi nhà
Cả nước hân hoan
mừng xuân mới
Khải hoàn ta viết
tiếp bài ca”
[1] Tuy nhiên, năm nay với thảm kịch Đồng Tâm vừa mới
xảy ra và trước đó là sự kiện 39 “thùng nhân” thiệt mạng trên đường vượt
biên sang Anh để mưu sinh, tôi không biết ông Trọng có tiếp tục ca “khúc
hải hoàn” nữa hay không? Nói gì thì nói, tôi nghĩ đã làm người thì phải
biết tôn trọng và chấp nhận sự thật dù đó là những sự thật cay đắng và
phũ phàng nhất. Ngoài ra, nói như Giáo sư Ngô Bảo Châu là:
“Phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít
nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển
vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.”[2] Vậy nên, năm nay nếu có chúc gì đó với đồng bào
tôi chỉ cầu mong và hy vọng ông Trọng đừng lặp lại câu nói mà thời gian
qua đi đâu ông cũng mang ra nói:
“Có bao giờ đất nước ta có được cơ đồ như hôm nay!?”. Được vậy, tôi
nghĩ vong linh 39 “thùng nhân” cùng 3 chiến sĩ công an và cụ ông Lê Đình
Kình 84 tuổi vừa mới mất nếu linh thiêng mà nghe được cũng sẽ bớt ngậm
ngùi và biết đâu sẽ mau chóng siêu thoát hơn chăng? ------- Chú thích nguồn tham khảo:
[1]
“Lời chúc tết xuân Kỷ Hợi 2019
của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng”.
https://tuoitre.vn/loi-chuc-tet-xuan-ky-hoi-2019-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-20190205001942703.htm
[2].
“Giáo sư Ngô Bảo Châu: Bạn trẻ vẫn đầy niềm tin tương lai”.
http://tuoitre.vn/Giao-duc/474615/Giao-su-Ngo-Bao-Chau-Ban-tre-van-day-niem-tin-tuong-lai.html
CT, 20/1/2020
(26 tháng Chạp năm
Kỷ Hợi)
Q.H.N
|